• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Bồi thường thiệt hại trong vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Bồi thường thiệt hại trong vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

17/05/2020 23/05/2021 PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Trương Tín Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • BÌNH LUẬN
    • 1. Dẫn nhập
  • I- Xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
    • 2. Khung pháp lý điều chỉnh
    • 3. Xác định về tính chính đáng của việc phòng vệ
    • 4. Chủ thể và thủ tục xác định
    • 5. Bổ sung khái niệm trong BLDS
  • II- Hệ quả của vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
    • 6. Người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chịu trách nhiệm bồi thường
    • 7. Không phụ thuộc vào trách nhiệm hình sự
    • 8. Người bị thiệt hại cũng chịu trách nhiệm?
    • 9. Người bị thiệt hại cũng chịu trách nhiệm
    • 10. Xác định mức bồi thường cụ thể của từng chủ thể
  • CHÚ THÍCH

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Trương Tín

TÓM TẮT

BLDS có quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhưng không cho biết cách thức xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng như mức thiệt hại được bồi thường. Bài viết làm rõ cách thức xác định và mức thiệt hại được bồi thường trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Bồi thường thiệt hại trong vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Xem thêm bài viết về “Bồi thường thiệt hại”

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Mối quan hệ nhân quả và vấn đề giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật thương mại
  • Nghĩa vụ hạn chế tổn thất và vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Pháp luật thương mại
  • Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại
  • Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại
  • Bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp đầu tư quốc tế
  • Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực thể thao – Nhìn từ góc độ môn bóng đá
  • An toàn, sức khỏe tại nơi làm việc trong hệ thống tiêu chuẩn lao động cốt lõi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ tai nạn lao động
  • Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với nhãn hiệu hàng hóa Liên minh Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Bồi thường thiệt hại do ô tô tự lái gây ra trong pháp luật Đức và Nhật Bản
  • Kỹ năng của Luật sư tham gia giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
  • Bồi thường thiệt hại do giảm sút thu nhập, lợi nhuận khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Thanh Thư & ThS. Nguyễn Phương Thảo
  • Những điểm mới về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 – ThS. Lê Hà Huy Phát
  • Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài – ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
  • Bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo luật định – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Bình luận bản án: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Phương Thảo

Bản án số 60/2014/DS-PT ngày 12/2/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang

XÉT THẤY:

Đơn kháng cáo của bà Nĩ đề ngày 07/10/2013 và tại phiên tòa phúc thẩm bà Nĩ vẫn cũng yêu cầu anh Hoa và anh Nam phải có trách nhiệm bồi thường tiền thuốc, tiền ăn, tiền mất thu nhập cho bà với số tiền là 18.485.903 đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần theo đúng quy định của pháp luật.

Xét yêu cầu kháng cáo của bà Nĩ thì thấy rằng: Vào ngày 01/3/2012 Ban tư pháp xã Vĩnh Kim hòa giải việc tranh chấp lối đi giữa ông Của, bà Nĩ với ông Kiệm là anh rể của anh Hoa, thì anh Hoa góp ý kiến nhưng do anh Hoa có uống rượu, bia nên không được chấp nhận. Sau khi đi rước con đi học về thì anh Hoa có gặp ông Của, bà Nĩ cùng con gái tên Lài, anh Hoa dừng xe lại thì hai bên có lời qua tiếng lại, cãi nhau với bà Nĩ. Sau đó, anh Hoa bị ông Của, bà Nĩ, chị Lài mỗi người cầm 01 khúc cây đuổi đánh, anh Hoa bỏ chạy thì tiếp tục bị rượt đuổi nên anh Hoa rút được cây tràm ở vườn nhà ông Của quay lại đánh nhau thì cây của hai bên bị gãy anh Hoa dùng tay đánh vào mũi bà Nĩ bị gãy xương chính mũi và đánh nhiều cái vào người bà Nĩ làm gãy ngón tay bàn tay phải, gây thương tích nhiều nơi phải đi điều trị tại Khoa tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang từ ngày 01/3/2012 đến ngày 09/3/2012 và tại Khoa ngoại thần kinh từ ngày 12/3/2012 đến ngày 16/3/2012 với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 15% (sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên là 15%)

Căn cứ khoản 2 Điều 80 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử công nhận những tình tiết trên là sự thật.

Xét việc xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 01/3/2012 dẫn đến bà Nĩ bị thương tích phải nhập viện điều trị là do anh Hoa gây nên nhưng bà Nĩ cũng có lỗi tương đương lỗi của anh Hoa do tấn công anh Hoa trước, anh Hoa phòng vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Do đó, anh Hoa phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Nĩ các chi phí thu nhập thực tế bị mất và các khoản yêu cầu hợp lý tương ứng với phần lỗi của anh gây ra, phần chi phí hợp lý còn lại bà Nĩ phải gánh chịu.

Án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nĩ, ghi nhận anh Hoa tự nguyện bồi thường chi phí tiền thuốc điều trị cho bà Nĩ số tiền 4.000.000 đồng, buộc anh Hoa bồi thường cho bà Nĩ số tiền 1.950.000 đồng (tiền ăn dưỡng bệnh 1.200.000 đồng, tiền công người nuôi bệnh 750.000 đồng) là có cơ sở.

Tại phiên tòa phúc thẩm bà Nĩ không chứng minh được việc anh Nam có tham gia đánh bà. Đối với yêu cầu kháng cáo của bà Nĩ về khoản tiền tổn thất tinh thần, Hội đồng xét xử không đặt vấn đề xem xét được do bà Nĩ khi khởi kiện không có yêu cầu nên cấp sơ thẩm không đặt ra giải quyết, cấp phúc thẩm chỉ giải quyết những vấn đề mà cấp sơ thẩm đã giải quyết, nếu bà Nĩ có yêu cầu thì khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác.

Từ những phân tích trên, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Nĩ, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành.

Đại diện Viện kiểm sátnhândântỉnh Tiền Giang phátbiểu.

Về tố tụng: Từ khi thụ lý Thẩm phán và Hội đồng xét xử chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung: Yêu cầu kháng cáo của bà Nĩ là không có cơ sở, đề nghị, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Nĩ, nếu bà Nĩ có yêu cầu về bồi thường tổn thất về tinh thần thì khởi kiện trong vụ án dân sự khác

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ Điều 25, Điều 131, khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 604, Điều 605, Điều 606, Điều 609, Điều 617, khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự;

Căn cứ mục 5 Phần I, mục 1 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Căn cứ Điều 11, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Nĩ, giữ nguyên bản án số 373/2013/DS-ST ngày 25/9/2013 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nĩ.

1. Ghi nhận anh Hoa tự nguyện bồi thường chi phí tiền thuốc điều trị cho bà Nĩ số tiền 4.000.000 đồng.

Buộc bị đơn Hoa bồi thường cho nguyên đơn Nĩ sô tiền 1.950.000 đồng gồm: tiền ăn trong thời gian dưỡng bệnh 1.200.000 đồng, tiền công người nuôi bệnh 750.000 đồng.

Thực hiện bồi thường làm một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày nguyên đơn Nĩ có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn Hoa chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành số tiền trên thì phải chịu thêm khoản lãi theo mức lãi suất cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự tương ứng số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Nĩ yêu cầu anh Nam liên đới chịu trách nhiệm cùng anh Hoa bồi thường các khoản chi phí cho bà và không chấp nhận các khoản chi phí bà Nĩ yêu cầu bồi thường gồm: khoản tiền ăn người bệnh, người nuôi bệnh 2.600.000 đồng, tiền xe người nuôi bệnh 1.050.000 đồng, tiền xe tái khám 950.000 đồng, tiền lãi của số tiền vay lúc đi điều trị 1.200.000 đồng, tiền lãi vay ngân hàng để điều trị thương tật 800.000 đồng.

Xem thêm bài viết về “Phòng vệ chính đáng”

  • Một số ý kiến về quy định về phòng vệ chính đáng theo Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 – TS. Hoàng Thị Tuệ Phương

BÌNH LUẬN

1. Dẫn nhập

Trước một hành vi xâm phạm của một người, chúng ta có thể nhờ tới sự can thiệp của cơ quan công quyền để loại trừ việc xâm phạm. Tuy nhiên, không phải lúc nào, chúng ta cũng có thể có ngay sự trợ giúp của cơ quan công quyền và đành hành động đáp trả để loại trừ việc xâm phạm.

Nếu việc “tự giúp mình” (khi việc xâm phạm tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đáp trả) hay việc thực hiện “nghĩa vụ xã hội” (khi việc xâm phạm tác động đến quyền, lợi ích của người khác người đáp trả) nêu trên là chính đáng thì hành vi đáp trả không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ngay cả khi hành vi này gây ra thiệt hại. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 613 Bộ luật Dân sự (BLDS), “người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.Đâylàhướng giải quyết“mang tính toàncầu”[1] vàđược ghinhận trong hệ thống dân luật[2] cũng như trong hệ thống thông luật[3] . Trong Bộ nguyên tắc châu Âu về bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng), giải pháp này cũng được ghi nhận tại điểm a khoản 1 Điều 7:101 theo đó “trách nhiệm có thể được loại trừ nếu và trong điều kiện người gây thiệt hại đã hành động một cách chính đáng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình chống lại một việc xâm phạm trái pháp luật” (phòng vệ chính đáng). Tuy nhiên, nếu việc đáp trả trên không được coi là “chính đáng” thì hệ quả rất khác vì khoản 2 Điều 613 BLDS quy định “người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”[4] . Ở đây, “quyền đáp trả” đã được thực hiện ngoài khuôn khổ pháp luật cho phép nên người đáp trả phải gánh chịu một số hệ quả nhất định trong đó có hệ quả về thiệt hại phát sinh.

Vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng hay vượt quá phòng vệ chính đáng được nghiên cứu nhiều ở góc độ khoa học[5] . Tuy nhiên, các bản án về chủ đề này không nhiều nên bản án được bình luận ở đây rất đáng được lưu tâm[6] . Ở đây, bản án cho chúng ta cơ hội làm rõ khái niệm “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (I) cũng như hệ quả của việc vượt quá này trong khuôn khổ về bồi thường thiệt hại (II).

I- Xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

2. Khung pháp lý điều chỉnh

Hiện nay có ba căn cứ không buộc một chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong BLDS. Đó là trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng (như khi thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra[7] , do cây cối gây ra[8] , do nhà cửa hay công trình xây dựng khác gây ra[9] hay do vi phạm nghĩa vụ dân sự[10] ), do tình thế cấp thiết[11] hay do phòng vệ chính đáng[12] .

Đối với sự kiện bất khả kháng hay tình thế cấp thiết, BLDS cóđịnh nghĩa chính thức trong tạiĐiều 161[13] hay Điều 262[14] . Tuy nhiên, đối với phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được ghi nhận tại Điều 613, BLDS lại không đưa ra định nghĩa hay các tiêu chí xác định. Trong vụ việc được bình luận, Tòa án xác định “anh Hoa phòng vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” nhưng không nêu rõ trên cơ sở quy định nào Tòa án đưa ra được kết luận trên (Tòa án có viện dẫn một số điều luật trong phần quyết định nhưng các điều luật này không liên quan đến định nghĩa hay tiêu chí xác định hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng).

Nếu chúng ta không có điều luật trong BLDS định nghĩa hay đưa ra tiêu chí để xác định hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mặc dù thuật ngữ này được BLDS sử dụng thì, trong BLHS, chúng ta có quy định về chủ đề này. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 15 BLHS, “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”. Trước việc thiếu vắng các quy định trong BLDS cho phép xác định có hay không việc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác quy định vừa nêu trên cơ sở Điều 3 BLDS theo đó “trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật” (đây cũng là hướng được sử dụng ở nước ngoài như Pháp[15] ).

3. Xác định về tính chính đáng của việc phòng vệ

Về phòng vệ chính đáng, khoản 1 Điều 15 Bộ luật Hình sự (BLHS)[16] quy định “phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 15 BLHS còn quy định “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.

Trong vụ việc được bình luận, có sự tấn công từ phía bà Nĩ (người bị thiệt hại) và có sự chống trả của anh Hoa vì, trong bản án, chúng ta thấy nêu “anh Hoa bị ông Của, bà Nĩ, chị Lài mỗi người cầm 01 khúc cây đuổi đánh, anh Hoa bỏ chạy thì tiếp tục bị rượt đuổi nên anh Hoa rút được cây tràm ở vườn nhà ông Của quay lại đánh”. Tuy nhiên, khi “cây của hai bên bị gãy anh Hoa dùng tay đánh vào mũi bà Nĩ bị gãy xương chính mũi và đánh nhiều cái vào người bà Nĩ làm gãy ngón tay bàn tay phải, gây thương tích nhiều nơi”. Đối chiếu hoàn cảnh vừa nêu với khoản 1 Điều 15 BLHS, chúng ta có thể cho rằng hành vi của anh Hoa là không còn cần thiết vì sự nguy hiểm đến với anh từ phía bà Nĩ không còn do cây của hai đã bên bị gãy. Vì thế, nếu căn cứ vào khoản 1 Điều 15 BLHS, chúng ta có thể hiểu rằng hành vi của anh Hoa không là hành vi phòng vệ chính đáng.

Nếu hành vi của anh Hoa không là hành vi phòng vệ chính đáng thì liệu đây có là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không? Nếu không có khoản 2 Điều 15 BLHS, chúng ta có thể suy luận là có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhưng vì khoản 2 Điều 15 nêu trên lại đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định sự tồn tại của “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” nên chúng ta căn cứ vào khoản 2. Liệu hành vi của anh Hoa có là “hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”? Thực tế, hành vi này “quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại” nhưng liệu điều này có “rõ ràng”? Rất tiếc là Tòa án đã quá vội vàng khi khẳng định anh Hoa “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Thực ra, cách quy định trong BLHS như trên làm cho việc xác định việc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng rất khó. Bởi lẽ, nếu căn cứ vào khoản 1 Điều 15 BLHS, hành vi không đáp ứng yêu cầu của khoản 1 được coi là không chính đáng nên là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, với các quy định nêu trên, để biết có việc vượt quá hay không, chúng ta lại phải xác định trên cơ sở khoản 2 trong khi đó hoàn cảnh nêu tại khoản 2 không nhất thiết là hoàn cảnh không đáp ứng các điều kiện tại khoản 1: Khoản 2 yêu cầu hành vi “rõ ràng” trong khi đó yêu cầu này không thể hiện trong khoản 1. Đối với trường hợp này, sẽ là đơn giản khi chúng ta đưa ra các tiêu chí của phòng vệ chính đáng và khi các tiêu chí này không được thỏa mãn thì thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

4. Chủ thể và thủ tục xác định

Trong bản án đang được bình luận, Tòa án cấp phúc thẩm xác định: “Xét việc xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 01/3/2012 dẫn đến bà Nĩ bị thương tích phải nhập viện điều trị là do anh Hoa gây nên nhưng bà Nĩ cũng có lỗi tương đương lỗi anh Hoa do tấn công anh Hoa trước, anh Hoa phòng vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Như vậy, cơ quan xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chính là Tòa án cấp phúc thẩm và thủ tục xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là thủ tục tố tụng dân sự (thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án). Với hướng xét xử này, chúng ta có thể suy luận rằng Tòa án cấp sơ thẩm cũng có thể là cơ quan xác định việc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và thủ tục xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng là thủ tục tố tụng dân sự.

Thông thường, theo thủ tục tố tụng hình sự, để đánh giá, xác định và kết luận một người nào đó có hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì đầu tiên cơ quan điều tra phải khởi tố, tiếp đến Viện Kiểm sát truy tố và cuối cùng tòa án xét xử, kết án người đó về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 96 BLHS hay tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 106 BLHS. Từ đó, người đó mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (người tấn công ban đầu) do có hành vi phòng vệ và hành vi này là hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu như theo hướng phân tích trên, gắn vào vụ việc trong bản án đang được bình luận, theo thủ tục tố tụng hình sự, để đánh giá, xác định và kết luận anh Hoa phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì đầu tiên cơ quan điều tra phải khởi tố, tiếp đến viện kiểm sát truy tố, cuối cùng tòa án xét xử và kết án anh Hoa về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 BLHS. Từ đó, anh Hoa mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Nĩ do có hành vi phòng vệ và hành vi phòng vệ này là hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 613 BLDS.

Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã không đi theo hướng đã phân tích trên mà ở đây, không cần phải qua thủ tục tố tụng hình sự (điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự), việc xác định phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là thông qua thủ tục tố tụng dân sự. Hướng xét xử của tòa án cấp phúc thẩm không kém phần thuyết phục. Chúng tôi cho rằng, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền đánh giá, kết luận và xác định hành vi phòng vệ của một người nào đó là phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không. Xét cho cùng, nếu theo thủ tục tố tụng hình sự thì cuối cùng, cũng chính tòa án là cơ quan có thẩm quyền đánh giá, kết luận, xác định một người nào đó là có hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

5. Bổ sung khái niệm trong BLDS

Chúng ta đã thấy BLDS có quy định về tác động của sự kiện bất khả kháng, của tình thế cấp thiết và phòng vệ chính đáng tới bồi thường thiệt hại.

Ở đây, chúng ta thấy BLDS còn đưa ra cả quy định cho biết thế nào là sự kiện bất khả kháng, thế nào là tình thế cấp thiết cho dù BLHS đã có quy định về nội dung này[17] . Việc BLDS đưa ra quy định như vậy trong chính BLDS tạo thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề về bồi thường thiệt hại; người vận dụng vận dụng trực tiếp các quy định của BLDS để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại mà không cần phải “vay, mượn” các quy định của BLHS. Tuy nhiên, đối với phòng vệ chính đáng, BLDS lại không đưa ra quy định tương tự và điều này buộc chúng ta phải “vay, mượn” quy định trong BLHS để xem xét có tồn tại hay không hành vi thể hiện phòng vệ chính đáng hay hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng.

Chúng ta đang sửa đổi BLDS và đây là cơ hội tốt để hoàn thiện các quy định về dân sự. Thiết nghĩ, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để đưa thêm quy định thế nào là phòng vệ chính đáng giống như vấn đề bất khả kháng, tình thế cấp thiết. Khi xây dựng quy định như vừa nêu trong BLDS, chúng ta nên tham khảo định nghĩa này trong BLHS nhưng không nhất thiết phải đưa ra định nghĩa “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” như BLHS bên cạnh quy định đưa ra định nghĩa “phòng vệ chính đáng” mà chỉ cần đưa ra khái niệm phòng vệ chính đáng và lúc đó “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” được hiểu là trường hợp có phòng vệ nhưng việc phòng vệ không được coi là chính đáng. Đây dường như cũng là hướng của Bộ nguyên tắc châu Âu về bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng) vì Bộ nguyên tắc này chỉ đưa ra khái niệm “phòng vệ chính đáng” tại điểm a khoản 1 Điều 7:101 mà không có quy định đưa ra khái niệm “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”[18] .

II- Hệ quả của vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

6. Người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chịu trách nhiệm bồi thường

Trong trường hợp người phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì họ phải gánh chịu những hệ quả gì? Ở góc độ hình sự, chúng ta có câu trả lời tại khoản 2 Điều 15 BLHS theo đó “người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Ở góc độ dân sự, chúng ta có thể nói “hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi được pháp luật cho phép thực hiện, do đó nó không là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, hành vi gây thiệt hại trong phòng vệ chính đáng không phải bồi thường” và “hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi trái pháp luật”[19] nênngười gâythiệt hại chịu trách nhiệm bồi thường. Bộ luật dânsự cũng theo hướng nàytại khoản 2Điều 613 theođó“người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Trong vụ việc được bình luận, Tòa án cũng theo hướng trên. Cụ thể, anh Hoa gây thiệt hại nhưng không đáp ứng các điều kiện để được coi là phòng vệ chính đáng và thực chất hành vi gây thiệt hại của anh Hoa được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như Tòa án đã nhận xét nên anh Hoa phải bồi thường thiệt hại: “anh Hoa phòng vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Do đó, anh Hoa phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Nĩ”.

7. Không phụ thuộc vào trách nhiệm hình sự

Phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng xuất phát từ pháp luật hình sự. Tuy nhiên, bản án đang được bình luận đã giải quyết theo hướng anh Hoa (người có hành vi gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng) phải bồi thường cho người bị thiệt hại là bà Nĩ (người tấn công ban đầu) mà anh Hoa không phải chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào. Điều này có nghĩa rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng của anh Hoa là trách nhiệm độc lập với trách nhiệm hình sự, anh Hoa không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về bất cứ tội danh nào liên quan đến vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nhưng anh Hoa vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng của mình gây ra. Chúng tôi cho rằng, hướng giải quyết của tòa án cấp phúc thẩm là khá độc đáo và không kém phần thuyết phục. Bởi lẽ:

Thứ nhất, nếu theo hướng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gắn với trách nhiệm hình sự về một tội phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì chúng ta có hệ quả sau: để buộc anh Hoa chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì anh Hoa phải có hành vi trái pháp luật cấu thành tội phạm liên quan đến tội danh do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Và để xác định anh Hoa có hành vi trái pháp luật cấu thành tội phạm liên quan đến tội danh do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đánh giá, xác định, kết luận hành vi của anh Hoa là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Điều này có nghĩa rằng, nếu anh Hoa không bị cơ quan tiến hành tố tụng hình sự khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kết án về một tội danh nào liên quan đến vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì chưa đủ cơ sở để buộc người đó chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Thứ hai, nếu phân tích theo hướng vừa nêu, thì hướng xác định “anh Hoa phòng vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” của tòa án cấp phúc thẩm là không có căn cứ. Bởi lẽ, tỉ lệ thương tật của bà Nĩ (người tấn công ban đầu) là 15%, nên không đủ cơ sở khẳng định là anh Hoa (người phòng vệ) phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 BLHS[20] . Với mạch logic này thì anh Hoa không phải chịu điều chỉnh bởi trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 613 BLDS.

8. Người bị thiệt hại cũng chịu trách nhiệm?

Chúng ta thấy khi một người gây thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Câu hỏi đặt ra là người này có phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại không? Vấn đề phòng vệ chính đáng được đặt ra khi một người có hành vi chống lại “người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích cần bảo vệ”. Như vậy, như đã phân tích ở trên, người có hành vi gây thiệt hại luôn đối diện với “người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích cần được bảo vệ” và người có hành vi xâm phạm các lợi ích cần bảo vệ chính là người bị thiệt hại. Do đó, người bị thiệt hại do hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thông thường chính là người người góp phần vào việc tạo ra thiệt hại (nếu không có hành vi của người này thì vấn đề phòng vệ chính đáng không được đặt ra). Từ đó, câu hỏi đặt ra là người bị thiệt hại có phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình không trong việc xác định mức bồi thường.“Điều 613 BLDS năm 2005 không quy định rõ người gây thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường toàn bộ hay một phần thiệt hại xảy ra”[21] và hiện nay có quan điểm trái chiều nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Ví dụ, theo Giáo trình của Trường Đại học luật Hà Nội, “người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi đó gây ra”[22] . Tương tự, theo Giáo trình của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, “phải buộc người thực hiện hành vi phòng vệ vượt quá bồi thường toàn bộ thiệt hại”[23] .Những người theo quan điểm này phân tích rằng, “thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải được bồi thường toàn bộ. Bởi lẽ nếu áp dụng trách nhiệm phần vượt quá thì cách tính vượt quá là bao nhiêu. Ví dụ, A cầm dao tấn công B, B là cảnh vệ có súng và bắn chỉ thiên nhưng A vẫn lao vào, do đánh giá sai lầm về tính nguy hiểm và mức xử sự cần thiết nên B đã bắn vào bụng làm A chết, mà đáng lẽ trong hoàn cảnh ấy chỉ cần bắn vào chân của A được xem là cần thiết (có khả năng bắn vào chân A). Hành vi trên được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và B phải bồi thường thiệt hại do tính mạng của A bị xâm phạm. Còn nếu áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người bị thiệt hại cũng có lỗi sẽ không hợp lý, vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được hiểu rằng lỗi của người bị thiệt hại cũng là một trong những nguyên nhân để dẫn đến thiệt hại, lúc này họ mới chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình”[24] .

Còn theo quan điểm thứ hai, người bị thiệt hại cũng phải chịu một phần trách nhiệm (tức người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không phải bồi thường toàn bộ thiệt hại). Chẳng hạn, có tài liệu viết rằng “đây là trường hợp mà người bị thiệt hại có lỗi, nên trong trường hợp này cần áp dụng đồng thời với Điều 617 BLDS năm 2005, theo đó người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, mà chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi của mình”[25] .Đây cũng là quan điểm của một số chuyên gia làm công tác thực tiễn xét xử. Chẳng hạn, theo nguyên Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, trong trường hợp gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường, mức bồi thường phải căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi bên, người phạm tội chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Ví dụ, A gây thương tích cho B trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tổng số thiệt hại mà A gây cho B là 80 triệu đồng, nhưng B có lỗi nặng nên Tòa án chỉ buộc A phải bồi thường cho B 50 triệu đồng[26] .

9. Người bị thiệt hại cũng chịu trách nhiệm

Trước những bất đồng nêu trên, việc xem xét hướng giải quyết của thực tiễn xét xử có nhiều ý nghĩa và chúng ta có câu trả lời khá rõ trong vụ việc được bình luận. Cụ thể, sau khi khẳng định anh Hoa phải chịu trách nhiệm bồi thường do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, Tòa án đã xét rằng “bà Nĩ cũng có lỗi tương đương lỗi của anh Hoa do tấn công anh Hoa trước”và, trêncơ sở Điều 617 BLDS theođó“khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình”, Tòa án đã theo hướng “anh Hoa phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Nĩ các chi phí thu nhập thực tế bị mất và các khoản yêu cầu hợp lý tương ứng với phần lỗi của anh gây ra, phần chi phí hợp lý còn lại bà Nĩ phải gánh chịu”. Như vậy, Tòa án xác định đã có một phần trách nhiệm của người bị thiệt hại trong việc làm phát sinh thiệt hại và người này không được bồi thường toàn bộ thiệt hại mà họ gánh chịu. Ở đây có việc phân chia trách nhiệm giữa người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và nạn nhân của hành vi vượt quá này; có sự phân hóa trách nhiệm bồi thường theo hướng nguyên tắc hành vi vi phạm đến đâu chịu trách nhiệm đến đó, lỗi đến đâu chịu trách nhiệm đến đó được áp dụng triệt để. Hướng buộc người bị thiệt hại chịu một phần thiệt hại như Tòa án đã làm trong vụ việc được bình luận là rất thuyết phục vì người bị thiệt hại có góp phần vào việc gây ra thiệt hại nên họ cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu buộc người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bồi thường toàn bộ thiệt hại, chúng ta sẽ vi phạm lẽ công bằng, không phù hợp với các quy tắc ứng xử trong xã hội, không khuyến khích mọi người có hành vi tích cực phòng vệ để ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi trái pháp luật đang xâm phạm đến các lợi ích cần được bảo vệ.

Hướng giải quyết trên cũng được ghi nhận ở nước ngoài và do đó chúng ta càng thêm cơ sở để phát triển như một tiền lệ tốt. Chẳng hạn, ở Pháp “khi các điều kiện khác nhau của phòng vệ chính đáng không được hội đủ, người gây ra thiệt hại (người bị tấn công) sẽ không luôn luôn phải bồi thường toàn bộ. Người tấn công thường xuyên có lỗi là nguyên nhân của việc chống trả: Áp dụng pháp luật chung về bồi thường thiệt hại dân sự, “lỗi này của nạn nhân” dẫn tới chia trách nhiệm vì khi gây ra hành vi chống trả gây thiệt hại, nạn nhân đã góp phần vào việc gây ra thiệt hại. Hoàn cảnh chia trách nhiệm này thường gặp phải khi phòng vệ chính đáng không được chấp nhận do việc chống trả không tương xứng, không thực sự cần thiết hay không thực sự cần thiết nữa”[27] . Thực ra, “án lệ về vấn đề phân chia trách nhiệm xuất phát từ lỗi của nạn nhân đã có sự thay đổi tích cực và thực tế”[28] . Để hiểu rõ hơn nội dung vừa nêu, chúng tôi xin dẫn một vụ việc được giám đốc thẩm năm 2008 tại Pháp. Cụ thể, Hervé đã đe dọa Abou và Abou đã đáp trả làm Hervé bị thương. Theo Tòa phúc thẩm, Abou đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và buộc Abou bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Hervé. Tuy nhiên, liên quan đến trách nhiệm dân sự, Tòa án tối cao Pháp đã hủy án phúc thẩm với lý do Tòa phúc thẩm đã “khi giải quyết như vậy nhưng lại không xem xét nạn nhân đã không có lỗi trong việc làm phát sinh thiệt hại cho chính mình cho dù bác lý do có phòng vệ chính đáng”[29] . Như vậy, khi Tòa án địa phương chỉ được buộc người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bồi thường thiệt hại khi có cơ sở để khẳng định nạn nhân không có lỗi và, nếu họ có lỗi trong việc làm phát sinh thiệt hại, nạn nhân không được bồi thường toàn bộ thiệt hại mà họ gánh chịu.

Thông qua bản án được bình luận, thông qua phân tích lý luận và pháp luật thực định, chúng ta thấy hướng giải quyết của tòa án cấp phúc thẩm trong bản án đang được bình luận rất thuyết phục về hướng phân chia trách nhiệm. Chúng ta đang tiến hành sửa đổi BLDS, có lẽ chúng ta cũng nên sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 613 BLDS theo hướng người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ phải bồi thường cho người bị thiệt hại tương ứng với phần lỗi của họ. Trong trường hợp không có quy định bổ sung như vừa nêu, chúng ta nên duy trì hướng xử lý của Tòa án thông qua việc khai thác Điều 617 BLDS.

10. Xác định mức bồi thường cụ thể của từng chủ thể

Hướng phân chia trách nhiệm bồi thường như Tòa án đã làm trong vụ việc được bình luận rất thuyết phục nhưng tiềm ẩn khó khăn trong việc xác định mức trách nhiệm cụ thể của từng người.

Về mặt toán học, muốn xác định được thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà người vượt quá phải bồi thường, chúng ta cần xác định mức tổng thiệt hại thực tế và mức thiệt hại mà người bị xâm phạm tạo ra; phần của người vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng chỉ phải chịu bồi thường đối với phần thiệt hại được xác định bằng tổng thiệt hại trừ đi thiệt hại mà người bị thiệt hại gánh chịu. Đó là về mặt lý thuyết, còn thực tế, để xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên là không hề đơn giản. Trên thực tế, có một số ít trường hợp chúng ta có thể xác định được thiệt hại phần vượt quá, còn lại đa số các trường hợp, chúng ta xác định được tổng thiệt hại thực tế và chỉ có thể xác định được thiệt hại trong giới hạn phòng vệ chính đáng và thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là một cách tương đối mà thôi. Trong trường hợp này, quyền quyết định thuộc về tòa án vì đó là chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền riêng có của tòa án. Trong chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, việc xác định tương đối này cũng đã được thể hiện tại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, đó là “Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại” (khoản 2 Điều 614 BLDS). Thật sự việc xác định “phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết” cũng không hề dễ dàng nhưng theo nhà làm luật, chúng ta có khả năng phân biệt phần thiệt hại vượt quá và theo chúng tôi, việc phân biệt cũng chỉ là tương đối. Như vậy, không có lý do gì để phủ nhận khả năng phân biệt phần thiệt hại vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, mặc dù việc phân biệt này mang tính tương đối.

Trong vụ việc được bình luận, vì gặp phải khó khăn như đã phân tích nêu trên nên tòa án cấp phúc thẩm đã chọn giải pháp xác định mức bồi thường với nhận định không cụ thể với nội dung: “…bà Nĩ bị thương tích phải nhập viện điều trị là do anh Hoa gây nên nhưng bà Nĩ cũng có lỗi tương đương lỗi của anh Hoa do tấn công anh Hoa trước, anh Hoa phòng vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Do đó, anh Hoa phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Nĩ các chi phí thu nhập thực tế bị mất và các khoản yêu cầu hợp lý tương ứng với phần lỗi của anh gây ra, phần chi phí hợp lý còn lại bà Nĩ phải gánh chịu. Án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nĩ, ghi nhận anh Hoa tự nguyện bồi thường chi phí tiền thuốc điều trị cho bà Nĩ số tiền 4.000.000 đồng, buộc anh Hoa bồi thường cho bà Nĩ số tiền 1.950.000 đồng (tiền ăn dưỡng bệnh 1.200.000 đồng, tiền công người nuôi bệnh 750.000 đồng) là có cơ sở”. Việc xác định thiệt hại được bồi thường trong vụ việc đang được bình luận là chấp nhận được. Tuy nhiên, để bản án mang tính thuyết phục hơn, tòa án nên theo hướng xác định được cụ thể mức thiệt hại tổng thể, mức thiệt hại mà người bị thiệt hại phải gánh chịu và mức thiệt hại mà người phòng vệvượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Xem thêm bài viết về “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”

CHÚ THÍCH

* PGS-TS Luật học Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh – Thành viên Tổ biên tập BLDS sửa đổi.

* ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] G. Viney và P. Jourdain,Les conditions de la ressponsabilité, LGDJ 2006, phần số 563.

[2] “Ở Pháp, từ quy định tại Điều 328 Bộ luật Hình sự cũ, án lệ đã xây dựng một lý thuyết chung mà phạm vi của nó vượt khỏi lĩnh vực pháp luật hình sự vì phòng vệ chính đáng cho phép loại trừ không chỉ trách nhiệm hình sự mà còn loại trừ cả trách nhiệm dân sự trong những điều kiện tương đồng, nếu không muốn nói là tương tự” (xem G. Viney và P. Jourdain, Sđd, phần số 563).

[3] Ở Mỹ, trong án lệ Courvoisier v. Raymond năm 1896của Tòa tối cao Colorado, phòng vệ chính đáng cũng được chấp nhận để loại trừ trách nhiệm bồi thường của một người đã bắn vào cảnh sát khi nghĩ rằng người này chính là một trong những người trong nhóm đe dọa người gây thiệt hại (xem M. A. Franklin, R. L. Rabin và M. D. Green, Tort law and Alternatives-Cases and Marerials, Nxb. Foundation Press 2006, tr.934).

[4] Quy định tại Điều 613 BLDS 2005 thực chất được kế thừa toàn bộ quy định tại Điều 617 BLDS 1995 theo đó “1. Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. 2. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

[5] Xem Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Hà Nội, 2013, tr. 512-517; Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005,Nxb. Chính trị quốc gia 2013, Tập 1, trang 744-745; Học viện Tư pháp, Giáo trình Luật Dân sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 471 – 473.

[6] Quy định này ít được Tòa án áp dụng bởi nhiều lý do: có thể thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ít xảy ra trong cuộc sống nên Tòa án hiếm có cơ hội áp dung; và cũng có thể là do khó khăn trong việc xác định như thế nào là phòng vệ chính đáng, như thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, và như thế nào là thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…

[7] Theo điểm b khoản 3 Điều 623, “chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

[8] Điều 626 quy định “chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

[9] Theo Điều 627, “chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

[10] Theo Điều 302 (khoản 2) BLDS, “trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự”.

[11] Theo khoản 1 Điều 614 BLDS, “người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

[12] Về vai trò của sự kiện bất khả kháng hay tình thế cấp thiết, xem Đỗ Văn Đại: Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2014 (xuất bản lần thứ hai), Bản án số .18-20.

[13] “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

[14] Khoản 1 Điều 262 BLDS có định nghĩa“tình thế cấp thiết”theo đó “tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn”.

[15] Theo một tác giả Pháp, “một số điều kiện về phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 122-5 Bộ luật Hình sự. Các điều kiện của phòng vệ chính đáng đã được án lệ đã bổ sung. Toàn bộ các điều kiện này trong pháp luật hình sự được vận dụng cho trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự” (P. Jourdain, JurisClasseur Civil Code, Fasc. 121-20 (2012), phần số 36).

[16] BLHS 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[17] Theo khoản 1 Điều 16 BLHS, “tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”.

[18] Về chủ đề này, xem thêm O. Moréteau (chủ biên), Principes du droit européen de la responsabilité civile, Nxb. Société de législation comparée 2011, tr.173 và tiếp theo.

[19] Hoàng Thế Liên (chủ biên),Sđd(tập 2), tr. 744 và 745.

[20] Khoản 1 Điều 106 BLHS quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

[21] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Sđd(tập 2), tr. 744

[22] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Công an nhân dân 2008, tr. 281 và 282.

[23] Nguyễn Xuân Quang, trong Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức 2013 Hội Luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr. 516 và 517.

[24] Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết và Nguyễn Hồ Bích Hằng, Luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 485.

[25] Hoàng Thế Liên (chủ biên): Sđd(tập 2), tr.744.

[26] Đinh Văn Quế, Pháp luật hình sự – Thực tiễn xét xử và án lệ, Nxb. Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 290.

[27] G. Viney và P. Jourdain,Sđd, phần số 565.

[28] M. Léna, note sous Crim. 8 janvier 2008, F-P+F, n° 07-83.423 : Dalloz actualité 12 février 2008.

[29] Crim. 8 janvier 2008, F-P+F, n° 07-83.423 : Dalloz actualité 12 février 2008, note M. Léna.

  • Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Trương Tín**
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2014 (85)/2014 – 2014, Trang 71-80
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Kỹ năng của Luật sư tham gia giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
Kỹ năng của Luật sư tham gia giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại
Quy định về Phòng vệ chính đáng trong pháp luật hình sự
Quy định về Phòng vệ chính đáng trong pháp luật hình sự
Bồi thường thiệt hại do ô tô tự lái gây ra trong pháp luật Đức và Nhật Bản
Bồi thường thiệt hại do ô tô tự lái gây ra trong pháp luật Đức và Nhật Bản
Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh gây ra tại Việt Nam
Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh gây ra tại Việt Nam
Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại
Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại

Chuyên mục: Dân sự/ Luật Dân sự Việt Nam Từ khóa: Bồi thường thiệt hại/ Phòng vệ chính đáng/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2014/ Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Previous Post: « Từ định hướng về Án lệ tại Việt Nam: Đề xuất cách viết án lệ theo kinh nghiệm của các quốc gia thông luật
Next Post: Bàn về quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp 2013 và vấn đề sửa đổi một số quy định liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng