Mục lục
Bài viết: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng
- Tác giả: Lê Thị Hồng Vân*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(103)/2016 – 2016, Trang 43-50
TÓM TẮT
An toàn thực phẩm đang là vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay. Mỗi ngày, những thực phẩm không an toàn đang gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Vì vậy, quyền lợi của người tiêu dùng được nhiều ngành luật khác nhau bảo vệ. Dưới khía cạnh pháp luật dân sự, chủ thể gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng. Từ đó, tác giả đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật và khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn.
ABSTRACT:
Food safety is an important issue in Vietnam. Every day, unsafe foods are damaging consumers health and lives. Therefore, rights and interests of consumers are protected by many different laws. From the perspective of civil law, persons who cause damage must be responsible for compensation. This paper analyzes the related legal provisions and practical problems in applying the law on liability to compensate for damage outside contract by unsafe food caused to consumers. On that basis, the author makes proposals to improve the related provisions of the law and overcome the difficulties in practice.
TỪ KHÓA: thực phẩm không an toàn, bồi thường, luật an toàn thực phẩm, thiệt hại ngoài hợp đồng, an toàn thực phẩm,
KEYWORDS: food safety, food safety law, damage outside contract, compensation, unsafe food,
Hiện nay, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Bởi lẽ, vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh đã sản xuất, kinh doanh những thực phẩm không an toàn, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Chẳng hạn như: nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định, thịt gà tẩm chất vàng ô, lợn nuôi bằng chất tạo nạc… Theo quy định của pháp luật, tùy vào từng trường hợp vi phạm, nhà sản xuất, kinh doanh có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời, nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đây có thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hoặc là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng.
Bài viết cùng số Tạp chí
- Đi tìm điểm cân bằng giữa tuân thủ luật WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm: Đáp án nào cho Việt Nam?
- Tác động của các quy định WTO về các biện pháp kiểm dịch động – thực vật đối với các quốc gia đang phát triển
- Cần thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm tại các thành phố trực thuộc trung ương
- Những bất cập về thời hiệu và thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
- Thực trạng phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và một số kiến nghị
- [BÀI ĐANG XEM] Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng
- Sử dụng phụ gia thực phẩm tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp kiểm soát
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Nhìn từ khía cạnh quản lý nhà nước và quyền lợi người tiêu dùng
- Một số điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về bị hại, đương sự trong vụ án hình sự
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong Luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc
1. Quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng
Thực phẩm là “sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm”.[1] An toàn thực phẩm là “việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.”[2] Do đó, thực phẩm không an toàn là thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Nói cách khác, khi người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không an toàn có thể sẽ bị những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng sẽ thuộc về chủ thể nào, căn cứ nào làm phát sinh trách nhiệm, căn cứ nào loại trừ trách nhiệm… là những vấn đề pháp lý cần được đặt ra.
Để xác định thực phẩm không an toàn, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, chủ thể được bồi thường (người tiêu dùng), căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường, căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường, … chúng ta phải dựa vào nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Cụ thể là: Luật An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) năm 2010, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) năm 2007, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (được thay thế bởi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực vào ngày 01/01/2017)…[3]
1.1. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường
Khi thực phẩm được sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng thì thường có sự tham gia của nhiều chủ thể và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Do đó, nếu thực phẩm không an toàn thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường có thể là một hoặc nhiều chủ thể khác nhau.
Theo Luật ATTP năm 2010 thì bảo đảm an toàn thực phẩm là “trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm…”[4] và“tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.[5]
Nhìn chung, chủ thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm chính là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Riêng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Luật ATTP năm 2010 đã quy định cho hai chủ thể là nhà sản xuất và nhà kinh doanh ở hai quy định khác nhau. Theo đó, điểm l khoản 2 Điều 7 luật trên quy định tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ: bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn do mình sản xuất gây ra. Đồng thời, theo điểm l khoản 2 Điều 8 luật trên thì nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm là bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra. Bên cạnh đó, điểm đ khoản 1 Điều 9 của Luật trên cũng nêu rõ quyền của người tiêu dùng là: được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.
Từ những quy định trên, có thể thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên đối với người tiêu dùng bị thiệt hại. Riêng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đây là loại trách nhiệm đặt ra khi “giữa các chủ thể mà trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc tuy có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi của người gây thiệt hại không thuộc về nghĩa vụ thi hành hợp đồng đã ký kết”,[6] do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này chủ yếu đặt ra đối với nhà sản xuất thực phẩm. Bởi lẽ, “sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm”.[7] Nói cách khác, giữa nhà sản xuất thực phẩm với người tiêu dùng thường không có quan hệ hợp đồng (trừ trường hợp nhà sản xuất vừa là nhà kinh doanh) nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thực phẩm không an toàn gây ra thường là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong khi đó, vì “kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm”,[8] giữa nhà kinh doanh với người tiêu dùng thường sẽ có quan hệ hợp đồng nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh trên cơ sở hợp đồng giữa hai bên (trừ trường hợp người tiêu dùng sử dụng thực phẩm do người khác mua, ví dụ: mẹ mua sữa cho con uống thì con là người tiêu dùng nhưng không phải là chủ thể trong quan hệ hợp đồng mua bán trên).[9]
Ngoài ra, liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2010 đã quy định:“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp “hàng hóa có khuyết tật”[10] do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật… 2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; d) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm a, b và c khoản này. 3. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.Quy định này cho thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại đặt ra cho các chủ thể là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu… rồi mới áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi không xác định được các chủ thể trên (ví dụ như: người bán hàng…).
Bên cạnh đó, trước khi có Luật BVQLNTD năm 2010 và Luật ATTP năm 2010 thì Điều 61 Luật CLSPHH năm 2007cũng đã quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “1. Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa,…. 2. Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa…”
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hàng hóa không bảo đảm chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng, Điều 630 BLDS năm 2005 quy định: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Theo Điều 608 BLDS 2015 thì “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Như vậy, khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng thì theo quy định của pháp luật, chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nhà sản xuất, kinh doanh. Riêng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thường đặt ra đối với nhà sản xuất thực phẩm không an toàn. Điều này cũng tương thích với quy định pháp luật của nước ngoài. Ví dụ: Điều 5 Luật Trách nhiệm đối với sản phẩm không an toàn Thái Lan năm 2008 (có hiệu lực vào 23/12/2009) quy định: Tất cả những nhà sản xuất, kinh doanh phải cùng chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra đối với bên bị thiệt hại từ một sản phẩm không an toàn bán cho người tiêu dùng, không kể là thiệt hại đó được gây ra do cố ý hay vô ý; Điều 97 Luật Tiêu dùng của Philippines ngày 13/04/1992 quy định: Bất kỳ người Philippines hay nhà sản xuất nước ngoài sản xuất và bất kỳ nhà nhập khẩu nào cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường, không kể có lỗi hay không, đối với thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng bởi các khuyết tật có từ thiết kế, sản xuất… ; Điều 3 Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản (Luật số 85/1994) quy định: Người sản xuất phải có trách nhiệm đối với những thiệt hại do mình gây ra cho tính mạng, cơ thể hoặc tài sản của ai đó do có khuyết tật trong hàng hóa của anh ta sản xuất, chế biến, nhập khẩu hoặc thể hiện tên lên sản phẩm…
1.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường
Khoản 1 Điều 6 Luật ATTP năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật” và điểm l khoản 2 Điều 7 luật trên quy định tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn do mình sản xuất gây ra”.Riêng với trường hợp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm thì khoản 5 Điều 53 của luật này nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự”.Ngoài ra, Luật BVQLNTD năm 2010 quy định tại Điều 23 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra là “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, … Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.”.
Từ quy định trên, chúng ta thấy rằng khi thực phẩm không an toàn gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng thì theo quy định của pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể phát sinh dựa trên những căn cứ sau:
– Có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 không có quy định về thiệt hại được bồi thường, nhưng Điều 630 BLDS năm 2005 (Điều 608 BLDS năm 2015) có quy định về vấn đề này trong phần bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên việc xác định thiệt hại trong trường hợp này cũng theo nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Riêng vớiĐiều 60 Luật CLSPHH năm 2007 quy định rõ các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gồm: “Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị h-ư hỏng hoặc bị hủy hoại; Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người; Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”.Đối với trường hợp thiệt hại do thực phẩm không an toàn gây ra trên thực tế thì thường là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, ví dụ: bị ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, khoản 1 Điều 42 Luật BVQLNTD năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.
– Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì hành vi trái pháp luật được xác định là hành vi trái với các quy định cụ thể của các luật như: Luật BVQLNTD, BLDS, Luật CLSPHH và đặc biệt là Luật ATTP và các luật khác có liên quan.
Với trường hợp sản xuất thực phẩm không an toàn gây ra thiệt hại, theo Luật ATTP năm 2010, hành vi của nhà sản xuất bị coi là trái pháp luật khi:[11] sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra
Với căn cứ này, thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra thì chủ thể gây thiệt hại mới phải bồi thường.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và do thực phẩm không an toàn gây ra nói riêng phát sinh dựa vào 3 căn cứ trên. Riêng vấn đề lỗi, các văn bản pháp luật đang có hiệu lực hiện hành vẫn chưa có sự thống nhất. Điều 630 BLDS năm 2005 vàkhoản 1 Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2010 đều không đặt ra yêu cầu về lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường và điều này cũng phù hợp với BLDS năm 2015. Theo đó, Điều 584 và Điều 608 BLDS năm 2015 quy định:“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” và “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.Tuy nhiên, Điều 61 Luật CLSPHH năm 2007lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên yếu tố lỗinhư sau: “Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa…”.Điều này làm cho các quy định hiện hành của nước ta về vấn đề bồi thường thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng gây ra không có sự thống nhất.
1.3. Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường
Khoản 1 Điều 62 Luật CLSPHH năm 2007 quy định về các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại của người sản xuất như sau: “Người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường trong các trường hợp sau đây: Người bán hàng bán hàng hóa đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng…; Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại; Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng; Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng”. Ngoài ra, Điều 24 Luật BVQLNTD năm 2010 cũng quy định về việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại Điều 23 của Luật này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.”
Nhìn chung, những quy định trên là phù hợp và tương thích với pháp luật nước ngoài. Chẳng hạn như: Điều 1386 – 11 BLDS Pháp quy định: một nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu không chứng minh: mình không đưa sản phẩm vào lưu thông;… ; khuyết tật của sản phẩm không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông…; Điều 4 Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản năm 1994 quy định: Trong những trường hợp áp dụng Điều 3 (trách nhiệm sản phẩm), người sản xuất sẽ không có trách nhiệm theo Điều 3 nếu chứng minh được rằng: tình trạng kiến thức và khoa học và kỹ thuật vào thời điểm mà người sản xuất… phân phối sản phẩm không đủ khả năng để phát hiện ra khuyết tật trong sản phẩm. Điều 97 Luật Tiêu dùng của Philippines ngày 13/04/1992 quy định:Các nhà sản xuất, lắp đặt, chế biến hoặc nhập khẩu không phải chịu trách nhiệm khi chứng minh được: họ đã không đưa sản phẩm ra thị trường; mặc dù họ đã đưa sản phẩm ra thị trường nhưng sản phẩm đó không có khuyết tật; chỉ có người tiêu dùng hoặc bên thứ ba có lỗi.
2. Những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và nguyên nhân
2.1. Những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng
– Khó khăn trong việc xác định chủ thể bồi thường
Như đã nêu ở trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng thường đặt ra đối với nhà sản xuất thực phẩm không an toàn đó. Tuy nhiên, trên thực tế, khi có “sự cố về an toàn thực phẩm”,[12] việc xác định chủ thể bồi thường là không đơn giản bởi vì sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm.Do đó, việc xác định sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra do hoạt động nào để áp dụng trách nhiệm bồi thường là vấn đề khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và sự tích cực hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ: khi có một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thì chúng ta cần phải xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là từ nguyên liệu hay từ khâu chế biến hoặc do cả hai để có thể xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu nguyên nhân từ cả nguyên liệu và khâu chế biến thì các chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là vấn đề phức tạp, do đó, việc xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các quy định pháp luật liên quan đến việc xác định chủ thể bồi thường còn chưa đồng bộ, đặc biệt là quy định của Luật BVQLNTD năm 2010 đặt ra yêu cầu xác định chủ thể bồi thường là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu… rồi mới đến chủ thể trực tiếp cung cấp hàng hóa. Điều này càng gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc yêu cầu bồi thường khi có thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng.
– Chứng minh thiệt hại là vấn đề không đơn giản
Trong thời gian vừa qua, ở nước ta, vấn đề an toàn thực phẩm là một vấn đề đang rất được quan tâm. Bởi lẽ, trên thực tế, nhiều sự cố về an toàn thực phẩm đã xảy ra và nhiều người tiêu dùng đã bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Chẳng hạn như: “Theo Tổng cục Thống kê, tính từ 17/12/2015 đến 17/5/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 35 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.855 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong”.[13] Ngoài ra, “chưa bao giờ người dân lại đối diện với “cái chết” cận kề từ bàn ăn như bây giờ. Liên tiếp hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui như gà tẩm chất vàng ô, lợn nuôi bằng chất tạo nạc, chuối tẩm thuốc diệt cỏ… đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại. Chẳng hạn hàng tấn Salbutamol được đưa vào thức ăn cho lợn để tạo nạc, làm “nóng” dư luận gần đây”.[14]
Từ những thông tin trên, chúng ta thấy rằng người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thực phẩm không an toàn, những tác động của thực phẩm không an toàn trên có thể sẽ không làm cho người tiêu dùng tức thời phát bệnh mà sẽ từ từ tấn công, hủy hoại sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để được bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật như đã nêu ở phần trên, người tiêu dùng phải chứng minh được mình có bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng… Điều này thực sự là vấn đề không đơn giản. Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng: “Người tiêu dùng có quyền khởi kiện, có quyền đòi bồi thường. Tuy nhiên, nếu khởi kiện, người tiêu dùng phải chứng minh được thiệt hại thì tòa mới thụ lý. Vậy làm sao có thể chứng minh được thiệt hại cụ thể khi thực phẩm bẩn âm thầm tấn công người tiêu dùng có thể trong thời gian 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm, thậm chí cả chục năm? Quy định phải chứng minh thiệt hại không khác gì “đánh đố” người tiêu dùng”.[15]
– Khó xác định hành vi trái pháp luật
Mặc dù Luật ATTP đã liệt kê rất rõ các hành vi bị cấm đối với nhà sản xuất, tuy nhiên, trên thực tế, ngoại trừ những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong phần lớn các trường hợp còn lại, người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không an toàn mà khó có thể phát hiện ra sự không an toàn của thực phẩm, do đó, việc xác định nhà sản xuất có hành vi trái pháp luật lại càng không dễ dàng. Vì vậy, thực phẩm không an toàn cứ ngày càng tràn lan và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng càng ngày càng bị đe dọa. Chỉ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện ra vi phạm hoặc một số trường hợp vi phạm rõ ràng thì người tiêu dùng mới có thể biết được quyền lợi của mình đang bị xâm phạm. Ví dụ điển hình của tình trạng này là vụ nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định.[16]
Tuy nhiên, ngay cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng gặp phải những khó khăn trong việc phát hiện hành vi sản xuất thực phẩm không an toàn bị coi là trái pháp luật. Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng: “theo báo cáo của các địa phương, trên thị trường vẫn còn nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc có sử dụng những phụ gia ngoài danh mục cho phép… Ðáng chú ý, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, năng lực của các đoàn kiểm tra của tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế dẫn đến vẫn chưa kiểm soát được hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…”.[17]
– Quy định về lỗi không thống nhất
Như đã phân tích ở trên, các quy định pháp luật liên quan đến lỗi vẫn còn chưa thống nhất. Theo Luật BVQLNTD năm 2010 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật (không an toàn) đặt ra ngay cả khi nhà sản xuất không có lỗi trong việc làm phát sinh khuyết tật. BLDS năm 2015 cũng quy định tương đồng. Trong khi đó, Luật CLSPHH năm 2007 vẫn yêu cầu yếu tố lỗi là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, quy định trên sẽ gây nên những trở ngại nhất định khi được áp dụng vào thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng. Đồng thời, khoản 2 và 3 Điều 42 Luật BVQLNTD năm 2010 cũng đã có quy định tiến bộ về nghĩa vụ chứng minh lỗi là “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Tòa án quyết định bên có lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.[18] Tuy nhiên, những quy định này vẫn chưa được khai thác hiệu quả trên thực tế và người tiêu dùng dù bị thiệt hại vẫn chưa thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình vì nhiều lý do.
2.2. Nguyên nhân
Nhìn chung, khi người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không an toàn và bị thiệt hại thì việc áp dụng quy định pháp luật để yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong thực tiễn là rất ít. Điều này xuất phát từ “nhiều nguyên nhân”.[19] Thứ nhất, các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và bảo đảm an toàn thực phẩm nói riêng còn nhiều điểm chưa rõ ràng, thống nhất, nhiều quy định còn chưa hoàn thiện. Thứ hai, trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng thì người tiêu dùng thường là bên yếu thế (về trình độ nhận thức vi phạm, về khả năng kinh tế).[20] Do đó, người tiêu dùng rất e ngại trong việc khiếu nại trực tiếp đến nhà sản xuất đã sản xuất thực phẩm không an toàn gây thiệt hại. Đồng thời, việc khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án lại càng hiếm hoi hơn.Thứ ba, khi người tiêu dùng tiến hành khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra thì vấn đề chứng minh thiệt hại, chứng minh hành vi vi phạm… cũng là những rào cản lớn. Chẳng hạn như: “Năm 2007, ông Hà Hữu Tường… đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh khởi kiện các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định. Nhưng cuối cùng vụ kiện cũng đi vào im lặng vì khi yêu cầu bồi thường, người khởi kiện phải đưa ra được chứng cứ cụ thể mình bị thiệt hại do lô sản phẩm nào, của hãng sản xuất nào để tòa xem xét. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng dù quan tâm đến quyền lợi của mình nhưng cũng rất khó để khiếu kiện”.[21] Thứ tư, về phía nhà sản xuất, do họ chỉ quan tâm chính đến mục tiêu lợi nhuận nên đã coi thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Thứ năm, sự hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm cho nhiều nhà sản xuất cố tình vi phạm pháp luật, tạo ra thực phẩm không an toàn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
3. Một số kiến nghị
Để các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra được áp dụng một cách hiệu quả và phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời, khắc phục phần nào những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật đã nêu trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, quy định về chủ thể bồi thường thiệt hại giữa BLDS năm 2015, Luật ATTP năm 2010 và Luật CLSPHH năm 2007 khác với Luật BVQLNTD năm 2010. Theo đó, Luật BVQLNTD năm 2010 đã thiết lập thứ tự xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường khi hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại (từ nhà sản xuất, nhập khẩu… rồi mới đến chủ thể trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại). Trong khi đó, BLDS năm 2015, Luật ATTP năm 2010 và Luật CLSPHH năm 2007 không nêu về thứ tự trên mà chỉ quy định căn cứ vào từng trường hợp để xác định trách nhiệm bồi thường, ví dụ: Luật CLSPHH năm 2007 quy định lỗi của chủ thể nào thì chủ thể đó phải bồi thường, Luật ATTP năm 2010 thì tách nghĩa vụ bồi thường của nhà sản xuất và nhà kinh doanh ra quy định riêng nhưng cũng không thiết lập thứ tự như Luật BVQLNTD năm 2010. Do đó, để thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật, khi xác định chủ thể bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng gây ra, các quy định này nên được sửa đổi cho phù hợp, thống nhất và trên cơ sở bảo vệ quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng.
Thứ hai, quy định liên quan đến vấn đề xác định thiệt hại, một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm trên, cần được xem xét sửa đổi theo hướng chấp nhận bồi thường cho những thiệt hại về sức khỏe của người tiêu dùng chắc chắn sẽ xảy rado hành vi vi phạm của nhà sản xuất thực phẩm không an toàn dựa trên những tính toán khoa học. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong quá trình chứng minh thiệt hại của mình, khuyến khích người tiêu dùng tích cực, chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.[22]
Thứ ba, quy định về lỗi là một trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường như tại Luật CLSPHH năm 2007 là không cần thiết và không thống nhất với quy định của Luật BVQLNTD năm 2010 và BLDS năm 2015. Do đó, quy định trên nên bị loại bỏ. Điều này càng tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc sản xuất ra những thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, tránh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra.
CHÚ THÍCH
*ThS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
[1] Khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[2] Khoản 1 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[3] Về vấn đề này, xem thêm: Nguyễn Thị Thư, “Đặc điểm của quan hệ tiêu dùng và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 10 (294), năm 2012, tr. 86 – 90. Theo đó, tác giả nhận định: Do nằm rải rác trong nhiều ngành luật khác nhau và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được hệ thống hóa, khó tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
[4] Khoản 1 và 2 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[5] Khoản 1 Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[6] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, năm 2013, tr. 436.
[7] Khoản 14 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[8] Khoản 8 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[9] Trên thực tế, khi có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì dù giữa các bên có quan hệ hợp đồng, tòa án vẫn thường áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết. Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là hai chế định khác nhau về mặt lý luận và đôi khi cả về quy định liên quan… Nếu có sự do dự giữa việc áp dụng một trong hai chế định này thì chúng ta nên đứng về phía nạn nhân của thiệt hại. Ở đây, chúng ta nên tạo điều kiện cho họ sớm được bồi thường và được bồi thường ở mức cao nhất có thể bằng cách cho họ lựa chọn một trong hai chế định, nhất là khi những giá trị tối cao như sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm. (Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tập 1, Nxb. ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 38 – 46.).
[10] Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
[11] Điều 5 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[12] Theo khoản 17 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, sự cố về an toàn thực phẩm là tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người.
[13] Thanh Bình, “Hà Nội: Hơn 400 người bị ngộ độc thực phẩm trong tháng 5”, http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-hon-400-nguoi-bi-ngo-doc-thuc-pham-trong-thang-5.html, ngày 28/5/2016.
[14] “Vi phạm an toàn thực phẩm: Khởi kiện, tại sao không?”, http://vov.vn/an-sach-song-khoe/vi-pham-an-toan-thuc-pham-khoi-kien-tai-sao-khong-495869.vov, 15/04/2016.
[15] “Vi phạm an toàn thực phẩm: Khởi kiện, tại sao không?”, http://vov.vn/an-sach-song-khoe/vi-pham-an-toan-thuc-pham-khoi-kien-tai-sao-khong-495869.vov, 15/04/2016.
[16] Đỗ Thị Ngọc, “Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trên cơ sở xem xét một số vụ việc cụ thể tại Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 10, năm 2007, tr. 62 – 70.
[17] Thanh Mai, “Số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không giảm”, http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/tin-tuc/item/13517202-.html.
[18] Xem thêm về lỗi và nghĩa vụ chứng minh: Nguyễn Thị Vân Anh – Nguyễn Văn Cương (Đồng chủ biên), Giáotrình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NXb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2012, tr. 150, 151 và 228.
[19] Lê Hồng Hạnh (chủ biên),Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 240 – 242.
[20] Xem thêm : Nguyễn Thị Vân Anh (chủ biên), Vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2012, tr. 14. Theo đó “… người tiêu dùng có nguy cơ mua phải những hàng hóa, dịch vụ không an toàn cho sức khỏe của mình bởi họ không đủ chuyên môn để đánh giá được chất lượng hàng hóa, dịch vụ đó bằng mắt thường…”.
[21] “Vi phạm an toàn thực phẩm: Khởi kiện, tại sao không ?”, http://vov.vn/an-sach-song-khoe/vi-pham-an-toan-thuc-pham-khoi-kien-tai-sao-khong-495869.vov, 15/04/2016.
[22] Về vấn đề này, có quan điểm còn cho rằng: “Thay vì phải bắt tôi chứng minh thiệt hại mới bồi thường, bây giờ chỉ cần có kết luận đó là chất độc, chất cấm và thực tế là tôi đã mua, tôi đã ăn thì anh phải có trách nhiệm bồi thường… Vấn đề là pháp luật phải thay đổi căn bản thì mới giải quyết được.” (Trương Văn Đức, “Vi phạm an toàn thực phẩm: Khởi kiện, tại sao không?”, http://vov.vn/an-sach-song-khoe/vi-pham-an-toan-thuc-pham-khoi-kien-tai-sao-khong-495869.vov, 15/04/2016).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Vân Anh (chủ biên), Vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2012, tr. 14. [trans: Nguyen Thi Van Anh (ed), Role of Consumer Protection Association in protecting consumers, Hanoi National Politics Publishing, 2012.]
- Nguyễn Thị Vân Anh – Nguyễn Văn Cương (Đồng chủ biên), Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NXb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2012, tr. 150, 151 và 228. [trans: Nguyen Thi Van Anh – Nguyen Van Cuong (eds), Textbook Law on Protection of consumer rights, Hanoi National Politics Publishing, 2012, 150,151, 228.]
- Thanh Bình, “Hà Nội: Hơn 400 người bị ngộ độc thực phẩm trong tháng 5”, http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-hon-400-nguoi-bi-ngo-doc-thuc-pham-trong-thang-5.html, ngày 28/5/2016. [trans: Thanh Binh, “Hanoi: More than 400 people with food poisoning in May”, http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-hon-400-nguoi-bi-ngo-doc-thuc-pham-trong-thang-5.html, 28/5/2016.]
- Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tập 1, Nxb. ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 38 – 46. [trans: Do Van Dai, Law on Compensation for damage outside contract episode1, National University of Ho Chi Minh City Publishing, 2014, 38 – 46.]
- Lê Hồng Hạnh (chủ biên), Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 240 – 242. [trans: Le Hong Hanh (ed), Product liability statutory law in Vietnam, Hanoi National Politics Publishing, 2013, 240 – 242.]
- Luật An toàn thực phẩm năm 2010. [trans: Law on Food Safety 2010 (Vietnam)]
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. [trans: Law on the protection of consumers’ interests 2010 (Vietnam)]
- Thanh Mai, “Số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không giảm”, http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/tin-tuc/item/13517202-.html. [trans: Thanh Mai, “Number of violations of food safety are not reduced”, http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/tin-tuc/item/13517202-.html.]
- Đỗ Thị Ngọc, “Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trên cơ sở xem xét một số vụ việc cụ thể tại Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 10, năm 2007, tr. 62 – 70. [trans: Do Thi Ngoc, “The protection of consumers on the basis of considering some specific cases in Vietnam”, State and law Journal, 10, 2007, 62 – 70.]
- Nguyễn Thị Thư, “Đặc điểm của quan hệ tiêu dùng và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 10 (294), năm 2012, tr. 86 – 90. [trans: Nguyen Thi Thu, “Characteristics of consumer relations and legislation protecting the rights of consumers”, State and law Journal, 10 (294), 2012, 86 – 90.]
- Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, NXB Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, năm 2013, tr. 436. [trans: Ho Chi Minh City University of Law, Textbook Law on contract and compensation for damage outside contract, Hong Duc Publishing, 2013, 436.
- “Vi phạm an toàn thực phẩm: Khởi kiện, tại sao không?”, http://vov.vn/an-sach-song-khoe/vi-pham-an-toan-thuc-pham-khoi-kien-tai-sao-khong-495869.vov, 15/04/2016. [trans: “Food safety violations: Sue, why not?”, http://vov.vn/an-sach-song-khoe/vi-pham-an-toan-thuc-pham-khoi-kien-tai-sao-khong-495869.vov, 15/04/2006.]
Trả lời