• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực

Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực

20/05/2020 06/04/2021 PGS.TS. Đỗ Văn Đại & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng Leave a Comment

Mục lục

  • NỘI DUNG BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH
    • NHẬN THẤY
    • XÉT THẤY
    • QUYẾT ĐỊNH
  • BÌNH LUẬN BẢN ÁN
    • 1. Dẫn nhập
  • I. Là một loại hình thức của di chúc
    • 2. Điều 657 và 658 BLDS
    • 3. Quan điểm khác nhau
    • 4. Hướng của Tòa giám đốc thẩm
    • 5. Nhận xét bổ sung
  • II. Điều kiện để di chúc có giá trị pháp lý
    • 6. Di chúc bằng văn bản
    • 7. Không thuộc trường hợp thủ tục bắt buộc
    • 8. Đúng ý chí của người lập di chúc
    • 9. Nội dung của di chúc
    • 10. Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Di chúc có công chứng, chứng thực

Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng

Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực

Xem thêm bài viết về “Bình luận bản án”

  • Bình luận bản án: Thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Bình luận bản án số 42/2010/DS-ST: Sính lễ trong pháp luật Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Lê Thị Diễm Phương
  • Bình luận bản án: Ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Ngọc Hồng Phượng
  • Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực – PGS. Đỗ Văn Đại & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng

NỘI DUNG BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH

Quyết định số 355/2012/DS-GDT ngày 15/8/2012 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng
  • Bình luận bản án - Thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức
  • Bình luận bản án: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
  • Bình luận bản án: Hành vi xâm phạm quyền tác giả
  • Bình luận bản án: Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
  • Bình luận bản án: Ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam
  • Bình luận bản án số 42/2010/DS-ST: Sính lễ trong pháp luật Việt Nam
  • Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại
  • Bình luận bản án: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra
  • Bình luận bản án: Xác định quan hệ huyết thống thông qua ADN

NHẬN THẤY

Tại quyết định số 195/2012/KN-DS ngày 04/6/2012 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 129/2010/DS-PT ngày 14/5/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Đề nghị Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 174/2009/DS-ST ngày 25/12/2009 của Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để xét xử sơ thẩm lại với nội dung:

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa lấy lời khai ông Thanh về sự việc trên để làm rõ có việc cụ Dọn đem di chúc lên Ủy ban nhân dân xã yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc hay không. Nếu qua thu thập chứng cư có cơ sở xác định cụ Dọn là người trực tiếp đem di chúc đến yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc, thì mặc dù hình thức di chúc không đúng theo quy định của pháp luật nhưng đã thể hiện đúng ý chí của cụ Dọn là cho ông “Xiểm” hưởng tài sản của cụ thì phải công nhận di chúc của cụ Dọn. Nếu không có căn cứ xác định di chúc thể hiện đúng ý chí của cụ Dọn thì cũng phải xem xét đến công sức của ông Xiểm để công nhận cho ông Xiểm hưởng ½ di sản của cụ Dọn mới hợp tình, hợp lý và đảm bảo quyền lợi cho ông Xiểm.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ đầy đủ đã xác định di chúc ông Xiểm xuất trình không hợp pháp, chỉ trích công sức cho ông Xiểm hưởng 30% giá trị di sản là chưa đảm bảo quyền lợi của ông Xiểm.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với nội dung kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Chánh án.

XÉT THẤY

Căn cứ các tài liệu do bà Thủy, bà Phỉ xuất trình là “Trích lục chứng thư hôn thú ngày 08/7/1970”, “Trích lục bộ khai sinh ngày 10/7/1970”, “Chứng chỉ đăng bạ quả phụ ngày 02/02/1971”, “Nghị định 781 của Tổng trưởng cựu chiến binh ngày 19/6/1972”, ”Chứng thư hành chính ngày 21/8/1970”, “Trích lục án phòng lục sự tòa ngày 03/3/1971” thì có căn cứ xác định bà Thủy, bà Phỉ là con đẻ của cụ Bộ với cụ Tua, cụ Bộ là em ruột cụ Dọn. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm xác định bà Phỉ, bà Thủy thuộc hàng thừa kế thứ 3 của cụ Dọn là có căn cứ.

Về diện tích 2.026m2 đất trên có nhà cấp 4, thuộc thửa 230, tờ bản đồ số 31, tọa lạc tại ấp 5 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 04/11/1999 do cụ Dọn chết để lại hiện ông Xiểm đang quản lý, sử dụng. Bà Thủy, bà Phỉ cho rẳng nhà đất trên cụ Dọn chỉ cho ông Xiểm (cháu họ) một phần đất để cất nhà ở bên cạnh, phần còn lại các nguyên đơn yêu cầu được hưởng thừa kế theo pháp luật. Ông Xiểm cho rằng cụ Dọn ở chung với gia đình ông từ năm 1983, được ông nuôi dưỡng đến khi chết năm 2004; diện tích đất trên là của cụ Dọn còn nhà cấp 4 là do ông xây từ năm 1998; ngày 02/11/2000 cụ Dọn đã lập di chúc cho ông toàn bộ nhà đất này, ông đã kê khai và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2004.

Xét di chúc đứng tên cụ Dọn lập ngày 02/11/2000 có nội dung cụ Dọn có 2.026m2 đất thổ vườn, trên có căn nhà lợp tole vách tường tại ấp 5, cụ lập di chúc để lại tài sản trên cho ông “Xiểm” hưởng sau khi cụ qua đời, có xác nhận của Trưởng ấp ngày 03/11/2000 và đến ngày 20/11/2000 Ủy ban xã Vĩnh Tân xác nhận “Cụ Dọn có số tài sản trên là đúng”.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, ông Thành nguyên là cán bộ tư pháp xã có lời khai, cụ Dọn mang di chúc lên Ủy ban nhân dân xã và ký tên tại xã có sự chứng kiến của ông Dũng và ông Thanh (trưởng và phó ấp 5), nhưng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa lấy lời khai ông Thanh về sự việc trên để làm rõ có việc cụ Dọn đem di chúc lên Ủy ban nhân dân xã yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc hay không. Nếu qua thu thập chứng cứ có cơ sở xác định cụ Dọn là người trực tiếp đem di chúc đến yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc, thì phải xác định ý chí của cụ Dọn là cho ông “Xiểm” hưởng tài sản của cụ. Nếu không có căn cứ xác định di chúc không thể hiện đúng ý chí của cụ Dọn thì cũng phải xác nhận phần công sức của ông Xiểm để công nhận cho ông Xiểm hưởng ½ di sản của cụ Dọn mới hợp tình, hợp lý và đảm bảo quyền lợi cho ông Xiểm.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ đã xác định di chúc của cụ Dọn không hợp pháp và chỉ trích công sức cho ông Xiểm hưởng 30% giá trị di sản là chưa đảm bảo quyền lợi của ông Xiểm.

Vì vậy, kháng nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao đề nghị tòa Dân sự tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 174/2009DS-ST ngày 25/12/2009 của tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; giao hồ sơ vụ án cho tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để xét xử sơ thẩm lại là cần thiết.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

Hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 129/2010/DS-PT ngày 14/5/2010 của tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 174/2009/DS-ST ngày 25/12/2009 của tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương về vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Thủy, bà Phỉ với bị đơn ông Xiểm; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Huệ.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Xem thêm bài viết về “Công chứng”

  • [TUYỂN TẬP] Đề thi môn Công chứng Luật sư – ThS. LS. Phạm Quang Thanh

BÌNH LUẬN BẢN ÁN

1. Dẫn nhập

Pháp luật hiện hành công nhận quyền lập di chúc của cá nhân để định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Sau khi người để lại di sản chết đi, những người còn sống căn cứ vào di chúc để thực hiện ý nguyện của người đã khuất nếu di chúc có giá trị pháp lý.

Về cách thức lập di chúc, hiện nay chúng ta gặp rất phổ biến trường hợp người để lại di sản lập di chúc ở nhà sau đó đem di chúc đến công chứng, chứng thực nhưng sau khi người để lại di sản chết những người còn sống tranh chấp về tính hợp pháp của di chúc này. Vụ việc được bình luận là một ví dụ điển hình của hoàn cảnh vừa nêu. Cụ thể, trước khi chết cụ Dọn có lập di chúc để lại di sản cho ông Xiểm. Về cách thức lập di chúc, theo cán bộ tư pháp xã, cụ Dọn đã lập di chúc ở nhà và mang di chúc lên Ủy ban nhân dân xã xác nhận và ký tên. Sau khi cụ Dọn chết, có người (người được thụ hưởng theo nội dung di chúc) cho rằng di chúc này hợp pháp và cần được tôn trọng nhưng người thừa kế theo pháp luật của cụ Dọn lại cho rằng di chúc này không hợp pháp nên cần phải chia di sản theo pháp luật.

Quyết định được bình luận cho phép suy luận rằng đây là một loại hình thức lập di chúc được chấp nhận (I) nhưng chúng ta cũng cần bàn thêm điều kiện để di chúc này có giá trị pháp lý (II).

I. Là một loại hình thức của di chúc

2. Điều 657 và 658 BLDS

Liên quan đến di chúc được công chứng, chứng thực thì BLDS có hai điều khoản gây tranh cãi liên quan đến hình thức của di chúc.

Thứ nhất là Điều 658 BLDS năm 2005 (tức Điều 661 BLDS năm 1995) về Thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo đó “người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc” (khoản 1).

Thứ hai là Điều 657 BLDS năm 2005 (tức Điều 660 BLDS năm 1995[1]) về Di chúc có công chứng hoặc chứng thực theo đó “người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.

3. Quan điểm khác nhau

Về hình thức của di chúc, hiện nay có quan điểm trái chiều nhau xuất phát từ hai điều luật trên.

Có quan điểm cho rằng di chúc có công chứng, chứng thực tại Điều 657 BLDS phải tuân theo các điều kiện (thủ tục) được quy định tại khoản 1 Điều 658 vì Điều 657 có vai trò giới thiếu loại di chúc có công chứng, chứng thực và Điều 658 là quy định cụ thể hóa Điều 657. Quan điểm này theo hướng Điều 657 và Điều 658 nêu trên là một khối thống nhất nên di chúc có công chứng, chứng thực phải là di chúc được lập theo thủ tục tại Điều 658. Chẳng hạn, Giáo trình Luật dân sự của Học viện tư pháp (Nxb. Công an nhân dân năm 2007, tr. 529) đã theo hướng di chúc của Điều 657 BLDS phải tuân theo thủ tục của Điều 658 BLDS. Liên quan đến “di chúc viết có công chứng, chứng thực”, giáo trình của Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “việc công chứng, chứng thực di chúc phải đúng thủ tục như quy định tại khoản 1 Điều 658 BLDS năm 2005”[2]. Với quan điểm trên, di chúc như trường hợp của cụ Dọn là không phù hợp với quy định về hình thức di chúc vì nội dung di chúc đã được soạn sẵn trước khi tới cơ quan công chứng, chứng thực và dường như đây cũng là hướng xác định trong Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến vụ việc trên. Bởi lẽ, trong Kháng nghị số 195/2012/KN-DS ngày 04/6/2012 của Chánh án, chúng ta thấy nêu “hình thức di chúc không đúng theo quy định của pháp luật”[3].

Tuy nhiên, có quan điểm lại cho rằng Điều 658 trên chỉ liên quan tới một loại hình thức của di chúc là di chúc được lập tại cơ quan công chứng hay chứng thực và Điều 657 ghi nhận một loại hình thức di chúc khác, độc lập với hình thức được quy định tại Điều 658. Ở đây, di chúc không được lập theo thủ tục tại khoản 1 Điều 658 thì vẫn có giá trị pháp lý nếu đáp ứng được yêu cầu của Điều 657. Với quan điểm thứ hai, loại di chúc như của cụ Dọn là phù hợp với quy định và đây là quan điểm của một chuyên gia của Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể, liên quan đến “các loại di chúc theo quy định của BLDS năm 2005”, thẩm phán Chu Xuân Minh xác định có loại “di chúc có công chứng hoặc chứng thực” và có loại “di chúc được lập tại cơ quan công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn” với sự khác biệt là, đối với “di chúc có công chứng hoặc chứng thực”, thẩm phán Chu Xuân Minh cho rằng “khi người lập di chúc tự mình đi công chứng, chứng thực thì bản di chúc là hợp pháp kể cả trường hợp họ không tự viết (đánh máy, chẳng hạn)”, còn đối với “di chúc được lập tại cơ quan công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn”, chuyên gia này xác định “đây là trường hợp bản di chúc được lập ngay tại cơ quan công chứng, chứng thực và người lập di chúc chỉ cần tuyên bố nội dung di chúc chứ không phải là mang di chúc đến xin công chứng, chứng thực”[4]. Bên cạnh đó, theo tác giả Phùng Trung Tập, “di chúc có công chứng hoặc chứng thực (Điều 657), người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng nhà nước chứng nhận bản di chúc của mình hoặc có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực vào di chúc do mình lập ra. Người lập di chúc phải tự mình mang bản di chúc đến công chứng nhà nước yêu cầu công chứng. Pháp luật không cho phép người lập di chúc ủy quyền cho người khác mang di chúc của mình đến công chứng nhà nước yêu cầu công chứng”[5].

4. Hướng của Tòa giám đốc thẩm

Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao không theo hướng “hình thức di chúc không đúng theo quy định của pháp luật” như Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vì trong phần Xét thấy Tòa giám đốc thẩm không nêu lại ý kiến này của Chánh án.

Liên quan đến di chúc, Tòa giám đốc thẩm xét rằng “nếu qua thu thập chứng cứ có cơ sở xác định cụ Dọn là người trực tiếp đem di chúc đến yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc, thì phải xác định ý chí của cụ Dọn là cho ông “Xiểm” hưởng tài sản của cụ” và “Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ đã xác định di chúc của cụ Dọn không hợp pháp và chỉ trích công sức cho ông Xiểm hưởng 30% giá trị di sản là chưa đảm bảo quyền lợi của ông Xiểm”.

Như vậy, theo Tòa giám đốc thẩm, nếu xác định được cụ Dọn trực tiếp đem di chúc đi chứng thực thì không thể xác định “di chúc không hợp pháp” như Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã làm mà cần để người được nêu trong di chúc thụ hưởng di sản (tức di chúc này có giá trị pháp lý). Ở đây, Tòa giám đốc thẩm dường như đã theo hướng (quan điểm) thứ hai nêu trên.

5. Nhận xét bổ sung

Bản thân pháp luật không là mục đích mà chúng ta hướng tới. Điều chúng ta hướng tới là hệ quả mà pháp luật đem lại và pháp luật chỉ là công cụ để đạt được các hệ quả đó. Do vậy, đối với những vấn đề mà pháp luật còn chưa rõ ràng dẫn tới những cách hiểu khác nhau thì chúng ta nên xử lý theo hướng tạo cho xã hội phát triển hoặc ít ra cũng không làm cho hoàn cảnh tồi tệ hơn. Việc ghi nhận di chúc như trên của Tòa giám đốc thẩm là hoàn toàn thuyết phục. Nếu không theo hướng của Tòa giám đốc thẩm mà theo hướng của Tòa sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án này thì chúng ta sẽ vô hiệu hóa nhiều di chúc mà chúng ta đã xác định thể hiện ý chí đích thực của người để lại di sản.

Thực ra, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 658  nêu trên được áp dụng cho trường hợp “lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn” trong khi đó, đối với hoàn cảnh như cụ Dọn, di chúc không được “lập tại cơ quan” trên nên không thể áp dụng các quy định về thủ tục được nêu tại Điều 658. Do đó, việc không không vận dụng khoản 1 Điều 658 cho di chúc như trường hợp của cụ Dọn là hợp lý.

Qua đây, chúng ta có thể cho rằng Điều 657 BLDS ghi nhận một hình thức độc lập với Điều 658 BLDS; di chúc được lập theo Điều 658 là di chúc “được lập tại cơ quan” công chứng, chứng thực còn di chúc có công chứng, chứng thực theo Điều 657 không cần được lập tại các cơ quan trên mà chỉ cần có công chứng hay chứng thực. Di chúc không được lập như quy định của Điều 658 hoàn toàn có thể có giá trị pháp lý (về hình thức) trên cơ sở Điều 657 nếu thỏa mãn các điều kiện sẽ được phân tích dưới đây.

II. Điều kiện để di chúc có giá trị pháp lý

6. Di chúc bằng văn bản

Di chúc là sự thể hiện ý chí của một người nhằm định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Về hình thức thể hiện ý chí của người để lại di sản, theo quy định tại Điều 649 BLDS, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng miệng chỉ được lập trong hoàn cảnh rất đặc biệt và chúng ta không bàn ở đây vì không liên quan đến di chúc như trường hợp của cụ Dọn[6].

Về hình thức bằng văn bản, hiện nay pháp luật dân sự đưa ra khá nhiều loại di chúc khác nhau. Nhìn qua Điều 650 BLDS (Điều 653 BLDS năm 1995) về Di chúc bằng văn bản, chúng ta thấy liệt kê 04 loại di chúc khác nhau là “1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; 2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; 3. Di chúc bằng văn bản có công chứng; 4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực”. Trong bài viết của mình, chuyên gia nêu trên của Tòa án tối cao liệt kê 06 loại hình thức của di chúc trong đó có Di chúc có công chứng hoặc chứng thực[7]. Theo một số nhà bình luận, trong những loại di chúc này, “người lập di chúc bằng văn bản có quyền, tùy ý muốn của mình và tùy theo hoàn cảnh cụ thể chọn một trong những hình thức di chúc bằng văn bản nói trên khi lập di chúc bằng văn bản”[8].

Thực ra, đối với Di chúc có công chứng hoặc chứng thực tại Điều 657, BLDS hiện hành còn tương đối chung chung so với các loại di chúc khác như Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 655), di chúc được lập tại cơ quan công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Điều 658). Để có giá trị pháp lý, loại di chúc có công chứng hay chứng thực phải hội đủ một số điều kiện.

7. Không thuộc trường hợp thủ tục bắt buộc

Trong các loại hình thức di chúc được liệt kê ở trên, có những loại hình thức mà người để lại di chúc không được lựa chọn. Ở đây, nếu thuộc trường hợp pháp luật dự liệu người để lại di sản muốn lập di chúc thì phải lập di chúc theo hình thức bắt buộc.

Cụ thể, theo Điều 656 BLDS (Điều BLDS năm 1995), “trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”. Khi thuộc “trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc” thì người lập di chúc phải lập di chúc theo thể thức nêu tại Điều 656 BLDS và không được lựa chọn hình thức di chúc có công chứng hoặc chứng thực. Nói cách khác, di chúc có công chứng, chứng thực được quy định tại Điều 657 không được sử dụng trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc được quy định tại Điều 656. Trong vụ việc được bình luận, cụ Dọn không thuộc trường hợp này nên cụ Dọn không phải lập di chúc theo thể thức được quy định tại Điều 656 BLDS và có thể lập di chúc theo quy định tại Điều 657 BLDS.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 658 BLDS (Điều BLDS năm 1995), “trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng” . Với quy định này, khi “người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được” thì họ không có sự lựa chọn mà phải theo thủ tục nêu trên và họ không được lựa chọn hình thức di chúc khác trong đó có di chúc Di chúc có công chứng hoặc chứng thực. Nói cách khác, di chúc có công chứng, chứng thực tại Điều 657 không được sử dụng trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được theo quy định tại khoản 2 Điều 658 BLDS . Trong vụ việc được bình luận, cụ Dọn không thuộc trường hợp này nên cụ Dọn không phải lập di chúc theo thể thức của khoản 2 Điều 658.

8. Đúng ý chí của người lập di chúc

Theo Điều 646 BLDS năm 2005 (Điều BLDS năm 1995), “di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Với quy định này, di chúc là công cụ để thông qua đó ý chí đích thực của người lập di chúc được thể hiện một cách đầy đủ. Pháp luật đưa ra những quy định về hình thức và một số nội dung bắt buộc của di chúc cũng nhằm đảm bảo di chúc thể hiện đúng ý chí của người để lại di sản. Do đó, di chúc theo hình thức di chúc có công chứng hoặc chứng thực được quy định tại Điều 657 BLDS cũng phải thể hiện được ý chí đích thực của người để lại di sản.

Trong vụ việc được bình luận, Tòa dân sự cũng nhấn mạnh ý chí của người để lại di sản khi bàn về di chúc của cụ Dọn. Thứ nhất, theo Tòa giám đốc thẩm, “nếu không có căn cứ xác định di chúc không thể hiện đúng ý chí của cụ Dọn thì cũng phải xác nhận phần công sức của ông Xiểm để công nhận cho ông Xiểm hưởng ½ di sản của cụ Dọn”. Ở đây, theo Tòa dân sự, nếu không có cơ sở xác định được ý chí đích thực của người để lại di sản trong văn bản di chúc thì phải chia di sản theo pháp luật. Thứ hai, vẫn theo Tòa dân sự, “nếu qua thu thập chứng cứ có cơ sở xác định cụ Dọn là người trực tiếp đem di chúc đến yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc, thì phải xác định ý chí của cụ Dọn là cho ông “Siểm” hưởng tài sản của cụ”. Trong phần này, Tòa giám đốc thẩm không nói rõ là phải xác định được ý chí của người để lại di sản thì mới xử lý di sản theo di chúc nhưng việc Tòa giám đốc thẩm yêu cầu phải xác minh cụ Dọn có “trực tiếp đem di chúc đến yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc” phần nào cho thấy vẫn cần phải xem đó có là ý chí đích thực của cụ Dọn hay không.

Đối với di chúc có công chứng hay chứng thực, chúng ta cũng cần phải xác định được ý chí đích thực của người để lại di sản. Nếu nội dung di chúc thể hiện đúng ý chí của người để lại di sản thì phải công nhận di chúc và cần chia di sản theo di chúc. Đây cũng là hướng giải quyết của Hội đồng thẩm phán trong một vụ việc theo đó di chúc được Ủy ban nhân dân thành phố xác thực và có chứng cứ chứng minh di chúc là của người để lại di sản. Cụ thể, theo Hội đồng thẩm phán[9], “cụ Ba đã nhiều lần lập di chúc và di chúc cuối cùng lập ngày 07-01-1991 cụ Ba đã để lại cho bà Huệ 1/2 căn nhà số 95 và toàn bộ đồ dùng trong nhà thuộc giá trị phần tài sản của cụ trong khối tài sản chung vợ, chồng. Di chúc trên đã được Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hoà xác nhận. Tại các kết luận số 1367 ngày 5-2-1994 và số 689 ngày 21-5-1996, Công an tỉnh Đồng Nai và Viện khoa học hình sự Bộ Nội vụ đã khẳng định dấu vân tay trên di chúc trên là của cụ Ba. Do đó có cơ sở để xác định di chúc do cụ Ba lập ngày 07-1-1991 là di chúc hợp pháp (theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Thừa kế và Điều 655 Bộ luật dân sự). Tòa án cấp sơ thẩm công nhận di chúc và chia thừa kế phần di sản của cụ Ba theo di chúc cụ Ba lập ngày 07-01-1991 là có cơ sở, Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa không có thẩm quyền xác nhận di chúc, từ đó không công nhận di chúc trên của cụ Ba và xử bác yêu cầu hưởng thừa kế theo di chúc của bà Huệ là không đúng”[10].

9. Nội dung của di chúc

Hiện nay, Điều 653 BLDS quy định di chúc bằng văn bản phải có một số nội dung nhất định. Cụ thể, “1. Di chúc phải ghi rõ: a) Ngày, tháng, năm lập di chúc; b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; d) Di sản để lại và nơi có di sản; đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ. 2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”.

Liên quan đến Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, Điều 655 yêu cầu di chúc phải đáp ứng yêu cầu trên. Cụ thể, theo Điều 655, “việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật này”. Tương tự như vậy đối với di chúc bằng văn bản có người làm chứng được quy định tại Điều 656 theo đó “Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 653 (…) của Bộ luật này”.

Đối với di chúc có công chứng, chứng thực được quy định tại Điều 657 BLDS, hiện nay chúng ta không có quy định tương tự. Thiết nghĩ, để có giá trị pháp lý, di chúc loại này cũng phải tuân thủ các quy định tại Điều 653 BLDS năm 2005. Điều 653 BLDS áp dụng cho di chúc bằng văn bản trong khi đó di chúc có công chứng, chứng thực tại Điều 657 BLDS là một loại di chúc bằng văn bản nên cũng phải tuân thủ các Điều 653.

10. Kết luận

Di chúc là giao dịch thể hiện ý chí của người để lại di sản và là giao dịch rất trọng hình thức. Khi bản di chúc thể hiện đúng ý chí đích thực của người để lại di sản thì Tòa án có xu hướng ghi nhận di chúc và quyết định được bình luận cũng như quyết định của Hội đồng thẩm phán nêu trên đã cho thấy điều này[11]. Hướng đề cao ý chí đích thực của người đã khuất là đáng trân trọng vì chúng ta đang xem xét việc chuyển dịch tài sản mà họ để lại (và điều này cho thấy pháp luật về thừa kế không chỉ là pháp luật dành cho những người còn sống mà còn là pháp luật đối với người đã chết).

Thực ra, để đạt được kết quả trên, chúng ta có thể ứng xử theo một trong hai cách sau. Thứ nhất là chúng ta xác định di chúc không có hình thức phù hợp với quy định nhưng chúng ta đề cao ý chí của người để lại di sản nên vẫn chấp nhận di chúc. Đây là hướng trong kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong vụ việc được bình luận vì, theo kháng nghị, “nếu qua thu thập chứng cứ có cơ sở xác định cụ Dọn là người trực tiếp đem di chúc đến yêu cầu chính quyền xác nhận vào di chúc, thì mặc dù hình thức di chúc không đúng theo quy định của pháp luật nhưng đã thế hiện ý chí của cụ Dọn là cho ông Xiểm hưởng di sản của cụ thì phải công nhận di chúc của cụ Dọn”. Thứ hai, chúng ta xác định có một loại hình thức di chúc không khắt khe đối với việc lập di chúc như xác định Di chúc có công chứng, chứng thực được quy định tại Điều 657 BLDS là một loại hình thức di chúc và coi di chúc có tranh chấp thuộc loại hình thức không khắt khe này.

Trong hai cách nêu trên, cách thứ hai sáng tạo và an toàn hơn vì chúng ta chấp nhận một di chúc thứ nhất là thể hiện đúng ý chí của người để lại di sản, thứ hai có hình thức phù hợp với quy định. Với cách này, Di chúc có công chứng hoặc chứng thực được quy định tại Điều 657 BLDS là một loại hình thức bên cạnh các hình thức khác. Đây là hướng xử lý thuyết phục, vừa hợp lý (vì di chúc phù hợp với quy định) vừa hợp tình (vì chúng ta tôn trọng ý chí đích thực của người để lại di sản được thể hiện thông qua di chúc) và đáng được phát triển, nhất là đối với những di chúc được thiết lập trong những hoàn cảnh như di chúc của cụ Dọn.

Xem thêm bài viết về “Chứng thực”

Xem thêm bài viết về “Di chúc”

  • Hướng sửa đổi quy định về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong Bộ luật Dân sự 2005 – ThS. Vũ Hùng Đức

CHÚ THÍCH

** PGS-TS, Trưởng Khoa Luật dân sự, ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh-Thành viên Tổ biên tập BLDS sửa đổi.

* TS, giảng viên Khoa Luật dân sự, ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Trong BLDS năm 1995, các nhà lập pháp chỉ đề cập đến công chứng nhà nước. BLDS năm 2005 có thay đổi nhỏ theo hướng công chứng nói chung nên có thể bao gồm công chứng tư (làm trong Văn phòng công chứng) và công chứng nhà nước (làm trong Phòng công chứng).

[2] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về tài sản, quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế, Nxb, Hồng Đức 2012, tr. 242.

[3] Nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 658 thì người lập di chúc sẽ tuyên bố nội dung di chúc trước mặt người có thẩm quyền tại Ủy ban nhân dân. Người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân sẽ ghi chép lại nội dung, sau đó người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình.

[4] Chu Xuân Minh, Một số vấn đề cấp thiết cần lưu ý về áp dụng pháp luật dân sự, Ủy ban châu Âu và Tòa án nhân dân tối cao, Tài liệu tập huấn thi hành BLDS và BLTTDS, Nxb. CTQG 2008, tr. 175.

[5] Phùng Trung Tập, Luật thừa kế Việt Nam, Nxb Hà Nội 2008, tr. 58.

[6] Về hình thức di chúc miệng trong thực tiễn xét xử, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. CTQG 2013 (xuất bản lần thứ hai), Bản án số 48-50.

[7] Xem Chu Xuân Minh, Bđd, tr. 174 và 175.

[8] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS năm 2005, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia 2010, tr. 51.

[9] Quyết định số 25/2006/DS-GĐT ngày 02-10-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[10] Ở đây, Hội đồng thẩm phán đã ghi nhận di chúc trên cơ sở Điều 655 BLDS năm 1995 và quy định tại điều luật này được nhắc lại trong BLDS năm 2005 (Điều 652) nên hướng giải quyết của Hội đồng thẩm phán nêu trên vẫn còn giá trị đối với việc áp dụng BLDS năm 2005.

[11] Để có thêm thông tin về xu hướng này, xin dẫn thêm vụ việc sau: Cụ Danh lập di chúc để lại di sản của mình cho ông Phương nhưng sau đó ông Tam cho rằng di chúc này không hợp pháp. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận di chúc và ông Tám tiếp tục phủ nhận di chúc. Trong Quyết định rút kháng nghị số 12/2012/KN-DS ngày 18/12/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã cho rằng “Bản án dân sự phúc thẩm số 61/2007/DSPT ngày 7-6-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật” và, liên quan đến di chúc, Chánh án chấp nhận hướng của Tòa phúc thẩm với nhận xét: “xác minh tại địa phương về xác nhận di chúc của cụ Danh thì đúng như đơn khiếu nại mà ông Tam phản ánh là ông Nghĩa (nguyên là chủ tịch phường năm 1995) là con rể ông Phương, còng ông Dũng (nguyên là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Trung năm 1995) là có quan hệ họ xa với vợ của ông Phương, nhưng ông Tú (là cán bộ Tư pháp phường) khai là khi lập di chúc cụ Danh khỏe mạnh, minh mẫn, cụ Danh ký trước đại diện lãnh đạo phường. Ông Thí cũng xác định di chúc thể hiện đúng ý chí của cụ Danh, di chúc đã được giám định đúng ý chí của cụ Danh. Vì vậy, không có dấu hiệu cho rằng di chúc của cụ Danh là không khách quan”.

  • Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2013 (74)/ 2013 – 2013, Trang 54-61
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Bàn về quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Bàn về quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Định hướng đào tạo nghề công chứng chất lượng cao tại Học viện Tư pháp
Định hướng đào tạo nghề công chứng chất lượng cao tại Học viện Tư pháp
Một số bất cập trong quy định về quyền thừa kế thế vị liên quan đến hoạt động công chứng
Một số bất cập trong quy định về quyền thừa kế thế vị liên quan đến hoạt động công chứng
Thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng
Thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị

Chuyên mục: Dân sự/ Luật Dân sự Việt Nam Từ khóa: Bình luận bản án/ Chứng thực/ Công chứng/ Di chúc/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2013

Previous Post: « Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng chính sách khoan hồng theo luật cạnh tranh của một số nước trên thế giới và đề xuất bổ sung cho Việt Nam
Next Post: Quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật quốc tế, Luật nước ngoài và Luật Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng