• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » Bảo vệ quyền của người có nhược điểm về thể chất, tinh thần

Bảo vệ quyền của người có nhược điểm về thể chất, tinh thần

19/05/2020 19/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Dẫn nhập
    • 1.1. Đương sự là người có nhược điểm về thể chất
    • 1.2. Đương sự là người tâm thần
  • 2. Một số vấn đề pháp lý liên quan
  • 3. Sự khác biệt giữa NCNĐTC, TT với một số chủ thể có liên quan (người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự)
    • 3.2. NCNĐTC, TT không đương nhiên là người mất năng lực hành vi dân sự
    • 3.3. NCNĐTC, TT không phải là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
  • CHÚ THÍCH

Bài viết: Bảo vệ quyền của người có nhược điểm về thể chất, tinh thần trong TTDS

  • Tác giả: Đặng Thanh Hoa* – Phạm Thị Trà Lưu**
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2013 (79)/2013 – 2013, Trang 44-52

TÓM TẮT

Người có nhược điểm về thể chất, tinh thần khi tham gia các vụ án dân sự trong một số trường hợp cần phải có người đại diện để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Khái niệm người có nhược điểm về thể chất, tinh thần thuộc đối tượng cần phải có đại diện tham gia tố tụng chưa được pháp luật quy định cụ thể và thực tiễn xét xử còn có những vướng mắc nhất định. Không phải bất kỳ người nào có nhược điểm về thể chất đều đương nhiên phải có sự đại diện trong tố tụng mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, người bị tâm thần thì không thể tự mình tham gia tố tụng. Người bị tâm thần cần phải có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó là người mất năng lực hành vi dân sự trước thì mới có thể coi là thuộc đối tượng phải có đại diện tham gia tố tụng. Hoàn thiện pháp luật tố tụng về những vấn đề nêu trên là một nhu cầu cấp thiết để bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người có nhược điểm về thể chất, tinh thần nói riêng.

ABSTRACT:

There must be legal representation during legal proceedings before the court for those who have physical and/or mental defects in some circumstances to make sure that their lawful rights and interests are properly protected. The definition of such categories of litigators is still not clear from the legal perspective as well as it still faces various obstacles in judicial practice. All litigators with physical defects don’t need a legal representation, rather it depends on case by case basis. However, with respect to the litigators who have mental defects, their participation during the legal proceedings must be accompanied with their legal representation. In addition, there should be an official decision of a court that a particular litigator is declared as a person with lose civil acts before he or she can be subject to the legal representation during the proceedings. The further refinement of relevant legal regulations on the foregoing is an essential contribution to the human rights realization in general and to the proper protection of the rights of those physically or mentally defected.

TỪ KHÓA: Người có nhược điểm về thể chất tinh thần, Luật dân sự, Tạp chí Khoa học pháp lý

1. Dẫn nhập

Nhiều trường hợp người có nhược điểm về thể chất, tâm thần tham gia tố tụng dân sự với tư cách nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan từ giai đoạn khởi kiện đến các giai đoạn lấy lời khai, tham gia hòa giải, xét xử… hoặc cần có người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích, và trong trường hợp nào thì vai trò tham gia của Viện kiểm sát là những vấn đề cần thiết phải được nghiên cứu và giải quyết tốt nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy còn một số vấn đề pháp lý chưa được giải quyết dẫn đến trường hợp khó xác định tư cách tham gia tố tụng của người có nhược điểm về thể chất, tâm thần ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của họ. Dưới đây là hai vụ án đã gặp khó khăn khi xác định việc đại diện cho người có nhược điểm về thể chất và người bị tâm thần.

1.1. Đương sự là người có nhược điểm về thể chất

Trong một vụ án dân sự mà Tòa án nhân dân huyện A đã thụ lý, nguyên đơn là anh Trương Viết Lợi bị mù hai mắt với tỷ lệ thương tật 99%. Anh Lợi tự làm đơn khởi kiện và có nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, xét thấy khi anh Lợi làm đơn khởi kiện không có ý kiến của người đại diện theo pháp luật nên anh Lợi thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 “người khởi kiện không đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự”, Thẩm phán phụ trách vụ việc đã áp dụng khoản 2 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đình chỉ việc giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện cho anh Lợi.[1]

Xung quanh căn cứ đưa ra Quyết định đình chỉ vụ án nêu trên, có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, vì Tòa án huyện A đã thụ lý vụ án và nguyên đơn đã có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình nên trong trường hợp này người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng là người đại diện theo pháp luật. Do vậy Tòa án huyện A phải tiếp tục giải quyết vụ án. Quan điểm thứ hai cho rằng vì anh Lợi bị mù hai mắt và có tỷ lệ thương tật 99% và được coi như là người mất năng lực hành vi dân sự, và do đó anh Lợi không thể tự mình khởi kiện được; do đó việc Tòa án huyện A thụ lý vụ án là sai. Quan điểm thứ ba cho rằng vì khả năng nghe và nói của anh Lợi không bị giảm sút nhưng lại bị mù hai mắt đương nhiên anh Lợi phải là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chứ không phải là người mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự.

1.2. Đương sự là người tâm thần

Chị M sau khi sinh 2 người con thì bị bệnh tâm thần. Chồng chị M không quan tâm chăm sóc vợ con nên mẹ chị M đưa chị và hai cháu về nuôi dưỡng. Vì người chồng chị M ngoại tình và không có trách nhiệm với vợ con nên mẹ chị M đứng đơn thay mặt chị M xin Tòa giải quyết cho chị M ly hôn với chồng. Tòa án nhân dân huyện P. bác yêu cầu của mẹ chị M.

Về vấn đề nêu trên có hai quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng mẹ chị M có tư cách đại diện nguyên đơn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Quan điểm thứ hai cho rằng trong vụ án ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Vì thế, mẹ chị M không thể đại diện cho con gái xin ly hôn được. Chị M phải là nguyên đơn. Tuy nhiên, vì chị M bị tâm thần nên phải có người đại diện cho mình tham gia tố tụng. Vì chồng chị M là bị đơn và có quyền và lợi ích đối lập với chị M nên người chồng không được làm đại diện theo pháp luật cho chị M. Do đó, việc xác định người đại diện cho chị M do Tòa án chỉ định căn cứ vào Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự .[2]

2. Một số vấn đề pháp lý liên quan

Các quan điểm đề cập trong vụ án 1 nêu trên chưa dựa trên các quy định của pháp luật tố tụng áp dụng tại thời điểm giải quyết vụ án (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Dân sự năm 2005) nên đã dẫn đến việc xác định sai năng lực hành vi dân sự và hành vi tố tụng dân sự của người có nhược điểm thể chất, tâm thần (sau đây gọi  là “NCNĐTC, TT”). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (“BLTTDS năm 2004”) không có các quy định tương ứng để xác định anh Lợi có phải là người có nhược điểm thể chất (sau đây gọi  là “NCNĐTC”) và cơ chế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NCNĐTC. Đây chính là điểm hạn chế của BLTTDS năm 2004, bởi lẽ trước đó thuật ngữ “NCNĐTC, TT” và sự tham gia tố tụng dân sự của họ đã được ghi nhận tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 (“PL năm 1989”) và Nghị quyết số 03/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 19 tháng 10 năm 1990 hướng dẫn áp dụng một số quy định của PL năm 1989 (“NQ03”).

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 (“LSĐBS năm 2011”) đã  ghi nhận trở lại thuật ngữ NCNĐTC, TT. Theo đó, anh Lợi được coi là NCNĐTC theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT – VKSNDTC – TANDTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ngày 01 tháng 08 năm 2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (“TTLT 04”)[3]. Tuy nhiên, khi anh Lợi đã được coi là NCNĐTC thì việc xác định năng lực hành vi tố tụng dân sự của NCNĐTC nói riêng và của NCNĐTC, TT nói chung trong quá trình tố tụng tại tòa án, cụ thể, có cần phải thông qua người đại diện của họ hay không, thì hiện nay vẫn chưa được pháp luật tố tụng dân sự đề cập.

Một vấn đề pháp lý khác được đặt ra là, trong vụ án 2 nêu trên, khi đã xác định một cá nhân là người bị tâm thần thì có cần thiết yêu cầu Tòa án tuyên bố họ mất năng lực hành vi dân sự hay Tòa án có quyền tiếp tục giải quyết vụ ván và coi đương sự là người tâm thần (“NTT”)? NTT có bắt buộc/được tham gia tố tụng thông qua người đại diện hay không? Việc bảo vệ quyền và lợi ích của họ trong những trường hợp này như thế nào? Cụ thể trong vụ án 2 nêu trên thì trong trường hợp có người đại diện cho chị M, họ có thể khởi kiện thay cho chị M được không?

Từ một số vấn đề nêu trên cần thiết phải phân tích và giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản sau đây:(i) Sự khác biệt giữa NCNĐTC, TT với một số chủ thể có liên quan (người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự); và sự hỗ trợ về mặt pháp lý khi họ tham gia tố tụng tại Tòa án; và(ii) Năng lực chủ thể của NCNĐTC, TT với vai trò là đương sự trong vụ án dân sự và sự cần thiết phải có người đại diện hợp pháp cho NCNĐTC, TT trong tố tụng dân sự.

3. Sự khác biệt giữa NCNĐTC, TT với một số chủ thể có liên quan (người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự)

3.1. Người khuyết tật không đương nhiên là NCNĐTC, TT    “Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, trí tuệ, thần kinh hoặc giác quan mà khi tương tác với các rào cản khác nhau có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ trong xã hội trên nền tảng công bằng như những người khác trong xã hội”[4].

Theo pháp luật Việt Nam, người khuyết tật được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn[5]. Như vậy, pháp luật Việt Nam ghi nhận cụ thể hơn về những biểu hiện bên ngoài cũng như khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội của người khuyết tật.

Thuật ngữ NCNĐTC, TT được quy định tại PL năm 1989[6]. Nhưng sau đó, BLTTDS năm 2004 không đề cập thuật ngữ này cho đến khi có LSĐBS năm 2011 đã có sự ghi nhận trở lại về “NCNĐTC, TT”[7].

Hướng dẫn mới nhất tại TTLT 04 đã có sự giải thích rất rõ khái niệm  là NCNĐTC, TT[8], theo đó:

(i) Đối với người có nhược điểm thể chất (“NCNĐTC”) là người thuộc một trong các trường hợp: bị mù hai mắt, bị câm, bị điếc có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên[9].  Như vậy thì cá nhân được xem là NCNĐTC chỉ cần có một trong các dấu hiệu: mù hai mắt; hoặc bị câm, hoặc bị điếc.  Có thể nhận thấy có sự bổ sung một trường hợp khác cũng được xem là NCNĐTC, đó là cá nhân bị câm (Trước đây NQ03 không đề cập đến trường hợp này[10]).  Đây là bổ sung phù hợp vì qua đó có thể thấy rằng tiêu chí để xác định cá nhân là NCNĐTC khi họ có một trong những khiếm khuyết về thể chất ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng đó là khả năng giao tiếp và tiếp nhận thông tin trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án.

(ii) Đối với người tâm thần (“NTT”) thì việc xác định họ bị bệnh ở mức độ nào cần thiết phải dựa trên cơ sở của kết luận giám định (Tòa án buộc đương sự phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định[11]) để từ đó hoặc Tòa án áp dụng thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự hoặc làm cơ sở cho NTT tiếp tục tham gia tố tụng với những trợ giúp pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu tìm hiểu và phân tích theo hướng dẫn giải thích của NQ03 và TTLT 04 về NCNĐTC, TT thì người khuyết tật không đương nhiên là NCNĐTC, TT trong tố tụng dân sự.

Chúng tôi đồng ý với cách xác định “người khuyết tật” với “NCNĐTC, TT” là hai khái niệm có liên quan nhưng không đồng nhất với nhau đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng dân sự. Một người bị cụt chân hoặc cụt tay được gọi là người khuyết tật nhưng không thể xác định họ là NCNĐTC trong tố tụng dân sự được vì không phải bất kỳ người khuyết tật nào cũng bị hạn chế việc thực hiện quyền tố tụng. Việc cụt tay hoặc cụt chân không cản trở họ có thể tiếp nhận thông tin và thực hiện những khả năng giao tiếp cơ bản trong quá trình tố tụng, và do đó cũng không buộc phải có người đại diện đương sự là người bị cụt tay, cụt chân thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự.

Trở lại vụ án 1 trên đây, có thể khẳng định anh Lợi là NCNĐTC vì anh Lợi là NCNĐTC theo quy định của TTLT 04 nên anh Lợi có được những sự hỗ trợ nhất định trong hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của BLTTDS. Cụ thể, tại phiên tòa sơ thẩm bắt buộc phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát (khoản 2 Điều 21 LSĐBS năm 2011) và sự hỗ trợ viết đơn khởi kiện (nếu có) theo quy định tại khoản 3 Điều 164 LSĐBS năm 2011.

Đối với những trường hợp đương sự là cá nhân không được xác định là NCNĐTC, TT nhưng họ là “người tàn tật” thì dù pháp luật tố tụng dân sự hiện nay không có quy định cụ thể nào về việc hỗ trợ tham gia tố tụng cho người tàn tật nhưng vẫn có những quy định gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia tố tụng của họ. Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 (“LTGPL năm 2006”) đã xác định “người tàn tật” là một trong những đối tượng được trợ giúp pháp lý và quy định quyền của người được trợ giúp pháp lý theo Điều 11 LTGPL năm 2006[12].  Khi đó, căn cứ vào Điều 63 LSĐBS năm 2011, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tàn tật có thể là trợ giúp viên pháp lý khi có yêu cầu của chính đương sự là người tàn tật hoặc những người thân thích của họ.

3.2. NCNĐTC, TT không đương nhiên là người mất năng lực hành vi dân sự

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Cá nhân mất năng lực hành vi dân sự là “người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”[13].

Bệnh tâm thần là một danh từ tổng quát dùng cho một nhóm bệnh có ảnh hưởng tới trí óc hoặc não bộ. Các bệnh này bao gồm các chứng: trầm cảm, tâm thần phân liệt, lo âu quá độ, và rối loạn nhân cách, là nguyên nhân ảnh hưởng tới cách suy nghĩ, cảm giác và hành vi của con người[14].

Các bệnh khác là một khái niệm rất rộng, luật không xây dựng các tiêu chí nào khác ngoài tiêu chí không nhận thức, làm chủ được hành vi như là hậu quả của bệnh.  Phần lớn đây là các bệnh đặc trưng bằng sự tác động tiêu cực vào sự phát triển và khả năng vận hành bình thường của não, khiến cho quá trình nhận thức không thể diễn ra suôn sẻ[15].

Như vậy, dấu hiệu bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác để dẫn đến việc tòa án ra quyết định tuyên bố một người nào đó mất năng lực hành vi dân sự được xác định  căn cứ vào cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Người mất năng lực hành vi dân sự và NTT, theo chúng tôi, mặc dù có thể có sự giống nhau ở một mức độ nào đó về tình trạng sức khỏe nhưng khi tham gia tố tụng dân sự thì người mất năng lực hành vi dân sự và NTT có năng lực chủ thể khác nhau. Chính vì vậy, hoàn toàn không thể có sự đánh đồng hai khái niệm người mất năng lực hành vi dân sự với NCNĐTC, TT cũng như năng lực chủ thể của họ khi tham gia tố tụng.

Trở lại vụ án 1 nêu trên, quan điểm cho rằng anh Lợi là người mất năng lực hành vi dân sự là sai và không có cơ sở pháp lý bởi lẽ không có căn cứ nào để cho rằng anh Lợi bị tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và quan trọng là chưa có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên anh Lợi là người mất năng lực hành vi dân sự.

Đối với vụ án 2 nêu trên, việc xác định chị M có phải là NTT hay không rõ ràng cần thiết phải có kết luận giám định (áp dụng tương tự như trường hợp xác định người mất năng lực hành vi dân sự). Tuy nhiên, nếu sau khi đã có kết luận giám định rằng chị M bị bệnh tâm thần thì chị M cũng không đương nhiên là người mất năng lực hành vi dân sự nếu chưa có quyết định tuyên bố chị M mất năng lực hành vi dân sự có hiệu lực của tòa án.

3.3. NCNĐTC, TT không phải là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Cá nhân được gọi là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đó là “Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”[16].

Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người có thể nhận thức và điều khiển hành vi của mình trên thực tế nhưng về mặt pháp lý họ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự bằng quyết định của Tòa án.  Ngược lại, NCNĐTC, TT về mặt pháp lý là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mặc dù trên thực tế có thể có sự hạn chế trong việc thực hiện các hành vi cũng như trong nhận thức của chính họ.

Từ phân tích trên có thể khẳng định NCNĐTC, TT khác với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, cách tiếp cận đơn thuần về tên gọi đôi khi có thể gây nhầm lẫn trong thực tiễn. Chính vì vậy, đối với vụ án 1 nêu trên, hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khẳng định anh Lợi không phải là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

CHÚ THÍCH

* ThS Luật học, Giảng viên Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

** Văn phòng luật sư Quốc luật

[1] Từ Văn Thiết, “Người mù không có người đại diện có quyền khởi kiện vụ án dân sự?”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 18, năm 2006.

[2] Ts. Lê Thu Hà, Bình luận khoa học một số vấn đề của pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn áp dụng, Nxb. Tư pháp, 2006, tr. 380 – 390.

[3] TTLT04, Chương II, Điều 7, khoản 4: “…người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Người có nhược điểm về tâm thần có giấy tờ, tài liệu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận.
  2. b) Người có nhược điểm về thể chất thuộc một trong các trường hợp: bị mù hai mắt, bị câm, bị điếc có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên”.

[4] Điều 1 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật 2006.

[5] Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật Việt Nam 2010.

[6] “Điều 21. Năng lực hành vi về tố tụng của đương sự.

… 3. Nếu đương sự là người vì có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà không thể tham gia tố tụng được thì phải có người đại diện tham gia tố tụng.

Nếu không có ai đại diện cho người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người vắng mặt không có tin tức thì Toà án cử một người thân thích của đương sự hoặc một thành viên của một tổ chức xã hội làm người đại diện cho họ.”

“Điều 28. Sự tham gia tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân.

  1. Đối với việc vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động, kết hôn trái pháp luật, xác định cha, mẹ cho người con chưa thành niên ngoài giá thú, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người chưa thành niên hoặc của người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, nếu không có ai khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố…”.

[7] Điều 21 LSĐBS năm 2011.

[8] TTLT04, Chương II, Điều 7, khoản 4:

“4. …người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Người có nhược điểm về tâm thần có giấy tờ, tài liệu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận.
  2. b) Người có nhược điểm về thể chất thuộc một trong các trường hợp: bị mù hai mắt, bị câm, bị điếc có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên”.

[9] TTLT04, Chương II, Điều 7, khoản 4, Điểm b.

[10] “Người có nhược điểm về thể chất… là người bị mù cả hai mắt, người bị điếc cả hai tai … người có nhược điểm về tâm thần là người bị bệnh tâm thần tới mức không thể tham gia tố tụng được”.

[11] TTLT04, Chương II, Điều 7, khoản 4, Điểm a.

[12] “Điều 11. Quyền của người được trợ giúp pháp lý

1- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, người đại diện yêu cầu trợ giúp pháp lý.

2- Lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý….”.

[13] Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2005.

[14] Website: www.mmha.org.au.

[15] Nguyễn Ngọc Điện, Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 209.

[16] Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Dân sự 2005.

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Tuyển tập đề cương câu hỏi ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam có đáp án tham khảo
[CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam
Tuyển tập nhận định đúng sai (bán trắc nghiệm) môn Luật Dân sự năm 2015 có đáp án tham khảo.
[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Đặng Thanh Hoa, Luật dân sự, Người có nhược điểm về thể chất tinh thần, Phạm Thị Trà Lưu, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2013

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Chuyển giao hợp đồng trong pháp luật dân sự
Next Post: Buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu hàng hóa »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Ngân trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam pdf
  • Thu Giang trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội
  • Tường trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook
  • Hòa trong [EBOOK] Sổ tay Kỹ năng tư vấn pháp luật PDF
  • Hòa trong [EBOOK] Sổ tay Kiến thức về pháp luật lao động PDF

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng