Bàn về đổi mới chế định pháp nhân trong BLDS năm 2005
TÓM TẮT
Việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 trở nên cần thiết, khi thực tiễn pháp luật trong gần một thập kỷ qua cho thấy Bộ luật này đã không thực sự đóng được vai trò là luật gốc của lĩnh vực luật tư, nhiều quy định đã trở nên lạc hậu bởi sự phát triển không ngừng của luật chuyên ngành. Riêng đối với chế định pháp nhân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là “một trong những phần yếu nhất của Bộ luật dân sự Việt Nam”. Chia sẻ ý kiến này, bài viết sẽ chỉ ra các điểm yếu, không phù hợp hoặc thiếu sót trong các quy định về pháp nhân của BLDS hiện hành nhằm góp phần bàn luận về việc cải cách toàn diện chế định quan trọng này. Cụ thể, bài viết tập trung vào các vấn đề chính yếu như: (i) Phạm vi chế định pháp nhân trong BLDS; (ii) Mối quan hệ giữa chế định pháp nhân của BLDS và luật chuyên ngành; (iii) Điều kiện (để trở thành) pháp nhân; (iv) Đăng ký pháp nhân; (v) Thời điểm thành lập pháp nhân; (vi) Năng lực pháp luật của pháp nhân; (vii) Năng lực hành vi (hay vấn đề đại diện) của pháp nhân; (viii) Trách nhiệm dân sự của pháp nhân; (ix) Tổ chức lại pháp nhân.
Xem thêm:
- Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo BLDS năm 2015 – ThS. Lê Nhật Bảo
- Tư cách tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác (chủ thể không có tư cách pháp nhân) theo BLDS năm 2015 – TS. Phan Huy Hồng & ThS. Nguyễn Thanh Tú
- Quyền im lặng của pháp nhân phạm tội trong tố tụng hình sự – ThS. Võ Minh Kỳ & ThS. Nguyễn Phương Anh
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 – ThS. Nguyễn Thị Xuân
TỪ KHÓA: Pháp nhân,
1. Về phạm vi chế định pháp nhân trong BLDS
Chế định pháp nhân (PN) trong BLDS 2005 (như trong BLDS 1995) là một chế định PN chung, không chỉ điều chỉnh PN dân sự, mà cả PN công quyền cũng như PN khác thuộc hệ thống chính trị. Chế định này có các quy định chung về PN (Điều 84-99) và quy định riêng đối với các loại PN (Điều 100-105). Điều 100 BLDS 2005 đưa ra một danh mục mở, gồm 5 nhóm PN được định danh cụ thể và nhóm “tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này”. Năm nhóm PN được định danh cụ thể bao gồm: (i) cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, (ii) tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, (iii) tổ chức kinh tế, (iv) tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, (v) quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Các điều khoản tiếp theo là các quy định riêng cho từng loại PN đã nêu trong danh mục. Trong quá trình thảo luận về sửa đổi BLDS 2005 nhiều chuyên gia nêu quan điểm phê phán cách phân loại PN như trên. Có ý kiến cho rằng “việc phân chia pháp nhân như trên dường như không theo một tiêu chí rõ rệt, hợp lý nào”, vì có 3 loại PN có chung yếu tố “chính trị” và 3 loại PN có chung yếu tố “xã hội”[1]. Ý kiến khác cho rằng, “việc chia pháp nhân trong BLDS 2005 không dựa trên bất kỳ một luận cứ khoa học nào và không ai trả lời được chia như vậy có ý nghĩa pháp lý gì”[2]. Mặt khác, một số chuyên gia cũng nhận thấy rằng, có hai loại PN là “quỹ xã hội” và “quỹ từ thiện” được BLDS 2005 liệt kê trong danh mục và có quy định riêng cho chúng (Điều 105), nhưng “các văn bản quy phạm pháp luật khác khi liệt kê các chủ thể giao dịch là pháp nhân thì lại không bao giờ nhắc đến quỹ xã hội và quỹ từ thiện”, ngay cả Bộ luật Tố tụng dân sự “khi liệt kê các chủ thể tham gia quan hệ tố tụng dân sự, đã nhắc lại các loại pháp nhân theo quy định tại Điều 100 của Bộ luật Dân sự, nhưng lại không thấy có “quỹ xã hội, quỹ từ thiện”[3]. “Đó là chưa kể, BLDS còn không liệt kê một số chủ thể đã được nhắc đến trong Luật Đất đai năm 2003 là “tổ chức kinh tế – xã hội” và “tổ chức sự nghiệp công””.[4]
Khi chỉ ra các bất cập trong cách phân chia hay phân loại PN như đề cập trên đây, một số tác giả cũng đồng thời đề xuất phương án phân loại mới. Theo đó, cần xem xét phân loại các loại PN vào một số nhóm xác định, chẳng hạn có thể phân chia thành 4 nhóm, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và tổ chức hành nghề[5]. Hay “dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như phân thành hai loại: pháp nhân công và pháp nhân tư hoặc pháp nhân hoạt động có mục đích lợi nhuận và pháp nhân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận”[6]. Cũng có ý kiến đề xuất cần ghi rõ trong BLDS rằng “Bộ luật này không áp dụng đối với các pháp nhân Chính trị; Nhà nước và Tôn giáo”[7].
Nhưng rõ ràng việc đặt ra các quy định chung về PN, phân loại PN và đặt ra các quy định riêng cho từng loại PN như tại chương “Pháp nhân” là hệ quả của việc xác định phạm vi điều chỉnh của BLDS 2005 tại Điều 1 Bộ luật này, theo đó “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của… pháp nhân…”. Một khi Bộ luật này xác định phạm vi điều chỉnh của chế định PN với tư cách là một chế định chung về PN thì việc đặt ra các quy định chung cho PN, phân loại PN và đặt ra các quy định riêng đối với từng loại PN là điều tất yếu. Bởi vậy, để có thể loại bỏ được các bất cập phát sinh từ quy định tại chương “Pháp nhân” thì trước hết phải xem xét lại phạm vi điều chỉnh của chế định này tại BLDS. Cần phải đặt vấn đề rằng, liệu việc quy định địa vị pháp lý và chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cơ quan nhà nước, hay cả đơn vị vũ trang nhân dân và cả tổ chức chính trị như Đảng cộng sản Việt Nam có phải là nhiệm vụ của BLDS hay không? Câu trả lời rõ ràng là “không”. Và nếu BLDS làm điều đó thì nó cũng không bao giờ “hoàn thành” được một nhiệm vụ bất khả thi như vậy.
Vì vậy, cần phải loại việc “quy định địa vị pháp lý và chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử” của các loại PN thực thi quyền lực nhà nước cũng như thuộc hệ thống chính trị ra khỏi phạm vi điều chỉnh của BLDS. Bởi vì, nhìn từ góc độ “địa vị pháp lý”, PN là cơ quan nhà nước không bình đẳng với các loại PN hình thành từ sự liên kết giữa các chủ thể pháp luật dân sự (gọi chung là PN dân sự). Từ đó, cũng đòi hỏi phải có các “chuẩn mực ứng xử” cao hơn đối với cơ quan nhà nước trong quan hệ với các chủ thể khác của pháp luật dân sự dựa trên tiêu chí “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, sự khác biệt giữa “địa vị pháp lý” và “chuẩn mực ứng xử” của loại PN này trong mối quan hệ với các chủ thể pháp luật dân sự khác còn rõ ràng hơn khi các PN đó thực thi nhiệm vụ. Giữa địa vị pháp lý của các loại PN khác thuộc hệ thống chính trị và của các chủ thể pháp luật dân sự cũng có những sự khác biệt cơ bản, cùng với đó là sự đòi hỏi các chuẩn mực ứng xử khác trong quan hệ giữa các chủ thể này.
Nhưng tất nhiên là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các PN là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và các loại PN thuộc hệ thống chính trị cũng tham gia vào các quan hệ dân sự có tính chất bình đẳng như quan hệ hợp đồng đầu tư, mua sắm cũng như có hành vi ngoài phạm trù hành vi công vụ như gây tai nạn và làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chỉ những mối quan hệ xã hội như vậy mới nên thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS bởi tính chất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia.
2. Về mối quan hệ giữa chế định pháp nhân của BLDS và luật chuyên ngành
Cần phải xuất phát từ thực trạng của hệ thống pháp luật để phân định hay phân định lại nhiệm vụ của BLDS và luật chuyên ngành trong mối quan hệ với chế định PN.
Xét về bề dày truyền thống, hệ thống pháp luật Việt Nam là một hệ thống pháp luật non trẻ, BLDS được xây dựng gần như song song với các luật chuyên ngành trong lĩnh vực luật tư. Thậm chí pháp luật doanh nghiệp đã hình thành từ trước khi BLDS đầu tiên được ban hành năm 1995. Loại hình công ty TNHH có tư cách PN đã ra đời cùng với Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, nhưng mới chỉ với đối tượng áp dụng hạn chế. Tiếp đó, bên cạnh việc quy định loại hình công ty TNHH với một cơ cấu tổ chức, quản lý cụ thể Luật Công ty năm 1990 cũng còn cho ra đời loại hình công ty cổ phần; cả hai loại công ty này đều có tư cách PN. Luật Doanh nghiệp (LDN) 1999 thay thế Luật Công ty năm 1990 tiếp tục quy định các loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần cũng như bổ sung loại hình công ty hợp danh không có tư cách PN, nhưng sau đó với LDN 2005, công ty hợp danh trở thành loại công ty có tư cách PN.
Riêng đối với công ty hợp danh, trong quá trình thực hiện dự án LDN 2005 đã xảy ra một cuộc tranh luận về việc liệu quy định loại công ty này là PN có phù hợp với quy định của BLDS hay không?[8] Khi đó, Ban soạn thảo luật này cho rằng quy định như vậy không trái với quy định của BLDS, vì điều kiện PN “có tài sản độc lập” không gắn với trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn của thành viên.[9] Có ý kiến[10] cho rằng, “khó có thể chứng minh được việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự”, nhưng cũng đồng thời nhìn nhận rằng “giả thiết như điều đó được chứng minh thì cũng không có ảnh hưởng gì về lý luận pháp lý khi chúng ta thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh. Bộ luật Dân sự là luật chung còn Luật Doanh nghiệp là luật chuyên ngành. Vì vậy, có thể coi việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là một ngoại lệ của Bộ luật Dân sự.” Còn có ý kiến khác[11] cho rằng, việc quy định công ty hợp danh có tư cách PN là không phù hợp với chế định PN của BLDS, nếu đồng thời quy định loại công ty này có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn (thông qua quy định thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty), bởi vì theo BLDS thì PN có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn. Tuy nhiên, ý kiến này cũng đồng ý rằng, LDN hoàn toàn có thể quy định công ty hợp danh có tư cách PN như là một ngoại lệ của chế định PN trong BLDS. Sau khi LDN 2005 được ban hành và có hiệu lực, lại cũng có ý kiến cho rằng quy định công ty hợp danh có tư cách PN là trái với quy định của BLDS, nhưng không tán thành việc xem quy định công ty hợp danh có tư cách PN trong LDN là quy định của luật riêng nên có giá trị ưu tiên áp dụng[12].
Các tranh luận xung quanh vấn đề tư cách PN của công ty hợp danh trước hết cho thấy chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về các quy định PN “có tài sản độc lập”, “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” và “thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện” cũng như mối quan hệ giữa các quy định này. Nhưng, quan trọng hơn, bên cạnh đó còn tồn tại sự hoài nghi về mối quan hệ giữa BLDS với các luật khác trong lĩnh vực luật tư có phải là mối quan hệ luật chung – luật riêng hay không và cùng với đó là liệu chế định PN trong BLDS có phải là chế định chung về PN hay không.
Để loại bỏ được sự hoài nghi (có phần chính đáng) này, BLDS sửa đổi không chỉ cần phải làm rõ hơn vị trí của BLDS trong lĩnh vực luật tư tại các quy định về nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật này mà cả trong các quy định về PN của nó. Theo đó, việc khẳng định vai trò của BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng là cần thiết. Nhưng cũng với vai trò là luật chung Bộ luật này cần đảm bảo được rằng các quy định có tính nguyên tắc của nó giữ được tính nguyên tắc và các quy định ngoại lệ trong các luật riêng không trở nên phổ biến. Có thể đảm bảo được điều này bằng chính sự mềm dẻo của các quy định có tính nguyên tắc của BLDS. Theo đó, BLDS cần “cho phép” luật chuyên ngành được quy định khác đi đối với một số vấn đề cụ thể liên quan đến PN được điều chỉnh bởi luật khác đó.
Hơn nữa, một khi đã có luật chuyên ngành quy định cụ thể về địa vị pháp lý (chủ yếu là các vấn đề về tổ chức và hoạt động) của các loại PN khác nhau (như LDN) cũng như sẽ có các luật chuyên ngành quy định về các loại PN mới (như Luật về Hội) thì BLDS không nên “lấn sân” của các luật này. Nói cách khác, liên quan đến chế định PN, BLDS nên chuyển trọng tâm từ quy định về “địa vị pháp lý” của PN sang quy định về các “quy tắc ứng xử” của PN[13].
3. Vấn đề điều kiện (để trở thành) pháp nhân
Quy định tại Điều 84 BLDS 2005 thể hiện rõ chủ ý của nhà lập pháp, theo đó đây là quy định “gốc” về điều kiện PN, luật khác hoặc một chủ thể nào đó có thẩm quyền căn cứ vào đó để công nhận một chủ thể pháp luật là có hay không có tư cách PN. Tuy nhiên, quy định này thoạt nhìn có vẻ rõ ràng, nhưng thực ra lại có phần mơ hồ, đa nghĩa và thiếu lôgic.
Trong đó, quy định “một tổ chức được công nhận là pháp nhân…” là rất mơ hồ vì không cho phép xác định được chủ thể nào có quyền công nhận PN. Với quy định như vậy, không chỉ có luật, mà bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, một cơ quan nhà nước nào, thậm chí bất kỳ một chủ thể pháp luật nào cũng có thể công nhận một “tổ chức” là PN. Thuật ngữ “công nhận” trong quy định này cũng đa nghĩa, vì có thể bao hàm cả sự mặc nhiên công nhận cũng như sự công nhận bởi một một quyết định hành chính (như quyết định thành lập PN bởi cơ quan nhà nước), một hành vi pháp lý khác (quyết định thành lập PN bởi một tổ chức thuộc hệ thống chính trị) hay bởi quy phạm pháp luật. Thực tế đã xảy ra trường hợp, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam ra quyết định thành lập và xác định “Văn phòng Trung ương Hội khuyến học Việt Nam phía Nam” có tư cách PN[14].
Điều kiện để một tổ chức được công nhận là PN, theo quy định tại Điều 84 BLDS 2005, bao gồm: (i) Được thành lập hợp pháp; (ii) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (iii) Có tài sản độc lập với tổ chức, cá nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Mặc dù, các điều kiện để một tổ chức được công nhận là PN theo quy định của BLDS 2005 cũng tương tự quy định của BLDS 1995, nhưng các tranh luận về một số điều kiện này chỉ bắt đầu nổ ra trong quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất (LDN 2005 hiện hành), khi các nhà làm luật dự kiến quy định công ty hợp danh có tư cách PN mà vẫn giữ nguyên mô hình công ty này như LDN 1999. Nhân dịp Dự án sửa đổi BLDS lần này, tranh luận về tính phù hợp và hợp lý của quy định về các điều kiện PN lại được xới lên và mở rộng ra.
Có ý kiến cho rằng, điều kiện “nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập” “là hệ quả tất yếu của pháp nhân, chỉ có sau khi đã được công nhận pháp nhân, chứ không thể là một trong những điều kiện để hình thành và xem xét công nhận pháp nhân”[15]. Ý kiến này là xác đáng, vì hợp lôgic, còn nhà làm luật đã có sự lẫn lộn giữa “điều kiện” với “hệ quả” trong quy định này. Thực chất đây là vấn đề năng lực pháp luật của PN.
Nhưng các tranh luận tập trung nhiều hơn cả vào điều kiện “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”. Một số ý kiến cho rằng quy định này hàm chứa “hai điều kiện nhỏ” khác nhau, bao gồm (i) có tài sản độc lập và (ii) tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó[16]. Tuy nhiên, trong số đó lại có sự khác biệt trong nhìn nhận về mối quan hệ giữa “hai điều kiện nhỏ” này. Trong khi có ý kiến cho rằng, “nếu bảo đảm điều kiện “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác”, thì đương nhiên cũng đồng nghĩa với việc “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”, nếu không “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” thì cũng không thể coi là “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác”[17]; thì ý kiến khác lại cho rằng đây là hai điều kiện độc lập với nhau[18].
Bài viết này đồng tình với quan điểm xem đây là hai điều kiện độc lập với nhau. Bởi vì, câu hỏi về việc một chủ thể pháp luật có tài sản độc lập hay không chính là câu hỏi chủ thể đó có quyền năng sở hữu hay không (có phải là chủ thể của pháp luật về sở hữu hay không), còn câu hỏi về việc chủ thể pháp luật đó tự chịu trách nhiệm bằng tài sản mà mình sở hữu hay còn có chủ thể pháp luật nào khác cùng chịu trách nhiệm tài sản với chủ thể đó lại là câu hỏi về phạm vi trách nhiệm tài sản. Bằng chứng rõ ràng là pháp luật doanh nghiệp đã xử lý hai vấn đề này một cách độc lập: Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 LDN 2005 thì thành viên công ty (kể cả thành viên hợp danh của công ty hợp danh) đều phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn cho công ty. Điều đó cho thấy, tất cả các loại hình công ty đều có tài sản độc lập với thành viên công ty (và cả với cá nhân, tổ chức khác), nhưng chỉ có loại công ty TNHH và công ty cổ phần là “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” bởi quy định thành viên, cổ đông công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp hoặc đã góp vào doanh nghiệp[19], còn đối với công ty hợp danh thì “thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của công ty”[20].
Như vậy, nếu các nhà làm luật muốn quy định PN có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn thì đúng ra chỉ cần quy định PN “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình” là đủ, vì điều đó đã bao hàm PN là chủ thể “có tài sản”, là chủ thể của pháp luật về quyền sở hữu. Trong khi đó, nếu chỉ quy định “pháp nhân có tài sản độc lập” thì chưa bao hàm được chế độ trách nhiệm tài sản của loại chủ thể pháp luật này.
Cũng có ý kiến cho rằng, điều kiện PN “có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” là không cần thiết, và nêu dẫn chứng, theo đó “Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH một thành viên có thể chỉ có một người duy nhất vẫn đúng luật: Chủ tịch công ty đồng thời là giám đốc (người quản lý đồng thời là người điều hành). Không cần có Ban kiểm soát. Kế toán trưởng thì có thể đi thuê ngoài (theo Luật Kế toán năm 2003). Không cần các chức danh khác, hoặc giám đốc có thể kiêm nhiệm công việc của bất kỳ người lao động nào của pháp nhân công ty”[21]. Qua ý kiến này có thể thấy rằng có sự nhìn nhận khác nhau về điều kiện “có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” và vì vậy điều kiện đó không đủ khả năng chỉ dẫn (cho chủ thể có quyền “công nhận” PN) một cách rõ ràng, nếu không nói là có phần mơ hồ.
Về điều kiện “được thành lập hợp pháp”: Hãy lấy một ví dụ giả định (nhưng hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế) rằng, một đơn vị lực lượng vũ trang dùng tài sản nhà nước (như sử dụng kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước) để thành lập một công ty TNHH một thành viên nhằm mục đích thu lợi riêng cho đơn vị mình; việc thành lập công ty được tiến hành theo đúng thủ tục của pháp luật doanh nghiệp. Vậy công ty TNHH này có được thành lập hợp pháp hay không? Căn cứ các quy định về thủ tục thành lập doanh nghiệp thì công ty này đã được thành lập một cách hợp pháp, nhưng việc thành lập công ty đó là vi phạm quy định cấm tại điểm a khoản 2 Điều 13 LDN 2005. Nếu điều kiện “được thành lập hợp pháp” bao gồm cả tính hợp pháp về thủ tục và hợp pháp về điều kiện thành lập thì công ty TNHH đó không thể được công nhận là PN, mặc dù công ty đó có tư cách PN kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vậy, các chủ thể pháp luật giao dịch với Công ty TNHH đó được phép tin vào giá trị của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, niềm tin đó được pháp luật bảo vệ hay họ phải chịu rủi ro bởi các giao dịch với công ty TNHH đó vô hiệu hay công ty đó bị buộc giải thể?
Mặt khác, việc thành lập một tổ chức bất kỳ là một quá trình. Sáng kiến của cá nhân, tổ chức hay quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như quy định tại Điều 85 BLDS 2005) chỉ là sự khởi đầu của sự thành lập. Quá trình thành lập thông thường cũng chưa kết thúc vào thời điểm tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, lại càng chưa thể kết thúc tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư (như trường hợp cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài), trong khi đó các tổ chức như vậy đều có được tư cách PN khi được cấp một trong các loại giấy chứng nhận này.
Việc xem xét trường hợp giả định nêu trên cũng như việc cần nhìn nhận thành lập PN là một quá trình cho thấy, điều kiện một tổ chức “được thành lập hợp pháp” để được công nhận là PN cũng chưa rõ ràng, chính xác.
Trên cơ sở các phân tích về vấn đề “công nhận” và các điều kiện công nhận trên đây, tôi cho rằng cần phải xem xét lại một cách toàn diện quy định tại Điều 84 BLDS 2005. Để khắc phục các bất cập đã được phân tích, có thể cách tốt nhất là bỏ hẳn quy định này với tư cách là một quy định chung, có tính khái quát như vậy. Thay vào đó, các điều kiện PN nên được quy định trực tiếp trong các quy định về việc thành lập, tổ chức, năng lực pháp luật và trách nhiệm tài sản của PN.
4. Vấn đề đăng ký pháp nhân
Vấn đề đăng ký PN được nhiều tác giả đề cập trong quá trình thảo luận về việc sửa đổi BLDS này[22]. Các ý kiến đều cho rằng việc đăng ký PN là cần thiết, thậm chí “để công khai, minh bạch hóa, thì cơ chế đăng ký pháp nhân là quan trọng nhất”[23]. Tuy nhiên, không phải BLDS không hề đề cập đến vấn đề này. Bộ luật này xuất phát rằng, có loại PN được đăng ký, khi quy định “Pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (khoản 2 Điều 99 BLDS 2005). Nhưng quy định này cũng cho thấy rằng, nhà làm luật không nhìn nhận việc quy định về đăng ký PN là nhiệm vụ của BLDS; bên cạnh đó không phải PN nào cũng (phải) được đăng ký.
Bởi vậy, việc đăng ký PN có thể trở nên cần thiết, khi mà quy định về “công nhận” PN – như đã đề cập trên đây – là rất mơ hồ, đặc biệt với quy định như vậy, một tổ chức có thể tự ban cho một đơn vị trực thuộc của mình tư cách PN.
Tuy nhiên, trong trường hợp BLDS sửa đổi quy định về việc đăng ký PN, trước hết cần phải loại trừ một số loại PN ra khỏi phạm vi điều chỉnh việc đăng ký. Bởi không lẽ phải đăng ký PN đối với các quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân? Việc loại trừ đó chỉ trở nên không cần thiết nếu các loại PN này không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS.
Mặt khác, nếu BLDS sửa đổi cần phải quy định về việc đăng ký PN, thì quy định như vậy cũng nên chỉ là quy định chung, có tính nguyên tắc, bao gồm hệ quả pháp lý của việc đăng ký, nhưng không bao gồm các thủ tục đăng ký cụ thể. Bởi vì, trên thực tế luật chuyên ngành đều có quy định chi tiết về thủ tục đăng ký đối với các chủ thể pháp luật mà luật đó điều chỉnh. Và tất nhiên, một luật duy nhất (dù là bộ luật) cũng không thể quy định một cách hợp lý và chi tiết về thủ tục đăng ký đối với mọi loại PN, dù chỉ là PN trong lĩnh vực luật tư.
5. Vấn đề thời điểm thành lập pháp nhân
BLDS 2005 có đề cập đến thời điểm thành lập PN trong quy định tại khoản 2 Điều 86, theo đó “năng lực pháp luật của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt vào thời điểm chấm dứt pháp nhân”. Nhưng Bộ luật này không quy định PN được thành lập vào thời điểm nào[24], nên một quy định về vấn đề này là cần thiết.
Như đã đề cập, việc thành lập một tổ chức nói chung hay một PN nói riêng là một quá trình, nên cần xác định một thời điểm nào đó trong quá trình này là thời điểm thành lập PN, hay nói chính xác hơn là thời điểm tổ chức có được tư cách PN và là thời điểm phát sinh năng lực pháp luật của PN.
Nếu chúng ta đồng ý rằng BLDS sửa đổi cần quy định về việc đăng ký PN, thì thời điểm hoàn thành việc đăng ký PN là thích hợp nhất để xem là thời điểm thành lập PN. Và nếu việc đăng ký PN được coi là hoàn thành cùng với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký thì thời điểm thành lập PN là thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký đó. Điều đó đã là thực tiễn lập pháp[25]. Hơn nữa, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký là một sự kiện pháp lý có thể được xác định một cách rõ ràng về hình thức và thời gian xảy ra sự kiện đó. Thêm nữa, giấy chứng nhận đăng ký cũng chỉ được cấp sau khi đã trải qua một thủ tục và một số điều kiện nhất định đã được đáp ứng, đặc biệt là người đại điện theo pháp luật của tổ chức đó đã phải được xác định.
Việc quy định về đăng ký PN và lấy thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký là thời điểm thành lập PN (hay theo ngôn ngữ của LDN 2005 là thời điểm công ty có tư cách PN) cũng giúp loại trừ các trường hợp PN chỉ mới được thành lập “trên giấy”, như trường hợp cơ quan nhà nước (hay một chủ thể khác có quyền thành lập PN) ra quyết định thành lập PN. Thời điểm ra quyết định thành lập PN như vậy chỉ mới là thời điểm bắt đầu của quá trình thành lập.
6. Vấn đề năng lực pháp luật của pháp nhân
Vấn đề năng lực pháp luật của PN, đặc biệt là PN kinh doanh đã từng được một số tác giả bàn luận ngay trong thời kỳ soạn thảo BLDS 2005[26]. Đề xuất mở rộng phạm vi năng lực pháp luật của PN kinh doanh hay công nhận PN kinh doanh có năng lực pháp luật bao trùm, nghĩa là không giới hạn ở ngành nghề đăng ký, dường như đã bị bỏ qua, hoặc không xem xét đến, hoặc không được chấp nhận. Bởi vì, mặc dù BLDS 2005 không còn có quy định như tại khoản 1 Điều 96 BLDS 1995, theo đó “Pháp nhân phải hoạt động đúng mục đích; khi thay đổi mục đích hoạt động, thì phải xin phép, đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, nhưng vẫn giữ lại quy định “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình”. Trong khi đó một số luật chuyên ngành dường như hiểu “mục đích hoạt động” của PN theo nghĩa rất hẹp. Chẳng hạn, theo LDN 2005 thì mục đích hoạt động của doanh nghiệp nói chung cũng như của doanh nghiệp là PN nói riêng dường như không phải là “mục đích sinh lợi” hay “mục tiêu lợi nhuận”, mà chỉ là nhằm tiến hành các hoạt động kinh doanh những ngành nghề mà doanh nghiệp đó đăng ký. Điều đó thể hiện qua quy định tại Điều 9 Luật này, theo đó doanh nghiệp có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Trước đây, theo quy định tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thì một hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ, nếu “Một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” (điểm b khoản 1 Điều 8). Điều đó có nghĩa là PN kinh tế chỉ có năng lực pháp luật trong phạm vi ngành nghề đăng ký kinh doanh. Việc bãi bỏ hiệu lực của Pháp lệnh này và áp dụng quy định của BLDS 2005 không làm cho tình trạng pháp lý liên quan đến vấn đề này rõ ràng hơn. Trên thực tế, có tòa án vẫn tuyên hợp đồng hiệu, khi một trong các bên ký kết hợp đồng không có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng[27], nhưng với các trường hợp tương tự khác tòa án lại nhìn nhận hợp đồng có hiệu lực[28].
Tình trạng pháp lý không rõ ràng như vậy cần phải được loại bỏ. Ít nhất cũng cần phải công nhận PN kinh doanh (công ty, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) có năng lực pháp luật dân sự không giới hạn ở phạm vi ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, nghĩa là cần phải công nhận giá trị của các giao dịch pháp luật của PN kinh doanh trong cả những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm, dù PN kinh doanh đã đăng ký ngành nghề đó hay chưa. Nếu như việc quy định doanh nghiệp phải hoạt động trong phạm vi đăng ký kinh doanh có nguồn gốc là nhằm để bảo đảm rằng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo đúng các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế của Nhà nước theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa – tập trung trước đây, thì ngày nay – cùng với việc công nhận quyền tự do kinh doanh của công dân – việc giới hạn đó không còn là chính đáng. Học thuyết ultra vires cũng với ý niệm PN (chỉ có) năng lực pháp luật phù hợp với mục đích hoạt động của mình, từng thịnh hành tại một số nước phương Tây trong thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã trở nên lỗi thời và thậm chí cũng không còn được áp dụng tại chính nước Anh là quê hương của nó[29].
Tuy nhiên, các loại PN gánh vác quyền lực công cần phải hoạt động đúng mục đích mà nó được thành lập hoặc vì mục đích mà nó tồn tại theo nguyên tắc “cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, thay vì áp dụng nguyên tắc “doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” đối với PN kinh doanh. Và đó cũng chính là giới hạn năng lực pháp luật của PN gánh vác quyền lực công. Giới hạn năng lực pháp luật như vậy cũng cần được áp dụng đối với PN thuộc hệ thống chính trị, PN tôn giáo.
Trong trường hợp BLDS sửa đổi không loại trừ các loại PN là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, PN thuộc hệ thống chính trị (có thể gọi chung là “PN theo luật công” hoặc “PN công luật”) khỏi phạm vi điều chỉnh của nó, thì về mặt kỹ thuật lập pháp, có thể có một quy định chung về năng lực pháp luật của PN và một quy định khác bảo lưu (theo nghĩa ưu tiên áp dụng) quy định của luật công đối với các loại PN theo luật công. Một sự bảo lưu quy định của luật chuyên ngành trong lĩnh vực luật tư cũng hoàn toàn có thể. Đây là cách mà BLDS Thụy Sỹ áp dụng. Điều 53 Bộ luật này quy định chung về năng lực pháp luật của PN như sau: “Pháp nhân có khả năng có tất các các quyền và nghĩa vụ mà các đặc điểm tự nhiên của con người, như giới tính, tuổi tác hay quan hệ huyết thống, không phải là điều kiện bắt buộc của các quyền và nghĩa vụ đó”. Nói một cách khác, PN có khả năng có tất cả các quyền và nghĩa vụ, ngoại trừ các quyền và nghĩa vụ mà chỉ có con người tự nhiên mới có thể có. Nhưng Điều 59 Bộ luật này lại bảo lưu các quy định của luật công đối với PN công luật, các quy định của luật công ty và luật hợp tác xã đối với PN là công ty, hợp tác xã, nghĩa là các luật đó có thể đặt ra các giới hạn khác đối với năng lực pháp luật của loại PN mà chúng điều chỉnh.
7. Vấn đề năng lực hành vi (hay vấn đề đại diện) của pháp nhân
BLDS 2005 không đề cập một cách trực tiếp năng lực hành vi của PN, nhưng quy định “Người đại điện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự” (khoản 3 Điều 86). Trong đó, “đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong Điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân” (khoản 2 Điều 91), còn người đại diện PN nói chung thực hiện việc đại diện theo quy định chung về đại diện tại chương VII Bộ luật này (khoản 2 Điều 91).
Qua đó có thể suy đoán rằng, có thể các nhà làm luật không thừa nhận PN có năng lực hành vi hoặc có thể tránh quyết định về một vấn đề có tính phức tạp về mặt lý luận, vì đằng nào thì hoạt động của PN vẫn chỉ có thể thông qua hành vi của những cá nhân cụ thể, nên những cá nhân nào có thể hay có quyền thực hiện hành vi nhân danh PN mới là vấn đề cần bàn. Nhìn nhận một cách khách quan thì đây là giải pháp rất thực tiễn.
Trong lịch sử học thuyết về PN, trên thực tế đã xảy ra tranh luận về việc PN có năng lực hành vi hay không. Trong khi Friedrich Carl von Savigny[30] là người nhìn nhận PN chỉ là một “hư cấu”[31] nên phủ nhận năng lực hành vi của PN, thì Otto von Gierke[32] là người xem PN là một tồn tại thực tế phải được thừa nhận, và là một tồn tại thực tế có ý chí, thông qua các cơ quan của nó mà có năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm. Do không thừa nhận năng lực hành vi của PN, nên đối với von Savigny thì PN được đại diện bởi các cơ quan của nó cũng như bởi người quản trị các cơ quan đó. Nhưng cũng do vậy mà cả hai học thuyết trong tuyệt đại đa số các trường hợp đều cho kết quả như nhau: hành vi của cơ quan PN cũng như người quản trị cơ quan PN có khả năng xác lập quyền và nghĩa vụ cho PN. Ngày nay, “học thuyết chủ thể hiện thực” về PN của von Gierke được thừa nhận rộng rãi trong lý luận pháp luật. BLDS Đức không hề sử dụng khái niệm “năng lực hành vi” đối với PN, nhưng năng lực đó được xem là tồn tại thông qua các quy định về hệ quả pháp lý của hành vi của người đại diện đối với PN. Trong khi đó BLDS Thụy Sỹ thừa nhận năng lực hành vi của PN một cách minh thị thông qua quy định tại Điều 54, theo đó “pháp nhân có năng lực hành vi (có khả năng hành động) ngay khi các cơ quan của chúng, mà theo luật và điều lệ là cần thiết, được bổ nhiệm”.
Lợi ích của việc thừa nhận năng lực hành vi của PN vượt ra ngoài luật dân sự, vì đó còn là cơ sở để quy kết trách nhiệm hình sự của PN. BLDS sửa đổi cũng có thể thừa nhận một cách minh thị năng lực hành vi của PN, điều đó không hề tổn hại đến chế định đại diện, bao gồm các quy định về đại diện của PN.
8. Vấn đề trách nhiệm dân sự của pháp nhân
Dường như với các quy định hoàn toàn trùng khớp với nhau của BLDS 1995 và BLDS 2005, theo đó PN “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” và “thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện” (Điều 94, 103 BLDS 1995, Điều 84, 93 BLDS 2005), đã hình thành ý niệm trong lý luận rằng, PN là loại chủ thể pháp luật có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn. Bởi vậy, ý định của Ban soạn thảo LDN 2005 về việc quy định công ty hợp danh có tư cách PN ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng quy định như vậy là trái với chế định PN của BLDS. Sau khi Luật này có hiệu lực và được áp dụng một thời gian, có tác giả vẫn tiếp tục khẳng định việc quy định công ty hợp danh có tư cách PN không chỉ trái hoàn toàn với chế định PN của BLDS cũng như được thừa nhận trên thế giới, mà cũng còn không phù hợp với lợi ích mà chế định PN đem lại cho đời sống pháp luật[33].
Tuy nhiên, thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Chẳng hạn, ở Đức xét trên phương diện lý luận kinh điển thì PN có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, nhưng bản thân BLDS Đức không có các quy định chung về PN và vì vậy cũng không có quy định chung về chế độ trách nhiệm tài sản của PN. Chế độ trách nhiệm tài sản của từng loại PN được quy định trong luật điều chỉnh loại PN đó[34]. Trong pháp luật công ty của Đức có loại “công ty hợp vốn cổ phần” (Kommanditgesellschaft auf Aktien – KGaA) là một loại công ty pha trộn giữa công ty CP và công ty hợp vốn.[35] Loại công ty này giống công ty CP ở chỗ vốn điều lệ của nó được chia thành cổ phần, một bộ phận thành viên (cổ đông) tham gia vào công ty mà chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn cổ phần của họ. Đồng thời, nó giống công ty hợp vốn ở chỗ nó có ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình (trách nhiệm tài sản vô hạn). Mặc dù có thành viên chịu trách nhiệm tài sản vô hạn, nhưng loại công ty hợp vốn cổ phần này được pháp luật công ty Đức quy định là PN[36]. Loại công ty hợp vốn cổ phần tương tự như Đức cũng có ở Thụy Sỹ, Liechtenstein (Kommanditaktiengesellschaft)[37], Pháp (Société en Commandite par Actions – S.C.A.). Ngược lại, cũng có loại công ty đối nhân, không có tư cách PN, nhưng không có thành viên chịu trách nhiệm tài sản vô hạn như ở Anh, Mỹ (Limited Liability Partnership – LLP), ở Nhật (Yūgen Sekinin Jigyō Kumiai), Singapore (Limited Liability Partnership – LLP). Như vậy, thực tiễn lập pháp trên thế giới cho thấy chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn theo lý thuyết PN không cản trở các nhà lập pháp sáng tạo các loại hình công ty có tư cách PN nhưng có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn. Lý thuyết PN đang thích nghi với điều kiện kinh tế – xã hội thay đổi đòi hỏi có đa dạng hơn các loại hình công ty cho việc tổ chức hoạt động kinh doanh của con người.
Thực chất, lý thuyết PN kinh điển nhằm tạo ra các chủ thể pháp luật hoàn toàn độc lập với các thành viên của nó; chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn là đặc quyền của thành viên của PN. Đặc quyền này của thành viên PN không có lợi gì cho chủ nợ của PN, vì họ chỉ có thể trông chờ vào khối tài sản độc lập của PN đó. Nên việc mở rộng phạm vi khối tài sản chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ (khoản nợ) của PN là có lợi cho các chủ nợ của PN. Vậy tại sao lại không tạo ra các loại PN (công ty) như vậy khi các nhà đầu tư có quyền lựa chọn loại PN (công ty) phù hợp với nhu cầu của mình? BLDS sửa đổi không nên bám vào học thuyết PN kinh điển, mà cần làm cho chế định PN có khả năng thích ứng với nhu cầu kinh tế – xã hội thay đổi. Nếu các nhà làm luật muốn giữ quy định “thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện”, thì cũng nên quy định thêm “trừ trường hợp luật về pháp nhân đó quy định khác”.
9. Vấn đề tổ chức lại pháp nhân
BLDS 2005 bỏ quy định vô lý trong BLDS 1995 về “thành lập lại pháp nhân” và gần như giữ nguyên các quy định về hợp nhất, sáp nhập, chia và tách PN của BLDS 1995, nhưng cũng không khắc phục thiếu sót của Bộ luật này bằng cách bổ sung quy định về chuyển đổi PN.
Các quy định về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách PN của các Bộ luật này đều rất “hẹp hòi”, vì chỉ cho phép các PN cùng loại hợp nhất, sáp nhập và chia, tách PN thành các PN cùng loại. Các LDN dường như “tuân thủ” quy định của các BLDS và cũng đều chỉ cho phép công ty cùng loại được phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty thành các công ty cùng loại. Điều này rõ ràng không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, bởi vì sự hạn chế như vậy đã buộc các nhà đầu tư (thành viên, cổ đông công ty) phải tiến hành nhiều bước, nhiều thủ tục và mất nhiều chi phí hơn mới đạt được mục tiêu cuối cùng của họ. Ví dụ: nếu các thành viên một công ty TNHH muốn chia công ty và chuyển đổi các công ty được chia thành các CTCP thì họ phải hoàn thành thủ tục chia rồi mới tiếp tục tiến hành thủ tục chuyển đổi được. Bởi vậy, BLDS sửa đổi cần cho phép hợp nhất, sáp nhập cả các PN khác loại, cho phép chia, tách PN thành các PN khác loại.
Mặc dù BLDS 2005 không quy định chuyển đổi PN, nhưng LDN 2005 có quy định về chuyển đổi công ty và cũng chỉ quy định việc chuyển đổi một số loại công ty trong phạm vi điều chỉnh của Luật này. Bởi vậy, cần sửa đổi BLDS 2005 không chỉ để nó không trở nên lạc hậu so với luật chuyên ngành (như LDN), mà còn tạo điều kiện cho luật chuyên ngành khác có thể quy định về việc chuyển đổi PN thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đó. Đặc biệt, đối với PN kinh doanh, cũng còn cần tạo ra sự liên thông giữa các loại PN kinh doanh, ví dụ như việc chuyển đổi hợp tác xã thành công ty.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS Luật học, Giảng viên Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
[1] Trương Thanh Đức, “Bình luận về chế định pháp nhân và đại diện pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2005”, tham luận Hội thảo Thực tiễn thi hành một số chế định của BLDS 2005 phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự – Bộ Tư pháp, Hà Nội 25/5/2012.
[2] Vũ Thị Minh Hồng, “Nhìn nhận quy định pháp nhân trong Bộ luật Dân sự 2005 dưới cái nhìn khoa học và hội nhập”, tham luận Hội thảo Tổng kết thực tiễn thi hành và góp ý hoàn thiện BLDS 2005 do Ban pháp chế VCCI và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, Hà Nội, ngày 01/3/2013.
[3] Trương Thanh Đức, tlđd.
[4] Trương Thanh Đức, tlđd; Đỗ Quyên, “Chế định pháp nhân – điểm yếu của Bộ luật Dân sự 2005”, http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=274271.
[5] Trương Thanh Đức, tlđd.
[6] Ý kiến của Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp), dẫn từ Đỗ Quyên, tlđd.
[7] Vũ Thị Minh Hồng, tlđd.
[8] Về cuộc tranh luận này, xem: Phan Huy Hồng, Lê Nết, “Trách nhiệm tài sản của pháp nhân: Hữu hạn hay vô hạn”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6(31)/2005, tr. 22-28; Đỗ Văn Đại, “Góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (chung): Cần quy định hợp lý về Công ty hợp danh”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6/2005, tr. 52 – 56. Tranh luận sau khi LDN 2005 được ban hành, xem: Lê Việt Anh, “Về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 113, tháng 1/2008.
[9] Xem: Tờ trình số 126/CP-XDPL ngày 28/9/2005.
[10] Xem Đỗ Văn Đại, tlđd.
[11] Phan Huy Hồng, Lê Nết, tlđd.
[12] Lê Việt Anh, tlđd.
[13] Ý kiến tương tự: Vũ Thị Minh Hồng, tlđd.
[14] Trường hợp này được tác giả Trương Thanh Đức nêu ra và bình luận dưới góc độ điều kiện pháp nhân trong bài viết nêu tại chú thích số 1.
[15] Trương Thanh Đức, tlđd.
[16] Phan Huy Hồng, Lê Nết, tlđd; Trương Thanh Đức, tlđd.
[17] Trương Thanh Đức, tlđd.
[18] Phan Huy Hồng, Lê Nết, tlđd.
[19] Điểm b khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 63, điểm c khoản 1 Điều 77 LDN 2005.
[20] Điểm b khoản 1 Điều 130 LDN 2005.
[21] Trương Thanh Đức, tlđd.
[22] Trần Thị Quang Hồng, Nguyễn Hồng Hải, Đỗ Thúy Hằng, “Rà soát văn bản pháp luật – BLDS”, http://luatsuadoi.vibonline.com.vn/Baocao/Bo-luat-Dan-su-16.aspx; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), “Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh”, Hà Nội, tháng 1/2011 (Phần 3. Mục XI); Vũ Thị Minh Hồng, tlđd; Trương Thanh Đức, tlđd; Bộ Tư pháp, “Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005”, Hà Nội tháng 5/2013 (Mục A.II.3.4)
[23] Bộ Tư pháp, tlđd.
[24] Đúng như nhận định tại: Bộ Tư pháp, tlđd (mục A.II.3.4).
[25] Ví dụ: LDN 2005 đều quy định, “công ty… có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” (khoản 2 Điều 38, khoản 2 Điều 63, khoản 2 Điều 77, khoản 2 Điều 130).
[26] Xem: Phan Huy Hồng, “Bàn về phạm vi năng lực pháp luật của pháp nhân kinh doanh”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 5/2005, tr. 54 – 59.
[27] Ví dụ: Bản án của TAND Tp. Hồ Chí Minh số 2354/2009/DSPT ngày 10/12/2009 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”. Xem bình luận liên quan đến bản án này: Nguyễn Quốc Vinh, “Sự trở lại đáng lo ngại của một học thuyết lỗi thời”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 13(174)/2010, tr. 51 – 55.
[28] Ví dụ: Bản án của TAND Tp. Hồ Chí Minh số 115/2010/KDTMST ngày 21/01/2010 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”; Bản án của TAND Tp. Đà Nẵng số 02/2013/KDTM–PT ngày 18/01/2013 về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ”.
[29] Xem: Nguyễn Quốc Vinh, tlđd.
[30] 1779-1861, nhà bác học người Phổ, sáng lập ra “Trường phái luật lịch sử” (historische Rechtsschule), có ảnh hưởng lớn đến khoa học luật của Đức từ thế kỷ XIX đến nay.
[31] Friedrich Carl von Savigny đại diện cho “thuyết hư cấu” (Fiktionstheorie), phủ nhận hiện thực của pháp nhân, xem pháp nhân chỉ là sự hư cấu.
[32] 1841-1921, nhà bác học Đức, nhà lịch sử pháp quyền, tác giả của nhiều cuốn kinh điển trong lĩnh vực luật nhà nước và tư luật, đại diện cho “thuyết chủ thể hiện thực“ (Theorie der realen Verbandspersönlichkeit) trong lý luận về pháp nhân.
[33] Lê Việt Anh, tlđd.
[34] Ví dụ: Điều 13(2) Luật Công ty TNHH của Đức (GmbHG), Điều 1(1) Luật Công ty CP của Đức (Aktiengesetz).
[35] Điều 278-290 Aktiengesetz, Điều 161 – 177a Bộ luật Thương mại của Đức (HGB).
[36] Khoản 1 Điều 278 Aktiengesetz.
[37] Điều 764 Obligationenrecht (Phần V BLDS Thụy Sỹ).
Tác giả: Phan Huy Hồng* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2013 – 2013, Trang 28-37
Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com
Trả lời