• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » Bản chất của doanh nghiệp xã hội và phân loại pháp nhân

Bản chất của doanh nghiệp xã hội và phân loại pháp nhân

30/04/2020 01/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Khái quát chung về Doanh nghiệp xã hội và pháp nhân
  • 2. Đặc điểm của Doanh nghiệp xã hội
  • 3. Phân loại pháp nhân
  • 4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo BLDS năm 2015

  • Tác giả: Lê Nhật Bảo
  • Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(120)/2018 – 2018, Trang 63-69

TÓM TẮT

Hiện nay, doanh nghiệp xã hội đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đem lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn chung thì doanh nghiệp xã hội vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ trong khoa học pháp lý ở nước ta. Nhằm góp phần làm sáng tỏ bản chất của doanh nghiệp xã hội, bài viết trình bày một số vấn đề lý luận về doanh nghiệp xã hội như: quan niệm, đặc điểm của doanh nghiệp xã hội, từ đó đánh giá về cách phân loại pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

ABSTRACT:

Social enterprises play an important role in addressing social and environmental issues that are beneficial to the community. However, in general, social enterprises are still a relatively new issue in our legal studies. Therefore, in order to contribute to the clarification of the nature of social enterprises, this article presents some theoretical issues on social enterprises such as: concept, characteristics and analysis of classification of juridical persons in the 2015 Civil Code for legal entity.

TỪ KHÓA: Luật Doanh nghiệp năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội,

KEYWORDS: the 2014 Law on Enterprise, the 2015 Civil Code, enterprise, social enterprise,

Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo BLDS năm 2015

1. Khái quát chung về Doanh nghiệp xã hội và pháp nhân

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã phân loại pháp nhân thành hai loại: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Theo đó, khoản 2 Điều 76 BLDS năm 2015 liệt kê doanh nghiệp xã hội (DNXH) vào một trong các loại pháp nhân phi thương mại. Cách quy định này đã đưa đến một số quan điểm cho rằng có sự mâu thuẫn giữa BLDS năm 2015 với Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN năm 2014) về bản chất pháp lý của DNXH. Vậy vấn đề này được nhìn nhận như thế nào?

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì Vương quốc Anh là nơi mà DNXH được ra đời sớm nhất và có phong trào phát triển mạnh nhất hiện nay trên thế giới.[1] Sự phát triển của mạng lưới DNXH tại Anh là kết quả nỗ lực của cộng đồng các doanh nhân xã hội (social entrepreneur) và những hỗ trợ thích hợp từ phía Chính phủ Anh.

Vào năm 1965, phong trào thương mại công bằng (fair trade) xuất hiện tại Anh với chương trình “help by sell”. Phong trào này có các cửa hàng từ thiện bán sản phẩm đã qua sử dụng cho người thiện nguyện với ý nghĩa vừa mua hàng vừa đóng góp gây quỹ. Hoạt động này của Oxfam đã rất thành công và mang hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.[2] Tiếp theo vào năm 1970, các mô hình khác nhau ra đời bắt đầu dùng hình thức kinh doanh để hướng đến một xã hội tốt đẹp. Đến năm 1979, khi Thủ tướng Margaret Thatcher lên nắm quyền, bà chủ trương thu hẹp vai trò của Nhà nước, từ đó các dịch vụ công, phúc lợi xã hội được thực hiện thông qua các tổ chức dân sự và tư nhân. Đây chính là những tiền đề quan trọng để DNXH có thể phát triển mạnh và trở thành một phong trào rộng khắp.

Từ năm 1980, các doanh nghiệp tạo thu nhập để thực hiện mục tiêu xã hội tăng vọt. Những doanh nghiệp như vậy thường được gọi là “doanh nghiệp xã hội” (social enterprises). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thuật ngữ này chưa có định nghĩa chính thức.[3] Đến năm 1981, trong tác phẩm Social Audit a Management Tool for Co-operative Working của tác giả Freer Spreckley, cụm từ “social enterprises” được định nghĩa[4] và bắt đầu được sử dụng phổ biến ở Anh. Tuy nhiên, thuật ngữ “social enterprises” có thật sự bắt nguồn từ Anh hay không thì chưa có một sự khẳng định chắc chắn bởi có nghiên cứu cho rằng thuật ngữ này được dùng đầu tiên ở Ý vào năm 1980.[5]

Đến năm 1999, trong ấn phẩm Enterprise and Social Exclusion, Chính phủ Anh đã mô tả khái quát về các DNXH như là nhóm các tổ chức giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường thông qua các hoạt động kinh doanh.[6] Tiếp theo sau đó, vào năm 2002, Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về DNXH trong tác phẩm Social Enterprise: a strategy for success. Theo đó, “DNXH là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”.[7] Mặc dù Vương quốc Anh là nơi có lịch sử phát triển DNXH sớm nhất trên thế giới và thuật ngữ DNXH đã được sử dụng từ những năm 1980, nhưng mãi đến năm 2002 định nghĩa về DNXH mới được Chính phủ Anh thừa nhận một cách rõ ràng. Cách định nghĩa này rất toàn diện, bám sát những đặc điểm cơ bản của DNXH. Cụ thể: (i.) DNXH tại Anh được sử dụng để chỉ mục đích của hành vi kinh doanh (the purpose of a business), chứ không phải với tư cách là một hình thức pháp lý (not its legal form);[8] (ii.) mục tiêu xã hội được đặt ra như một sứ mệnh cơ bản và trước tiên của việc thành lập tổ chức đó; (iii.) về nguyên tắc lợi nhuận được tái phân phối lại cho cộng đồng, không phải cho cá nhân mang tính chất tư lợi.[9]

Nhờ những hiệu quả của DNXH mà nó đã được nhân rộng ở khắp các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và trở thành phong trào rộng lớn trên thế giới như hiện nay. Ngoài Vương quốc Anh, trên thế giới còn có nhiều quan niệm khác nhau về DNXH. Sự khác biệt này xuất phát từ nhu cầu xây dựng các chính sách khác nhau đối với DNXH. Chẳng hạn như ở Vương quốc Anh, Nhà nước thường không hỗ trợ trực tiếp cho các DNXH mà thông qua các tổ chức, mạng lưới trung gian. Do đó, để khuyến khích và mở rộng phạm vi các chủ thể được xem là DNXH, Chính phủ Anh đã xây dựng định nghĩa về DNXH khá thông thoáng.

Khác với nước Anh, Việt Nam không có định nghĩa về DNXH, nhưng có đặt ra các tiêu chí để nhận diện DNXH tại khoản 1 Điều 10 LDN năm 2014. Các tiêu chí này bao trùm khá đầy đủ các đặc điểm cơ bản của DNXH. Tuy nhiên, DNXH theo pháp luật Việt Nam và Vương quốc Anh có những khác biệt như:

Một là, DNXH theo pháp luật Việt Nam được thành lập theo một trong các loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh trong LDN năm 2014. Trong khi đó, DNXH ở Anh có thể tồn tại với bất kỳ hình thức pháp lý nào phù hợp cho công việc kinh doanh của các nhà đầu tư. Hiện nay, DNXH ở Anh hoạt động dưới rất nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau, DNXH có thể chỉ là một thương nhân đơn lẻ hoặc ở quy mô lớn hơn như công ty trách nhiệm hữu hạn (limited company), công ty vì lợi ích cộng đồng (community interest company), các hợp tác xã (co-operative societies) và các hội vì lợi ích cộng đồng (community benefit societies).[10]

Hai là, DNXH theo pháp luật Việt Nam được thành lập theo thủ tục được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP và Thông tư số  04/2016/TT-BKHDT. Vương quốc Anh không có một quy trình đăng ký DNXH riêng, nhà đầu tư sẽ thành lập DNXH dựa trên hình thức pháp lý “gốc” mà mình đã lựa chọn và việc đăng ký DNXH lúc này sẽ là đăng ký theo hình thức pháp lý đó.

Bài viết cùng số Tạp chí

  • Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự về những quy định chung
  • Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự về quản lý, giam giữ phạm nhân
  • Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng
  • Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án hình sự về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ
  • Một số ý kiến về người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010
  • Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội: thực trạng và kiến nghị
  • Bất cập trong quy định pháp luật về hoạt động quản lý chất thải nguy hại và các kiến nghị hoàn thiện
  • Căn cứ thay đổi người tiến hành tố tụng theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
  • [BÀI ĐANG ĐỌC] Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Vấn đề gia nhập Công ước Hague năm 2005 về Thỏa thuận lựa chọn Tòa án của liên minh châu Âu – một số kinh nghiệm cho Việt Nam

2. Đặc điểm của Doanh nghiệp xã hội

Mặc dù có những khác biệt về quan niệm, nhưng DNXH ở cả hai nước đều có những đặc điểm cơ bản dưới đây.

Thứ nhất, DNXH có các hoạt động kinh doanh để giải quyết các vấn đề xã hội nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng

Pháp luật của nhiều nước không có khái niệm chung về “doanh nghiệp” (enterprise) mà chỉ đưa ra định nghĩa pháp lý về từng loại hình doanh nghiệp, nội hàm của khái niệm doanh nghiệp được giải nghĩa thông qua việc chế định đặc điểm pháp lý của những hình thức tổ chức kinh doanh cụ thể (cá nhân kinh doanh, hợp danh, công ty…).[11] Lúc này, khái niệm doanh nghiệp đồng nghĩa với khái niệm chủ thể kinh doanh (business entity). Theo đó, doanh nghiệp là các chủ thể pháp luật (cá nhân hoặc tổ chức), được xác lập tư cách theo quy định của pháp luật để hoạt động kinh doanh.[12] Do đó, thuật ngữ “social enterprise” thể hiện một trong các đặc điểm cơ bản của DNXH là phải có các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, phạm trù “kinh doanh” ở đây cần được hiểu trong mối quan hệ biện chứng với “mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội”. Đặc điểm này được làm rõ hơn thông qua sự so sánh với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp truyền thống. Cụ thể:

Ở doanh nghiệp truyền thống, các nhà đầu tư dựa vào thị trường để tìm ra nhu cầu của khách hàng, từ đó lên kế hoạch và chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thông qua hàng loạt các hoạt động kinh doanh được điều tiết bởi các quy luật của nền kinh tế thị trường để đạt được mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Nói cách khác, lợi nhuận trở thành động lực chính để nhà đầu tư quyết định tìm giải pháp kinh doanh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và tối đa hóa lợi nhuận. Trong khi đó, đối với DNXH thì yếu tố “lợi nhuận” không phải là yếu tố quyết định đến sự ra đời của DNXH mà chính từ các vấn đề đang tồn tại trong xã hội. Các vấn đề xã hội trở thành động lực để các nhà đầu tư tìm kiếm và quyết định mô hình kinh doanh phù hợp. Nói cách khác là nhà đầu tư sử dụng phương thức kinh doanh để giải quyết vấn đề xã hội mà họ đã phát hiện ra. Đối tượng được hưởng lợi từ việc kinh doanh của DNXH chủ yếu không phải là các chủ sở hữu DNXH – người đã bỏ vốn và công sức cho DNXH của mình, thay vào đó là các vấn đề về xã hội, môi trường… Một khi vấn đề xã hội được giải quyết thì mục đích của DNXH đã đạt được, dù có thể chính DNXH không thu về được lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ. Nói cách khác, việc kinh doanh của DNXH đã bao trùm trong nó việc giải quyết các vấn đề xã hội để đem lại lợi ích cho cộng đồng. Với ý nghĩa đó, lợi nhuận chỉ như là biện pháp trung gian để đạt được mục tiêu.

Dù rằng doanh nghiệp truyền thống và DNXH đều hoạt động theo cơ chế thị trường, nghĩa là phải có doanh thu và chịu sự tác động bởi các quy luật thị trường, tuy nhiên chúng khác nhau về bản chất và mục đích. Do đó, sẽ thiếu chính xác nếu xem đặc điểm kinh doanh tách rời ra khỏi mục tiêu vì xã hội khi tìm hiểu về DNXH.

Như vậy, đặc điểm thứ nhất cho thấy, DNXH vẫn tiến hành kinh doanh, nhưng nguồn gốc hình thành việc kinh doanh là xuất phát từ vấn đề xã hội đang tồn tại và mong mỏi giải quyết vấn đề đó của nhà đầu tư. Mục đích này hình thành và chi phối suốt quá trình đầu tư kinh doanh của DNXH. Thứ hai, DNXH sử dụng phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội mà DNXH theo đuổi

Đặc điểm này góp phần chỉ rõ sự khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống với DNXH. DNXH hoạt động vì cộng đồng, lợi nhuận thu về sẽ được tái đầu tư để phục vụ cho cộng đồng. Số tiền mà DNXH tái đầu tư như vậy không nhất thiết phải là tất cả lợi nhuận mà họ thu được mà có thể chỉ là một phần. Số lợi nhuận còn lại được DNXH sử dụng nhằm ổn định hoạt động kinh doanh, phát triển doanh nghiệp hoặc trả cho các chủ sở hữu để khuyến khích việc đầu tư nhiều hơn vào các DNXH. Cũng vì đặc điểm này mà thường thì DNXH không được xem là con đường làm giàu.

Hiện nay DNXH hay bị nhầm lẫn với trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp.[13] TNXH là cam kết nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng thông qua quá trình kinh doanh và đóng góp của các doanh nghiệp một cách tự nguyện. Có ba hướng chính trong hoạt động nhằm thực hiện TNXH của doanh nghiệp: (i.) bảo hộ lao động, (ii.) tạo điều kiện lao động thuận lợi cho người lao động, (iii.) bảo vệ môi trường và tham gia vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.[14] Thực hiện TNXH góp phần tạo thêm danh tiếng cho doanh nghiệp. Nó bảo đảm tính bền vững của doanh nghiệp trong xã hội, cộng đồng và như thế, xét về phương diện trường tồn, đó là nhu cầu nội tại trong phát triển của doanh nghiệp.[15]

Về cơ bản, DNXH khác với TNXH của một doanh nghiệp theo đuổi lợi ích lợi nhuận thuần túy.[16] Bản chất của TNXH là ghi nhận sự cam kết tự nguyện của doanh nghiệp thực hiện những chuẩn mực đạo đức, xã hội vì mục tiêu con người và phát triển bền vững, mang tính chất là hoạt động bổ sung của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện TNXH vẫn là các doanh nghiệp thông thường với mục tiêu và bản chất tìm kiếm lợi nhuận cho chủ sở hữu, thành viên, cổ đông. Trong khi đó, tôn chỉ, mục đích và toàn bộ hoạt động của DNXH là để giải quyết vấn đề xã hội đã xác định ngay từ khi thành lập và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.[17]

Chính vì các đặc điểm như trên mà DNXH có những nét đặc trưng nhất định. Nó không giống như các doanh nghiệp truyền thống và cũng hoàn toàn khác biệt so với các tổ chức thiện nguyện. DNXH vừa có nét của một pháp nhân thương mại và có cả những đặc điểm của một pháp nhân phi thương mại. Vậy nên, các học giả trên thế giới cũng đã hình thành nên những thuật ngữ mới khi đề cập đến DNXH như “hybrid legal entity” hay “hybrid nature” hay “hybrid enterprises” (có thể tạm dịch là “pháp nhân hỗn hợp” hay “thực thể pháp lý hỗn hợp” hay “doanh nghiệp hỗn hợp”).

3. Phân loại pháp nhân

Một trong những điểm mới của BLDS năm 2015 là phân loại pháp nhân gồm có hai loại: pháp nhân thương mại (Điều 75) và pháp nhân phi thương mại (Điều 76). Cả hai điều luật này đều sử dụng phương pháp định nghĩa để giải thích các phạm trù “pháp nhân thương mại” và “pháp nhân phi thương mại”. Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 còn kết hợp cả phương pháp liệt kê các loại tổ chức được xếp vào hai nhóm này. Xét theo từng quy định thì DNXH không phải là pháp nhân thương mại, nhưng có thể là pháp nhân phi thương mại. DNXH được tác giả đề cập dưới đây chỉ bao gồm các DNXH được tổ chức theo một trong các loại hình công ty (tổ chức có tư cách pháp nhân). Theo khoản 1 Điều 75 BLDS năm 2015 thì “pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên” (doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác). DNXH không có mục tiêu chính để tối đa hóa lợi nhuận làm giàu cho các nhà đầu tư, mà tổ chức này được ra đời với sứ mệnh giải quyết các vấn đề xã hội. DNXH chỉ đơn thuần sử dụng kinh doanh như một giải pháp hữu hiệu và bền vững để thực hiện mục tiêu cuối cùng của mình. Các nhà khoa học pháp lý còn xếp DNXH vào nhóm các doanh nghiệp có mục đích hoạt động chủ yếu vì xã hội.[18] Nếu cho rằng DNXH có mục tiêu chính nhằm tìm kiếm lợi nhuận thì chúng ta đang đánh đồng DNXH như các doanh nghiệp thông thường khác và như vậy thì đang phản ánh không đúng với bản chất của DNXH. Xét theo định nghĩa về pháp nhân thương mại như trên thì mọi DNXH ở nước ta không thể đáp ứng được. Vậy nên, DNXH theo BLDS năm 2015 không phải là pháp nhân thương mại.

Trong khi đó, Điều 76 BLDS năm 2015 quy định như sau:

“1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. ….”

Với quy định trên thì một pháp nhân được xếp vào nhóm pháp nhân phi thương mại khi thỏa mãn đủ cả hai điều kiện: (i.) pháp nhân đó không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và (ii.) nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Quan niệm về pháp nhân phi thương mại như vậy rất phù hợp với các tổ chức thiện nguyện, quỹ từ thiện, hội, trung tâm, quỹ bảo trợ trẻ em… Nhìn chung, đây là những tổ chức chuyên thực hiện các hoạt động cứu trợ, vận động sự quyên góp của các nhà hảo tâm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Như đã trình bày, DNXH không có mục tiêu chính nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Vấn đề này cũng được nêu rất rõ ràng tại điểm b khoản 1 Điều 10 LDN năm 2014 với quy định rằng “DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đem lại lợi ích cho cộng đồng”. Tuy nhiên, nếu xét ở điều kiện (ii.) thì phần lớn các DNXH ở nước ta sẽ khó có thể đáp ứng được. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 LDN năm 2014 thì DNXH chỉ bị bắt buộc dùng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư phục vụ các mục tiêu xã hội, môi trường mà mình đăng ký giải quyết. DNXH dù có mục tiêu chủ yếu là giải quyết các vấn đề xã hội nhưng để tồn tại và phát triển nó dựa vào hoạt động kinh doanh – tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, xét về bản chất thì DNXH không phải là một pháp nhân phi thương mại theo đúng nghĩa. Do đó, việc nhiều DNXH không đáp ứng được điều kiện (ii.) là lẽ dĩ nhiên.

Theo chúng tôi, các pháp nhân được liệt kê tại khoản 2 Điều 76 BLDS năm 2015 chỉ trở thành pháp nhân phi thương mại khi nó đáp ứng đầy đủ hai điều kiện ở khoản 1. Nói cách khác, chúng ta cần kết hợp cả khoản 1 và khoản 2 để xác định pháp nhân nào là pháp nhân phi thương mại. Do đó, nhiều DNXH ở nước ta không phải là pháp nhân phi thương mại. Tuy nhiên, lúc này việc xếp loại DNXH vào nhóm pháp nhân nào sẽ trở nên khó khăn bởi đây cũng không phải là pháp nhân thương mại.

Ngoài ra, đặt trường hợp DNXH không chia lợi nhuận cho các chủ sở hữu mà dùng toàn bộ số lợi nhuận này để tái đầu tư vào các mục tiêu xã hội mà mình theo đuổi thì khi đó DNXH được coi là pháp nhân phi thương mại theo Điều 76 BLDS năm 2015. Thế nhưng, xét về bản chất của DNXH và cũng theo quan niệm của nhiều quốc gia trên thế giới thì DNXH không phải là một tổ chức phi lợi nhuận dù nó có dùng toàn bộ lợi nhuận để phục vụ cộng đồng. Ở Vương quốc Anh, nhiều công ty vì lợi ích cộng đồng dùng toàn bộ lợi nhuận và tất cả tài sản của nó để giải quyết các vấn đề của cộng đồng, loại hình công ty này được xếp vào nhóm pháp nhân “lai” mà không phải là pháp nhân thương mại hay phi thương mại. Vì DNXH mang bản chất “lai” nên việc khoác cho DNXH chiếc áo “pháp nhân thương mại” hay “pháp nhân phi thương mại” đều trở nên không phù hợp với “vóc dáng” của nó.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Ở nước ta, kể từ thời điểm được Luật Doanh nghiệp năm 2014 điều chỉnh đến nay, DNXH đã được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có BLDS năm 2015 với quy định xếp DNXH vào nhóm pháp nhân phi thương mại. Điều này dẫn đến quan niệm cho rằng mọi DNXH đều là pháp nhân phi thương mại. Ngoài ra, một số quan điểm khoa học cho rằng có sự mâu thuẫn giữa LDN năm 2014 với BLDS năm 2015 trong việc quy định DNXH là pháp nhân phi thương mại. Để lý giải vấn đề này, theo tác giả thì chúng ta cần lưu tâm những vấn đề dưới đây:

Thứ nhất, cần hiểu cách quy định tại khoản 2 Điều 76 BLDS năm 2015 trong sự kết hợp với khoản 1 của Điều luật này. Do đó, nhiều DNXH ở nước ta không phải là pháp nhân phi thương mại, khi này thì BLDS năm 2015 không có sự mâu thuẫn với LDN năm 2014. Tuy nhiên, xét về bản chất thì DNXH là một thực thể pháp lý “hỗn hợp” (hybrid legal entity), mang các đặc điểm của cả tổ chức lợi nhuận và tổ chức phi lợi nhuận truyền thống. Vì vậy, không nên đặt phạm trù “doanh nghiệp xã hội” vào “pháp nhân phi thương mại” hay “pháp nhân thương mại” như BLDS năm 2015. Để khắc phục hạn chế trên, pháp luật dân sự cần có những quy định đặc thù dành riêng cho DNXH trong việc phân loại pháp nhân.

Thứ hai, về nguyên tắc thì việc ban hành một chính sách thương mại có thể không tránh khỏi ảnh hưởng đến một số đối tượng nhất định. Vấn đề quan trọng là chính sách thương mại đó phải hợp pháp và hợp lý, bảo đảm lợi ích chung.[19] Vì vậy, việc điều chỉnh về DNXH cần xét đến các đặc trưng của chủ thể này, qua đó góp phần làm giảm các chi phí tuân thủ pháp luật. Cụ thể: (i.) DNXH được tổ chức theo một trong các loại hình doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận nên đối với các hoạt động kinh doanh của DNXH và phần lợi nhuận mà DNXH dùng để chia cho các chủ sở hữu cần được đối xử như là pháp nhân thương mại. Khi đó, trong môi trường kinh doanh thì DNXH và các doanh nghiệp thông thường khác đều được Nhà nước đối xử bình đẳng. Điều này góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và tuân theo các quy luật của thị trường; (ii.) đối với các hoạt động cụ thể để giải quyết các vấn đề xã hội nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng và phần lợi nhuận mà DNXH đem đi để tái đầu tư vào các mục tiêu xã hội thì cần được đối xử như là pháp nhân phi thương mại. Dựa vào cơ sở này, Nhà nước có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DNXH. Trên cơ sở đó, DNXH sẽ đồng hành cùng với Nhà nước trong việc thực hiện tốt hơn các mục tiêu tốt đẹp của mình.

CHÚ THÍCH

[1] Simon Li và Thomas Wong, Social enterprise policies of the United Kingdom, Spain and Hong Kong, Research and Library Services Division Legislative Council Secretariat, Hong Kong, 2007, tr. 06.

[2] Nguyen Dinh Cung, Luu Minh Duc, Pham Kieu Oanh and Tran Thi Hong Gam, Social Enterprise in Viet Nam concept, context and policies, Ha Noi, 2012, tr. 12.

[3] Simon Li và Thomas Wong, tlđd, tr. 6.

[4] Freer Spreckley, Social Audit A Management Tool for Co-operative Working, Nxb. Beechwood College, 1981, tr. 2.

[5] Jacques Defourny và Marthe Nyssens, “Social enterprise in Europe: At the crossroads of market, public policies and third sector”, Policy and Society, số 29, 2010, tr. 231.

[6] Cabinet Office, Social Enterprise Action Plan: Scaling New Heights, United Kingdom, 2006, tr. 10.

[7] Department of Trade and Industry, Social Enterprise: a strategy for success, United Kingdom, 2002, tr. 13.“A social enterprise is a business with primarily social objectives whose surpluses are principally reinvested for that purpose in the business or in the community, rather than being driven by the need to maximise profit for shareholders and owners”.

[8] Department for Business Innovation and Skill, “A Guide to Legal Forms for Social Enterprise 2011”, https://www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/31677/11-1400-guide-legal-forms-for-social-enterprise.pdf, truy cập ngày 11/11/2016.

[9] Lê Nhật Bảo, “Xác định mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội trong pháp luật của Vương quốc Anh, Hàn Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10/2017.

[10] Cabinet Office, tlđd, tr. 13.

[11] Sarah Riches và Vida Allen, Business Law, Pearson Education Limited, United Kingdom, 2009, tr. 307.

[12] Đồng Ngọc Ba, “Quan niệm về doanh nghiệp – một số vấn đề phương pháp luận”, Tạp chí Luật học, số 02/2004.

[13] Phan Thị Thanh Thủy, “Doanh nghiệp xã hội theo Luật Doanh nghiệp năm 2014”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 6/2015.

[14] Trần Hoàng Hải, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Khái niệm, các mô hình và kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 07/2016.

[15] Nguyễn Như Phát, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Một số vấn đề lý luận”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 07/2013.

[16] Konrad Adenauer Stiftung Seoul và John McDonald, Corporate Social Responsibility in Korea, KAS Journal on Contemporary Korean Affairs, 2014, tr. 99.

[17] Lê Nhật Bảo, “Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 2/2017.

[18] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về chủ thể kinh doanh, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 31 – 32.

[19] Phan Huy Hồng – Nguyễn Thanh Tú, Quyền tự do kinh doanh theo pháp luật Liên minh châu Âu và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 192.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Lê Nhật Bảo, “Doanh nghiệp xã hội theo pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 2/2017 [trans: Le Nhat Bao, “Social Enterprises according to Vietnamese Law”, Democracy and Law Journal, Vol. 2/2017]
  • Lê Nhật Bảo, “Xác định mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội trong pháp luật của Vương quốc Anh, Hàn Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10 (354) [trans: Le Nhat Bao, “Determining to Objectives of Social Enterprises under the Laws of the Great Britain, South Korea and Implications for Viet Nam”, State and Law Journal, Vol. 10(354)/2017]
  • Nguyen Dinh Cung, Luu Minh Duc, Pham Kieu Oanh and Tran Thi Hong Gam, Social Enterprise in Viet Nam concept, context and policies, Ha Noi, 2012
  • Cabinet Office, Social Enterprise Action Plan: Scaling New Heights, 2006, United Kingdom
  • Jacques Defourny và Marthe Nyssens, “Social enterprise in Europe: At the crossroads of market, public policies and third sector”, Policy and Society Journal, Vol. 29/2010
  • Department of Trade and Industry, Social Enterprise: a strategy for success, 2002, United Kingdom
  • Department for Business Innovation and Skill, “A Guide to Legal Forms for Social Enterprise 2011”,.https://www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/31677/11-1400-guide-legal-forms-for-social-enterprise.pdf, access on 11/11/2016
  • Trần Hoàng Hải, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Khái niệm, các mô hình và kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 07 (101)/2016 [trans: Tran Hoang Hai, “Corporate Social Responsibility: concept, models and experiences for enterprises”, Legal sciences Journal, Vol. 07/2016]
  • Phan Huy Hồng và Nguyễn Thanh Tú, Quyền tự do kinh doanh theo pháp luật Liên minh châu Âu và Việt Nam, 2012, Nxb. Chính trị quốc gia [trans: Phan Huy Hong & Nguyen Thanh Tu, Freedom of business under the Laws of the EU and Viet Nam, 2012, Chinh tri quoc gia Publisher]
  • Simon Li & Thomas Wong, Social enterprise policies of the United Kingdom, Spain and Hong Kong, Research and Library Services Division Legislative Council Secretariat, 2007, Hong Kong
  • Nguyễn Như Phát, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Một số vấn đề lý luận”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 07/2013 [trans: Nguyen Nhu Phat, “Corporate Social Responsibility: Some Theoretical Issues”, State and Law Journal, Vol. 7/2013]
  • Sarah Riches – Vida Allen, Business Law, Pearson Education Limited, 2009, United Kingdom
  • Konrad Adenauer Stiftung Seoul, John McDonald, Corporate Social Responsibility in Korea, KAS Journal on Contemporary Korean Affairs, 2014
  • Freer Spreckley, Social Audit A Management Tool for Co-operative Working, 1981, Beechwood College Publisher
  • Phan Thị Thanh Thủy, “Doanh nghiệp xã hội theo Luật Doanh nghiệp năm 2014”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 6(279) [trans: Phan Thi Thanh Thuy, “Social Enterprises according to Law on Enterprises 2014”, Democracy and Law Journal, Vol. 6(279)/2015]
  • Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về chủ thể kinh doanh (chủ biên: Bùi Xuân Hải), Nxb. Hồng Đức, 2016 [trans: Ho Chi Minh City University of Law (editor: Bui Xuan Hai), Textbook Law on business entities, Hong Duc Publisher, 2016]
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Tuyển tập đề cương câu hỏi ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam có đáp án tham khảo
[CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam
Tuyển tập nhận định đúng sai (bán trắc nghiệm) môn Luật Dân sự năm 2015 có đáp án tham khảo.
[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của BLHS 2015
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015
Quyền im lặng của pháp nhân phạm tội trong tố tụng hình sự
Quyền im lặng của pháp nhân phạm tội trong tố tụng hình sự
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Doanh nghiệp xã hội, Lê Nhật Bảo, Luật dân sự, Pháp nhân thương mại, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2018

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Căn cứ thay đổi người tiến hành tố tụng theo BLTTDS năm 2015
Next Post: Về gia nhập Công ước Hague 2005 của EU – Thỏa thuận lựa chọn Tòa án »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Tiên trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam pdf
  • Nguyễn Thị Vân Anh trong [CÓ ĐÁP ÁN] 185 Nhận định đúng sai Luật Hiến pháp Việt Nam 2013
  • TRẦN GIA BẢO trong [EBOOK] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam pdf
  • nguyễn hoàng lộc trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook
  • Đặng Anh trong [EBOOK] Giáo trình Luật Quốc tế pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng