Mục lục
Bài viết: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực thể thao – nhìn từ góc độ môn bóng đá
- Tác giả: Lê Hà Huy Phát – Trần Tiến Đoàn
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(112)/2017 – 2017, Trang 24-31
TÓM TẮT
Bài báo đánh giá khả năng áp dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với người chơi bóng đá chuyên nghiệp trong quá trình thi đấu thông qua trường hợp của cầu thủ bóng đá Quế Ngọc Hải. Bên cạnh đó, bài viết cũng đề xuấtgiải pháp hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng không chỉ trong thi đấu bóng đá mà còn trong thể thao nói chung
ABSTRACT:
The article gives an assessment on the ability to apply the regulations on the liability of non-contractual damages in accordance with the 2015 Civil Code regarding the compensation responsibility of professional football players during competition, through the case of football player Que Ngoc Hai. Besides, the article proposes the method of perfecting the rules on liability of non-contractual damages not only in football competition but also in the sport in general.
TỪ KHÓA: thể thao, cầu thủ bóng đá, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,
KEYWORDS: sport, football player, liability of non-contractual damages,
Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng của Bộ luật Dân sự (BLDS). BLDS năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 đã có nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận liên quan đến chế định bồi thường thiệt hại, đặc biệt là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như: bổ sung trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu tài sản khi tài sản bị gây thiệt hại (khoản 3 Điều 584 BLDS 2015), bổ sung trách nhiệm của người giám hộ trong việc bồi thường thiệt hại do người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây ra.[1] Tuy nhiên, trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại trong hoạt động thể dục thể thao thì BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 vẫn chưa có quy định cụ thể. Trong khuôn khổ bài viết, bằng việc nghiên cứu vụ việc của cầu thủ Quế Ngọc Hải, tác giả mong muốn trình bày thực trạng pháp luật và đưa ra những kiến nghị không chỉ cho việc hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực bóng đá nói riêng mà cả trong lĩnh vực thể dục thể thao nói chung.
BÀI VIẾT CÙNG SỐ TẠP CHÍ
- Cơ sở đạo đức của pháp luật – Nhận thức và thực hành
- Bàn về hiệu lực thời gian của Án lệ
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực Đất đai
- [BÀI ĐANG XEM] Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực thể thao – Nhìn từ góc độ môn bóng đá
- Những vấn đề pháp lý về kiểm soát nhập khẩu loài ngoại lai ở Việt Nam
- Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường bằng hòa giải tại một số quốc gia – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại Tòa án theo pháp luật Việt Nam và các nước
- Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin môi trường ở Việt Nam
- Thực thi nguyên tắc tiếp cận thị trường trong thương mại dịch vụ ở Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO
Cụ thể, tình tiết vụ việc như sau: Ngày 13/9/2015, trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An (SLNA) và SHB Đà Nẵng thuộc khuôn khổ vòng 25 V. League, trong tình huống lao vào cản phá bóng trong chân của Trần Anh Khoa ngay sát vòng cấm, Quế Ngọc Hải đã khiến cầu thủ này dính chấn thương nặng. Ngày 18/9/2015, Ban Kỷ luật VFF công bố công khai án phạt treo giò đối với Quế Ngọc Hải. Theo đó, hậu vệ của SLNA sẽ phải nghỉ thi đấu 6 tháng tại các giải thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cùng với số tiền phạt là 15 triệu đồng. Ngọc Hải còn phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa. Đến tháng 12/2015, được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, Quế Ngọc Hải đã bồi thường chi phí điều trị chấn thương cho Anh Khoa với số tiền hơn 800 triệu đồng.
Ở khía cạnh pháp luật dân sự, bài viết sẽ phân tích căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong thi đấu thể thao (1) và căn cứ phát sinh trách nhiệm đối với tổ chức quản lý người gây thiệt hại (2).
1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong thi đấu thể dục thể thao
Để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải thỏa mãn 03 điều kiện:[2] có thiệt hại thực tế xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, mối quan hệ nhân – quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại thực tế xảy ra[3] (trước đây BLDS còn yêu cầu thêm yếu tố lỗi của người gây thiệt hại). Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xác định trường hợp bồi thường thiệt hại đó có thuộc trường hợp không được bồi thường như thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hay không.[4] Về điều kiện thứ nhất (có thiệt hại thực tế xảy ra), trong vụ việc này đã được thỏa mãn (sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau). Ở đây, tác giả muốn tập trung phân tích rõ hành vi gây thiệt hại trong thi đấu thể thao của Quế Ngọc Hải đối với Trần Anh Khoa có phải là hành vi trái pháp luật hay không, bởi lẽ đây thực chất là một vấn đề phức tạp và còn nhiều tranh cãi.[5]
Trong vụ việc của Quế Ngọc Hải, cầu thủ này đã gây chấn thương cho Trần Anh Khoa bằng việc “song phi” vào chân của Anh Khoa vào phút thứ 21 của trận đấu gây ra hậu quả là Anh Khoa phải rời sân bằng cáng trong tình trạng đau đớn. Theo giải thích của Nghị quyết số 03/2006 ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì “hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với quy định của pháp luật”. Vậy có tồn tại quy định nào của pháp luật Việt Nam yêu cầu không được xử sự như Ngọc Hải hay không? Câu trả lời rất rõ ràng là có. Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 – văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam quy định minh thị: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. [6] Thứ hai, Điều 10 Luật Thể dục thể thao năm 2006 cấm hành vi “bạo lực trong thể thao”. Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 112/2007/NĐ – CP ngày 26/6/2007 quy định hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao là hành vi: a) Cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao; b) Đe dọa, xúc phạm các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thể thao.
Trong vụ việc trên, rõ ràng hành vi của Quế Ngọc Hải đã gây chấn thương làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người khác (Trần Anh Khoa) trong thi đấu thể thao. Tuy nhiên, để xác định được hành vi của Quế Ngọc Hải là hành vi trái pháp luật (cụ thể là trái các quy định nêu trên) thì chúng ta còn cần làm rõ hành vi của Quế Ngọc Hải là “cố ý” hay “vô ý”. Nếu hành vi này là “cố ý” thì đã đủ yếu tố để kết luận hành vi của Quế Ngọc Hải là hành vi trái pháp luật và từ đó là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cách quy định như thế này cũng là phù hợp với kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, cụ thể là Mỹ. Theo đó, nguyên đơn phải chứng minh được bị đơn cố ý gây thiệt hại và đã thực hiện hành vi đó để tiến hành yêu cầu việc bồi thường thiệt hại.[7] Ở Việt Nam, BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 và Nghị quyết số 03/2006 đều có quy định về vấn đề “lỗi”.[8] Theo đó, “lỗi cố ý” hay “cố ý gây thiệt hại” là “trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra”. Quế Ngọc Hải với tư cách là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, khi thi đấu bóng đá trong khuôn khổ V. League phải nhận thức rõ hành vi của mình (rất nguy hiểm và thô bạo) sẽ gây chấn thương cho cầu thủ đang dẫn bóng của đội bạn khi cản phá bóng với tư thế xoạc chân như trong video ghi hình trận đấu.[9] Tiếp theo đó, mặc dù rất khó để xác định rằng cầu thủ này có mong muốn hậu quả xảy ra hay không vì lỗi vốn là yếu tố về nhận thức, nhưng việc lao vào cản phá bóng với tư thế cũng như lực cản phá như vậy giúp chúng ta đưa ra được kết luận rằng Quế Ngọc Hải có sự nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho Trần Anh Khoa mà vẫn thực hiện, có thể không mong muốn nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra. Ngoài ra, tại Điều 1 Quyết định số 403-QĐ – LĐBĐVN ngày 18/9/2015 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã xác định hành vi của Quế Ngọc Hải “hành vi cố tình xâm phạm thân thể gây thiệt hại đến sức khỏe cầu thủ Trần Anh Khoa của câu lạc bộ SHB Đà Nẵng, vi phạm khoản 1 và khoản 3 Điều 39 Hành vi xâm phạm thân thể quy định về kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam trong trận đấu giữa câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An và câu lạc bộ SHB Đà Nẵng tại lượt trận thứ 25, ngày 13/9/2015 trên sân vận động Nghệ An”[10] và cầu thủ này cũng đã chấp nhận án phạt của VFF. Từ đó, có thể đi đến kết luận rằng, hành vi của Quế Ngọc Hải là hành vi trái pháp luật. Hành vi trên đã gây thiệt hại cho Anh Khoa với việc cầu thủ này bị chấn thương nặng và sau đó phải giải nghệ. Việc Anh Khoa dính chấn thương nặng và hành vi trái pháp luật của Quế Ngọc Hải có mối quan hệ nhân quả vì trong tình huống này, chúng ta xác định một cách rõ ràng rằng hành vi trái pháp luật của Ngọc Hải là nguyên nhân gây ra thiệt hại và thiệt hại xảy ra đối với Anh Khoa là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật do Ngọc Hải gây ra theo đúng tinh thần Nghị quyết số 03/2006[11] của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Nhìn từ góc độ so sánh với pháp luật nước ngoài, việc xem xét một hành vi gây thiệt hại trong thi đấu thể thao có phải hành vi trái pháp luật hay không vẫn còn chưa có sự thống nhất giữa các tòa án trong các vụ việc khác nhau. Trong vụ việc Hackbart v. Cincinnati Bangals, Inc.,[12] một cầu thủ đã có hành vi gây thiệt hại cho cầu thủ khác trong khi thi đấu bóng đá. Mặc dù phía nguyên đơn lập luận rằng việc gây thiệt hại khi đang trong một trận thi đấu nên được giải quyết như ở bất kỳ nơi nào khác, nhất là khi bên gây thiệt hại có hành vi cố ý và thô bạo và có yêu cầu được hưởng bồi thường thiệt hại thì Tòa án đã theo hướng nếu thiệt hại xảy ra trong một trận đấu thể thao thì người gây thiệt hại được miễn trừ trách nhiệm bồi thường. Lý giải cho điều này, Tòa án cho rằng đây là một trường hợp đặc biệt và rằng việc gây thiệt hại trong trường hợp thi đấu thể thao như thế này là rất thông thường. Tuy nhiên, trong hai vụ việc sau đây, hướng giải quyết lại hoàn toàn khác. Trong vụ Leatherland vs. Edwards[13] (liên quan đến thi đấu khúc côn cầu) và vụ Nabozny v. Barnhill[14] (liên quan đến thi đấu bóng đá), Tòa án theo hướng người bị thiệt hại có quyền kiện người gây ra thiệt hại và nhận tiền bồi thường vì điều này là nhằm mục đích trừng phạt người có hành vi cẩu thả mà từ đó gây thiệt hại cho người chơi khác. Một cách rõ ràng hơn, trong vụ thứ hai liên quan đến thi đấu bóng đá, theo đó, nguyên đơn và bị đơn cùng thi đấu trong một trận đấu bóng đá có áp dụng luật lệ chuẩn F.I.F.A. Nguyên đơn chơi ở vị trí thủ môn, bị đơn là chơi ở vị trí tiền đạo đội đối phương. Bị đơn và một cầu thủ khác (hậu vệ đội nguyên đơn) có pha tranh giành bóng ở phần sân của nguyên đơn. Sau đó, cầu thủ đội nguyên đơn đã giành được bóng thành công và chuyền bóng về lại cho nguyên đơn để nguyên đơn chụp và bắt đầu pha bóng mới. Tuy nhiên, trong lúc bóng đang được chuyền về phía nguyên đơn thì bị đơn vẫn cố gắng đuổi theo để đá trái bóng vào khung thành. Kết quả rằng vì đang thi đấu quyết liệt nên bị đơn đã đá thẳng vào đầu của nguyên đơn thay vì trái bóng mà nguyên đơn đang ôm. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử theo hướng đây là hành vi gây thiệt hại trong khi thi đấu thể thao nên bên bị đơn không bị buộc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm lại có hướng lập luận khác. Theo đó, các vận động viên tham gia đều đã được đào tạo và huấn luyện bởi những người có chuyên môn. Các nguyên tắc về an toàn khi thi đấu phải được đảm bảo để tránh các thương tật nghiêm trọng cho các vận động viên. “Sự thiếu thận trọng không chú ý đến sự an toàn của người khác không thể được miễn”[15] và “người chơi phải chịu trách nhiệm về thương tích do hành vi vi phạm gây ra nếu hành vi đó là cố ý hoặc coi nhẹ sự an toàn của người chơi khác để gây thương tích cho người chơi đó”. [16] Từ những lập luận đã nêu, Tòa án cấp phúc thẩm đã theo hướng buộc nguyên đơn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại vì đã có lỗi cố ý và coi thường sự an toàn của người khác.
Như vậy, tóm lại, với những phân tích ở trên, tác giả khẳng định rằng các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Trần Anh Khoa đối với Quế Ngọc Hải đã hội đủ theo quy định của BLDS năm 2015[17] và kinh nghiệm xét xử của nước ngoài.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với tổ chức quản lý người gây thiệt hại
Khi trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã phát sinh đối với Quế Ngọc Hải, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là trách nhiệm của tổ chức quản lý người gây thiệt hại trong trường hợp này sẽ như thế nào. BLDS năm 2005 cũng như BLDS hiện hành không có quy định cụ thể vấn đề bồi thường thiệt hại do cầu thủ hay vận động viên gây ra trong quá trình thi đấu thể dục thể thao. Do đó, liệu là chúng ta có thể áp dụng các quy định của Mục 3 Chương XX BLDS năm 2015 về Bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể[18] như Điều 597 BLDS năm 2015 về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra[19] hay không và nếu có thì áp dụng như thế nào? Bởi lẽ, đây là những quy định được kế thừa hoàn toàn từ BLDS năm 2005 và có nhiều điểm tương đồng trong vụ việc đang được nghiên cứu.
Chúng ta nhận thấy rằng, sau khi đã xác định được trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại thì việc có hay không vấn đề quy trách nhiệm bồi thường cho tổ chức quản lý người gây thiệt hại có vai trò đặc biệt quan trọng vì việc quy trách nhiệm này tạo điều kiện cho người bị thiệt hại được bồi thường nhờ vào khả năng kinh tế vốn có của pháp nhân so với người gây thiệt hại bởi suy cho cùng, đối với việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quyền lợi của người bị thiệt hại nên được ưu tiên hàng đầu. Vấn đề này đã được thể hiện rõ không chỉ trong các nghiên cứu khoa học mà cả trong thực tiễn xét xử. Theo một số tác giả thì: “Quy định này (tức việc quy trách nhiệm bồi thường cho pháp nhân) nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người bị thiệt hại vì pháp nhân luôn được suy đoán là có khả năng kinh tế hơn cá nhân”.[20] Thêm vào đó, trong thực tiễn xét xử, có tòa án đã cho rằng: “Việc quy định pháp nhân phải bồi thường trước nhằm bảo vệ kịp thời người bị hại, bởi pháp nhân luôn là chủ thể có khả năng kinh tế hơn cá nhân nên nguyên tắc “kịp thời” và “toàn bộ” trong bồi thường thiệt hại được thực hiện một cách triệt để”. [21]Điều 597 BLDS năm 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật” (đây là quy định đã tồn tại trong Điều 618 BLDS năm 2005. Để áp dụng chế định này cần thỏa mãn 03 điều kiện dưới đây:
– Địa vị pháp lý của cơ quan chủ quản người gây ra thiệt hại phải là pháp nhân (1);
– Thiệt hại được yêu cầu bồi thường là thiệt hại do người của pháp nhân gây ra (2);
– Thiệt hại gây ra khi người của pháp nhân đang thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao (3).
Phân tích từng điều kiện nêu trên, chúng ta nhận thấy các vấn đề sau đây:
Về địa vị pháp lý của cơ quan chủ quản người gây ra thiệt hại phải là pháp nhân: trong vụ việc mà chúng ta đang nghiên cứu, cầu thủ Quế Ngọc Hải đang thi đấu cho Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Theo khoản 1 Điều 7 Quy chế bóng đá sửa đổi năm 2015 được ban hành kèm Quyết định số 528/QĐ-LĐBĐVN ngày 10/12/2014 của Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp (sau đây gọi là câu lạc bộ) “là doanh nghiệp do tổ chức, cá nhân thành lập để thực hiện đào tạo, huấn luyện cầu thủ và tham gia thi đấu bóng đá chuyên nghiệp; kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật” mà doanh nghiệp thì căn cứ vào tư cách pháp nhân có thể chia ra thành 02 loại là doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân (ở đây là loại hình doanh nghiệp tư nhân[22]) và doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh). Do đó, trong trường hợp này có thể xảy ra 02 trường hợp: trường hợp thứ nhất là đơn vị chủ quản là doanh nghiệp tư nhân do đó không phải là pháp nhân, trường hợp thứ hai doanh nghiệp không phải doanh nghiệp tư nhân nên có tư cách pháp nhân. Đối với trường hợp này, đơn vị chủ quản – Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An là Công ty Cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An do Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á làm chủ[23] nên rõ ràng có thể áp dụng chế định bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.
Về tư cách chủ thể của người gây thiệt hại, cầu thủ Quế Ngọc Hải cũng như các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp khác (sau đây gọi là cầu thủ) trước khi trở thành thành viên đội tuyển để thi đấu cho các câu lạc bộ đều phải ký hợp đồng lao động với câu lạc bộ. Căn cứ vào mẫu hợp đồng lao động dành cho cầu thủ chuyên nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 99/QĐ-LĐBĐVN ngày 03 tháng 4 năm 2013 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì giữa cá nhân cầu thủ và câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp đã có sự thỏa thuận về các vấn đề như: tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nội dung công việc… nên có thể xác định giữa cầu thủ và câu lạc bộ bóng đá tồn tại mối quan hệ lao động trong đó cầu thủ có tư cách là người lao động và câu lạc bộ bóng đá là người sử dụng lao động.[24] Vậy thì cầu thủ bóng đá như Quế Ngọc Hải sau khi ký kết hợp đồng lao động với câu lạc bộ có được xem là “người của pháp nhân” hay không để yêu cầu pháp nhân (ở đây là câu lạc bộ) bồi thường thiệt hại? BLDS năm 2015 sử dụng cụm từ “người của pháp nhân” 04 lần tại các Điều 87 và Điều 597 nhưng không hề có sự giải thích nghĩa của cụm từ này. Việc không giải thích rõ ràng đã gây ra nhiều các hiểu khác nhau.[25] Ví dụ: có ý kiến cho rằng “người của pháp nhân” “là bất kỳ thành viên nào của pháp nhân. Thành viên này có thể được pháp nhân tuyển dụng vào làm việc dài hạn, ngắn hạn hoặc đang thử việc”[26] hay người của pháp nhân là những người được bổ nhiệm chức vụ nhất định hoặc được tuyển dụng làm việc theo hợp đồng lao động.[27] Thực tiễn xét xử không đưa ra câu trả lời thống nhất cho trường hợp này nhưng cũng không có sự giải thích theo hướng bác bỏ các quan điểm trên.[28] Từ những phân tích trên có thể xác định rằng cầu thủ Quế Ngọc Hải là “người của pháp nhân” và pháp nhân ở đây là câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An do đó thỏa mãn điều kiện thứ (2).
Về điều kiện gây thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao thì chúng ta đều biết khái niệm “thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao” đã được BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015[29] sử dụng khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do pháp nhân gây ra. Tuy nhiên, cả ba bộ luật này đều không có sự giải thích nội hàm của cụm từ trên. Cũng chính từ sự chưa rõ ràng đó mà đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng gây thiệt hại khi “thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao” là việc gây thiệt hại “do thành viên của pháp nhân gây ra theo đó pháp nhân phải bồi thường cho người bị thiệt hại liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ mà pháp nhân giao cho thành viên đó thực hiện”.[30] Việc xác định liệu việc người của pháp nhân gây ra thiệt hại có thuộc trường hợp “thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao” hay không có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại vì “nếu người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc riêng, hoặc mặc dù thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân nhưng hành vi gây thiệt hại không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ đó, thì pháp nhân không phải bồi thường thiệt hại mà các cá nhân đó phải bồi thường thiệt hại xảy ra”[31] vì “về nguyên tắc, khi những người này thực hiện công việc của pháp nhân là họ nhân danh pháp nhân, thực hiện công việc vì lợi ích của pháp nhân”. [32] Quay trở lại với vụ việc đang nghiên cứu, việc Quế Ngọc Hải phạm lỗi với Anh Khoa có là gây ra thiệt hại do thực hiện nhiệm vụ được giao hay không? Câu trả lời là có. Căn cứ vào mẫu hợp đồng của cầu thủ thì rõ ràng rằng cầu thủ như Hải khi thi đấu phải tuân theo sự điều hành của người có thẩm quyền ví dụ như Ban huấn luyện câu lạc bộ, huấn luyện viên và do đó việc thi đấu trên sân cỏ được xem làm thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao và việc gây ra thiệt hại có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ mà câu lạc bộ giao cho. Từ những phân tích trên, có thể kết luận, việc Quế Ngọc Hải gây ra thiệt hại khi đang thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao do đó thỏa mãn điều kiện thứ (3) để áp dụng Điều 597 BLDS năm 2015. Vì vậy, người bị thiệt hại có thể yêu cầu Câu lạc bộ đang trực tiếp quản lý cầu thủ gây ra thiệt hại phải bồi thường theo quy định tại Điều 597 BLDS năm 2015 để đảm bảo cho tốt nhất quyền lợi của mình.[33]
Việc BLDS năm 2015 chưa quy định trường hợp cụ thể về việc bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực thể dục thể thao trong khi lĩnh vực này ngày một phát triển sẽ gây không ít trở ngại cho người bị thiệt hại trong việc yêu cầu bồi thường. Xuất phát từ nguyên nhân này, theo quan điểm của người viết, khi có cơ hội sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015, chúng ta nên quy định thêm một điều luật liên quan đến việc bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực thi đấu thể thao và nên ghi nhận tại phần các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cụ thể. Điều này sẽ tạo thành một nguyên tắc chung khi giải quyết các vấn đề bồi thường thiệt hại liên quan đến thi đấu thể thao và sẽ được dẫn chiếu sang Luật Thể dục thể thao như là một ngành luật chuyên ngành liên quan.[34] Theo đó, hành vi gây thiệt hại trong thi đấu thể thao nếu có lỗi cố ý và thô bạo thì sẽ được xem là hành vi gây thiệt hại trái pháp luật là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng..
CHÚ THÍCH
[1] Xem thêm Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2016.
[2] BLDS 2015 đã bỏ yếu tố “lỗi” ra khỏi các căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây được xem là một quy định mang tính tiến bộ của BLDS năm 2015. Xem: Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, Quyển 1, 2016, tr. 126 – 132.
[3] Điều 584 BLDS năm 2015.
[4] Khoản 1 Điều 613, khoản 1 Điều 614, Điều 617 BLDS năm 2005, khoản 2 Điều 584 BLDS năm 2015.
[5] Theo Carrol, John F trong Carrol, John F., “Torts in Sports – “I’ll See You In Court!””, Akron Law Review. Vol. 16 : Iss. 3, 1983, Article 7, thì những việc gây thiệt hại trong thi đấu thể thao được chấp nhận như là một phần của quy tắc trò chơi. Các quy tắc của trò chơi điều chỉnh sự đồng ý của những người tham gia môn thể thao này. Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả, điều này chỉ chính xác một phần. Bởi lẽ, những người tham gia thể thao có thể dự liệu được trường hợp thiệt hại xảy ra với họ, nhưng thật vô lý nếu họ đồng ý chịu đựng mọi thiệt hại do đối phương cố ý gây ra cho mình.
[6] Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013.
[7] Carrol, John F., “Torts in Sports – “I’ll See You In Court!””, Akron Law Review. Vol. 16 : Iss. 3, 1983, Article 7.
[8] Điều 308 BLDS năm 2005, Tiểu mục 1.4 Mục 1 Phần I NQ 03/2006 và Điều 364 BLDS năm 2015.
[9] Xem chi tiết tình huống này tại https://www.youtube.com/watch?v=54i4hUodygk, truy cập ngày 27/4/2017.
[10] Báo điện tử của Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam “Quyết định kỷ luật đối với cầu thủ Quế Ngọc Hải (CLB SLNA)”, http://vff.org.vn/ky-luat-22/quyet-dinh-ky-luat-doi-voi-cau-thu-que-ngoc-hai-clb-slna-25465.html, truy cập ngày 27/4/2017.
[11] Trong việc xác định mối quan hệ nhân quả, xem thêm: Đỗ Văn Đại, Sđd, Quyển 1, tr. 92 – 101.
[12] Hackbart v. Cincinnati Bengals, Inc., 1979, https://h2o.law.harvard.edu/cases/2456, truy cập ngày 28/4/2017.
[13] Vagisha, “Law of Tort And Sports Litigation”, 2011, http://www.legalservicesindia.com/article/article/law-of-tort-and-sports-litigation-746-1.html, truy cập ngày 28/4/2017.
[14] Nabozny v. Barnhill, 31 Ill. App.3d 212 (1975), http://www.leagle.com/decision/197524331IllApp3d212_1204/NABOZNY%20v.%20BARNHILL, truy cập ngày 26/5/2017.
[15] Nguyên văn tiếng Anh từ phán quyết của Tòa án: “A reckless disregard for the safety of other players cannot be excused”. Xem Nabozny v. Barnhill, Tlđd, truy cập ngày 26/5/2017.
[16] Nguyên văn tiếng Anh từ phán quyết của Tòa án: “A player is liable for injury in a tort action if his conduct is such that it is either deliberate, wilful or with a reckless disregard for the safety of the other player so as to cause injury to that player”. Xem Nabozny v. Barnhill, Tlđd, truy cập ngày 26/5/2017.
[17] Chú thích: Tình huống trên xảy ra khi BLDS năm 2005 đang có hiệu lực do đó “lỗi” vẫn là một trong những điều kiện để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hành vi của Quế Ngọc Hải được thực hiện đã có yếu tố “lỗi” (đã được chứng minh trong bài viết) do đó dù áp dụng BLDS năm 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Quế Ngọc Hải đối với Trần Anh Khoa vẫn phát sinh.
[18] Sự phân loại này có ý nghĩa cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại
Xem thêm: Viện nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Bộ luật dân sự, Nxb. Chính trị quốc gia, 1997, tr. 237.
[19] Trong trường hợp này, có ý kiến cho rằng cũng có thể áp dụng Điều 600 BLDS năm 2015 Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết và một số tác giả thì quy định giữa Điều 597 và 600 BLDS năm 2015 là khá gần gũi, sự tách bạch giữa hai trường hợp này chưa thực sự rõ nét và việc xác định trách nhiệm bồi thường tương đối giống nhau. Do đó nội dung bài viết này chỉ xem xét đến Điều 597 BLDS năm 2015. Xem: Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức , Quyển 2, 2016, tr. 125.
[10] Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005, Nxb. Chính trị quốc gia , Tập 2, 2009, tr. 736.
[21] Phần “Xét thấy” của Bản án số 1595/2015/DSPT ngày 22/12/2015 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh
trích từ Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức (2016), Quyển 2, tr. 122.
[22] Do doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản giữa doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp nên không thỏa mãn điều kiện được công nhận là pháp nhân tại Điều 84 BLDS năm 2005 (Điều 74 BLDS năm 2015).
[23] Báo điện tử vietnamplus, http://www.vietnamplus.vn/song-lam-nghe-an-hoan-thanh-chuyen-giao/23538.vnp, truy cập ngày 28/4/2017.
[24] Khoản 1, 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012.
[25] Đỗ Văn Đại, Sđd, tr. 127 – 128.
[26] Trương Anh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự, Nxb. Lao Động, 2009, tr. 604.
[27] Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Tư Pháp, 2014, tr. 782.
[28] Đỗ Văn Đại, Sđd, tr.127 – 128.
[29] Điều 622 BLDS năm 1995, Điều 618 BLDS năm 2005, Điều 597 BLDS năm 2015 quy định hoàn toàn giống nhau do đó những bình luận, nghiên cứu về những quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra trong BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 vẫn có giá trị.
[30] Lê Đình Nghị, Phạm Công Lạc, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam – Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an Nhân dân, tập 2, 2015, tr. 319.
[31] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2005, Nxb. Chính trị Quốc gia , Quyển 2, 2009, tr. 736.
[32] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr. 524.
[33] Hướng giải quyết này là phù hợp với hướng giải quyết của các nước tiến bộ trên thế giới, theo đó, câu lạc bộ quản lý (employer) phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cầu thủ của mình (employee) gây ra. Xem Mark James, Sports Law Third Edition, PALGRAVE, 2017, p. 95-96 và Unlockthelaw legal problem solved, “Football Injury Compensation Claims”, https://www.unlockthelaw.co.uk/football-injury-claims.html, truy cập ngày 28/4/2017.
[34] Hiện nay, theo Luật Thể dục thể thao năm 2006, nếu vận động viên có lỗi cố ý hoặc thi đấu thô bạo dẫn đến thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường (Điều 10 và Điều 77). Tuy Luật Thể dục thể thao năm 2006 quy định: “người nào có hành vi gây thiệt hại thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật” nhưng BLDS năm 2015 lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Theo quan điểm của người viết, chúng ta có thể áp dụng quy định của Điều 597 BLDS năm 2015 để giải quyết. Tuy nhiên, đây là một trường hợp thường xuyên xảy ra trong thực tiễn do đó việc quy định minh thị như một trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cụ thể là cần thiết (như trường hợp người sử dụng chất kích thích gây thiệt hại, gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 [trans: The 2013 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam]
- Bộ luật Dân sự năm 2015 [trans: The 2015 Civil Code]
- Bộ luật Dân sự năm 2005 [trans: The 2005 Civil Code]
- Bộ luật Lao động năm 2012 [trans: The 2012 Labor Code]
- Luật Thể dục thể thao năm 2006 [trans: The 2006 Law on Physical Training and Sports]
- Nghị định số 112/2007/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thể dục, thể thao [trans: Decree 112/2007/ND-CP, providing instructions on the implementation of several provisions of the law on exercise and sports]
- Nghị quyết số 03/2006 ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng [trans: Resolution No. 03/2006 dated 08 July 2006 of The Judges’ Council Of The Supreme Peoples Court, guiding the application of a number of provisions of the 2005 Civil Code on compensation for non-contractual damages]
- Quyết định số 403-QĐ – LĐBĐVN ngày 18/9/2015 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam [trans: Decision No. 403-QĐ-LDBDVN dated 18/9/2015 of the Football Association of Vietnam]
- Quyết định số 528/QĐ-LĐBĐVN ngày 10/12/2014 của Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam [trans: Decision No. 528/QD-LDBDVN dated December 10, 2014 of the Executive Committee of the Vietnam Football Federation]
- Carrol, John F., “Torts in Sports – “I’ll See You In Court!””, Akron Law Review, Vol. 16: Iss. 3, 1983, Article 7
- Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2016 [trans: Do Van Dai (Editor), Scientific commentary of the 2015 Civil Code, Publishing House. Hong Duc – Vietnam Lawyers Association, 2016]
- Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, Quyển 1, 2016 [trans: Do Van Dai, Law on Compensation for non-contractual damages – Judgments and Comments, Publishing House. Hong Duc, Vol. 1, 2016]
- Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, Quyển 2, 2016 [trans: Do Van Dai, Law on Compensation for non–contractual damages – Judgments and Comments, Publishing House. Hong Duc, Vol. 2, 2016]
- Lê Đình Nghị, Phạm Công Lạc, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam – ĐH Luật Hà Nội, Nxb. Công an Nhân dân, tập 2, 2015 [trans: Le Dinh Nghi, Pham Cong Lac, Civil Law Textbook of Vietnam – Hanoi Law University, Publishing House. People’s Police, Vol. 2, 2015]
- Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2005, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 2, 2009 [trans: Hoang The Lien (Editor), Scientific commentary 2005 Civil Code, Publishing House. Political Freedom, Vol. 2, 2009]
- Trương Anh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự, Nxb. Lao Động, 2009 [trans: Truong Anh Tuan (Editor), Scientific commentary Civil Code, Publishing House. Labor, 2009]
- Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Tư Pháp, 2014 [trans: Nguyen Minh Tuan (Editor), Scientific commentary Civil Code of the Socialist Republic of Vietnam, Publishing House. Justice, 2014]
- Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức, 2015 [trans: HCMC University of Law, Textbook on contract law and compensation for non-contractual damages, Publishing House. Germany, 2015]
- Viện nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Bộ luật dân sự, Nxb. Chính trị quốc gia, 1997 [trans: Research Institute of Legal Science, Scientific commentary on some basic issues of the Civil Code, Publishing House National Politics, 1997]
Trả lời