Mục lục
Bàn về tư cách chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác trong Bộ luật Dân sự 2005
Tác giả: TS. Bùi Xuân Hải
TÓM TẮT
Bài viết này phân tích về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là hộ gia đình và tổ hợp tác trong BLDS 2005 để chỉ ra các hạn chế, bất cập và sự không thống nhất giữa các quy định này của BLDS 2005 với nhiều đạo luật khác về đầu tư kinh doanh và tố tụng. Quy định về hai loại chủ thể này cũng không đáp ứng nhu cầu cuộc sống thực tiễn và quá khác biệt với nước ngoài. Tác giả kiến nghị không nên tiếp tục quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể quan hệ pháp luật trong Bộ luật Dân sự sửa đổi.
Xem thêm bài viết về “Hộ gia đình”
- Tư cách tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác (chủ thể không có tư cách pháp nhân) theo Bộ luật Dân sự 2015 – PGS.TS. Phan Huy Hồng & ThS. Nguyễn Thanh Tú
- Về hạn mức đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi – ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
Theo kế hoạch thì Bộ luật Dân sự 2005 sẽ được Quốc hội nước ta sửa đổi trong thời gian sắp tới và một trong những nội dung quan trọng của bộ luật này là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự. Bài viết dưới đây bình luận một số vấn đề về chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác để kiến nghị rằng không nên tiếp tục quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (QHPLDS) trong Bộ luật Dân sự sửa đổi.
1. Những hạn chế, bất cập của quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác trong Bộ luật Dân sự 2005
a. Về hộ gia đình
Bộ luật Dân sự 2005 dành 5 điều luật của Chương 5, Phần thứ nhất để qui định về hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS, song những qui định về loại chủ thể này có quá nhiều hạn chế, bất cập. Theo Điều 106 Bộ luật Dân sự, “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Như vậy, hộ gia đình là chủ thể QHPLDS (i) khác với gia đình theo cách hiểu truyền thống là tập hợp những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng trong cùng một nhà và có thể gồm nhiều hộ gia đình,[1] (ii) khác với hộ gia đình theo qui định pháp luật về cư trú và hộ tịch, hộ khẩu bao gồm những thành viên có tên trong cùng sổ hộ khẩu (được cấp cho cá nhân hay hộ gia đình đã đăng ký thường trú theo qui định của Luật Cư trú).[2] Không phải tất cả những gia đình hay hộ gia đình theo nghĩa nói trên đều là chủ thể của QHPLDS.
Bộ luật Dân sự không định nghĩa trực tiếp về hộ gia đình mà đưa ra các dấu hiệu về hộ gia đình được coi là chủ thể QHPLDS. Theo Điều 106 thì hộ gia đình là chủ thể QHPLDS trước hết (i) phải là hộ gia đình (“hộ gia đình mà..”); (ii) các thành viên trong hộ gia đình đó “phải có tài sản chung”; (iii) các thành viên đó “cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”; và (iv) hộ gia đình chỉ “là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Như vậy, các nhà làm luật đã đề cao mục đích kinh tế, nền tảng kinh tế chứ không phải quan hệ huyết thống hay hôn nhân hoặc nuôi dưỡng theo nghĩa truyền thống của một gia đình làm dấu hiệu xác định tư cách chủ thể.[3] Hơn nữa, hộ gia đình chỉ là chủ thể QHPLDS khi tham gia quan hệ dân sự trong các lĩnh vực pháp luật quy định, như vậy hộ gia đình có tư cách chủ thể hạn chế.[4]
Bộ luật Dân sự không quy định rõ “thành viên” của hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS là những ai, giữa họ phải có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng hay cùng sổ hộ khẩu hay không; nhưng có thể suy luận rằng họ phải là thành viên trong một hộ gia đình và có thể không có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng với nhau. Bộ luật Dân sự cũng chưa quy định rõ ràng vấn đề người chưa đủ 15 tuổi, người không có khả năng lao động và người bị mất năng lực hành vi dân sự có thể là thành viên trong hộ gia đình là chủ thể QHPLDS hay không? Song, nếu họ không có tài sản chung và không tham gia hoạt động kinh tế chung thì chắc chắn không thể là thành viên của hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS.
Hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS theo Bộ luật Dân sự là chủ thể “động”, dễ dàng biến động do sự thay đổi của ít nhất 1 trong 3 yếu tố (thành viên, tài sản chung, đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung). Các thành viên trong hộ gia đình có thể thay đổi do sinh, ly, tử, biệt, tách, nhập… vì thế việc xác định tư cách thành viên trong hộ gia đình và tài sản chung, hoạt động kinh tế chung ở các thời điểm khác nhau cũng rất phức tạp.[5] Khi các thành viên hộ gia đình không thực hiện các hoạt động kinh tế chung nữa thì tư cách chủ thể QHPLDS của hộ gia đình cũng chấm dứt. Truyền thống của người Việt là tôn trọng sự riêng tư, hoàn cảnh của mỗi gia đình, như vậy rất khó xác định chủ thể mang tính “động” này trong thực tiễn; thật khó có thể biết chắc chắn rằng những người đang sinh sống dưới một mái nhà, một hộ gia đình trong thực tế có phải là chủ thể QHPLDS hay không.
Bộ luật Dân sự không yêu cầu hộ gia đình phải có một bằng chứng minh thị hay nói cách khác một loại giấy tờ nào đó để chứng minh mình là chủ thể QHPLDS hay chứng minh một cá nhân nào đó là thành viên của hộ gia đình. Việc thiếu vắng các qui định để minh thị tư cách thành viên hay hộ gia đình là chủ thể QHPLDS gây rất nhiều khó khăn không những cho các tổ chức, cá nhân khác mà còn cho chính những thành viên và hộ gia đình khi tham gia giao dịch. Đây có thể là rủi ro pháp lý tiềm tàng, là bài toán khó cho các công chứng viên hoặc cơ quan chức năng khi xác định các giao dịch và các tài sản của một thành viên, một số thành viên hay một hộ gia đình.[6] Trong rất nhiều trường hợp, với các giao dịch liên quan đến nhà, đất, vay tín dụng…. các tổ chức công chứng hay ngân hàng thương mại thường yêu cầu tất cả những thành viên trong gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên phải ký vào văn bản, song như vậy vẫn là chưa chắc chắn bởi vì không có quy định minh thị rằng thành viên hộ gia đình phải từ đủ 15 tuổi trở lên và do đó thành viên của hộ gia đình có thể là người chưa đủ 15 tuổi.
Rất khó phân biệt giao dịch của một hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS do một người làm đại diện với giao dịch do một cá nhân – thành viên của hộ thực hiện với tư cách cá nhân. Quy định về điều kiện để trở thành “chủ hộ” cũng chưa rõ ràng.[7] Giao dịch do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình cũng thiếu rõ ràng vì phạm trù “lợi ích chung” rất mơ hồ.
Quy định về tài sản chung của hộ gia đình tại Điều 108[8] và chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình tại Điều 109 của Bộ luật Dân sự[9] có thể là nguy cơ cho xuất hiện các tranh chấp về tài sản giữa các thành viên trong gia đình mà theo truyền thống của người Việt thì sẽ rất không phù hợp. Bộ luật Dân sự cũng không xác định “giá trị lớn” là như thế nào trong qui định “việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý”, còn quy định “đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý” là rất bất hợp lý bởi vì có thể hiểu việc định đoạt những tài sản chung như con gà, con heo, cái quạt điện, bàn ghế, ti vi… là tài sản chung của hộ gia đình cũng phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý. Nếu căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự thì khả năng phải chứng minh sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình và nguy cơ vô hiệu của những hợp đồng định đoạt tài sản của hộ gia đình là rất lớn và phổ biến.
Chúng ta đang phải tìm cách hạn chế nhiều hiện tượng không tốt đẹp đang xuất hiện trong nhiều gia đình người Việt do sự xuống cấp về đạo đức, sự ích kỷ của một vài thành viên thường là con cháu, sự tranh giành tài sản giữa các thành viên trong gia đình… thì các nhà làm luật lại đề cao việc xác định tài sản, xác định sự đóng góp và hoạt động kinh tế chung trong gia đình để công nhận họ là hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự. Nguy cơ con cháu kiện tụng đòi chia tài sản gia đình với cha mẹ, ông bà là rất cao trong điều kiện pháp luật thiếu nhiều qui định về mô hình chủ thể hộ gia đình và các tác động của cơ chế thị trường cũng như sự biến động quan niệm xã hội về đạo đức gia đình hiện nay. Việc này không phù hợp với truyền thống gia đình người Việt và không tốt cho sự phát triển của một xã hội vốn đang chịu tác động bởi không ít yếu tố tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường.
b. Về tổ hợp tác
Bộ luật Dân sự dành mục 2 Chương 5 Phần thứ nhất từ Điều 111 đến 120 để quy định về tổ hợp tác là một loại chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Bộ luật Dân sự (Điều 111) qui định “Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự.”
Phạm trù tổ hợp tác được chính thức ghi nhận tại Thông tư số 88-VP/TH ngày 17/3/1958 của Ngân hàng Quốc gia, từ đó cho đến khi tiến hành tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác được nhắc đến trong 891 văn bản.[10] Chính phủ cũng đã ban hành riêng 1 nghị định về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác,[11] song nỗ lực này của Chính phủ cũng chẳng làm cho nó trở thành một loại chủ thể pháp lý thực sự trong lý luận và thực tiễn pháp luật. Cách qui định của Bộ luật Dân sự dường như coi tổ hợp tác là “nguồn” chuẩn bị để trở thành pháp nhân vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 Bộ luật dân sự 2005 “Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Song, qui định nói trên vừa bất hợp lý, vừa khó hiểu vì tổ hợp tác thì không thể có đủ điều kiện trở thành pháp nhân nếu nó vẫn là tổ hợp tác, và tổ hợp tác không thể đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân vì tổ hợp tác không thể có tư cách pháp nhân và không có quy định nào về việc đăng ký này, có chăng các thành viên của tổ hợp tác có thể lựa chọn việc thành lập một tổ chức kinh tế như hợp tác xã hay công ty để được công nhận là pháp nhân, và khi đó công ty hay hợp tác xã là pháp nhân chứ tổ hợp tác không thể trở thành pháp nhân.
Mô hình tổ hợp tác được cho rằng sẽ là phương thức tạo sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân nhằm phát huy năng lực của mỗi cá nhân, tạo ra sự phát triển bền vững ở nông thôn và gia tăng lợi ích kinh tế.[12] Song, xét về bản chất, tổ hợp tác theo Bộ luật Dân sự chỉ là một hợp đồng, thỏa thuận giữa các thành viên, cũng giống các hợp đồng khác, đặc biệt là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tất cả các vấn đề liên quan đến sự hình thành, hoạt động, quyền lợi, trách nhiệm của tổ hợp tác và thành viên đều trên cơ sở hợp đồng, việc UBND cấp xã chứng thực hợp đồng cũng chỉ mang ý nghĩa chứng thực hành vi có thật giữa các thành viên nhưng theo Bộ luật Dân sự thì nó được coi là một điều kiện cho việc công nhận một chủ thể QHPLDS. Về nguyên tắc, việc không chứng thực hợp đồng hợp tác sẽ dẫn đến việc tổ hợp tác không được công nhận là chủ thể QHPLDS chứ không làm cho hợp đồng hợp tác đó bị vô hiệu. Bộ luật Dân sự không nên nâng một thỏa thuận, một hợp đồng trở thành một chủ thể quan hệ pháp luật dân sự. Về bản chất, tổ hợp tác theo Bộ luật Dân sự của Việt Nam hình thành trên cơ sở hợp đồng và khá giống mô hình hợp danh (partnership) ở nhiều nước phương Tây (nhưng không phải là partnership theo kiểu Hoa kỳ).[13] Tổ hợp tác và hộ gia đình có tư cách chủ thể hợp đồng dân sự hay không và có thể tham gia tố tụng dân sự với tư cách đương sự được không vẫn đang là vấn đề tranh luận, nhưng ngay cả Bộ luật Dân sự cũng không có những qui định thích hợp cho các tổ hợp tác với tư cách là một chủ thể của hợp đồng.
Xem thêm bài viết về “Tổ hợp tác”
2. Những bất cập trong mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự với các đạo luật khác
Việc thừa nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là hai chủ thể của QHPLDS tạo nên sự bất hợp lý, sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhiều đạo luật quan trọng trong lĩnh vực kinh tế đã không ghi nhận chủ thể là hộ gia đình và tổ hợp tác. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định cá nhân và pháp nhân có quyền góp vốn, thành lập công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; như vậy hộ gia đình và tổ hợp tác không thể góp vốn vào công ty, không thể trở thành thành viên, cổ đông công ty. Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cho phép hộ gia đình được đăng ký kinh doanh thành lập hộ kinh doanh, nhưng hộ gia đình không có quyền góp vốn vào các loại công ty, và vấn đề tư cách chủ thể của hộ kinh doanh cũng là một bài toán khó cho các cơ quan chức năng, gây nhiều tranh luận trong giới luật gia.[14]
Luật Đầu tư 2005 qui định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; khuyến khích và ưu đãi đầu tư; nhưng đạo luật này cũng không ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là “nhà đầu tư”.[15] Pháp luật thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ thừa nhận thương nhân là thể nhân và pháp nhân,[16] Luật Thương mại 2005 cũng khẳng định thương nhân chỉ có thể là tổ chức kinh tế và cá nhân chứ hộ gia đình và tổ hợp tác không thể là thương nhân. Mặc dù có quan điểm cho rằng hiện nay vẫn còn loại thương nhân là tổ hợp tác và hộ gia đình,[17] nhưng theo chúng tôi, nếu hiểu đúng Điều 6 của Luật Thương mại 2005 thì hai loại chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác đã bị loại ra ngoài, không còn được coi là hai loại thương nhân như cách qui định của Luật Thương mại 1997 nữa. [18] Luật Hợp tác xã 2012 quy định pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình là chủ thể có thể tham gia góp vốn và thành lập hợp tác xã để trở thành thành viên hợp tác xã.[19] Luật Hợp tác xã 2012 cũng không có điều khoản nào nhắc đến tổ hợp tác mặc dù chúng ta vẫn coi tổ hợp tác là một bộ phận của kinh tế tập thể; tổ hợp tác không thể góp vốn, không thể tham gia thành lập hợp tác xã, không thể trở thành thành viên hợp tác xã.
Không thể mang đặc thù của vấn đề chủ thể sử dụng đất trong Luật Đất đai có hộ gia đình (còn đang gây tranh luận và hoàn toàn là sản phẩm ý chí của các nhà làm luật), để cho rằng cần phải coi hộ gia đình là chủ thể QHPLDS. Tại sao không coi hộ gia đình là một tập hợp của nhiều thể nhân, để rồi qui định về mối quan hệ giữa các thể nhân, còn việc liên kết giữa họ với nhau như thế nào là quyền tự do của họ chứ Nhà nước không nên can thiệp, gán ghép miễn cưỡng họ trở thành một chủ thể với quá nhiều bất cập? Theo Điều 9 của Luật Đất đai 2003 thì người sử dụng đất có nhiều loại và được liệt kê bao gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo… mà không bao gồm tổ hợp tác; cũng không phải tất cả các chủ thể sử dụng đất theo Luật Đất đai đều phải được thừa nhận là chủ thể QHPLDS theo lối tư duy gắn kết pháp luật đất đai và Bộ luật Dân sự.[20]
Pháp luật về tố tụng cũng không quy định quyền tham gia tố tụng của tổ hợp tác và hộ gia đình. Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 qui định “cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.” Theo Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự trong vụ án dân sự chỉ có thể là “cá nhân, cơ quan, tổ chức” (Điều 56), chứ không bao gồm hộ gia đình và tổ hợp tác; và không ai có thể cho rằng hộ gia đình và tổ hợp tác là cơ quan, tổ chức. Do vậy, hai chủ thể này của luật dân sự không thể là đương sự tham gia tố tụng, không phải là chủ thể có thể khởi kiện hay bị kiện. Do vậy, trong thực tiễn hai chủ thể này buộc phải khởi kiện cá nhân, tổ chức khác thông qua các thành viên. Và ngược lại, tổ chức, cá nhân không thể khởi kiện tổ hợp tác và hộ gia đình vì chắc chắn tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ án, do đó họ phải khởi kiện thành viên của hộ gia đình và thành viên của tổ hợp tác. Việc này là bất hợp lý trong bối cảnh nhà nước ta thừa nhận hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể QHPLDS.
Luật Tố tụng hành chính 2010 (Điều 3) quy định: Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính chỉ có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức chứ không bao gồm hộ gia đình hay tổ hợp tác. Điều 2 của Luật Khiếu nại 2011 cũng quy định khiếu nại chỉ có thể là hành vi của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật định, hay nói cách khác người khiếu nại chỉ có thể là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại chứ không ghi nhận quyền khiếu nại của tổ hợp tác và hộ gia đình.
Theo Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.” Và việc xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, chủ thể vi phạm và bị xử phạt hành chính chỉ có 2 loại là cá nhân và tổ chức chứ không bao gồm hộ gia đình và tổ hợp tác.[21] Theo Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Lao động, “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”, nhưng không nhắc đến tổ hợp tác mặc dù Bộ luật Dân sự (Điều 112) qui định tổ hợp tác có quyền giao kết hợp đồng lao động với người không phải là tổ viên để thực hiện những công việc nhất định.
Nếu đã thừa nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của QHPLDS, vậy tại sao Nhà nước không ghi nhận họ là chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng và chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh tế theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Hợp tác xã? Nếu họ đã có các quyền và nghĩa vụ dân sự thì tại sao không ghi nhận quyền tham gia các giao dịch và tố quyền của họ? Phải chăng đây là thiếu sót của các nhà làm luật khi ban hành các đạo luật liên quan hay là do họ đã nhìn thấy sự bất cập, bất hợp lý của việc công nhận tư cách pháp lý cho hai chủ thể này?
3. Thiếu tính thực tiễn
Như trên đã phân tích, trong thực tế rất khó xác định được hộ gia đình nào theo sổ hộ khẩu, gia đình nào theo cách hiểu thông thường đang là hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS; không có bằng chứng minh thị nào (bằng văn bản theo mọi nghĩa) để chứng minh một cá nhân là thành viên của hộ gia đình và danh tính những thành viên trong hộ gia đình, và họ đang có tài sản chung nào, có hoạt động kinh tế chung như thế nào? Chưa có cơ quan nào đưa ra được con số chính xác rằng đất nước ta đang có bao nhiêu tổ hợp tác là chủ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự. Rất nhiều người nhầm lẫn tổ hợp tác với tư cách là chủ thể của QHPLDS với những đối tượng có tên là “tổ” trong thực tiễn ở địa phương (như tổ đổi công, tổ trồng cây thí điểm, tổ tình thương, tổ cung ứng vật tư, tổ làm đất, tổ điện xóm…)..[22] Số liệu thống kê của các cơ quan khác nhau cho kết quả không giống nhau về số lượng tổ hợp tác ở Việt Nam; chẳng hạn tính đến cuối năm 2011, nếu theo số liệu tổng hợp của Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trên cơ sở báo cáo của 42/63 tỉnh/thành phố thì cả nước có 139.122 tổ hợp tác; tuy nhiên theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì chỉ có 94.604 tổ hợp tác.[23] Nhưng đó chỉ là con số thống kê.
Nếu một nhóm người muốn hoạt động kinh tế chung thì họ có rất nhiều cách để lựa chọn mô hình kinh doanh như thành lập công ty, thành lập hợp tác xã… với bất cứ quy mô nào bởi lẽ pháp luật hiện hành đã không còn quy định điều kiện vốn tối thiểu (vốn pháp định) để thành lập doanh nghiệp như trước năm 2000. Với quá nhiều bất cập giữa tư cách chủ thể theo Bộ luật Dân sự và tư cách tham gia các quan hệ pháp luật khác trong hoạt động kinh doanh hay tố tụng, người ta không muốn thành lập cái gọi là tổ hợp tác; việc giao dịch của các gia đình vẫn thường thông qua tư cách cá nhân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng vẫn được điều chỉnh theo pháp luật hôn nhân gia đình.
Để đánh giá toàn diện về hai chủ thể này trong thực tiễn, cần phải thống kê, đánh giá trong thực tiễn các giao dịch của loại chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác được tiến hành như thế nào? Các tổ chức, cá nhân có bao giờ hay thường xuyên ký kết hợp đồng với hộ gia đình hay tổ hợp tác hay không? Có bao nhiêu phần trăm các hộ kinh doanh hiện nay là do một hộ gia đình đăng ký? Tuy nhiên từ quan sát thực tiễn ở nước ta hiện nay, rất hiếm khi gặp giao dịch do hộ gia đình và tổ hợp tác thực hiện với tư cách là chủ thể quan hệ pháp luật; trừ các giao dịch mà hộ gia đình làm chủ thể đều liên quan đến quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai, hoặc đến việc sử dụng điện, sử dụng nước sinh hoạt – tức là những giao dịch mà phải theo chính sách, quy định của nhà nước.
4. Kinh nghiệm nước ngoài về tư cách chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác
Trong lý luận về pháp luật, có hai chủ thể quan hệ pháp luật được thừa nhận ở mọi nơi trên thế giới là thể nhân (natural person) và pháp nhân (legal person, separate legal entity). Không thể tìm thấy trong lý luận về pháp luật ở các nước phương Tây (cội nguồn của nhiều học thuyết giá trị về nhà nước, pháp luật, pháp quyền, về pháp nhân, thể nhân …) các học thuyết pháp lý về hộ gia đình hay tổ hợp tác với tư cách là những chủ thể quan hệ pháp luật. Trong dân luật của các nước châu Âu, chủ thể của các quyền và nghĩa vụ dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân.[24]
Hộ gia đình là chủ thể quan hệ pháp luật không có hình hài cả về thực tiễn sinh học / hình thái vật chất (như thể nhân) lẫn tư duy / suy luận pháp lý (như pháp nhân). Khác với hai chủ thể truyền thống là cá nhân và pháp nhân, hộ gia đình là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự không có tên gọi, không có “cư sở”, không có tài sản riêng, không bắt buộc có một danh sách thành viên, không có chứng cứ văn bản xác định sự ra đời, thay đổi hay chấm dứt.[25] Vì thế, cần xem xét lại kỹ lý do vì sao chúng ta cần phải ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể QHPLDS, trong khi kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài không xác định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể quan hệ pháp luật. Mặc dù, tổ hợp tác và hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS được cho là vấn đề có nguồn gốc từ lịch sử và mang tính đặc thù của Việt Nam,[26] nhưng không nên tiếc nuối nếu bỏ nó ra khỏi phạm vi các chủ thể QHPLDS, Không có những cơ sở lý luận thuyết phục cho sự ghi nhận hai loại chủ thể này với tư cách là chủ thể QHPLDS, những lý luận về nét đặc thù của Việt Nam về hộ gia đình hay kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác để biện minh cho sự thừa nhận hai chủ thể này là không thuyết phục.
Tóm lại, cho dù nhiều hạn chế, bất cập trong qui định của Bộ luật Dân sự 2005 về tổ hợp tác và hộ gia đình có thể được khắc phục trong lần sửa đổi Bộ luật Dân sự sắp tới đây; nhưng không nên tiếp tục quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể QHPLDS vì không có cơ cở lý luận thuyết phục để đưa hai chủ thể này vào bên cạnh chủ thể truyền thống là pháp nhân và thể nhân; cũng không có thực tiễn từ pháp luật nước ngoài ghi nhận hai loại chủ thể này; và việc quy định thêm hai loại chủ thể này dẫn đến nhiều bất cập, sự không thống nhất của hệ thống pháp luật như đã trình bày ở trên./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Dân sự 2005”
- Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về hình thức hợp đồng – TS. Lê Minh Hùng
- Một số suy nghĩ về “tuổi thọ” của Bộ luật Dân sự 2005 – GS.TS. Mai Hồng Quỳ
- Hoàn thiện các quy định chung về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự 2005 – TS. Lê Minh Hùng
- Một số kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm con người trong Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010) – TS. Nguyễn Thị Thủy
- Một số góp ý về người thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 – Bàn về tư cách hưởng thừa kế của người được thành thai và sinh ra sau thời điểm mở thừa kế – TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng & ThS. Ngô Thị Vân Anh
CHÚ THÍCH
* PGS-TS Luật học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Xem: Trường Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Những qui định chung về Luật Dân sự, Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012, tr.237; Đinh Văn Quảng, Phát triển kinh tế hộ gia đình trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, Website của Tổng cục Dân số Việt Nam, http://www.gopfp.gov.vn. Theo website của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì “gia đình là một nhóm xã hội được gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống”.
[2] Xem thêm: Luật Cư trú 2006, Nghị định 56/2010/NĐ-CP ngày 24-5-2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2007/NĐ-CP; Thông tư 52/2010/TT-BCA. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình; những ng-ười ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu; nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu. Ng¬ười khác nếu có đủ điều kiện theo quy định và đ¬ược chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì đ¬ược nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.
[3] Xem thêm Nguyễn Ngọc Điện, Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr. 269.
[4] Cũng không nên nhầm lẫn hộ gia đình nói chung và hộ gia đình với tư cách là chủ thể của QHPLDS nói riêng với kinh tế hộ gia đình và không nên coi hộ gia đình là một “tổ chức kinh tế tự chủ”. Xem thêm: Trường Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Những qui định chung về Luật Dân sự, NXB Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2012, tr. 244.
[5] Xem thêm, Lê Thị Hoàng Thanh và Phạm Văn Bằng, Hộ gia đình – Những vấn đề đặt ra khi sửa đổi chế định chủ thể trong Bộ luật Dân sự 2005, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 20 (228)/2012, tr. 30.
[6] Nguyễn Minh Tuấn, “Xác định tư cách chủ thể thành viên hộ gia đình trong định đoạt quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2012, tr. 55 – 56.
[7] Cũng cần phân biện chủ hộ của hộ gia đình với tư cách là chủ thể QHPLDS với chủ hộ theo sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp.
[8] Điều 108 quy định: Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.
[9] Điều 109 quy định: Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.
[10] Phạm Văn Bằng, Tổ hợp tác – một chủ thể trong pháp luật dân sự và những vấn đề đặt ra khi sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, Cổng thông tin điện tử Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp.
[11] Xem thêm qui định cụ thể tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ.
[12] Phạm Văn Bằng, Tổ hợp tác – một chủ thể trong pháp luật dân sự và những vấn đề đặt ra khi sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, Cổng thông tin điện tử Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp.
[13] Xem thêm Pamela Hanrahan, Ian Ramsay, Geof Stapledon, Commercial Applications of Company Law, 13th ed, CCH Australia Limited, 2012, tr. 53-54. Song, cần lưu ý rằng, mặc dù parnership không phải là một pháp nhân, không cần thủ tục pháp lý để ra đời, nhưng giữa các thành viên phải tồn tại một thỏa thuận (partnership agreement), và tòa án có thể cho phép partnership khởi kiện và bị kiện trong những trường hợp nhất định.
[14] Xem thêm Điều 49 Nghị định 43/2010/NĐ-CP, theo đó hộ kinh doanh có thể do một cá nhân, một nhóm người hay hộ gia đình làm chủ; nhưng hộ kinh doanh không phải là chủ thể có thể trở thành cổ đông, thành viên công ty; không thể tham gia tố tụng với tư cách là đương sự của vụ án dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2004.
[15] Xem định nghĩa về nhà đầu tư tại Điều 3 Luật Đầu tư 2005.
[16] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại –Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2009, tr. 59.
[17] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại –Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2009, tr. 59 – 60.
[18] Theo Khoản 6 Điều 5 Luật Thương mại 1997 thì thương nhân “gồm cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên”, như vậy, khác với Luật Thương mại 2005, luật năm 1997 thừa nhận cả loại thương nhân là hộ gia đình và tổ hợp tác.
[19] Xem Điều 13, 19 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều 17 Luật Hợp tác xã 2003. Cũng cần lưu ý rằng Luật Hợp tác xã 2012 không còn sử dụng phạm trù “xã viên” mà thay vào đó là “thành viên” hợp tác xã.
[20] Xem thêm Điều 5 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi qui định về “Người sử dụng đất.”
[21] Tuy nhiên, cho đến nay khái niệm tổ chức chưa được đạo luật nào định nghĩa, song có thể hiểu nó bao trùm phạm trù pháp nhân, có nghĩa rằng tất cả các pháp nhân đều là tổ chức, song có một số tổ chức không phải là pháp nhân.
[22] Xem thêm Phạm Văn Bằng, Tổ hợp tác – một chủ thể trong pháp luật dân sự và những vấn đề đặt ra khi sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, Cổng thông tin điện tử Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp.
[23] Xem Phạm Văn Bằng, Tổ hợp tác – một chủ thể trong pháp luật dân sự và những vấn đề đặt ra khi sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, Cổng thông tin điện tử Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp. Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong năm 2007 với 114.293 tổ hợp tác ở 55 tỉnh/thành phố thì chỉ có 18.824 tổ có chứng thực của UBND xã, chiếm khoảng 16,47%.
[24] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Điện, Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr. 7; Nguyễn Minh Tuấn, “Xác định tư cách chủ thể thành viên hộ gia đình trong định đoạt quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2012, tr. 55.
[25] Bình luận về hộ gia đình, xem thêm Nguyễn Ngọc Điện, Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr. 268 – 282.
[26] Xem Lê Thị Hoàng Thanh và Phạm Văn Bằng, “Hộ gia đình – Những vấn đề đặt ra khi sửa đổi chế định chủ thể trong Bộ luật Dân sự 2005”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 20 (228)/2012, tr. 29.
- Tác giả: TS. Bùi Xuân Hải
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2013 (76)/2013 – 2013, Trang 37-44
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời