• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » BLDS và vấn đề định vị cá nhân trong không gian pháp lý

BLDS và vấn đề định vị cá nhân trong không gian pháp lý

20/05/2020 20/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Địa vị pháp lý của cá nhân trong luật dân sự các nước
    • 1.1. Các yếu tố nhận dạng cá nhân
    • 1.2. Các yếu tố thiết lập nhân thân pháp lý của cá nhân
  • 2. Địa vị pháp lý của cá nhân trong BLDS năm 2005
    • 2.1. Nhận dạng cá nhân
    • 2.2. Nhân thân pháp lý của cá nhân
  • CHÚ THÍCH

Bài viết: BLDS và vấn đề định vị cá nhân trong không gian pháp lý

  • Tác giả: Nguyễn Ngọc Điện*
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2013 – 2013, Trang 22-27

TÓM TẮT

Ở các nước theo truyền thống pháp luật dân sự, luật dân sự được xác định là ngành chủ đạo của luật tư, bao gồm các quy tắc chi phối các quan hệ giữa tư nhân với nhau1. Chủ thể thứ nhất, cũng là chủ thể trung tâm, của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân2. Trong chừng mực nhất định, có thể coi luật dân sự như là cách người làm luật mô tả cuộc sống của cá nhân, từ lúc sinh ra, cho đến khi mất đi, trong những hoàn cảnh điều kiện đa dạng. Luật cơ bản đòi hỏi thừa nhận cho các cá nhân những quyền như nhau, theo đúng nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể. Trong cuộc sống dân sự, mỗi cá nhân đều có các quyền nhân thân và quyền tài sản; sự hiện hữu vật chất của cá nhân là điều kiện duy nhất để cá nhân được hưởng tất cả các quyền đó. Nhưng mặt khác, mỗi cá nhân là duy nhất và không giống bất kỳ cá nhân nào khác. Không chỉ khác nhau về phương diện vật lý, các cá nhân còn khác nhau về tuổi, giới tính, xuất xứ, quan hệ gia đình, khả năng nhận thức, quan hệ xã hội, nghề nghiệp, và cả về những cơ hội. Sự khác biệt đó khiến cho việc hưởng quyền của các cá nhân không giống nhau trên thực tế, tạo thành cuộc sống dân sự đầy màu sắc, cung bậc với những số phận rất đặc thù: kẻ giàu, người nghèo; kẻ thành công, người thất bại; kẻ ở địa vị này, người ở địa vị khác;… Trách nhiệm của người làm luật là phải bảo đảm cho mỗi cá nhân được hưởng quyền trong những điều kiện tốt nhất có thể. Để đạt được mục tiêu đó, trước hết phải làm rõ những yếu tố cho phép phân biệt chủ thể này với chủ thể khác, nhận diện những đặc trưng của hoàn cảnh riêng mà trong đó mỗi chủ thể tồn tại, cũng như xác định năng lực chủ quan của chủ thể trong việc thực hiện các quyền được thừa nhận cho mình. Học thuyết pháp lý cho rằng những yếu tố ấy tạo thành cái gọi là địa vị pháp lý (legal status) của cá nhân – chủ thể quan hệ pháp luật dân sự. Yêu cầu đặt ra đối với các quy tắc tạo thành địa vị pháp lý của cá nhân là một khi được áp dụng vào một trường hợp cụ thể, các quy tắc ấy mở ra cơ hội cho chủ thể được hưởng quyền và thực hiện quyền như bất kỳ chủ thể nào khác. Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) cũng khẳng định một trong những nhiệm vụ cơ bản của BLDS là xác định địa vị pháp lý của cá nhân và các chủ thể khác. Vấn đề đặt ra là liệu các quy định của BLDS đã thiết lập được nền móng vững chắc để xây dựng địa vị pháp lý của cá nhân?

ABSTRACT:

In the countries inspired with the Romano-Germanic legal system, civil law is considered as the key subject of private law, including rules governing relations among private parties. The first subject of the civil law relationship, known as the center subject, is individual. To some extent, the civil law is held to be the legal description of an individual’s life, from birth to the death, under a variety of circumstances. Basically, the law acknowledges that all individuals are entitled to the same rights on the basis of equality principle among individuals. In civil aspect, each person has both personal rights and property rights; the physical existence of each person is the solely condition for a person to enjoy such rights. On the other hand, individuals are different from each another as for physics, age, gender, origin, familial and social relations, intellectual capacity, occupation, … and even opportunities. Such variety leads to difference in the way each individual enjoy his/her rights in practice, results in the richness of human life with the riches, the poors, the successfuls, tha failures, and people in different social positions … It is the lawmaker’s responsibility to ensure that all individuals enjoy the most of their civil rights under circumstances. For that purpose, it is indispensable to identify the factors that differentiate an individual to others, determine particular situations in which individuals exist, as well as acquire individual’s subjective capacity in performing his/her entitled rights. Under legal theories, such factors establish a man’s legal status. The requirements to the principles that establishing an individual’s legal status is once applied, they shall enable the subject to enjoy and perform his/her rights like any other subject under the same conditions. Article 1 of the Civil Code 2005 (Civile Code) also acknowledges that deciding legal status of a person and other subjects is among the basic missions of the Civil Code. The question is whether the lawmakers fulfilled this duty of establishing a strong foundation for deciding the legal status of an individual.

TỪ KHÓA: Luật dân sự, Tạp chí Khoa học pháp lý

1. Địa vị pháp lý của cá nhân trong luật dân sự các nước

Như[1]đã đề cập ở trên, địa vị pháp lý của cá nhân được hình thành từ nhiều yếu tố. Theo quan niệm được chấp nhận rộng rãi ở các nước[2]theo truyền thống pháp luật dân sự, những yếu tố chính được xếp thành hai nhóm là: nhóm các yếu tố nhận dạng (identity) và nhóm các yếu tố thiết lập nhân thân pháp lý (legal personality).

1.1. Các yếu tố nhận dạng cá nhân

Đảm bảo tính phân biệt cho mỗi cá nhân là điều kiện cần để cá nhân đảm nhận tư cách chủ thể của quyền (đồng thời là chủ thể của trách nhiệm) trong cuộc sống pháp lý[3]. Học thuyết pháp lý của các nước thừa nhận rằng các công cụ chính được sử dụng một cách có hiệu quả để nhận dạng cá nhân về phương diện quan hệ dân sự là họ và tên, hộ tịch và nơi cư trú.

1.1.1. Họ, tên và hộ tịch

Họ và tên. Quyền tự do đặt họ và tên cho một cá nhân được thừa nhận như là một trường hợp áp dụng nguyên tắc tôn trọng tự do cá nhân trong cuộc sống dân sự. Tuy nhiên, cũng như mọi quyền tự do đều có giới hạn, quyền đặt họ và tên phải được thực hiện trong chừng mực chấp nhận được đối với trật tự công và đạo đức xã hội. Nhiệm vụ của luật dân sự là xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện quyền này phù hợp với yêu cầu đó. Chẳng hạn, trong điều kiện người mới được sinh ra không thể bày tỏ ý chí, luật có thể thừa nhận quyền đặt họ và tên cho trẻ sơ sinh thuộc về cha và mẹ; việc chọn tên phải tuân thủ những chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, đạo đức, tránh rủi ro làm tổn thương về sau này cho người được đặt tên khi đã có khả năng nhận thức;…

Hộ tịch.Trong nhà nước phúc lợi, hộ tịch phải được xem như một thứ dịch vụ công, được nhà chức trách cung ứng nhằm phục vụ nhu cầu được nhận dạng rõ ràng của cá nhân[4]. Dịch vụ hộ tịch được thực hiện trước hết để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể trong giao dịch, đặc biệt là trong việc thực hiện các quyền của mình trong cuộc sống dân sự, chứ không phải để phục vụ cho hoạt động quản lý dân cư của nhà chức trách công. Chẳng hạn, một khi được khai sinh, trẻ sơ sinh được cá thể hoá về mặt pháp lý và được thừa nhận có năng lực pháp luật dân sự[5]. Tất nhiên, việc thực hiện dịch vụ hộ tịch sẽ cho phép nhà chức trách công thiết lập hệ thống thông tin về tình hình dân cư trên lãnh thổ quốc gia; nhà chức trách có thể quản lý, khai thác nguồn thông tin đó nhằm phục vụ nhu cầu quản lý công theo chức năng, trong chừng mực tôn trọng các quyền của chủ thể đối với cuộc sống riêng tư.

Luật dân sự phải xác định những chủ thể có quyền yêu cầu các dịch vụ hộ tịch cụ thể – khai sinh, kết hôn, nuôi con nuôi…, đồng thời quy định thể thức giao tiếp giữa người có quyền yêu cầu và người đáp ứng yêu cầu trong khuôn khổ thực hiện dịch vụ.

1.1.2. Nơi cư trú

Khái niệm. Họ và tên cùng với hộ tịch giúp phân biệt một cá nhân này với một cá nhân khác. Nhưng để xác lập và thực hiện các giao dịch với người khác, cá nhân phải ở trong tình trạng có thể liên lạc được. Cá nhân không liên lạc được không thể được coi là chủ thể hiện thực của quyền và nghĩa vụ pháp lý vì người ta sẽ không biết làm thế nào gọi người đó đến để tiếp nhận việc thực hiện một nghĩa vụ hoặc để đáp ứng quyền yêu cầu của một người khác. Nói cách khác, cá nhân không liên lạc được không được coi là có lai lịch xác định ở góc độ pháp luật về quyền chủ thể.

Trong quan niệm truyền thống, đời sống pháp lý của cá nhân nhất thiết phải gắn với một nơi chốn nào đó. Luật gọi nơi chốn đó là nơi cư trú. Chế định nơi cư trú là biện pháp định vị cá nhân trong không gian, về phương diện pháp lý.

Nơi cư trú được hiểu là một nơi chốn trong không gian vật lý mà tại đó, người ta có thể ghi nhận tín hiệu giao tiếp của chủ thể khi cần, đồng thời cũng là nơi mà chủ thể tiếp nhận tín hiệu giao tiếp do các chủ thể khác gửi đến. Với chức năng đó, thì trên nguyên tắc, nơi cư trú do chủ thể xác định theo ý chí của mình. Cả việc thay đổi nơi cư trú cũng do chủ thể quyết định mà không ai được quyền can thiệp, áp đặt.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá nhân không thể tự mình xác định nơi cư trú, do các nguyên nhân đa dạng như: hạn chế về khả năng nhận thức, ràng buộc của nghề nghiệp… Khi đó, nhà chức trách phải can thiệp bằng cách thay thế chủ thể, chỉ định nơi cư trú, thông qua các quy tắc pháp lý.

Nơi cư trú và quản lý hành chính về cư trú. Một khi đã trưởng thành, cá nhân công dân thực hiện các quyền dân sự được pháp luật thừa nhận cho mình trong tư thế của một người làm chủ vận mệnh của mình và nhà chức trách tự bằng lòng với vai trò người tạo điều kiện cho công dân thực hiện các quyền ấy. Công dân có quyền tự do xác định nơi cư trú mà mình cho là phù hợp và, mỗi khi thay đổi nơi cư trú, công dân chỉ cần thông báo cho chính quyền nơi đi và nơi đến[6]. Việc thông báo chỉ có tác dụng thiết lập chứng cứ về việc thay đổi nơi cư trú chứ không mang ý nghĩa gì khác vì nếu không thông báo, công dân coi như vẫn giữ nơi cư trú cũ, đối với chính quyền[7].

Một lẽ tự nhiên, với quyền tự do thay đổi nơi cư trú, con người có xu hướng di chuyển về nơi có nhiều cơ hội nhất để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tức là về các thành phố lớn, hiện đại. Chính quyền phải tôn trọng sự lựa chọn đó. Với tư cách là người chịu trách nhiệm đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội và an sinh xã hội, chính quyền có thể không khuyến khích việc di dân ồ ạt vào các thành phố lớn, làm mất cân đối cơ cấu lao động xã hội và ảnh hưởng xấu đến môi trường sống đô thị. Thế nhưng, việc kiểm soát, điều tiết di dân trong nội bộ một quốc gia chỉ được thực hiện có hiệu quả bằng các biện pháp xã hội, kinh tế, chứ không phải bằng các rào cản hành chính. Suy cho cùng, mọi rào cản hành chính đối với việc di dân trong nội bộ một quốc gia đều trái với nguyên tắc bình đẳng giữa công dân trước pháp luật, một trong những nguyên tắc chủ đạo của luật cơ bản. Không một lô-gic hoặc đạo lý nào tồn tại trong việc nhà chức trách, một mặt, cho phép đăng ký cư trú đương nhiên đối với một công dân xuất hiện tại thành phố do được sinh ra; mặt khác, lại từ chối đăng ký cư trú đối với một công dân khác, xuất hiện tại thành phố do nhập cư để lập nghiệp, với lý do cần bảo đảm chất lượng của cuộc sống thị dân.

1.2. Các yếu tố thiết lập nhân thân pháp lý của cá nhân

Nhân thân pháp lý được hiểu là các yếu tố cho phép ghi nhận sự hiện hữu của cá nhân trong không gian sống và nhờ sự hiện hữu đó mà cá nhân có điều kiện hưởng và thực hiện quyền chủ thể. Sự hiện hữu được nhìn nhận không chỉ trong thời gian mà còn cả về chất lượng.

Thời gian hiện hữu của cá nhân. Được thừa nhận như nhau cho tất cả mọi người, nhân thân của cá nhân gắn liền với cuộc sống của cá nhân đó. Bất kỳ người nào đến với thế giới này đều trở thành chủ thể của luật dân sự[8]. Bởi vậy, một người bắt đầu có nhân thân khi được sinh ra và chấm dứt nhân thân khi chết. Cuộc sống sinh học của con người đòi hỏi được nhìn nhận về mặt pháp lý và sự nhìn nhận đó biến cuộc sống sinh học thành cuộc sống pháp lý.

Trong một số trường hợp đặc thù, cuộc sống của cá nhân bắt đầu không phải từ lúc cá nhân được sinh ra mà ngay từ lúc cá nhân thành thai, tất nhiên với điều kiện phải được sinh ra và còn sống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng nhân thân của cá nhân tồn tại một cách đầy đủ trước khi cá nhân sinh ra. Theo một câu ngạn ngữ trong luật học La Mã, infans conceptus pro nato habetur quoties de comodo ejus agitur (trẻ con thành thai được coi như đã sinh ra, một khi điều đó có lợi cho trẻ đó)[9], việc ghi nhận sự tồn tại của cá nhân ngay từ lúc thành thai chỉ được thực hiện trong những trường hợp được pháp luật dự kiến và chỉ có ý nghĩa phục vụ cho việc giải quyết một hoặc một số vấn đề pháp lý đặc thù phát sinh trong những trường hợp đó (như thừa kế di sản của một người; suy đoán một người là con trong giá thú của một cặp vợ chồng…). Nếu vấn đề pháp lý đặc thù không phát sinh thì vấn đề nhân thân của người mới thành thai cũng không được đặt ra. Nói cách khác, nhân thân của cá nhân xuất hiện trước khi cá nhân được sinh ra là một thứ nhân thân hữu ích và có giới hạn chứ không phải là nhân thân đầy đủ.

Mặt khác, cũng có những trường hợp cá nhân không được xác nhận đã chết về phương diện vật lý, nhưng lại ngừng xuất hiện, khiến cho việc giao tiếp trực tiếp với cá nhân không thể được thực hiện. Khi đó, cần thiết lập cơ chế đặc biệt cho phép thay thế người vắng mặt bằng một người khác để xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến nhân thân, tài sản của người vắng mặt. Kiểu thế vai, hóa thân này được tổ chức và duy trì tuỳ theo mức độ  tin cậy của sự suy đoán về việc người vắng mặt còn sống hay đã chết[10]. Nếu người này bị tuyên bố đã chết, thì sự thế vai cũng chấm dứt.

Chất lượng sự hiện hữu của cá nhân. Một khi hiện hữu, cá nhân được thừa nhận có đầy đủ năng lực hưởng quyền, còn gọi là năng lực pháp luật (legal capacity). Tuy nhiên, để có thể tự mình thực hiện được quyền của mình một cách hoàn hảo, cá nhân có thể cần đạt đến một trình độ nhận thức nhất định và có những điều kiện nhất định về thể chất. Những cá nhân hội đủ các điều kiện ấy được gọi là người có đủ năng lực hành vi (full acting capacity).

Trên thực tế, không phải cá nhân nào cũng hội đủ các điều kiện ấy. Có những người do còn non tuổi đời mà nhận thức cũng non kém, chưa đủ khả năng làm chủ hành vi của mình khi giao tiếp. Có những người dù đã lớn tuổi nhưng do có nhược điểm về thể chất mà khả năng nhận thức phát triển chậm, thậm chí bị rối loạn nhận thức, do đó, không làm chủ được hành vi. Cũng có những người đủ già dặn, tỉnh táo, nhưng do bệnh hoặc tật nguyền mà không thể tự mình thực hiện các động tác cần thiết để xác lập giao dịch một cách hoàn hảo.

Để đạt mục tiêu bảo đảm cho mỗi cá nhân hưởng quyền trong những điều kiện tốt nhất có thể, cần thiết lập cơ chế hỗ trợ hữu hiệu cho phép xóa bỏ hoặc ít nhất là hạn chế tình trạng bất lợi mà cá nhân phải chịu so với những cá nhân bình thường, do có những điểm chưa hoàn hảo, khiếm khuyết về thể chất. Luật dân sự phải chịu trách nhiệm thực hiện việc này. Có trường hợp sự hỗ trợ được thiết lập theo yêu cầu của người có liên quan; cũng có trường hợp nhà chức trách phải chủ động can thiệp mà không cần được yêu cầu. Nội dung, cách thức đại diện, trợ giúp được xác định tùy theo hoàn cánh, điều kiện, đặc điểm của người cần được đại diện, trợ giúp, tạo thành các chế độ đa dạng như: đại diện cho người chưa thành niên, giám hộ đối với người mất năng lực hành vi, bảo hộ đối với người khiếm khuyết về cấu tạo thể chất…

2. Địa vị pháp lý của cá nhân trong BLDS năm 2005

2.1. Nhận dạng cá nhân

Nhận dạng chưa hoàn chỉnh. Nhờ tham khảo kinh nghiệm của các nước của người làm luật, BLDS cũng có các quy tắc liên quan đến việc nhận dạng cá nhân trong cuộc sống dân sự như họ và tên, hộ tịch và nơi cư trú của cá nhân. Tuy nhiên, có lẽ do sinh sau đẻ muộn, luật dân sự Việt Nam không có đủ sự tự tin cần thiết và sức mạnh để quán xuyến toàn bộ các vấn đề liên quan như luật dân sự các nước. Khá nhiều yếu tố tạo thành địa vị pháp lý của cá nhân được luật dân sự nhường cho luật hành chính xây dựng, hoàn thiện. Luật hành chính lại có phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề khác với luật dân sự. Hậu quả là các yếu tố liên quan bị hành chính hoá. Họ và tên, nơi cư trú là những ví dụ điển hình.

Họ và tên. Các quy định về họ và tên xuất hiện khá nhiều trong BLDS năm 1995, nhưng BLDS năm 2005 đã cắt bỏ một số quy tắc quan trọng liên quan đến họ và tên và chỉ giữ lại một vài quy tắc mang tính nguyên tắc trong khuôn khổ xác định nội dung của hệ thống quyền nhân thân[11]. Đặc biệt, luật thực định còn bỏ ngỏ các vấn đề liên quan đến đặt họ và tên như: Ai là người có quyền đặt tên cho trẻ được khai sinh? Trẻ lấy họ của ai? Liệu có thể mang họ của một người khác không phải là họ của cha hoặc của mẹ? Được đặt tên kiểu gì? Liệu có thể đặt cho trẻ những tên kỳ quặc, thậm chí thô tục?… Hàng loạt câu hỏi không có lời đáp dựa vào luật, khiến cho việc đặt họ, nhất là đặt tên hàm chứa nhiều rủi ro đối với người được khai sinh trong thực tiễn.[12]

Nơi cư trú. BLDS năm 1995 gắn nơi cư trú với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và coi đó là giải pháp nguyên tắc (Điều 48). BLDS năm 2005 mới cố gắng dân sự hoá khái niệm nơi cư trú và làm cho khái niệm này gần giống với khái niệm nơi cư trú trong luật dân sự của các nước. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm này vẫn bị lấn át trong thực tiễn bởi khái niệm nơi cư trú của luật hành chính mà xã hội, dân cư đã quen từ mấy chục năm nay.

Dưới chế độ quản lý dân cư theo hộ khẩu, xã hội được tổ chức theo nhóm cư trú (gọi là hộ), mỗi nhóm được cấp cho một cuốn sổ ghi chép việc ra vào của các thành viên. Trên nguyên tắc, thực hiện quyền thay đổi nơi cư trú là dịch chuyển từ một nhóm cư trú này sang một nhóm cư trú khác. Thực ra, việc tổ chức xã hội thành các nhóm cư trú có một ưu điểm không thể phủ nhận là tạo thuận lợi cho việc quản lý dân cư theo lãnh thổ, địa bàn và điều đó cần thiết cho việc bảo đảm an ninh quốc gia. Thế nhưng, việc dịch chuyển của công dân từ nhóm cư trú này sang nhóm cư trú khác được thực hiện không phải trên cơ sở quyền tự do đi lại, tư do cư trú, được ghi nhận trong hiến pháp, mà trong khuôn khổ cơ chế xin – cho. Chính điều này khiến việc đi lại, cư trú không còn là các hành vi dân sự mà thực sự là các giao dịch hành chính, đặc trưng bằng tính chất mệnh lệnh – phục tùng của quan hệ hành chính.

Tư tưởng chủ đạo là ai sinh ra ở đâu, thì ở đó; muốn đi nơi khác, ở nơi khác, thì phải được sự chấp thuận của chính quyền. Có thể nói rằng về phương diện cư trú, đi lại, người Việt Nam cho đến bây giờ vẫn bị coi là những người chưa thành niên: họ có quyền tự do đi lại, tự do cư trú theo pháp luật, nhưng chỉ có thể thực hiện được quyền đó dưới sự giám hộ của Nhà nước thông qua bộ máy quản lý hộ khẩu.

Cũng vì việc thay đổi nơi cư trú chỉ được thực hiện với sự cho phép của chính quyền mà nếu tự ý thay đổi nơi cư trú khi chưa có phép, công dân sẽ ở trong tình trạng cư trú bất hợp lệ. Tình trạng cư trú bất hợp lệ về mặt hành chính có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các quyền dân sự của chủ thể. Đương sự có thể gặp khó khăn trong việc xác lập các giao dịch mua bán tài sản thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu, trong việc thuê nhà ở. Thậm chí, việc đăng ký hộ tịch (khai sinh, kết hôn,…) cũng có thể gặp trở ngại.

2.2. Nhân thân pháp lý của cá nhân

Cần một BLDS cho mọi người. Vấn đề thời gian hiện hữu của nhân thân pháp lý đã được giải quyết tương đối tốt trong BLDS. Mặc dù có những khác biệt so với luật của các nước, đặc biệt về phương diện định lượng, các quy định của BLDS đã làm rõ được giới hạn của nhân thân trong thời gian. Các giải pháp của luật Việt Nam, nhìn chung có nhiều nét tương đồng với luật của các nước.

Trái lại, vấn đề chất lượng của nhân thân pháp lý chỉ được giải quyết nửa vời. BLDS có chế định đại diện cho người chưa thành niên và chế định giám hộ cho người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi. Tuy nhiên các quy định liên quan, từ việc chỉ định người đại diện hoặc giám hộ, cho đến thực hiện chức năng giám hộ đều rất sơ sài, nặng tính hình thức và phi thực tế. Đọc các quy định ấy, dễ có cảm giác người làm luật chỉ thực hiện nhiệm vụ soạn thảo một cách chiếu lệ, cho xong việc, chứ không thực sự quan tâm đến tính khả thi của chúng. Trên thực tế, các chế định đại diện cho người chưa thành niên và giám hộ rất hiếm khi được áp dụng, mặc dù rất nhiều người thực sự có nhu cầu được đại diện, giám hộ.

Đáng chú ý là sự xuất hiện gây ngạc nhiên của chế định hạn chế năng lực hành vi (Điều 23). Người bị hạn chế năng lực hành vi, theo giả thiết, là người nghiện chất ma tuý hay chất kích thích khác (như rượu) dẫn đến phá tán tài sản của gia đình. Loại người này không hiếm; nhưng “tài sản của gia đình” là tài sản gì? Của ai? Trên thực tế, những tài sản mà người này định đoạt thường là tiền mặt, tư trang, đồ gia dụng và phương tiện đi lại. Đối với tiền mặt, tư trang, đồ gia dụng, chẳng ai màng đến việc kiểm tra tư cách chủ sở hữu và năng lực hành vi của người định đoạt mỗi khi giao dịch, để xem người này có quyền định đoạt hay không. Đối với phương tiện đi lại phải đăng ký, nếu người nghiện ngập định đoạt tài sản của người khác, thì đó đơn giản là hành vi trái pháp luật, có thể được xử lý theo luật chung mà không cần đến chế định hạn chế năng lực hành vi. Còn nếu người này định đoạt tài sản của mình, thì cũng không thể ngăn cản họ bởi vì ngoại trừ trường hợp tuân thủ những hạn chế được thiết lập nhằm bảo vệ trật tự công và lợi ích chính đáng của chủ thể khác, chủ sở hữu tài sản được quyền tự do định đoạt tài sản của mình. Suy cho cùng, hạn chế năng lực định đoạt của chủ sở hữu vì lý do nghiện ngập là quy định vi hiến.

Như vậy, người được ám chỉ trong chế định hạn chế năng lực hành vi chỉ xuất hiện theo đúng ý muốn của người làm luật và phù hợp với tinh thần của Hiến pháp trong trường hợp rất đặc thù: người đã có vợ, chồng, nghiện ngập, định đoạt tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân theo kiểu phá tán[13]. Trong điều kiện luật hôn nhân và gia đình được xác định là một ngành luật độc lập, việc hạn chế quyền định đoạt của chồng (vợ) đối với tài sản chung của vợ chồng đáng lý ra phải được giải quyết trong Luật hôn nhân và gia đình chứ không phải BLDS.

Trong khi đó, cuộc sống dân sự ghi nhận sự hiện hữu của những người không mất khả năng nhận thức, mà chỉ bị sút kém khả năng đó do tuổi tác hoặc bệnh tật hoặc cả hai. Cũng có những người hoàn toàn tỉnh táo, nhưng do có khuyết tật về cấu tạo thể chất (khiếm thị, khiếm thính…) mà việc đi lại, giao tiếp trong không gian chung gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, những người này là bên yếu thế trong các giao dịch song phương, đa phương, luật pháp cần dành cho họ sự bảo hộ để tái lập sự cân bằng trong quan hệ đối tác. Tuy nhiên, BLDS đã bỏ quên những người này một cách đáng tiếc.

Cần nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chủ yếu của BLDS là xây dựng môi trường giao tiếp mà trong đó, mọi chủ thể đều có điều kiện tốt nhất có thể để mưu cầu lợi ích cho bản thân.Với nhiệm vụ đó, luật phải được xây dựng như thế nào để thể hiện sự quan tâm thích đáng của nhà chức trách, xã hội đối với từng số phận con người. Điều quan trọng là làm cho mỗi chủ thể cảm thấy có được tư thế không thua kém so với chủ thể khác khi giao tiếp, cho dù hoàn cảnh, điều kiện sống của chủ thể không giống nhau.

Còn nhiều việc phải làm để BLDS có thể làm tròn nhiệm vụ đó.

CHÚ THÍCH

* PGS-TS Luật học, Trường Đại học Kinh tế – Luật ĐH Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Có thể xem, ví dụ, F. Terré, Introduction générale au droit, Dalloz (Paris), 2009, tr. 92; H., L.,J.Mazeaud, F. Chabas, M. de Juglart, Leçons de droit civil – Introduction à l’étude du droit, Montchrestien (Paris), 1986, tr. 55.

[2] Không phải là chủ thể duy nhất của luật dân sự, nhưng cá nhân xứng đáng được coi là chủ thể cơ bản: tất cả các chủ thể khác đều do cá nhân tạo ra. Chẳng hạn, một nhóm cá nhân tạo thành một công ty, một hiệp hội có tư cách nhân. Xem: Nguyễn Ngọc Điện, Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr. 18 và 19.

[3] J. Carbonnier, Droit civil – Les personnes, Presse universitaire de France (Paris), 2000, tr. 59.

Xã hội sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu tất cả mọi người đều bị coi là giống nhau, không thể phân biệt. Chẳng hạn, trong trường hợp có một vụ vi phạm pháp luật, việc truy tầm thủ phạm sẽ hoàn toàn bế tắc, do thủ phạm hoà lẫn vào đám đông.

Quyền sở hữu trong luật của các nước châu Âu mang tính tuyệt đối và độc quyền: chỉ có chủ sở hữu mới là người được thừa nhận có quyền năng đối với tài sản. Điều này chỉ được bảo đảm trong trường hợp chủ sở hữu được nhận dạng.

Sự cần thiết của việc nhận dạng để phân biệt chủ thể cũng được ghi nhận trong các trường hợp xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ gắn với nhân thân.

[4] Tham khảo, ví dụ, G. Cornu, Droit civil – Les personnes, Montchrestien (Paris), 2007, tr. 93 và 100 (Etat civil et ordre public).

[5] Với cách hiểu đó, thì việc xử phạt trong trường hợp lập khai sinh trễ hạn được hiểu là cách nhắc nhở người có trách nhiệm khai sinh để xác lập nhân thân pháp lý của người được sinh ra, tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền chủ thể của người này, mà đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

[6] Ví dụ, BLDS Pháp, Điều 104.

[7] Xem J. Carbonnier, sđd , tr. 98 và 99.

[8] G.Cornu, Droit civil- Les personnes, đã dẫn, tr. 11.

[9] Xem, ví dụ, G. Cornu, sđd, tr. 15 và 16.

[10] Trong luật của Pháp, một người vắng mặt tại nơi cư trú một cách bất thường có thể bị suy đoán mất tích bằng một bản án (BLDS Pháp Điều 112); sau 10 năm từ khi có bản án mà đương sự vẫn không xuất hiện trợ lại, thì có thể bị chính thức tuyên bố mất tích cũng bằng một bản án (Điều 122). Bản án tuyên bố mất tích có giá trị khai tử (Điều 128).

[11] Việc cắt bỏ phần lớn các quy định liên quan đến họ và tên là hệ quả của việc đưa ra khỏi BLDS chế định hộ tịch. Vấn đề sau đó hộ tịch được giải quyết trong Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ. Được biên soạn bởi người được trao chức năng quản lý, Nghị định chỉ có các quy tắc hành chính về hộ tịch, đặc biệt là về thủ tục đăng ký hộ tịch, khía cạnh dân sự của hộ tịch bị bỏ quên.

[12] Một thanh niên ở Quảng Nam có họ tên đầy đủ là Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi: báo Tuổi Trẻ, số ngày 07/7/2006. Nguốn gốc của tên này khá đặc biệt: người cha họ Mai, do sinh ra cậu thanh niên ấy, bị phạt hành chính về hành vi sinh nhiều con. Bức xúc, ông lấy luôn mức phạt đặt tên cho con. Câu chuyện đi vào ký ức, nhưng tên người lại cứ gắn chặt với người mang nó trong cuộc sống hàng ngày, như một cái gì đó rất khôi hài.

[13] Thực ra, người làm luật mong muốn dùng biện pháp hạn chế năng lực hành vi để ngăn chặn việc phá tán tài sản; còn phá tán do nghiện ngập hay do gì khác (chẳng hạn, mê cờ bạc), không quan trọng. Việc bó hẹp phạm vi điều chỉnh của chế định hạn chế năng lực hành vi trong các trường hợp nghiện chất kích thích cũng gây ngạc nhiên.

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Tuyển tập đề cương câu hỏi ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam có đáp án tham khảo
[CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam
Tuyển tập nhận định đúng sai (bán trắc nghiệm) môn Luật Dân sự năm 2015 có đáp án tham khảo.
[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Luật dân sự, Nguyễn Ngọc Điện, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2013

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Đánh giá lại vai trò của Luật Dân sự
Next Post: Bàn về đổi mới chế định pháp nhân trong BLDS 2005 »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • TRẦN GIA BẢO trong [EBOOK] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam pdf
  • nguyễn hoàng lộc trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook
  • ngọc quý trong [EBOOK] Giáo trình Luật Thương mại quốc tế pdf
  • Thien Kieu trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam pdf
  • Nguyễn Tâm Long trong [TUYỂN TẬP] Đề thi Luật Thương mại quốc tế

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng