• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Bình luận án lệ 02/2016/AL: Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản

Bình luận án lệ 02/2016/AL: Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản

08/05/2020 22/05/2021 PGS.TS. Đỗ Văn Đại Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • NỘI DUNG VỤ ÁN
  • QUYẾT ĐỊNH
  • NỘI DUNG ÁN LỆ
  • BÌNH LUẬN
    • I- Những nội dung có giá trị bắt buộc
    • II- Những nội dung có giá trị tham khảo
  • CHÚ THÍCH

Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản

Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại

TÓM TẮT

Tòa án nhân dân đã công bố 06 án lệ trong đó có 05 án lệ về lĩnh vực dân sự. Trong các án lệ này có án lệ liên quan đến trường hợp khá phổ biến là người nước ngoài (nhất là Việt kiều) nhờ người Việt Nam trong nước mua bất động sản tại Việt Nam. Bài bình luận này làm rõ án lệ vừa nêu.

Xem thêm:

  • Bình luận án lệ 26/2018/AL: Thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với thừa kế mở trước khi có Bộ luật Dân sự 2015 – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Ngô Thị Vân Anh
  • Bình luận án lệ 12/2017/AL: Xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa – ThS. Huỳnh Quang Thuận
  • Bình luận án lệ 13/2017: Giá trị pháp lý của UCP và tính độc lập của L/C – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Bình luận án lệ số 09/2016/AL – Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại – PGS.TS. Đỗ Văn Đại

Án lệ số 02/2016/AL

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Tên doanh nghiệp và khả năng xâm phạm quyền đối với tên doanh nghiệp từ góc độ pháp luật sở hữu công nghiệp
  • Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại
  • Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền
  • Sửa đổi các quy định về Hợp đồng kinh doanh bất động sản trong Luật Kinh doanh bất động sản
  • Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự
  • Bình luận án lệ số 09/2016/AL - Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại
  • Bình luận án lệ số 10/2016/AL về quyết định hành chính và đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài và vấn đề xác lập quyền sử dụng đất để kinh doanh bất động sản tại Việt Nam
  • Đánh giá tác động của Dự thảo Luật Thuế tài sản đối với thị trường bất động sản
  • Một số bình luận, góp ý về vấn đề làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, thời hạn cho thuê lại lao động và giấy phép lao động trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Được Hội đồng Thẩm phánTòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06  tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thảnh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Tám; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Yêm.

Khái quát nội dung của án lệ:

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điều 137 vàĐiều 235 của Bộ luậtDân sự năm 2005.

Từ khóa của án lệ:

“Giao dịch dân sự vô hiệu”; “Đòi lại tài sản”; “Căn cứ xác lập quyền sở hữu”; “Xác lập quyền sở hữu đối với lợi tức”; “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

(…).

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định:

Bà Nguyễn Thị Thảnh khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Văn Tám trả lại cho bà 1.260.000.000 đồng vì cho rằng bà là người trực tiếp giao dịch, trả tiền nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Hêng Tính 7.595,7m2 đất, nhưng vì bà là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên nhờ ông Tám (em của bà) đứng tên, nhưng không được bà đồng ý ông Tám đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho Công ty TNHH Minh Châu để nhận 1.260.000.000 đồng.

Ông Támcho rằngông làngườithỏa thuận chuyển nhượng đất và trả tiền cho ông Hêng Tính, nên giấy tờ chuyển nhượng đất ông đứng tên. Sau khi nhận chuyển nhượng ông trực tiếp quản lý sử dụng, đăng ký kê khai, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khi ông chuyển nhượng cho Công ty TNHH Minh Châu được chính quyền cho phép, nên ông không chấp nhận yêu cầu của bà Thảnh.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án vợ chồng ông Tám có nhiều lời khai mâu thuẫn về số tiền, vàng đã trả cho ông Hêng Tính và ông cũng không chứng minh được nguồn gốc nguồn tiền vàng mà ông cho rằng đã trả cho ông Tính.

Trong khi đó vợ chồng ông Tính, bà Quênh khẳng định chỉ thỏa thuận chuyển nhượng đất và nhận vàng của bà Thảnh còn việc viết giấy chuyển nhượng đất đứng tên ông Tám là theo yêu cầu của bà Thảnh, vì bà Thảnh đang định cư ở nước ngoài.

Theo lời khai của cụ Thái Thị Ba, ông Nguyễn Phước Hoàng, bà Nguyễn Thị Chính Em (là mẹ và anh chị em ruột của bà Thảnh, ông Tám) thì bà Thảnh giao dịch, trả tiền chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Tính, còn ông Tám chỉ là người đứng tên giùm.

Tổng hợp các chứng cứ nêu trên có cơ sở khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định bà Thảnh là người bỏ toàn bộ số tiền là 21,99 chỉ vàng để nhận chuyển nhượng diện tích trên, còn ông Tám chỉ là người đứng tên giùm. Do ông Tám đã chuyển nhượng đất trên cho Công ty TNHH Minh Châu và bà Thảnh chỉ yêu cầu ông Tám trả lại số tiền đã chuyển nhượng là 1.260.000.000 đồng nên Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm thụ lý giải quyết là đúng quy định của pháp luật.

Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia).

Tòa án cấp sơ thẩm công nhận bà Thảnh, ông Tám mỗi người có quyền sở hữu 1/2 số tiền trên nhưng không trích trả cho bà Thảnh số tiền tương ứng với 21,99 chỉ vàng là không đúng.

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ công nhận bà Thảnh có quyền sở hữu số tiền tương ứng với 21,99 chỉ vàng, còn lợi nhuận là số tiền còn lại tịch thu sung công quỹ nhà nước là không đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Ngoài ra, bà Thảnh khởi kiện yêu cầu ông Tám trả cho bà 1.260.000.000 đồng là số tiền ông Tám chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng 7.595,7m2 đất, mà không tranh chấp quyền sử dụng đất, còn ông Tám cho rằng số tiền trên là của ông. Như vậy, các đương sự tranh chấp quyền sở hữu tài sản là số tiền nêu trên. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp đòi lại tài sản” là không chính xác.

Bởi các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật Tố tụng Dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

1- Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 334/2006/DSPT ngày 25-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2006/DS-ST ngày 28-4-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thảnh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Tám; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Yêm.

2- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia)”.

Bình luận án lệ 02/2016/AL: Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản

BÌNH LUẬN

Dẫn nhập. Tòa án nhân dântối cao đã công bố 6 án lệ đầu tiên. Trong 6 án lệ này, có 05 án lệ về dân sự (tố tụng cũng như nội dung) và án lệ đầu tiên trong những án lệ về dân sự là Án lệ số 02/2016/AL. Án lệ này liên quan tới tranh chấp xuất phát từ việc người nước ngoài (cụ thể là Việt Kiều) nhờ người Việt Nam trong nước đứng tên giùm mua bất động sản tại Việt Nam. Trong quyết định công bố án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã khẳng định “Các Tòa án có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 01-6-2016”. Điều đó có nghĩa là án lệ này đã có hiệu lực pháp luật và chúng ta bình luận để làm rõ giá trị của án lệ trên.[1]

Theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, “khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án” (khoản 2 Điều 8). Với nội dung trên, án lệ trở thành nguồn bắt buộc để nghiên cứu, áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, trong án lệ được công bố có rất nhiều thông tin và không phải thông tin nào trong án lệ được công bố cũng có giá trị như nhau.

Do đó, chúng tôi bình luận án lệ trên theo hướng phân tích những nội dung có giá trị bắt buộc (I) và những nội dung chỉ có giá trị tham khảo (II).

I- Những nội dung có giá trị bắt buộc

1) Nội dung minh thị có giá trị ràng buộc

Hoàn trả vốn đầu tư. Về nội dung có giá trị bắt buộc, vụ án trên liên quan tới tranh chấp giữa Việt kiều (bà Thảnh) nhờ người Việt Nam đứng tên giùm mua bất động sản (ông Tám), xoay quanh việc xử lý giá trị khoản tiến thu được từ việc chuyển nhượng khối bất động sản trên cho người khác.

Người nước ngoài (Việt kiều) nhờ người Việt Nam đứng tên giùm mua bất động sản nên người nước ngoài phải đầu tưvàoviệc mua bấtđộng sản. Câu hỏi đặt ra là khi xử lý khoản tiền thu được từ việc bán bất động sản được người nước ngoài đầu tư thì có cần trừ hoàn trả cho người nước ngoài số vốn mà họ đã đầu tư không? Câutrả lờiđãcótrong nội dungđược trích xuất trở thànhánlệ. Cụ thể, theo Nội dung án lệ, phải “trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh”. Vì hướng giải quyết trên nằm trong “Nội dung án lệ” nên nó trở thành án lệ và bắt buộc với những người quan tâm.

Hướng giải quyết trên của án lệ được lấy từ Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (xem phần Nguồn án lệtrong án lệ được bình luận). Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy hướng này đã từng được ghi nhận từ trước đâytrong quyếtđịnh kháccủa Hộiđồng thẩm phán[2] nên không gây ngạc nhiên cho những ai thực sự quan tâm tới thực tiễn xét xử.

Chia lợi nhuận. Sau khi trừ số tiền đầu tư mà vẫn còn dư, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là khoản tiền dư (lợi nhuận) này cần được xử lý như thế nào?

Câu trả lời đã có trong án lệ nêu trên. Cụ thể, Nội dung ánlệ đãtheo hướng, “phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự”. Ở đây, lợi nhuận được chia cho hai bên theo công sức của từng bên. Vì hướng giải quyết trên nằm trong Nội dung án lệnênnótrở thànhánlệ vàbắt buộc với những người quan tâm.

Cũng như nội dung về hoàn trả vốn đầu tư, nội dung về chia lợi nhuận theo công sức của mỗi bên không gây ngạc nhiên vì trong quyết định khác của Hội đồng thẩm phán (trước Quyết định tạo ra án lệ được bình luận), Tòa án nhân dân tối cao đã theo hướng này.[3]

Cách thức chia lợi nhuận. Về cách thức chia lợi nhuận, các án giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao chưa thực sự thống nhất.

Trong một quyết định giám đốc thẩm năm 2007 (tức trước quyết định được sử dụng để phát triển thành án lệ được bình luận), Hội đồng thẩm phán theo hướng chia đôi. Cụ thể, liên quan đến việc chị Loan và anh Khanh đứng tên giùm bà Xem (Việt kiều), Hội đồng thẩm phán đã xét rằng “nếu sau khi thanh toán còn dư ra thì bà Xem sẽ được hưởng ½ số tiền đó, còn lại ½ là tài sản chung của chị Loan và anh Khanh để chia”. Trong quyết định giám đốc thẩm khác năm 2014 (tức sau quyết định được sử dụng để phát triển thành án lệ được bình luận), Hội đồng thẩm phán theo hướng trên. Ở đây, trong quyết định số 32/2014/DS-GĐT ngày 11/7/2014, Hội đồng thẩm phán đã xét rằng “Tòa án các cấp cần xác định số tiền gốc mua nhà và xây nhà là của ông Minh, phần giá trị chênh lệch so với giá lúc mua, xây nhà thì chia đôi cho ông Minh và bà Phương, mới đảm bảo quyền lợi của bà Phương”.

Về phía mình,Nội dung án lệđược bình luận theo hướng“trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia”. Đây là hướng giải quyết nằm trong Nội dung án lệ nên nó trở thành án lệ và bắt buộc với những người quan tâm. Điểm khác biệt giữa hướng giải quyết trong án lệ và các quyết định giám đốc thẩm khác được viện dẫn ở trên là hướng của án lệ buộc phải xác định công sức của từng bên và phải chia theo công sức đóng góp (như trường hợp Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương theo hướng 70% cho Việt kiều và 30% cho người đứng tên giùm)[4] và chỉ chia đôi lợi nhuận khi không thể xác định được công sức đóng góp. Hướng như án lệ được bình luận là thuyết phục và rất xứng đáng được phát triển thành án lệ.

2) Nội dung “ngầm định” có giá trị bắt buộc

Không chia đôi số tiền thu được. Trong vụ án trên, số tiền thu được từ việc bán bất động sản mà người nước ngoài đầu tư đã được Tòa án cấp sơ thẩm chia đôi.

Cụ thể, “Tòa án cấp sơ thẩm công nhận bà Thảnh, ông Tám mỗi người có quyền sở hữu 1/2 số tiền trên” và “không trích trả cho bà Thảnh số tiền tương ứng với 21,99 chỉ vàng”. Hướng như vừa nêu bị Tòa án nhân dân tối cao xác định “là không đúng”.Trong Dự thảo phát triển Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ, nội dung trên đã được đề xuất đưa vàoNội dung án lệ. Tuy nhiên, nội dung này cuối cùng không nằm trong Nội dung án lệđã được Hội đồng thẩm phán thông qua và câu hỏi đặt ra là hướng không chia đôi số tiền thu được có được coi là nội dung của án lệ và có tính bắt buộc không?

Thực tế, việc án lệ theo hướng hoàn trả cho người nước ngoài số tiền đầu tư và chia lợi nhuận cho hai bên đã “ngầm định” rằng không thể chia đôi số tiền thu được từ việc bán tài sản. Do đó, mặc dù nội dung trên không nằm trong Nội dung án lệnhưng đã “ngầm định” trong Nội dung án lệnêncũng có giá trị bắt buộc. Nói cách khác, nội dung trên không được đưa vào Nội dung án lệvì nó đã nằm tiềm ẩn trong nội dung khác của Nội dung án lệ nên không cần phải nhắc lại. Điều đó cũng cónghĩa làTòa án địa phươngkhông thể theo hướng chia đôi số tiền thu được từ việc bán tài sản mặc dù nội dung này chưa được nêu rõ trong Nội dung án lệ.

Không tịch thu lợi nhuận. Lợi nhuận (tiền thu được sau khi trừ tiền đầu tư) có bị tịch thu sung quỹ không?

Trước đây, thực tiễn xét xử theo hướng tịch thu sung quỹ nhà nước.[5] Tuy nhiên, trong quyết định được chọn làm án lệ, Hội đồng thẩm phán đã xét rằng “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ công nhận bà Thảnh có quyền sở hữu số tiền tương ứng với 21,99 chỉ vàng, còn lợi nhuận là số tiền còn lại tịch thu sung công quỹ nhà nước là không đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự”. Như vậy, khoản lợi nhuận không bị tịch thu sung quỹ nhà nước nhưng nội dung này không nằm trong Nội dung án lệ. Thực ra, việc Nội dung án lệtheo hướng chia lợi nhuận cho các bên như đã trình bày ở trên nên cũng đã “ngầm định” rằng khoản lợi nhuận này không thể bị tịch thu sung quỹ nhà nước nên hướng không tịch thu sung quỹ nhà nướccũng cầnđược hiểu là“ngầmđịnh” trongánlệ vànhững người liênquan phải tuânthủ.

Nếu nghiên cứu thực tiễn xét xử, chúng ta có thể khẳng định Quyết định được lựa chọn tạo thành án lệ (Quyết định số 27/2010/DS-GĐT ngày 8/7/2010) không phải là quyết định đã tạo ra tiền lệ về tịch thu lợi nhuận. Bởi lẽ, trong quyết định khác trước đó mấy tháng (Quyết định số 11/2010/DS-GĐT ngày 2/4/2010), Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã theo hướng không thể tịch thu phần lợi nhuận để sung quỹ nhà nước.[6]

Khả năng áp dụng trong tương lai. thực tiễn cho thấy loại tranh chấp trên khá phổ biến xuất phát từ việc nhiều người nước ngoài (nhất là Việt kiều) muốn có bất động sản ở Việt Nam nhưng họ không đủ điều kiện đứng tên ở thời điểm mua bất động sản.

Thực tế, Việt Nam đã sửa luật trong thời gian vừa qua để tạo điều kiện cho người nước ngoài (nhất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài) có thể đứng tên mua bất động sản ở Việt Nam. Khi những người này có đủ điều kiện để đứng tên thì họ sẽ không nhờ người trong nước đứng tên nữa và do đó sẽ giảm tranh chấp mà án lệ trên điều chỉnh. Tuy nhiên, luật mới chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài chứ không phải bỏ điều kiện để họ có thể đứng tên bất động sản ở Việt Nam. Do đó, vẫn có thể xảy ra trường hợp người nước ngoài nhờ người trong nước đứng tên hộ (do họ không đáp ứng các điều kiện luật định) nên tranh chấp như trên vẫn tồn tại và án lệ trên cần được áp dụng.

Quyết định được phát triển thành án lệ được ban hành ở thời kỳ Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 có hiệu lực và nội dung không tịch thu lợi nhuận trên đã dựa vào các quy định trong BLDS năm 2005. BLDS năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và do “nội dung án lệ” không có nội dung quy định của BLDS năm 2005 cũng như không có quy định mới cho phép tịch thu tài sản trong những hoàn cảnh của án lệ nên án lệ trên sẽ tiếp tục được áp dụng cho cả những trường hợp phải áp dụng BLDS năm 2015.

II- Những nội dung có giá trị tham khảo

1) Từ khóa và quy định liên quan đến án lệ

Từ khóa của án lệ. Trong án lệ được công bố, chúng ta có thấy một mục với tiêu đề “Từ khóa của án lệ”.

Ở đây, mục này có nội dung:“Giao dịch dân sự vô hiệu”; “Đòi lại tài sản”; “Căn cứ xác lập quyền sở hữu”; “Xác lập quyền sở hữu đối với lợi tức”; “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Từ nội dung này, có thể có ý kiến cho rằng án lệ có nội dung về các vấn đề pháp lý nêu trên. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý này không nằm trong “Nội dung án lệ”nênkhông cógiátrị bắt buộc. TheoĐiều 1 Nghị quyếtsố 03/2015/NQ-HĐTP, “Án lệ lànhững lập luận, phánquyết trong bảnán, quyếtđịnhđãcóhiệu lực phápluật của Tòaán” trong khi đó phần Từ khóa của án lệkhông là “lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” mà chỉ là nội dung do bộ phận giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao xây dựng. Nội dung phần Từ khóa của án lệ chỉ được đưa vào để giúp tìm kiếm thông tin có thể liên quan đến án lệ chứ không là án lệ. Do đó, nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị bắt buộc.

Có thể trong phần Từ khóa của án lệcónhững cụm từ đãđược lấy nguyêntừ phầnNội dung án lệ. Trong trường hợp này, những cụm từ này có giá trị bắt buộc nhưng không phải là do nằm trong phần Từ khóa của án lệmàdo lấy từ phầnNội dung án lệ.Trong án lệ nêu trên, chúng tôi không thấy cụm từ nào được lấy nguyên từ phần Nội dung án lệnênkhông cógiátrị ràng buộc.

Quy định liên quan đến án lệ. Trong án lệ được công bố, chúng ta có thấy một mục với tiêu đề “Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ”.

Ở đây, mục này có nội dung: Điều 137 vàĐiều 235 của Bộ luật dânsự năm 2005. Thực tế, các điều luật trên cũng không nằm trong Nội dung án lệvàkhông làcơ sở đích thực từ đóHộiđồng thẩm phánđưa ra hướng giải quyết trongánlệ. Phần Quy định của pháp luật liên quan đến án lệkhông là “lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” mà chỉ là nội dung do bộ phận giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao xây dựng nên không thể là án lệ. Nội dung phần Quy định của pháp luật liên quan đến án lệchỉ được đưa vào để giúp tìm kiếm thông tin có thể liên quan đến án lệ chứ không là án lệ. Do đó, nội dung trên cũng chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị bắt buộc.

Có thể trong phần Quy định của pháp luật liên quan đến án lệcóquyđịnhđãđược lấy nguyêntừ phầnNội dung án lệ. Trong trường hợp này, những quy định này có giá trị bắt buộc nhưng không phải là do nằm trong phần Quy định của pháp luật liên quan đến án lệmàdo lấy từ phầnNội dung án lệ.Trong án lệ nêu trên, chúng tôi không thấy quy định nào được lấy nguyên từ phần Nội dung án lệnêncác quy định trong phần “Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ” không có giá trị ràng buộc.

2) Khái quát nội dung án lệ và nội dung khác

Khái quát nội dung án lệ. Trong án lệ được công bố, chúng ta có thấy một mục với tiêu đề “Khái quát nội dung của án lệ”.

Ở đây, mục này có nội dung: Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu. Nội dung trên có hướng giải quyết giống như hướng giải quyết trong Nội dung án lệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt là hướng giải quyết trong mục này có tính khái quát cao, không giới hạn ở một vụ việc cụ thể như Nội dung án lệhiện nay (chỉ liên quan đến bà Thảnh và ông Tám).

Thực tế, nội dung trên cũng không nằm trong Nội dung án lệ.. PhầnKhái quát nội dung của án lệkhông là “lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”mà chỉ là nội dung do bộ phận giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao xây dựng nên không thể là án lệ. Nội dung phần Khái quát nội dung của án lệchỉ được đưa vào để giúp người quan tâm dễ hiểu án lệ và ápdụng vàonhững hoàncảnh tương tự như hoàncảnhđãtạo thànhánlệ. Dođó, nội dung trêncũng chỉ mang tính tham khảo, không cógiátrị bắt buộc.

Thành tố khác trong án lệ. Trong án lệ được công bố, có những nội dung (vấn đề pháp lý) được Hội đồng thẩm phán giải quyết (tức đó là quan điểm của Hội đồng thẩm phán) nhưng không được coi là án lệ. Chẳng hạn, trong phần Nhận định (phần Xét thấy) của Quyết định được sử dụng làm án lệ, chúng ta có đoạn “bà Thảnh khởi kiện yêu cầu ông Tám trả cho bà 1.260.000.000 đồng là số tiền ông Tám chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng 7.595,7m2đất, màkhông tranh chấp quyền sử dụng đất, còn ông Tám cho rằng số tiền trên là của ông. Như vậy, các đương sự tranh chấp quyền sở hữu tài sản là số tiền nêu trên. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định quan hệ phápluật là“Tranh chấpđòilại tàisản” làkhông chính xác”. Ở đây, Hội đồng thẩm phán cho rằng đó là tranh chấp quyền sở hữu tài sản số tiền có tranh chấp, không là tranh chấp đòi lại tài sản.

Trong Dự thảo phát triển vụ việc được bình luận thành án lệ (mà Tòa án nhân dân tối cao có gửi cho chúng tôi để xin ý kiến góp ý), nội dung trên đã được đề xuất phát triển thành án lệ. Tuy nhiên, chúng tôi đã cho rằng “đường lốigiải quyết đối với nội dung trên không thực sự sắc nét. Do đó, sẽ là “lành” hơn, khi chúng ta không coi đây là nội dung nên phát triển thành án lệ như Dự thảo đang làm”. Thực tế, nội dung trên có thể được coi là “lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” được quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP (đã nêu ở trên). Tuy nhiên, nội dung trên cuối cùng không được Hội đồng thẩm phán đưa vàophầnNội dung án lệ. Do đó, cho dù đây là hướng giải quyết của Hội đồng thẩm phán trong Quyết định được sử dụng để phát triển thành án lệ và có thể được coi là “lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” nhưng hướng giải quyết này không được Hội đồng thẩm phán xác định trở thành án lệ nên không thể suy luận nội dung hướng giải quyết này cũng là án lệ.

Nói cách khác, đâychỉ lànội dung cógiátrị tham khảo, không cógiátrịbắt buộcnhư án lệ.

Kết luận. Việc Hội đồng thẩm phán xác định Nội dung án lệnêutrênkhông gâyngạc nhiêncho những ai quan tâm tới thực tiễn xét xử. Thực tế nội dung này đã được phân tích và công bố trước đây,[7] sinh viên tại Trường Đạihọc Luật Tp. Hồ Chí Minh đã được tiếp cận nội dung này từ năm thứ haivàtrước khi Tòaánnhândântối cao công bố nội dung nàynhưmộtánlệ.

Trong án lệ được công bố chính thức, có rất nhiều nội dung và các nội dung này không có giá trị như nhau. Có những nội dung chỉ mang tính tham khảo (không bắt buộc) như những nội dung được xây dựng bởi bộ phận giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao hay những nội dung được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xây dựng khi giám đốc thẩm nhưng không được đưa vào Nội dung án lệ. Thực tế, chỉ những nội dung được đưa vào phần Nội dung án lệmới có tính ràng buộc. Ở đây, ngoài những điểm rõ ràng trở thành án lệ (nội dung minh thị trong Nội dung án lệ), còn có những nội dung “ngầm định” trong án lệ và người quan tâm phải phân tích để biết được những gì “ngầm định” là án lệ. Do đó, khi nghiên cứu về án lệ (nhà khoa học cũng như người làm trong thực tiễn) cần lưu ý những điểm nêu trên để tránh những nhầm lẫn không cần thiết.

Xoay quanh chủ đề người nước ngoài (nhất là Việt kiều) nhờ người Việt Nam trong nước đứng tên giùm mua bất động sản ở Việt Nam còn nhiều vấn đề nữa chưa được nêu trong Nội dung ánlệnhư vấn đề người nước ngoài có được đứng tên bất động sản có tranh chấp không khi ngày nay đã đủ điều kiện đứng tên bất động sản đó hay phải xử lý thế nào khi giá trị của bất động sản không tăng mà giảm so với số vốn đầu tư (tức không có lợi nhuận)?… Đây là những vấn đề pháp lý đã gặp phải trong thực tiễn xét xử và đã được thực tiễn xét xử giải quyết[8] nhưng chưa nằm trong Nội dung ánlệ nêu trên. Hy vọng rằng Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục ban hành thêm án lệ xoay quanh chủ đề vừa nêu để có hướng giải quyết toàn diện và thông nhất trên toàn lãnh thổ và để tránh được hiện tượng vấn đề tương tự nhưng hướng giải quyết lại không giống nhau giữa các Tòa án. Được như vậy, chúng ta sẽ tránh được thực trạng “án dân sự xử sao cũng được” và đó cũng một trong những mục tiêu mà những người ủng hộ án lệ theo đuổi để tăng độ tin cậy vào công lý.

CHÚ THÍCH

∗ PGS.TS, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

[1] Án lệ này được công bố cả những nội dung tường thuật lại diễn biến vụ tranh chấp từ cấp sơ thẩm đến giám đốc thẩm. Để Tạp chí không mất nhiều dung lượng cho bài viết, chúng tôi lược bỏ nội dung của phần trước khi Hội đồng thẩm phán ra phần nhận định của mình và để trong phần (…).

[2] Xem Đỗ Văn Đại,Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, (tái bản lần thứ tư), 2013, Bản án số 59-62.

[3] Xem Đỗ Văn Đại,Sđd.

[4] Xem Đỗ Văn Đại,Sđd.

[5] Xem Đỗ Văn Đại,Sđd.

[6] Xem Đỗ Văn Đại,Sđd.

[7] Xem Đỗ Văn Đại,Sđd.

[8] Xem Đỗ Văn Đại,Sđd.

  • Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(101)/2016 – 2016, Trang 73-80
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Sử dụng án lệ trong đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
Sử dụng án lệ trong đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp
Bình luận án lệ số 10/2016/AL về quyết định hành chính và đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Bình luận án lệ số 10/2016/AL về quyết định hành chính và đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Áp dụng án lệ hay quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp đổi đất nông nghiệp
Áp dụng án lệ hay quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp đổi đất nông nghiệp
Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế dưới ánh sáng của một số án lệ gần đây
Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế dưới ánh sáng của một số án lệ gần đây
Một số vấn đề lí luận, pháp lí, thực tiễn về quyền của người nước ngoài
Một số vấn đề lí luận, pháp lí, thực tiễn về quyền của người nước ngoài
Áp dụng án lệ - Nhu cầu tất yếu trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
Áp dụng án lệ – Nhu cầu tất yếu trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

Chuyên mục: Dân sự/ Luật Dân sự Việt Nam Từ khóa: Án lệ/ Bất động sản/ Bình luận án lệ/ Người nước ngoài/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07/2016

Previous Post: « Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Next Post: Pháp luật trong hệ thống các quy phạm xã hội »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng