Mục lục
Căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu
Tác giả: ThS. Châu Thị Vân
TÓM TẮT
Bài viết phân tích các căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu, nêu lên những điểm chưa hoàn thiện của các căn cứ này đồng thời đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Xem thêm về “Xác lập quyền sở hữu“:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài và vấn đề xác lập quyền sử dụng đất để kinh doanh bất động sản tại Việt Nam – TS. Đặng Anh Quân
Bộ luật Dân sự hiện hành đưa ra nhiều căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với vật: xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu (Điều 228); xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên (Điều 230); xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm (Điều 229); xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc (Điều 231); xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thaất lạc (Điều 232); xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước (Điều 233). Trong các căn cứ nói trên, tài sản với tư cách là đối tượng để xác lập quyền sở hữu xuất hiện từ những điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng đều có điểm chung là tại thời điểm xác lập quyền sở hữu, người ta không xác định được chủ sở hữu của các tài sản đó là ai. Do đó, ta có thể tạm gọi đó là những tài sản không xác định được chủ sở hữu.
Trong thời gian qua, nước ta có hai vụ việc xảy ra mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải vận dụng các quy định pháp luật về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật không xác định được chủ sở hữu để giải quyết cho phép người phát hiện ra vật được xác lập quyền sở hữu. Vụ việc thứ nhất: chị mua bán ve chai nhặt được 5 triệu Yên Nhật để quên trong thùng loa cũ.[1] Vụ việc thứ hai: chị công nhân nhà máy rác nhặt được khoảng 5 lượng vàng trong quá trình xử lý rác thải ở Cà Mau. [2] Quá trình vận dụng luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết hai vụ việc trên đã đặt ra nhiều vấn đề trong việc hiểu, vận dụng và hoàn thiện các quy định pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với vật không xác định được chủ sở hữu ở nước ta.
Trong vụ việc thứ nhất, chị ve chai nhặt được 5 triệu Yên Nhật để quên trong thùng loa cũ, cơ quan chức năng đã xác định đây là tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu và áp dụng Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương đương với Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015) để xử lý. Vụ việc thứ hai, chị công nhân nhà máy rác nhặt được vàng trong quá trình xử lý rác tại nhà máy thì cơ quan chức năng lại áp dụng Điều 241 Bô luật Dân sự 2005 (tương đương với Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015) để xác lập quyền sở hữu đối với vật bị đánh rơi, bị bỏ quên. Trong hai vụ việc nói trên, liệu cơ quan chức năng đã áp dụng đúng theo quy định của pháp luật chưa? Căn cứ vào đâu để cơ quan chức năng xác định 5 triệu Yên Nhật để quên trong thùng loa cũ là tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu? Còn 5 lượng vàng chị công nhân nhà máy rác, tại sao lại được xác định là vật bị đánh rơi, bỏ quên mà không phải là tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu? Trả lời được các câu hỏi này rất quan trọng vì cách thức xử lý hai trường hợp này là khác nhau, và quyền lợi mà những người có liên quan được hưởng cũng khác nhau.
Xem thêm về “Quyền sở hữu” và “Chủ sở hữu“
- Vấn đề quyền sở hữu đối với nhà chung cư – ThS. Lê Văn Hiển
- Nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu sáng chế và cộng đồng trong bảo hộ sáng chế – ThS. Nguyễn Phương Thảo & ThS. Lê Khả Luận
1. Thực trạng pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản không xác định được chủ sở hữu
1.1. Chưa có giải thích chính thức về các khái niệm tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm được tìm thấy
Để có thể áp dụng đúng các quy định của pháp luật nói chung và các quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu nói riêng, chúng ta phải hiểu đúng các thuật ngữ và khái niệm được sử dụng trong pháp luật. Có nhiều cách để hiểu đúng một thuật ngữ, một khái niệm được sử dụng trong pháp luật như cách hiểu dựa vào sự giải thích của luật, cách hiểu dựa vào nghĩa từ điển của thuật ngữ hoặc khái niệm, cách hiểu dựa vào ngữ cảnh, mối quan hệ giữa thuật ngữ, khái niệm đó với những thuật ngữ, khái niệm khác, cách hiểu dựa trên sự giải thích, áp dụng luật của những người áp dụng luật có thẩm quyền… Ở đây, chúng ta sẽ giải thích các thuật ngữ và khái niệm dựa vào tổng thể các cách nói trên.
Tài sản vô chủ: Đây là khái niệm duy nhất trong các khái niệm nói trên được giải thích trong luật. Theo khoản 1, Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015 “tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó”. Dựa vào quy định của pháp luật ta có thể hiểu rằng một tài sản chỉ được coi là tài sản vô chủ khi chúng ta biết được chắc chắn rằng chủ sở hữu tài sản đã từ bỏ nó một cách công khai bằng một tuyên bố mà ai cũng có thể thấy được.
Tài sản không xác định được chủ sở hữu: Luật không giải thích thế nào là tài sản không xác định được chủ sở hữu. Có thể hiểu không xác định được chủ sở hữu nghĩa là chúng ta không biết ai là chủ sở hữu hoặc không có căn cứ nào để xác định được chủ sở hữu tài sản là ai hoặc ở đâu. Ngoài những vật mà chủ sở hữu từ bỏ, thì những vật khác thoát ra khỏi tầm kiểm soát của chủ sở hữu bằng cách nào đó để xuất hiện nơi công cộng cũng có thể được coi là tài sản không xác định được chủ sở hữu. Ví dụ, điện thoại bị chủ sở hữu làm rơi trên đường, dây chuyền bị bọn cướp giật sau đó bọn cướp lại làm rơi dây chuyền ở một nơi khác. Với cách quy định này, thì tất cả các vật xuất hiện ở nơi công cộng mà với những nỗ lực cần thiết, người tìm thấy vật đó cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn không xác định được nó thuộc về ai thì được coi là vật không xác định được chủ sở hữu.
Tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên: Luật dân sự hiện hành không giải thích thế nào là tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên. Tác giả lựa chọn cách thức giải thích thuật ngữ này theo từ điển “đánh rơi” nghĩa là để cho bị rơi, bị mất do vô ý. [3] Cũng theo nghĩa từ điển, “bỏ quên”: được kết hợp bởi hai từ là bỏ và quên. Trong đó, “bỏ” là để vào một nơi nào đó nhằm mục đích nhất định và “quên” là không còn nhớ, không còn nghĩ tới nữa.[4]
Như vậy, tài sản được coi là bị đánh rơi, bị bỏ quên khi tài sản đang ở trong tình trạng được sử dụng bình thường và sau đó không nằm trong tầm kiểm soát của chủ sở hữu nữa, và điều này xảy ra ngoài ý muốn của chủ sở hữu. Hơn nữa, vì nó đang được chủ sở hữu sử dụng bình thường trước khi bị đánh rơi, bị bỏ quên nên tài sản được cho là bị đánh rơi, bị bỏ quên thường là những vật có kích thước nhỏ có thể nắm giữ trong tầm tay…[5] Hơn nữa, một vật còn giá trị sử dụng, xuất hiện ở không gian công cộng nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thì rất nhiều khả năng đó là một vật bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên. Theo cách hiểu này, tài sản bị đánh rơi bỏ quên cũng được coi là tài sản không xác định được chủ sở hữu.
Vật bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm:
So với Điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy thì Điều 229 Bộ luật Dân sự có những thay đổi theo hướng tích cực và phù hợp hơn. Điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy. Điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thay chữ “vật” bằng chữ “tài sản”. Sự sửa đổi này là phù hợp bởi vì các tài sản xuất hiện trong hoàn cảnh bị chôn giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm được tìm thấy có thể không chỉ là vật mà còn là tiền, vàng, ngoại tệ hoặc giấy tờ có giá. Điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng tách cụm từ “chôn giấu” thành hai căn cứ riêng biệt là chôn và giấu. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với vì “có trường hợp không chôn nhưng có giấu như vụ nhặt được tiền trong thùng loa cũ của chị ve chai”.[6] Tuy điều luật nói trên đã có những sự thay đổi tích cực như vậy nhưng những thuật ngữ có liên quan vẫn chưa được giải thích một cách cặn kẽ dù các căn cứ trong tình huống này đều dẫn đến những cách hiểu cụ thể khác nhau. Theo nghĩa từ điển thì các hoàn cảnh nói trên có thể được hiểu như sau: “chôn là cho vào lỗ đào trong đất và lấp lại”; giấu “là để vào nơi kín đáo để người khác không nhìn thấy được, không tìm ra được”.[7] Đối với các trường hợp tài sản bị vùi lấp, chìm đắm thì các khái niệm “vùi lấp”, “chìm đắm” là những từ tượng hình. Thông qua tính tượng hình của từ, người đọc đều có thể liên tưởng đến đến hoàn cảnh của một tài sản khi được tìm thấy. Bị vùi lấp làm ta liên tưởng đến tài sản bị đất cát hoặc những thứ khác phủ kín đi; còn cụm từ “chìm đắm” lại giúp chúng ta liên tưởng đến việc tài sản ở sâu dưới lòng sông, lòng hồ, lòng biển. Sự xuất hiện của tài sản trong các trường hợp đó đều có thể theo ý chí của chủ sở hữu hoặc không theo ý chí của chủ sở hữu.
Trên cơ sở diễn giải về nghĩa của các thuật ngữ nói trên, có thể đưa ra một số nhận xét sau đây:
Một là, luật dân sự chưa có sự giải thích một cách chính thức cách hiểu các thuật ngữ như là tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn dấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm. Do đó, việc vận dụng các quy định pháp luật có liên quan để giải quyết các tình huống đặt ra từ thực tiễn được thực hiện dựa vào cách hiểu của cơ quan và người có thẩm quyền.
Hai là, luật dân sự có giải thích khái niệm tài sản vô chủ nhưng sự giải thích này chưa chính xác, chưa hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng vật vô chủ còn là những động vật, thực vật sống trong môi trường tự nhiên, chưa được xác lập quyền sở hữu bởi bất kỳ ai.[8]
Ba là, các khái niệm này có những miền chồng lấn lên nhau. Theo ý kiến của tác giả thì “tài sản không rõ chủ sở hữu” là khái niệm có thể bao trùm lên tất cả các tất cả các trường hợp cụ thể như tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm. Bởi vì, cho dù tài sản đó được tìm thấy trong hoàn cảnh nào hay nguồn gốc dẫn đến sự xuất hiện của tài sản đó ra sao thì đến cuối cùng, các tài sản đó đều có một điểm chung là không thể xác định được ai là chủ sở hữu.
Bốn là, việc quy định nhiều căn cứ để xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản có bản chất là tài sản không rõ chủ sở hữu dẫn đến nguy cơ cùng một sự việc nhưng có thể vận dụng những điều luật khác nhau để giải quyết, áp dụng điều này cũng được hay áp dụng điều kia cũng không sai. Ví dụ: A thấy một số tiền lớn ở nơi công cộng. Vì không ai biết số tiền là của ai, kể cả sau khi đã thông báo công khai tìm kiếm chủ sở hữu cũng không xác định được chủ sở hữu nên có thể coi đây là tài sản không xác định được chủ sở hữu và áp dụng Điều 228 để xác lập quyền sở hữu cho người phát hiện. Nhưng người khác có thể lập luận rằng tiền là tài sản có giá trị, nếu nó rời khỏi chủ sở hữu thì chắc chắn rằng nằm ngoài ý chí của chủ sở hữu, thuộc trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên. Cả hai lập luận đều có lý của nó. Ngay cả trong trường hợp tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, theo quy định của pháp luật, người phát hiện vẫn phải thông báo công khai để tìm chủ sở hữu. Nếu sau một thời hạn thông báo công khai mà vẫn không tìm thấy chủ sở hữu thì tài sản đó cũng hoàn toàn có thể được coi là tài sản không xác định được chủ sở hữu.
1.2. Quy tắc xác lập quyền sở hữu đối với các vật không xác định được chủ sở hữu là khác nhau
Dù đều là vật không xác định được chủ sở hữu nhưng luật dân sự lại quy định những quy tắc xác lập quyền sở hữu đối với các vật đó là khác nhau. Chẳng hạn, nếu tài sản không xác định được chủ sở hữu là động sản thì người phát hiện tài sản có quyền xác lập quyền sở hữu đối với động sản đó; nếu tài sản vô chủ là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về nhà nước, người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.[9] Nếu tài sản không xác định được chủ sở hữu là vật bị đánh rơi, bỏ quên thì cách xử lý hoàn toàn khác. Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó; trường hợp tài sản đó có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước. Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì tài sản đó thuộc về Nhà nước, người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.[10] Trường hợp tài sản không xác định được chủ sở hữu là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm thì quy tắc xác lập quyền sở hữu cũng tương đối khác. Nếu tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm là tài sản thuộc di tích lịch sử, văn hóa thì thuộc về Nhà nước, người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật, còn nếu tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử văn hóa thì nếu nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50 % giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần còn lại thuộc về Nhà nước.[11]
2. Kiến nghị
Như trên đã phân tích, các căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản hiện hành vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện. Tác giả cho rằng, có thể có nhiều phương án để khắc phục những điểm chưa hoàn thiện đã nêu. Phương án ít tạo ra sự xáo trộn nhất là giải thích cụ thể các khái niệm có liên quan đến các căn cứ xác lập quyền sở hữu hiện có. Ngoài phương án đó, tác giả đề xuất một sự thay đổi mang tính toàn diện hơn, có khả năng rút gọn các quy định pháp luật hiện hành.
Một là, dùng khái niệm tài sản không xác định được chủ sở hữu thay thế cho tất cả các khái niệm tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm.
Trong tất cả các khái niệm mà luật đã sử dụng, thì khái niệm tài sản không xác định được chủ sở hữu là khái niệm rộng nhất, bao trùm lên tất cả các khái niệm khác. Tài sản không xác định được chủ sở hữu sẽ là khái niệm dùng để chỉ tình trạng của một tài sản, xuất hiện ở một nơi bất kỳ mà người phát hiện ra tài sản đó cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xác định được chủ sở hữu của tài sản đó là ai. Ở đây, chúng ta cũng nên hiểu rằng, việc xác định chủ sở hữu của tài sản là điều cần thiết khi một tài sản xuất hiện ở nơi nào đó mà người khác không thể biết chủ sở hữu tài sản đó là ai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không thể xác định được đó là tài sản của ai. Sức mạnh của quyền sở hữu cho phép chủ sở hữu dù không đang trực tiếp nắm giữ, quản lý tài sản nhưng người khác vẫn phải tôn trọng quyền của chủ sở hữu. Và khi tài sản rời khỏi tầm kiểm soát của chủ sở hữu để xuất hiện tại một nơi nào đó thì người phát hiện ra tài sản và cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn phải có ý thức tôn trọng quyền của chủ sở hữu, ưu tiên cho chủ sở hữu có quyền được xác định tài sản đã thất lạc là tài sản của mình. Nhưng sự ưu tiên này cũng chỉ nên tồn tại trong một thời hạn nhất định và thời hạn này phải hợp lý để tránh trường hợp tài sản bị hư hỏng, bị giảm sút giá trị sử dụng hoặc những người không phải là chủ sở hữu tài sản cứ lợi dụng thời hạn để yêu cầu xác định mình là chủ sở hữu tài sản làm mất thời gian của các chủ thể có liên quan. Theo các quy định pháp luật hiện hành trong việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu, thời hạn để chủ sở hữu có thể tìm kiếm tài sản của mình là 1 năm đối với tài sản là động sản và 5 năm đối với các tài sản là bất động sản. Thời hạn này đã khá hợp lý cho chủ sở hữu tìm kiếm lại tài sản đã thất lạc của mình nên khi sửa đổi luật không cần phải sửa lại thời hạn này. Dựa trên những phân tích nói trên, luật dân sự nên quy định căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản không xác định được chủ sở hữu như sau:
“1. Tài sản không xác định được chủ sở hữu là tài sản xuất hiện ở một nơi nào đó mà người phát hiện tài sản cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thể biết chủ sở hữu là ai hoặc không thể xác định được chủ sở hữu.
2. Tài sản không xác định được chủ sở hữu bao gồm tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm được tìm thấy.”
Hai là, thống nhất các quy tắc để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu
Quy tắc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu hiện nay được xây dựng dựa trên bốn tiêu chí: (i) hoàn cảnh xuất hiện của tài sản (tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, hay tài sản vô chủ, hay tài sản bị chôn giấu, chìm đắm, bị vùi lấp); (ii) loại tài sản là động sản hoặc bất động sản; (iii) tài sản là di tích lịch sử văn hóa hoặc tài sản không phải là di tích lịch sử văn hóa; (iv) giá trị tài sản được phát hiện.
Khi coi các tài sản dù ở hoàn cảnh xuất hiện ra sao nhưng đến cuối cùng đều là tài sản không xác định được chủ sở hữu thì chúng ta cũng nên thống nhất quy tắc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó. Trong đoạn trước, chúng ta đã thừa nhận rằng dù các tài sản xuất hiện ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là tài sản không xác định được chủ sở hữu cho nên việc thống nhất quy tắc xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản đó là cần thiết. Trong các tiêu chí để xây dựng quy tắc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu nói trên thì tiêu chí về hoàn cảnh xuất hiện tài sản là tiêu chí vô lý, cần phải bị loại bỏ. Thật khó để giải thích thuyết phục rằng tại sao ở vụ việc thứ nhất, chị mua bán ve chai được hưởng toàn bộ số tiền nhặt được trong thùng loa cũ sau khi đã đóng thuế cho Nhà nước; ở vụ việc thứ hai, chị công nhân vệ sinh môi trường lại chỉ được hưởng số tiền bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% của số tiền nhiều hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Hơn nữa, trong tiêu chí về giá trị tài sản, Điều 229, Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định Nhà nước được hưởng đối với 50% số tiền cao hơn 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định là không hợp lý, không có cơ sở. Nếu Nhà nước thấy cần phải có lợi ích khi cho phép các chủ thể xác lập quyền sở hữu các tài sản không xác định được chủ sở hữu có giá trị tài sản lớn, thì lợi ích của nhà nước trong trường hợp này chỉ nên xác định thông qua việc đánh thuế khoản thu nhập không thường xuyên của người dân thông qua luật thuế là hợp lý.
Trên cơ sở những phân tích nói trên, điều luật về quy tắc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu nên có các nội dung:
“1. Người phát hiện ra tài sản không xác định được chủ sở hữu phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường hoặc cơ quan công an nơi gần nhất về việc phát hiện ra tài sản không xác định được chủ sở hữu. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường hoặc cơ quan công an nơi nhận được thông báo về tài sản không xác định được chủ sở hữu phải thông báo công khai để tìm kiếm chủ sở hữu tài sản.
2. Thời hạn để tìm kiếm và xác định chủ sở hữu của tài sản không xác định được chủ sở hữu là 1 năm đối với động sản và 5 năm đối với bất động sản.
3. Nếu hết thời hạn tìm kiếm và xác định chủ sở hữu nói trên mà không thể xác định được chủ sở hữu tài sản thì tài sản được xử lý như sau:
– Nếu tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định thì tài sản đó thuộc về người phát hiện.
– Nếu tài sản có giá trị lớn hơn 10 tháng cơ sở do nhà nước quy định thì người phát hiện được hưởng một phần bằng là 10 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định mà không phải nộp thuế. Phần giá trị lớn hơn 10 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định người phát hiện chỉ được xác lập quyền sở hữu sau khi đã đóng thuế cho nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế.
– Tài sản không xác định được chủ sở hữu nếu là di tích lịch sử văn hóa thì thuộc về nhà nước, người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”.
CHÚ THÍCH
[1] An Nhơn, “Người mua ve chai tìm thấy 5 triệu Yên Nhật trong thùng loa cũ”, Báo điện tử Vnexpress,.https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-mua-ve-chai-tim-thay-5-trieu-yen-trong-thung-loa-cu-2967761.html, truy cập ngày 20/5/2017.
[2] Duy Nhân, “ Nhặt được vàng: Quá rắc rối”, Báo điện tử Người lao động, http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhat-duoc-vang-qua-rac-roi-20150902215953142.htm, truy cập ngày 20/5/2017.
[3] Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy, Nguyễn Đức Dương, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, 2005, tr. 514.
[4] Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy, Nguyễn Đức Dương, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, 2005, tr. 1322
[5] Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình Luật dân sự tập 11, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 226.
[6] Đỗ Văn Đại (chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2016, tr. 244.
[7] Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy, Nguyễn Đức Dương, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, 2005, tr. 681.
[8] Xem thêm Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình Luật dân sự tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 223; Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Công an nhân dân, 2016, tr. 376
[9] Khoản 1, Điều 228, Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
[10] Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015
[11] Điều 229 của Bộ luật Dân sự năm 2015
- Tác giả: ThS. Châu Thị Vân
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 01(113)/2018 – 2018, Trang 33-38
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời