• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm

Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm

02/05/2020 02/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Pháp luật Việt Nam về bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm
    • 1.1. Quy định của pháp luật Việt Nam
    • 1.2. Thực tiễn xét xử ở Việt Nam
  • 2. Những trường hợp được bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm trong pháp luật một số quốc gia
    • 2.1. Hoa Kỳ
    • 2.2. New Zealand
    • 2.3. Canada
    • 2.4. Pháp
  • 3. Sự cần thiết phải thừa nhận bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm ở Việt Nam
    • (i) Cơ sở lý luận
    • (ii) Cơ sở thực tiễn
  • 4. Kiến nghị
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài

  • Tác giả: Nguyễn Tấn Hoàng Hải
  • Tạp chí Khoa học pháp lý số 08(111)/2017 – 2017, Trang 34-41

TÓM TẮT

Khi xác định loại thiệt hại được bồi thường do uy tín, nhân phẩm, sức khỏe hay tính mạng bị xâm phạm, Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) thừa nhận cả việc bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tổn thất về tinh thần. Thế nhưng quy định liên quan đến vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần không được nhắc đến ở phần nội dung tài sản bị xâm phạm. Như vậy, khi tài sản bị xâm phạm có thể được bồi thường tổn thất về tinh thần hay không? Bài viết tìm hiểu vấn đề này thông qua việc nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia và đề xuất các kinh nghiệm cho Việt Nam.

ABSTRACT:

When determining the type of damage to be compensated due to damage to reputation, dignity, health or life, the 2015 Civil Code recognizes both compensation for material damage and for mental loss. However, provisions related to compensation for emotional distress damage are not mentioned in the consideration for damages of the infringed property. Therefore, the questions is whether or not compensation for infringed property can also include compensation for mental damage?This article discusses this issue by studying experiences of some countries and draws lessons for Vietnam.

TỪ KHÓA: kỷ vật, tổn thất về tinh thần, tài sản, thú cưng,

KEYWORDS: pets, emotional distress/ mental anguish, property, memorabilia,

Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm - kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài

1. Pháp luật Việt Nam về bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm

1.1. Quy định của pháp luật Việt Nam

Các quy định bồi thường tổn thất về tinh thần không được nhắc đến ở phần liên quan đến tài sản bị xâm phạm trong BLDS năm 1995 (Điều 612) và BLDS năm 2005 (Điều 608 – về cơ bản nhắc lại Điều 612 BLDS năm 1995) và BLDS năm 2015 (Điều 589). Theo Điều 589 BLDS năm 2015, trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm: “1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; 2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; 3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; 4. Thiệt hại khác do luật quy định” (phần in nghiêng có sự thay đổi so với BLDS năm 2005). Riêng Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có đề cập đến vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần khi có việc xâm phạm tới quyền sở hữu trí tuệ (một loại tài sản). Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 204 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 về thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: “thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng”.

Bài viết cùng số Tạp chí

  • Nhà nước kiến tạo phát triển – Những thách thức thể chế
  • Bảo đảm quyền của người nước ngoài khi bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
  • Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá – Một số bất cập và hướng hoàn thiện
  • Quyền hưởng dụng – Từ góc độ Pháp luật dân sự Pháp đến kinh nghiệm cho Việt Nam
  • [BÀI ĐANG XEM] Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài
  • Về một số vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
  • Tác động của quy định về tính tương đương trong chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu cá da trơn Việt Nam
  • Những nguyên tắc cơ bản trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS)
  • Đề xuất bổ sung các Nguyên lý quản lý nhà nước trong chương trình đào tạo môn học Luật Hành chính ở Việt Nam

Như vậy, từ góc độ văn bản, BLDS năm 2015 không quy định rõ khả năng bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm. Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ??? đã bước đầu ghi nhận khả năng bồi thường loại tổn thất này.

1.2. Thực tiễn xét xử ở Việt Nam

Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy không có khả năng bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm. Các vụ việc dưới đây cho thấy điều này:

Vụ tranh chấp giữa bà Ba và anh Tạo[1] về việc nhà bà Ba là nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1984. Trong quá trình sử dụng bà Ba có làm thêm gác gỗ, lát nền gạch bông. Năm 1999, anh Tạo ở kề bên nhà bà Ba xây nhà kiên cố. Từ khi anh Tạo xây nhà thì nhà bà Ba bị nứt tường, thủng ngói nhiều chỗ, gây nguy hiểm cho người ở. Bà Ba yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất. Bên cạnh đó, bà Ba còn yêu cầu anh Tạo phải bồi thường “thiệt hại về tinh thần 40.000.000 đồng”. Tòa cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà Ba về yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền 40.000.000 đồng. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm lại buộc anh Tạo, chị Đào phải bồi thường “thiệt hại về tinh thần là 10.000.000 đồng” cho bà Ba. Tuy nhiên, theo Tòa giám đốc thẩm: “Điều 612 Bộ luật Dân sự quy định về xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thì thiệt hại được bồi thường không có thiệt hại về tinh thần. Mặt khác bà Ba đề nghị bồi thường khoản này nhưng không có chứng cứ chứng minh, nhưng bản án phúc thẩm lại buộc anh Tạo, chị Đào bồi thường cho bà Ba thiệt hại về tinh thần 10.000.000 đồng là không đúng”.

Đây cũng là hướng giải quyết trong một vụ tranh chấp tương tự tại Thành phố Hồ Chí Minh, ở vụ việc này, bản án sơ thẩm đã chấp nhận giải quyết vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần nhưng bản án phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm và cho rằng Tòa sơ thẩm “không đưa ra được cơ sở quy định của pháp luật” và “bà Dung yêu cầu ông Nguyên bồi thường 3.000.000 đồng thiệt hại về tinh thần nhưng không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh”[2]. Gần đây nhất là vụ tranh chấp đòi 5.000 USD “tiền đau đớn” vì bị mất trộm theo Bản án số 564/2015/HS-PT ngày 03/11/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, vụ việc xảy ra vào tháng 5/2010 khi ông Steven thuê trọ lầu hai nhà Tiến (Quận 12) với giá 2.500.000 đồng/ tháng. Khi đến ở, ông Steven mang theo 14 đồng tiền vàng. Do ông Steven thiếu bốn tháng tiền nhà nên ông đã đưa cho Tiến một đồng tiền vàng để làm tin, khi nào có tiền trả sẽ lấy lại. Sau đó ông Steven vẫn không có tiền trả nên Tiến đã đem đồng tiền vàng này bán lấy 22.000.000 đồng. Vào tháng 12/ 2011, lợi dụng lúc ông Steven tắm không đóng cửa phòng trọ, Tiến lẻn vào lấy cắp tám đồng tiền vàng đem bán được 83.500.000 đồng. Đến tháng 6/ 2012, phát hiện bị mất trộm, ông Steven trình báo công an, khai bị mất 12 đồng tiền vàng. Tiến chỉ thừa nhận trộm tám đồng tiền vàng nhưng vẫn chấp nhận bồi thường cho ông Steven 240.000.000 đồng (tương đương 12 đồng tiền vàng). Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phạt Tiến ba năm tù treo. Sau đó ông Steven kháng cáo (quá hạn) yêu cầu tòa tăng hình phạt với Tiến, đồng thời yêu cầu tòa buộc Tiến bồi thường 5.000 USD “cho sự đau đớn và chịu đựng” vì vụ trộm mà Tiến gây ra. Tuy nhiên, liên quan đến yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần, Tòa án đã xét rằng “về phần trách nhiệm dân sự, theo đơn kháng cáo của ông Steven yêu cầu bị cáo bồi thường 5.000 USD cho sự đau đớn và chịu đựng về tinh thần, tại phiên tòa ông Steven vẫn giữ yêu cầu này, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu này không phù hợp với pháp luật Việt Nam nên không có căn cứ chấp nhận”.[3]

Như vậy, qua một số vụ việc nêu trên có thể thấy rằng vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần cũng được bên bị thiệt hại yêu cầu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định nào thừa nhận cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm. Chính vì thế, Tòa án lúc giải quyết tranh chấp phát sinh từ những vụ việc nêu trên cũng tỏ ra lúng túng khi không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để giải quyết cho các bên mặc dù trên thực tế các Tòa án cũng có hướng chấp nhận giải quyết yêu cầu về bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm.

2. Những trường hợp được bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm trong pháp luật một số quốc gia

2.1. Hoa Kỳ

Pháp luật của Hoa Kỳ có một giai đoạn trong lịch sử không muốn cho phép bồi thường thiệt hại cho “đau đớn tinh thần và đau khổ”.[4] Lý luận mạnh mẽ nhất cho điều này nằm ở giả định của tòa khi cho rằng một số lượng lớn khiếu nại và kiện tụng có thể xảy ra. Không những vậy, thực tế là những thiệt hại này không hữu hình và tồn tại một trách nhiệm không thể đoán trước đối với bị đơn dựa trên những yêu sách đặc biệt về giá trị đối với chủ sở hữu.[5] Tòa án có lập trường không cho phép cho việc bồi thường các thiệt hại phi kinh tế đã dựa trên các quyết định của họ về khoa học, chính sách công và lý luận hợp pháp tồn tại hàng thế kỷ trước và do đó không phù hợp với thời hiện đại.[6] (câu này viết lại, quá tối nghĩa) Hiện nay vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm đã được chấp nhận ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ, có thể được nhận thấy thông qua các án lệ sau:

(i) Khi xâm phạm đến kỷ vật (memorabilia), vật gia truyền (heirlooms)

Đối với trường hợp tài sản bị xâm phạm là kỷ vật hoặc vật gia truyền đã có một số tiểu bang chấp nhận đối với yêu cầu đòi bồi thường tổn thất về tinh thần.[7] Theo đó, chủ sở hữu tài sản có thể tìm kiếm những thiệt hại về tình cảm đối với việc các tài sản là vật gia truyền hoặc kỷ vật bị mất hoặc bị hủy hoại. Điều này dựa trên lý thuyết cho rằng, không giống bất kỳ loại tài sản cá nhân nào khác, kỷ vật và vật gia truyền không bao giờ có giá trị thị trường hoặc chức năng phục vụ cho chủ sở hữu, chúng chỉ được giữ lại vì lý do tình cảm và không thể thay thế bằng bất cứ điều gì tương tự.[8] Cách đây một thế kỷ, người ta nhận ra rằng đã có án lệ cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần khi những hình ảnh gia đình hoặc vật gia truyền bị xâm phạm.[9] Cho đến ngày nay, cũng đã có nhiều vụ tranh chấp liên quan đến nội dung này được các Tòa án đưa ra xét xử trên thực tế:

Trong Edmonds v. United States, 563 F.Supp.2d 196,204 (D.D.C. 2008): nguyên đơn Edmonds – một cựu nhân viên liên bang đã kiện bị đơn, người chủ cũ của mình (Chính phủ), cho hành vi cố ý xâm phạm theo Đạo Luật Liên Bang Tort Claims, 28 U.S.C.S.2671-2680. Các nhân viên bị cáo buộc rằng khi cô bị sa thải cô không được phép lấy tài sản cá nhân của mình. Do đó, Chính phủ đã cố tình tước đoạt ba tấm ảnh của cha cô (Tiến sĩ Deniz) mà lẽ ra chúng thuộc về cô. Chính phủ đã không tranh cãi trách nhiệm đối với yêu cầu cho sự mất mát của ba bức ảnh, nhưng tranh cãi về số thiệt hại để được trao cho cô Edmonds về sự mất mát của ba bức ảnh này. Nguyên đơn đã chứng minh về vai trò vô cùng quan trọng của bức ảnh thứ nhất và thứ hai đối với cuộc sống của cô. Bức ảnh thứ ba được chụp tại đám cưới của cô vào năm 1992. Trong khi các nhân viên khẳng định không có bất kỳ giá trị đặc biệt đối với cả ba bức ảnh, cô đã chứng minh rằng bức ảnh thứ nhất và bức ảnh thứ hai có giá trị đặc biệt với cô ấy. Những hình ảnh này có ý nghĩa đặc biệt đối với cô vì chúng ghi lại những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của cha cô.[10] Chính những bức ảnh này đã giúp cho cô ở được gần cha cô hơn và cô đã xem ông như là hình mẫu cho cuộc sống của mình sau khi ông qua đời. Cô khai rằng: “Cuộc sống của ông và cách mà ông đã vượt qua những khó khăn, thử thách là hình mẫu để tôi hướng tới, tôi đã học được bài họcđó là không bao giờ được bỏ cuộc và phải làm việc chăm chỉ cho những thứ quan trọng… Vì vậy, nó định hướng toàn bộ lối sống, quan điểm của riêng tôi”. Chính vì thế, khi những bức ảnh này bị mất đi, cô đã có những tổn thất rất lớn về mặt tinh thần. Vấn đề bồi thường thiệt hại đã được Tòa án xét xử vào ngày 20/5/2008. Tòa án kết luận rằng Chính phủ phải bồi thường thiệt hại cho cô Edmonds để bù đắp cho những giá trị đặc biệt về mặt tinh thần của hai hình ảnh đầu tiên bị mất và để bù đắp cho những giá trị danh nghĩa của bức ảnh thứ ba. Phán quyết đã chấp nhận cho cô nhân viên Edmonds số tiền được bồi thường thiệt hại là $ 5.005. Theo đó, Tòa án cho rằng bức ảnh thứ nhất và bức ảnh hai phải được định giá ở mức 2.500 USD mỗi bức ảnh. Cô Edmonds đã không chứng minh về giá trị đặc biệt nào với bức ảnh thứ ba. Do đó, Tòa án yêu cầu đền bù thiệt hại danh nghĩa là 5 đô la cho việc mất bức ảnh thứ ba.

Ngoài ra, còn rất nhiều những án lệ liên quan đến trường hợp kỷ vật, vật gia truyền bị xâm phạm được xét xử với kết quả đều theo hướng chấp nhận bồi thường tổn thất về tinh thần khi những tài sản này bị xâm phạm.[11]

(ii) Khi thú cưng bị xâm phạm

Theo pháp luật, con chó cũng chỉ là một vật. Tuy nhiên, một số tòa công nhận rằng “vật nuôi không chỉ là một vật mà còn chiếm một vị trí đặc biệt đâu đó trong con người và một phần tài sản cá nhân”.[12] Vì vậy, nguyên tắc pháp lý này cũng đã có sự thay đổi ở một số bang của Hoa Kỳ. Sự thay đổi trong thái độ này được thể hiện bởi sự bằng lòng của Tòa án cho phép người khởi kiện được bồi thường tổn thất về tinh thần mà họ phải chịu đựng khi họ bị mất một con vật cưng vì hành vi cố ý hoặc cực kỳ hấp tấp/ thiếu thận trọng (malicious or extremely reckless acts). Các án lệ điển hình như:

Tại bang Hawaii: một gia đình được bồi thường $ 1.000 cho nỗi đau tinh thần mà họ phải chịu đựng khi con chó chín tuổi của họ đã chết vì kiệt sức do nóng sau khi nhân viên cơ quan nhà nước ở Hawaii bỏ nó lại trong thùng xe tải không thoáng khí dưới ánh mặt trời.[13] Tương tự, ở bang Florida, một gia đình đã khởi kiện và giành được $ 13.000 sau khi con chó của họ đã bị thương nặng trong một bệnh viện động vật ở Florida và sau đó đã bị chết. Con chó đã được đặt trên một miếng nệm nóng trong gần hai ngày mà không có sự chăm sóc, và bị bỏng rất nặng. Tòa án cho phép Ban hội thẩm, khi quyết định khoản tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình, để xem xét tổn thất về tinh thần của họ đã chịu đựng.[14] Một vài năm sau đó, một tòa án khác đã phán quyết rằng sự bồi thường như vậy là không được phép theo luật tiểu bang, mà đòi hỏi một chấn thương thể chất trước khi chấn thương tình cảm có thể được xem xét.[15]

Tại bang New York, một thẩm phán cũng đã đồng ý yêu cầu bồi thường $ 700 cho một người phụ nữ khi cô phát hiện xác ở trong quan tài là một con mèo chứ không phải là con chó của cô. Bệnh viện động vật nơi mà con chó đã chết dường như đã không cung cấp di hài của con chó đến tổ chức chuyên sắp xếp tang lễ. Các thẩm phán thấy rằng chủ sở hữu đã bị sốc, đau đớn về tinh thần, và chán nản do sự mất mát di hài của con chó.[16]

2.2. New Zealand

Tại New Zealand, điểm khởi đầu truyền thống của các tòa án trong việc gán một giá trị cho tài sản là thú cưng bị thương tích hoặc chết chính là “giá trị thị trường của con vật đó”. Tuy nhiên, gần đây tại New Zealand hai vụ án hình sự có sự thay đổi bằng cách cho phép bồi thường tổn hại về tinh thần cho chủ sở hữu động vật xuất phát từ hành vi thiếu thận trọng và/ hoặc cố ý xâm phạm đến động vật.

Một người đàn ông liều lĩnh ném một con chó nhỏ của người hàng xóm vào một thân cây khiến cho nó bị chết. Thẩm phán Dominic Flatley tại Tòa án quận Queenstown đã thiết lập một cách khách quan chứ không phải là một kiểm tra chủ quan liên quan đến các sự cố thương tích và tử vong của động vật bằng cách tuyên bố “ông có thể không có ý định giết nó ông Spittle nhưng ông hoàn toàn không quan tâm đến hậu quả của hành vi mà ông gây ra hay ông không được làm như vậy”. Giải quyết vấn đề của người bị kiện để trả tiền cho con chó, thẩm phán cũng nói rõ rằng cảm xúc của chủ sở hữu là tiêu chí thích hợp để tòa án xem xét bằng cách nói “tâm trí của tôi, ông Spittle, đó là một nỗ lực của ông để mua cách thoát khỏi tình huống này và điều này không phù hợp ở đây… [Nạn nhân] đang bị tổn thương, quẫn trí, đau buồn và mất mát trên tất cả. Tôi phải tính đến lợi ích của nạn nhân trong vấn đề này; luật pháp yêu cầu tôi phải làm như vậy”. Bị cáo sau đó đã bị kết án và bị phạt tiền bao gồm một lệnh “trả tiền bồi thường trực tiếp cho nạn nhân trong một lần là $ 2.000 vì làm tổn thất về tinh thần của chủ sở hữu tài sản”.[17] Tương tự, Thẩm phán Jackie Moran tại Tòa án Quận Christchurch ra lệnh cho một bị can phải bồi thường $1.000 cho chủ một con chó bằng cách đền bù cho “tổn hại về cảm xúc” sau khi một con chó terrier (loại chó săn nhỏ chuyên sục hang bụi) bị đánh đến chết.[18]

2.3. Canada

Khi nghiên cứu tổn thất về tinh thần trong trường hợp tài sản bị xâm phạm, một học giả người Canada đã khẳng định rằng “việc mất mát một tài sản, bên cạnh yếu tố vật chất cần được bồi thường, có thể kéo theo cho người bị thiệt hại một tổn thất về tinh thần được thể hiện bởi những mất mát phi tiền tệ. Ví dụ: việc mất đi một vật nuôi có thể là bắt nguồn của sự buồn bã, buồn phiền, bối rối. Tương tự, thiệt hại thường được yêu cầu để đền bù những bất tiện và mất khả năng sử dụng liên quan đến hệ quả của việc phá hủy một tài sản”.[19]

Năm 2006, Tòa án Ontario trong vụ Ferguson v. Birchmount Boarding Kennels Ltd[20] đã ủng hộ khiếu nại, cho phép bồi thường thiệt hại đối với tổn thất về tinh thần liên quan đến việc mất mát một con vật cưng với số tiền là $ 1.417. Các thiệt hại được trao cho việc mất một con vật, kể cả vật nuôi, được giới hạn ở giá trị của con vật tại thời điểm mất mát, cộng với bất kỳ chi phí liên quan, chẳng hạn như chi phí thú y.[21] Trong Ferguson, các nguyên đơn đã gửi con chó của họ tại một trại nuôi chó trong khi họ đang đi nghỉ mát. Con chó đã thoát khỏi khu vực vui chơi khép và mất tích. Bà Ferguson đã cảm thấy buồn bã khi nghe tin này. Bà bị chứng mất ngủ và thường xuyên gặp ác mộng. Bà Ferguson kiện trại nuôi chó cho những thiệt hại này. Tòa án cho rằng trại nuôi chó không có những biện pháp hợp lý để đảm bảo hàng rào an toàn. Sự cẩu thả của họ là một sự vi phạm cơ bản của hợp đồng nội trú. Bà Fergusons đã được bồi thường số tiền là $ 2.527, bao gồm $ 1.417 cho thiệt hại chung cho tổn thất về tinh thần liên quan đến việc mất con chó. Bị đơn kháng cáo. Tòa án xét xử cho rằng thẩm phán xét xử đã không sai lầm trong việc trao cho nguyên đơn thiệt hại về đau đớn và đau khổ. Ngược lại với một nguyên tắc pháp luật lâu dài, tòa tuyên bố rằng vật nuôi không được xem xét trong luật pháp là tài sản của chủ sở hữu (hoặc đồ vật trong nhà), để tránh nhận được một khoản bồi thường cho sự đau đớn và mất mát. Khó khăn về tinh thần, nếu được chứng minh là tồn tại, có thể được bù đắp bởi một khoản bồi thường thiệt hại. Sau đó, quyết định của Ferguson đã được Tòa án khiếu nại Ontario (Ontario Small Claims Court) áp dụng trong trường hợp Nevelson v. Murgaski năm 2006.[22]

2.4. Pháp

Ở Pháp bên cạnh chấp nhận bồi thường thiệt hại về vật chất, trong nhiều trường hợp Tòa án cũng buộc người xâm phạm tài sản phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Trong vụ việc Cheval Lunus vào năm 1962, lần đầu tiên Tòa án tối cáo Pháp đã chấp nhận cho bồi thường tổn thất về tinh thần đối với chủ sở hữu một súc vật (con ngựa) bị xâm phạm.[23] Từ đó đến nay, án lệ Pháp ổn định đối với việc người làm chết động vật gần gũi với người như chó, ngựa đua và được mở rộng cho cả những trường hợp xâm phạm tới tài sản không là súc vật. Tòa án Pháp đã chấp nhận cho bồi thường tổn thất về tinh thần khi một người phải rời bỏ căn nhà[24] và một công ty được bồi thường tổn thất về tinh thần khi quần áo mà họ sản xuất được sử dụng trong một bộ phim kích dục.[25]

3. Sự cần thiết phải thừa nhận bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm ở Việt Nam

Từ những phân tích, đánh giá về các cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn đối với vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm cho thấy việc công nhận bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm là cần thiết, mang lại những giá trị thiết thực về lợi ích cho xã hội nói chung và cá nhân những người có tài sản bị xâm phạm nói riêng. Vì thế, chúng tối cho rằng cần thừa nhận bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm dựa trên các cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn cụ thể sau:

(i) Cơ sở lý luận

Bên cạnh mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người giữ một vai trò vô cùng to lớn cho sự phát triển của mỗi cá nhân nói riêng và của cả xã hội nói chung thì tình cảm giữa con người với tài sản cũng giữ một vai trò quan trọng không kém trong đời sống tinh thần của con người. Tinh thần giữ một vai trò quan trọng, quyết định đến sự tồn tại, phát triển của các chủ thể trong đời sống xã hội. Nếu là cá nhân thì nó ảnh hưởng, quyết định đến đời sống vật chất, bởi tinh thần có tốt thì chủ thể mới có ý chí phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Có những mối quan hệ giữa con người với tài sản của mình mà chúng ta thấy đối với họ thì những tài sản này giống như những người bạn, những người thân thiết không thể chia xa. Chẳng hạn nhiều con vật nuôi ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của con người, có nhiều câu chuyện không những trên thế giới mà ngay tại Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó khắng khít, tình cảm yêu thương sâu đậm của con người dành cho vật nuôi của mình. Đối với những bức ảnh gia đình, các kỷ vật, vật gia truyền… có thể có giá trị thị trường thấp nhưng chúng thường có giá trị tinh thần và tình cảm to lớn đối với một con người cụ thể. Việc tổn thất về tinh thần và tình cảm gắn liền với tài sản bị mất hoặc hư hỏng có thể dẫn đến tình trạng đau khổ về tình cảm không được tính bằng giá trị thị trường của nó.

Nếu một hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác, gây nên sự đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm… gọi chung là những tổn thất về tinh thần thì chủ thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi của mình gây ra. Khác với những thiệt hại về vật chất, có thể tính toán một cách cụ thể, chính xác bằng một số phương pháp nhất định thì tổn thất về tinh thần là những “thiệt hại phi vật chất”, không thể cân, đong, đo, đếm một cách chính xác. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà không thừa nhận trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần khi những tài sản này bị xâm phạm, bởi vì mục đích của việc bồi thường tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là nhằm hạn chế, bù đắp một phần những mất mát về tinh thần của chủ thể có tài sản bị xâm phạm.

(ii) Cơ sở thực tiễn

Thứ nhất, vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm đã bắt đầu xuất hiện ở một số hệ thống pháp luật trên thế giới như ở Hoa Kỳ, Pháp, Canada và New Zealand. Điều này cho thấy trong nhiều trường hợp Tòa án cũng buộc người xâm phạm tài sản phải bồi thường tổn thất về tinh thần khi ai đó làm chết động vật gần gũi với người như chó, ngựa đua, mèo…

Thứ hai, từ những thực tiễn ở Việt Nam cho thấy việc pháp luật Việt Nam không quy định tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm là một trong những thiếu sót lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bị thiệt hại.

4. Kiến nghị

Việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ đối với những thiệt hại về vật chất mà còn cả những tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm sẽ là một bước tiến bộ trong việc xây dựng pháp luật của nước ta. Tuy nhiên, không phải tài sản nào bị xâm phạm cũng gây tổn thất về tinh thần. Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà chúng ta nên chấp nhận sự tồn tại tổn thất về tinh thần và cho người bị thiệt hại được quyền bồi thường. Ví dụ những tài sản sẽ được xem xét để bồi thường: kỷ vật (nhẫn cưới, quà tặng, cúp lưu niệm…), di vật, gia phả, nhà thờ tự (từ đường), đồ thờ cúng (tượng phật, lư hương…), thú cưng, bức ảnh… có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người có tài sản bị xâm phạm. Đồng thời, chỉ nên chấp nhận bồi thường tổn thất về tinh thần khi việc xâm phạm này đã tác động nghiêm trọng tới tâm lý của họ và các tổn thất về tinh thần không nghiêm trọng như cảm giác đau, sợ hãi tạm thời và căng thẳng bình thường sẽ không được công nhận. Để chứng minh rằng người bị xâm phạm phải chịu đựng sự tổn thất về tinh thần nghiêm trọng, họ nên được cung cấp hỗ trợ đánh giá của các bác sĩ hoặc một nhà tâm lý học. Bởi lẽ bằng chứng y tế có thể được sử dụng để xác định mức độ “nghiêm trọng” của tổn thất về tinh thần đối với chủ sở hữu tài sản đó là có cơ sở khoa học, xác thực hơn cả.

Về cơ sở pháp lý, có thể khai thác các quy định sau để cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm. Cụ thể, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”. Với các quy định này, có thể hiểu việc bồi thường tổn thất về tinh thần là được cho phép và không giới hạn ở đối tượng bị xâm phạm nên có thể được áp dụng cho trường hợp tài sản bị xâm phạm. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 585 BLDS năm 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định “thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ”. Với quy định này, thiệt hại trong thực tế bao nhiêu thì sẽ được bồi thường bấy nhiêu và không phụ thuộc vào đối tượng bị xâm phạm nên hoàn toàn có thể áp dụng cho tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm nếu tổn thất này tồn tại trong thực tế.

Trên cơ sở lập luận trên, thiết nghĩ, nên bổ sung vào Điều 589 BLDS năm 2015 về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm đoạn sau: “người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu nếu người này chứng minh được có tổn thất về tinh thần đối với những tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần của người này mà bị xâm hại.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa đối với mỗi tài sản bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Ngoài ra, có thể để cho án lệ điều chỉnh bởi lẽ ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Chính vì thế, sau này nếu có xảy ra những tranh chấp liên quan đến yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm, các Tòa án có thể mạnh dạn đưa ra các phán quyết của mình với những lập luận sắc bén, logic, hợp lý để có thể trở thành án lệ điều chỉnh về nội dung này..

CHÚ THÍCH

[1]* Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Quyết định số 34/DS-GĐT ngày 22/02/2005 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao.

[2] Bản án số 1488/2005/DS-PT ngày 15/7/2005 của Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.

[3] Bản án số 564/2015/HS-PT ngày 03/11/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

[4] David Favre, “Overview of Damages for Injury to Animals- Pet Losses”, Michigan State University – Detroit College of Law, 2003, https://www.animallaw.info/article/overview-damages-injury-animals-pet-losses, truy cập ngày 10/8/2016.

[5] David Favre, Tlđd.

[6] Steven M. Wise, Recovery of Common Law Damages for Emotional Distress, Loss of Society, and Loss of Companionship for the Wrongful Death of Companion Animals, 4 Animal L. 33, 1998, tr. 62.

[7] Brown v. Frontier Theaters, Inc.,369 S.W.2d 299, 304-05 (Tex. 1963).

[8] Brown v. Frontier Theaters, Inc.,369 S.W.2d 299, 304-05 (Tex. 1963).

[9] Shewalterv. Wood, 183 S.W. 1127, 1128 (Mo. App. 1916).

[10] Bức ảnh thứ nhất được xem là quan trọng bởi vì sự chấp nhận của Tiến sĩ Deniz vào trường trung học Darolfonoon cho phép anh ta có được một nền giáo dục và thoát ra khỏi nghèo đói cùng cực. Bức ảnh thứ hai là quan trọng bởi vì với giải thưởng là chiếc huy chương bạc của cuộc thi đấu thể thao đã cho phép ông có được một học bổng cho một trường đại học và sau này giúp ông trở thành một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng.

[11] Mieske v. Bartell Drug Co., 92 Wn.2d 40, 1979; Becky J. Bond v. A. H. Belo Corporation and Dottie Griffith, 602 S.W.2d 105, 1980; Campins v. Capels, 461 NE.2d 712 (Ind.App. 1984); Countrywide Home Loans, Inc. v. Thitchener, 192 P.3d 243 (Nev. 2008); Johns v. Stillwell, 2009 US Dist LEXIS 67810 (W.D, Va) .

[12] Corso v. Crawford Dog and Cat Hospital, Inc., 415 N.Y.S.2d 182, 97 Misc. 2d 530, 1979.

[13] Campbell v. Animal Quarantine Station, 632 P.2d 1066, Hawaii 1981.

[14] Knowles Animal Hospital, Inc. v. Wills, 360 So. 2d 37, Fla. App. 1978.

[15] Kennedy v. Byas, 867 So. 2d. 1195, Fla.App. 1978.

[16] Corso v. Crawford Dog and Cat Hospital, Inc., 415 N.Y.S. 2d 182, 97 Misc. 2d 530, 1979.

[17] Maja Visic, “Animals as Property under the Law”, http://www.coupergeysen.com.au/wp-content/uploads/2013/03/Animals-as-Property-under-the-Law.pdf, truy cập ngày 14/12/2016.

[18] Ian Robertson, “Animal welfare and the “emotional link””, 757 LawTalk 11, 2010.

[19] Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Bản án và bình luận bản án, tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2016, tr. 397.

[20] Ferguson v. Birchmount Boarding Kennels Ltd., 79 OR (3d) 681 (Div. Ct.), 2006.

[21] Anne F Walker, “Ontario courts award compensation for emotional distress associated with the loss of a pet”, Canadian Veterinary Journal 967, 48(9), 2007.

[22] Nevelson v. Murgaski, [2006] OJ No. 3132 (QL) (Sm. Claims).

[23] Cass. 1re civ., 16 janv. 1962: JCP G 1962, II, 12557, note P. Esmein; D. 1962, jurispr. P. 199, note R. Rodière: RTD civ. 1962, p. 316, obs. A. Tunc.

Cụ thể, vào tháng 8/1952, Daille – chủ của con ngựa đua Lunus, đã cho huấn luyện viên Henri của X thuê con ngựa này. Henri đã di chuyển Lunus đến Langon để tham gia cuộc đua được tổ chức bởi công ty đua ngựa Langon, vào hai ngày 26 – 27/7/1953. Giám đốc công ty, Fabre đã cung cấp cho mỗi huấn luyện viên một khu để giữ ngựa của họ trong chuồng ngựa của Fabre. Sáng ngày 27/7/1953, con vật này đã bị mắc vào dây điện của đèn lưu động và bị điện giật chết. Chủ của con ngựa – ông Daille, đã kiện công ty đua ngựa Langon, cá nhân ông Fabre và X để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Không kể đến thiệt hại về vật chất, cái chết của vật nuôi cũng có thể gây nên cho chủ của chúng những thiệt hại “chủ quan” và thiệt hại về tình cảm và những thiệt hại này có thể cần được bồi thường một cách đặc biệt. Các thẩm phán có thể định giá những thiệt hại từ cái chết của con ngựa đua không chỉ giới hạn ở chi phí cần thiết để mua một con khác với những đặc điểm/ chất lượng tương tự, mà khi tính số tiền bồi thường, thẩm phán còn cần phải tính toán một khoản bồi thường để bù vào phần thiệt hại từ việc mất con vật đó gây nên.

[24] Đỗ Văn Đại, Tlđd, tr. 397.

[25] Đỗ Văn Đại, Tlđd, tr. 397.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Quyết định số 34/DS-GĐT ngày 22/02/2005 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao. [trans: Decision No. 34 / DS-GĐT dated 22/02/2005 of the Civil Court of the Supreme People’s Court]
  • Bản án số 1488/2005/DS-PT ngày 15/7/2005 của Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh. [trans: Judgment No. 1488/2005 / DS-PT dated 15/7/2005 of Ho Chi Minh City People’s Court]
  • Bản án số 564/2015/HS-PT ngày 03/11/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh. [trans: Judgment No. 564/2015 / HS-PT dated 03/11/2015 of the Superior People’s Court in Ho Chi Minh City]
  • Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Bản án và bình luận bản án tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2016. [trans: Do Van Dai, Tort law – Judgments and commentaries Episode 1, Hong Duc Publishing House – Vietnam Lawyers Association, 2016]
  • Đỗ Văn Đại và Nguyễn Trương Tín, Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2014. [trans: Do Van Dai and Nguyen Truong Tin, Vietnam’s Law on State Compensation Liability, National University of Ho Chi Minh City Publishing, 2014]
  • David Favre, “Overview of Damages for Injury to Animals – Pet Losses”, Michigan State University -Detroit College of Law, 2003, https://www.animallaw.info/article/overview-damages-injury-animals-pet-losses, truy cập ngày 10/8/2016. [trans: David Favre, “Overview of Damages for Injury to Animals- Pet Losses”, Michigan State University – Detroit College of Law, 2003, https://www.animallaw.info/article/overview-damages-injury-animals-pet-losses, access on 10/8/2016]
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Hoàn thiện pháp luật đối với trường hợp bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho khi bên tặng cho đã giao tài sản
Hoàn thiện pháp luật đối với trường hợp bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho khi bên tặng cho đã giao tài sản
Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại
Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại
Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980
Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980
Tuyển tập đề cương câu hỏi ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam có đáp án tham khảo
[CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam
Tuyển tập nhận định đúng sai (bán trắc nghiệm) môn Luật Dân sự năm 2015 có đáp án tham khảo.
[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Bồi thường thiệt hại, Luật dân sự, Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Tài sản, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2017, Tổn thất về tinh thần

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Quyền hưởng dụng Pháp luật dân sự Pháp – Kinh nghiệm cho Việt Nam
Next Post: Giải quyết tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Tiên trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam pdf
  • Nguyễn Thị Vân Anh trong [CÓ ĐÁP ÁN] 185 Nhận định đúng sai Luật Hiến pháp Việt Nam 2013
  • TRẦN GIA BẢO trong [EBOOK] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam pdf
  • nguyễn hoàng lộc trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook
  • Đặng Anh trong [EBOOK] Giáo trình Luật Quốc tế pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng