• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong BLDS năm 2015

Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong BLDS năm 2015

05/05/2020 05/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ
  • 2. Bồi thường thiệt hại
  • 3. Phạt vi phạm
  • 4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng
  • 5. Hủy bỏ hợp đồng
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong BLDS năm 2015

  • Tác giả: Nguyễn Thùy Trang
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(106)/2017 – 2017, Trang 22-27

TÓM TẮT

Trong bài viết này, chúng tôi không sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm dân sự” mà thay bằng “biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng”. Bởi lẽ, mục “trách nhiệm dân sự” trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS năm 2005) và Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS năm 2015) không đề cập “phạt vi phạm”, “đơn phương chấm dứt hợp đồng”, “hủy bỏ hợp đồng” khi xảy ra việc vi phạm nghĩa vụ/ hợp đồng. Bên cạnh việc nghiên cứu “buộc thực hiện đúng hợp đồng” hay “bồi thường thiệt hại” (hai loại trách nhiệm dân sự theo BLDS), chúng ta còn nghiên cứu một số các biện pháp khác vừa được liệt kê ở trên. Biện pháp xử lý hay trách nhiệm dân sự được áp dụng khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

ABSTRACT:

In this research, we use the terms “implementation solution for breach of contract” instead of “civil responsibility”. The 2005 and 2015 Civil codes did not mention “penalty”, “unilateral termination of the contract”, “cancellation of contract” while there is breach of contract from the other side. Beside the “compulsory implementation following the contract” or “compensation” (two kinds of civil responsibility in civil law), we also study the other solutions mentioned above. Implementation solution or civil responsibility is applied once there is a breach of contract obligation.

TỪ KHÓA: BLDS 2015, vi phạm hợp đồng, biện pháp xử lý,

KEYWORDS: implementation solution for breach of contract, the 2015 Civil Code,

Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong BLDS năm 2015

Hợp đồng khi được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý của các bên. Tuy nhiên, việc giao kết hợp đồng mới tạo ra hình thức pháp lý cho quan hệ trao đổi, còn quyền và nghĩa vụ mà các bên có đạt được hay không phải thông qua hành vi trực tiếp là thực hiện hợp đồng. Theo cuốn “Bình luận khoa học BLDS năm 2005”, “thực hiện hợp đồng là thực hiện những quyền và nghĩa vụ đã phát sinh trong hợp đồng”,[1] chúng tôi cho rằng, thực hiện hợp đồng nên được giải thích là “thực hiện các nội dung” của hợp đồng sẽ đầy đủ hơn. Ngoài nghĩa vụ “trong” hợp đồng (các nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng), các bên còn phải thực hiện đúng các nghĩa vụ phát sinh “từ” hợp đồng (các nghĩa vụ có thể không được quy định trong hợp đồng nhưng các bên buộc phải thực hiện khi xác lập hợp đồng như nghĩa vụ do pháp luật quy định hoặc thực hiện các biện pháp xử lý do vi phạm hợp đồng…). Bên vi phạm hợp đồng sẽ bị áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp xử lý vi phạm.

Bài viết cùng số Tạp chí

  • Bảo vệ môi trường từ góc độ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước: Kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Một số học thuyết phổ biến về nguồn gốc nhà nước và pháp luật
  • [BÀI ĐANG XEM] Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015
  • Tìm hiểu về các hoạt động nghiệp vụ và hành vi gài bẫy theo Pháp luật Mỹ
  • Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con
  • Một số vấn đề pháp lý về kiểm soát ngoại tệ từ giao dịch vãng lai
  • Vai trò của các chủ thể tư trong các tranh chấp mà Việt Nam tham gia tại WTO và một số kiến nghị
  • Thực tiễn hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực biển Đông
  • Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại

1. Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ

Yêu cầu thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định tại khoản 1 Điều 351 năm BLDS năm 2015“1. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. 2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 352 BLDS năm 2015:“Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ”. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 297 Luật Thương mại năm 2005 (LTM năm 2005), buộc thực hiện đúng hợp đồng (nghĩa vụ) “là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện”. Biện pháp này bảo vệ quan hệ hợp đồng và giúp các bên đạt được những lợi ích mà họ hướng đến khi giao kết hợp đồng. Khi áp dụng biện pháp này, bên yêu cầu không cần chứng minh là mình có thiệt hại. Bởi lẽ, buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ là một hệ quả của hiệu lực ràng buộc thực hiện hợp đồng hợp pháp.[2] Về chế tài áp dụng đối với việc không thực hiện đúng nghĩa vụ, theo PGS,TS. Đỗ Văn Đại, “dường như chúng ta coi đây là vấn đề thi hành án nên Tòa án thường chỉ tuyên buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nếu họ không thực hiện thì hậu quả là gì, Tòa án thường không đề cập đến” .[3] Ví dụ, A chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho B, B đã chuyển toàn bộ tiền, hợp đồng đã đăng ký nhưng A không bàn giao đất. Vậy biện pháp xử lý đối với A trong trường hợp này thông thường chỉ là “buộc A giao đất cho bên B” mà không đưa được chế tài xử lý nếu bên A không giao đất cho bên B. Ở đây, có sự phân biệt giữa buộc thực hiện nghĩa vụ với bồi thường thiệt hại và phạt hợp đồng. Bởi đây là các biện pháp độc lập. Buộc thực hiện đúng hợp đồng phát sinh khi các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại xảy ra.[4] Phạt vi phạm chỉ được áp dụng khi trong hợp đồng có thỏa thuận.[5]

Liên quan đến chế tài đối với việc “buộc thực hiện nghĩa vụ” trong trường hợp bản án/ quyết định có hiệu lực pháp luật, khoản 1 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định “a) Trường hợp công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện; chi phí thực hiện do người phải thi hành án chịu; b) Trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”. Như vậy, bởi vì Tòa không quy định chế tài cụ thể, nên nhiệm vụ của cơ quan thi hành án trong trường hợp này không chỉ đơn thuần là “thi hành án” mà còn được quyền chủ động đưa ra các chế tài (ngoài phán quyết của Tòa) đối với người phải thi hành án và những người có liên quan (giao cho người có điều kiện thực hiện, đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự).

2. Bồi thường thiệt hại

Việc không thực hiện đúng hợp đồng hoặc vi phạm nghĩa vụ thường phát sinh thiệt hại. Nếu không thuộc các trường hợp được loại trừ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên, bên vi phạm và gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều 303 LTM năm 2005 quy định cụ thể các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều 307 BLDS năm 2005 có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng với việc không thực hiện đúng nghĩa vụ, nhưng các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại không được quy định thực sự rõ ràng.[6] Theo khoản 2 Điều 307 BLDS năm 2005“Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”. Điều 360 BLDS năm 2015 quy định cụ thể hơn so với BLDS năm 2005, “trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Căn cứ đầu tiên của trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với nghĩa vụ nói chung, nghĩa vụ trong hợp đồng nói riêng là “có hành vi vi phạm” hay “vi phạm nghĩa vụ”. Căn cứ thứ hai là “có thiệt hại”. Tuy nhiên, vì BLDS năm 2005 quy định không thực sự rõ ràng, nên vẫn có câu hỏi đặt ra là “có cần phải xác định thêm là “thiệt hại tồn tại” không?[7] Khắc phục hạn chế này, Điều 361 BLDS năm 2015 đã quy định cụ thể hơn về thiệt hại vật chất, theo khoản 2 Điều 361 “2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”. Riêng với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần, BLDS năm 2015 vẫn chưa đưa ra được các quy định cụ thể mang tính định lượng, do vậy có thể dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trong quá trình giải quyết tranh chấp. Căn cứ thứ ba là “có mối quan hệ nhân quả” giữa hành vi vi phạm và thiệt hại. Về căn cứ này, kể cả BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều không được minh thị rõ như LTM năm 2005. Căn cứ thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chúng tôi đồng tình với quan điểm mối quan hệ nhân quả là điều kiện cần thiết trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại.[8]

Ngoài ra, trách nhiệm dân sự trong giao dịch dân sự theo khoản 1 Điều 308 BLDS năm 2005 còn phải gắn với “lỗi”, cụ thể “người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, yếu tố lỗi không còn là điều kiện để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thương mại[9] và các giao dịch dân sự phát sinh kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực. Điều 364 BLDS năm 2015 về lỗi trong trách nhiệm dân sự đã bỏ quy định tại khoản 1 Điều 308 BLDS năm 2005.

Ví dụ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: A ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở với B (tạm gọi là HĐ1), giá chuyển nhượng là 2,4 tỷ đồng. Để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng và bàn giao quyền sử dụng đất, A đặt cọc cho B 200 triệu. Nếu B không giao kết hợp đồng hoặc bàn giao cho A đúng thời hạn, B sẽ phải trả cho A gấp đôi số tiền đặt cọc. Sau khi hợp đồng có hiệu lực, C đã đề nghị B chuyển nhượng mảnh đất đó cho B với số tiền 3 tỷ (tạm gọi là HĐ2). B nhận thấy nếu chịu phạt cọc 200 triệu thì vẫn còn lãi 400 triệu, do vậy đã đồng ý giao kết hợp đồng với C và hủy bỏ hợp đồng với A. A yêu cầu B tiếp tục thực hiện hợp đồng, nếu B vẫn quyết định hủy bỏ hợp đồng, B phải hoàn trả cho A 400 triệu theo thỏa thuận đặt cọc và bồi thường thiệt hại cho A với giá trị thiệt hại được xác định là 600 triệu. Trong vụ việc này, trách nhiệm phạt cọc đã rõ, vì nếu hủy bỏ hợp đồng thì đương nhiên B không thể bàn giao quyền sử dụng đất cho A theo hợp đồng. Riêng với yêu cầu bồi thường thiệt hại, có ba cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất cho rằng A đã được hưởng 200 triệu tiền phạt cọc, nên thiệt hại của A sẽ tương ứng với số tiền chênh lệch giữa HĐ 1 và HĐ 2 trừ đi số tiền phạt cọc 200 triệu, như vậy thiệt hại được xác định là 400 triệu đồng. Cách hiểu thứ hai cho rằng, phạt cọc và bồi thường thiệt hại là hai chế tài áp dụng với hai nghĩa vụ khác nhau (phạt cọc áp dụng với nghĩa vụ bảo đảm và bồi thường thiệt hại áp dụng với hành vi vi phạm nghĩa vụ). Khi vi phạm thỏa thuận đặt cọc, kể cả không gây thiệt hại, B vẫn phải chịu phạt cọc. Trong trường hợp vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại, thì B phải chịu bồi thường thiệt hại tương ứng với thiệt hại xảy ra cho A, thiệt hại được xác định là số tiền chênh lệch giữa HĐ 1 và HĐ 2, tương đương 600 triệu đồng. Cách hiểu thứ ba lại cho rằng, biện pháp đặt cọc là để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, khi vi phạm nghĩa vụ thì chỉ áp dụng biện pháp bảo đảm, tức là B chỉ phải chịu phạt cọc. Chúng tôi đồng thuận với cách hiểu thứ hai, các biện pháp xử lý sẽ được áp dụng độc lập căn cứ vào hành vi vi phạm và thiệt hại. Ví dụ, vi phạm nghĩa vụ bảo đảm sẽ bị áp dụng biện pháp bảo đảm. Vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ có thể bị áp dụng đồng thời các biện pháp buộc thực hiện hợp đồng, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật và thỏa thuận của các bên.[10] Ngoài ra, thực tế có thể xảy ra trường hợp mức giá trong HĐ 2 thấp hơn HĐ 1, để làm căn cứ xác định giá trị thiệt hại về vật chất đối với trường hợp này, các bên sẽ phải chứng minh được giá cả thị trường đối với tài sản tương tự tại thời điểm xảy ra tranh chấp, ngoài ra còn phải tính các thiệt hại phi vật chất (nếu có).

Ví dụ về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại: Sau khi hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có hiệu lực, B đã ký hợp đồng cho C thuê nhà ở kể từ thời điểm nhận bàn giao theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, A không bàn giao quyền sử dụng đất và nhà ở cho B đúng thời hạn. B yêu cầu A bồi thường thiệt hại bao gồm cả số tiền cho thuê nhà mà B đáng lẽ được hưởng kể từ thời điểm A vi phạm nghĩa vụ bàn giao. Theo chúng tôi, trường hợp này được xác định “có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại”. Ví dụ khác, A ký hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư (bao gồm cả quyền sử dụng đất) cho B. Thời hạn bàn giao quyền sử dụng đất theo hợp đồng vào ngày 31/12/2015. Nhưng B không tiếp nhận đúng thời hạn. Thời gian này công trường xảy ra sự cố, gây thiệt hại cho bên thứ ba. A yêu cầu B bồi thường thiệt hại với lý do vì B chậm nhận bàn giao, không có người tiếp nhận, quản lý công trình trên đất nên đã xảy ra sự cố. Trường hợp này cần phải xác minh, vì việc xảy ra sự cố tại công trình thi công có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân (do thiếu người quản lý, giám sát, do chất lượng công trình kém, do thi công không đảm bảo đúng quy trình quy phạm an toàn…). Trên thực tế, thiệt hại xảy ra có thể là hậu quả của nhiều hành vi cùng tác động hoặc do tài sản gây ra. Do vậy, việc xác định hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả là yêu cầu quan trọng để phân hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại một cách công bằng, hợp tình, hợp lý và minh bạch.

3. Phạt vi phạm

Phạt vi phạm không nằm trong “trách nhiệm dân sự” (mặc dù bản chất cũng là một loại trách nhiệm dân sự) mà được quy định trong phần “hợp đồng” của BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015. Khác với các loại trách nhiệm dân sự nói chung, phạt vi phạm chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng và được áp dụng khi (i) có hành vi vi phạm hợp đồng và (ii) hợp đồng có thỏa thuận về phạt vi phạm. Yếu tố (ii) cho phép phân biệt phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Theo đó, bồi thường thiệt hại được áp dụng ngay cả khi không có thỏa thuận, còn phạt vi phạm chỉ áp dụng khi các bên có thỏa thuận về vấn đề này.[11] Thỏa thuận phạt vi phạm theo pháp luật dân sự là “một khoản tiền”. Do vậy, để có cơ sở áp dụng phạt vi phạm, thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng phải nêu được “mức tiền phạt”.

Về mức phạt vi phạm, theo chúng tôi, giới hạn về mức phạt (hợp đồng thương mại (8%), hợp đồng xây dựng (12%…)[12] trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã tỏ ra bất cập, bởi những lý do sau: (i) Hạn chế quyền tự quyết, tự định đoạt, thỏa thuận của các bên đương sự. Để hạn chế quyền tự định đoạt của các chủ thể trong giao dịch dân sự nói chung, pháp luật cần phải đưa ra được những căn cứ thuyết phục. Tuy nhiên, các quy định pháp luật thiếu thống nhất về mức phạt vi phạm tối đa đối với các hợp đồng dân sự, thương mại, xây dựng… như hiện nay cho thấy việc luật hóa mức phạt vi phạm dường như thể hiện ý chí chủ quan của các nhà lập pháp hơn là căn cứ vào điều kiện khách quan; (ii) Số tiền phạt tính trên giá trị “nghĩa vụ bị vi phạm” (Luật Xây dựng năm 2014 quy định không vượt quá 12% giá trị “phần hợp đồng bị vi phạm”) chỉ thuận tiện trong trường hợp “nghĩa vụ hay phần hợp đồng bị vi phạm” trị giá được bằng tiền. Còn với những nghĩa vụ hoặc phần hợp đồng bị vi phạm không thể hoặc khó trị giá được bằng tiền như nghĩa vụ “bàn giao tài sản”, nghĩa vụ “cung cấp hồ sơ, tài liệu”,… thì quy định như trên khiến cho việc áp dụng biện pháp xử lý “phạt vi phạm” khó thực thi. Do vậy, quy định tại khoản 2 Điều 422 BLDS năm 2005“mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận”, khoản 2 Điều 418 BLDS năm 2015 bổ sung“trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” là phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật dân sự về quyền tự định đoạt, thỏa thuận của các bên.

Đối với thỏa thuận phạt vi phạm, đoạn 2 khoản 3 Điều 422 BLDS năm 2005 quy định “3. Nếu không thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm”. Đoạn 2 khoản 3 Điều 418 BLDS năm 2015 quy định lại trường hợp thỏa thuận phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại “Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.

Chúng tôi nhận thấy quy định tại đoạn 2 khoản 3 các Điều luật nêu trên có một số bất cập như sau: (i) “Thỏa thuận” không phải là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại; (ii) Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm là hai chế tài xuất phát từ các căn cứ phát sinh khác nhau. việc “loại trừ” trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm nhưng “không có thỏa thuận bồi thường thiệt hại” hoặc “không thỏa thuận vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại” là không phù hợp với căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đồng thời ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp thiệt hại thực tế lớn hơn mức phạt mà các bên đã thỏa thuận.

Để giải quyết những bất cập này, chúng tôi đề xuất BLDS năm 2015 nên tiếp thu quy định tại khoản 2 Điều 307 LTM năm 2005:“2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác” hoặc bỏ quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm” tại đoạn 2 khoản 3 Điều 418 BLDS năm 2015.

4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng

Đây là biện pháp xử lý hành vi vi phạm hợp đồng mới được bổ sung trong BLDS năm 2015. Theo khoản 1 Điều 426 BLDS năm 2005, “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Khoản 1 Điều 428 BLDS năm 2015 quy định “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Theo BLDS năm 2005, một bên chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Trong quy định của BLDS năm 2015, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã trở thành quyền luật định.

Theo khoản 2 Điều 423 BLDS năm 2015, “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ dân sự là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Đây là quy định mới được bổ sung so với BLDS 2005 trên cơ sở kế thừa quy định “vi phạm cơ bản” trong LTM năm 2005. Theo khoản 13 Điều 3 LTM năm 2005, “vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”.

Hậu quả của hành vi “vi phạm cơ bản” và “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ” giống nhau, đều “làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Vậy nên chăng pháp luật dân sự và pháp luật thương mại có quy định chung là “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ”, vừa đảm bảo thống nhất về thuật ngữ, vừa thuận tiện cho các bên khi xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự nói chung, hợp đồng thương mại nói riêng.

5. Hủy bỏ hợp đồng

Tương tự như trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, BLDS năm 2005 quy định hủy bỏ hợp đồng khi thuộc một trong các căn cứ (i) vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận hoặc (ii) pháp luật có quy định. BLDS năm 2015 bổ sung (iii) “bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng.[13] Có thể nói, quyền hủy bỏ hợp đồng của bên có quyền đối với bên vi phạm nghĩa vụ đã tạo nên sự bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng ở mức độ cao nhất. Theo đó “1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. 2. Các bên hoàn phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ đi chi phí hợp lý trong việc thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. 3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường”.[14]

Hậu quả pháp lý của hủy bỏ hợp đồng theo BLDS năm 2015 có sự khác biệt cơ bản so với BLDS năm 2005 và hợp đồng vô hiệu theo quy định của BLDS năm 2015.[15] Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu trong BLDS năm 2015 tương tự hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng trong BLDS năm 2005.[16] Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015, hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng dường như chỉ áp dụng với các thỏa thuận liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ các bên. Còn các thỏa thuận về biện pháp xử lý việc vi phạm nghĩa vụ, không thực hiện đúng hợp đồng (phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại,…) và điều khoản giải quyết tranh chấp vẫn có giá trị hiệu lực.

Hủy bỏ hợp đồng phân biệt với đơn phương chấm dứt hợp đồng ở hai đặc điểm cơ bản: (i) Giá trị hiệu lực của hợp đồng: Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật. Đối với hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết; (ii) Hậu quả: Hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện[17]. Đối với hợp đồng bị hủy bỏ, hậu quả pháp lý của hợp đồng vừa có điểm giống với hợp đồng vô hiệu (hoàn trả cho nhau những gì đã nhận), vừa có nét tương đồng với đơn phương chấm dứt hợp đồng (các bên được trừ đi chi phí hợp lý trong việc thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản).[18] Với quy định này, dường như Điều 427 BLDS năm 2015 vẫn thừa nhận việc thực hiện hợp đồng của các bên khi hợp đồng bị hủy bỏ.

Những quy định mới trong BLDS năm 2015 đã khiến quyền đơn phương chấm dứt và hủy bỏ hợp đồng trở thành một trong những biện pháp xử lý việc thực hiện không đúng hợp đồng theo luật. Đồng thời, việc duy trì giá trị hiệu lực của các biện pháp phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại… ngay cả khi hợp đồng bị hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt đã góp phần đảm bảo quyền lợi của bên có quyền và nâng cao trách nhiệm của bên có nghĩa vụ. Trong bối cảnh các tranh chấp hợp đồng ngày càng phức tạp như hiện nay, những quy định trên đặc biệt có giá trị trong việc xử lý và bình ổn các giao dịch..

CHÚ THÍCH

[1]* ThS, LS, Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ – Vinacomin.PGS-TS Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS 2005, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 249.

[2] Tham khảo PGS-TS Đỗ Văn Đại, “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 49

[3] PGS-TS Đỗ Văn Đại, “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 64

[4] Điều 302, 303 LTM năm 2005; Điều 307 BLDS năm 2005; Điều 360, Điều 361 BLDS năm 2015

[5] Điều 300, 3011 LTM năm 2005; Điều 422 BLDS năm 2005; Điều 418 BLDS năm 2015

[6] Tham khảo PGS-TS Đỗ Văn Đại, “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 75

[7] Tham khảo PGS-TS Đỗ Văn Đại, “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 79.

[8] Tham khảo PGS-TS Đỗ Văn Đại, “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 81.

[9] Điều 303 LTM năm 2005.

[10] Khoản 5, Điều 427, BLDS năm 2015 quy định “Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không thuộc các Điều 423, 424, 425 và 426 của Bộ luật này thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.

[11] PGS-TS Đỗ Văn Đại, “Luật hợp đồng Việt Nam, bản án và bình luận án”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 639.

[12] Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014.

[13] Điểm b, khoản 1 Điều 423 BLDS năm 2015.

[14] Khoản 1 Điều 427 BLDS năm 2015.

[15] Điều 131, Điều 427 BLDS năm 2015.

[16] Điều 137, Khoản 3 Điều 425 BLDS năm 2005, Điều 131 BLDS năm 2015.

[17] Khoản 3 Điều 428 BLDS năm 2015.

[18] Khoản 2 Điều 427 BLDS năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Đỗ Văn Đại, Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia ,2010, [trans: Do Van Dai, Implementation solutions for breach of contract in Vietnam Laws, National political publisher, 2010]
  • Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam, bản án và bình luận án, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010 [trans: Do Van Dai, Vietnam Laws, cases and commentacy of cases, National political publisher, 2010]
  • Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS 2005, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, [trans: Hoang The Lien, Scientific commentary of The 2005 Civil Code, National political publisher, 2010]
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong quan hệ hợp đồng
Áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong quan hệ hợp đồng
Tuyển tập đề cương câu hỏi ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam có đáp án tham khảo
[CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam
Tuyển tập nhận định đúng sai (bán trắc nghiệm) môn Luật Dân sự năm 2015 có đáp án tham khảo.
[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Bảo đảm tính thống nhất giữa BLLĐ với pháp luật thanh tra lao động

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng, Hợp đồng, Luật dân sự, Nguyễn Thùy Trang, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2017

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Bảo vệ môi trường từ góc độ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước: Kinh nghiệm cho Việt Nam
Next Post: Tìm hiểu về các hoạt động nghiệp vụ và hành vi gài bẫy theo Pháp luật Mỹ »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • hahehe trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội
  • Hà trong [EBOOK] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam pdf
  • Anh Huy trong [CÓ ĐÁP ÁN] – 216 Câu nhận định môn Luật tố tụng hình sự năm 2015
  • Ngọc Na trong [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – Tác giả: Lã Khánh Tùng
  • Lê Thanh Tín trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng