Thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng
Tác giả: Hoàng Mạnh Thắng & Phạm Thị Thúy Hồng
TÓM TẮT
Yêu cầu thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng khi đáp ứng những điều kiện nhất định là một trong những quyền cơ bản của người yêu cầu công chứng được ghi nhận trong Luật công chứng năm 2014. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu này của người yêu cầu công chứng, công chứng viên cần nghiên cứu các quy định pháp luật cũng như những vấn đề thực tế liên quan nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho việc công chứng hợp đồng, giao dịch của mình. Bài viết dưới đây, thông qua một việc giải quyết yêu cầu công chứng đối với giao dịch liên quan đến tài sản của người bị tạm giam gây sự chú ý và nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau trong thời gian qua, nhóm tác giả phân tích, làm rõ các yếu tố liên quan đến việc công chứng ngoài trụ sở trong trường hợp này, từ đó đưa ra những vấn đề công chứng viên cần lưu ý, cân nhắc khi chấp nhận đề nghị thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Thực tiễn cho thấy, yêu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch từ nhóm chủ thể đặc biệt gồm: người đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc ở ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng xuất hiện khá nhiều trong hoạt động công chứng do những chủ thể này bị hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú.
Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch này được công chứng viên (CCV) thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 của Luật công chứng (LCC) năm 2015 quy định: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
1. Thực trạng việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng qua một vụ việc cụ thể do Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng tin
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (số Thứ Tư, ngày 16/12/2020) có đăng bài: “Bất thường từ vụ án tài xế Mercedes tông tiếp viên hàng không”.
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 15/12, Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (sinh năm 1988) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Phong là người thuê xe Mercedes lái và tông trực diện khiến người lái xe grab là ông Lê Mạnh Thường làm ông Thường tử vong tại chỗ và nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79%. Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử phạt Phong 6-7 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường cho ông Thường hơn 477 triệu đồng, bồi thường cho chị Hường 1,4 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo thú nhận sử dụng bằng lái xe và chứng minh nhân dân giả, sau khi tai nạn xảy ra bị cáo đã vứt bỏ những giấy tờ giả này trên đường. Bị cáo cho biết trong thời gian chờ Tòa án xét xử đã ký công chứng sang tên một căn hộ chung cư (mua trả góp chung với mẹ đẻ của mình là bà Trần Hoàng Họa Mi) cho người mẹ nên giờ không còn tài sản nào khác để chịu trách nhiệm với bị hại. Vào thời điểm ký văn bản chuyển nhượng, bị cáo đang bị tạm giam, có một người ở tổ chức hành nghề công chứng mang giấy tờ yêu cầu Phong ký. Bị cáo ký nhưng không biết giấy tờ đó có nội dung gì.
Qua diễn biến vụ việc xảy ra có thể thấy một số vấn đề liên quan:
Thứ nhất, trách nhiệm của cơ quan điều tra (CQĐT) trong việc Phong bán tài sản duy nhất khi đang bị tạm giam.
Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại”.
Trong vụ án này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo Phong là không thể tranh cãi khi vụ tai nạn mà Phong gây ra khiến một người chết, một người bị thương rất nặng.
Tuy việc kê biên tài sản của bị can trong thời gian bị tạm giam không phải là việc bắt buộc CQĐT phải làm nhưng trong vụ án này liệu CQĐT đã làm hết trách nhiệm của mình?
CQĐT có biết được bị cáo Phong chỉ có một tài sản, nếu biết thì tại sao lại “tạo điều kiện” để Phong bán tài sản trong khi đang bị tạm giam mà không ngăn chặn?
Thứ hai, phán quyết của Tòa án sơ thẩm trong việc giải quyết phần bồi thường dân sự trong vụ án hình sự.
Điều 30 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Vụ án này, bị cáo Phong tự nguyện bồi thường cho hai người bị hại tổng cộng 1,877 tỷ đồng (bồi thường cho ông Thường hơn 477 triệu đồng, bồi thường cho chị Hường 1,4 tỷ đồng) và hội đồng xét xử ghi nhận trong bản án. Tuy nhiên, phần xét hỏi tại tòa Phong khai chi tiết đã bán căn hộ cho mẹ trong thời gian tạm giam và không còn tài sản gì để bồi thường. Trong khi trong hợp đồng có nội dung: “Bà Mi trả tiền này cho Phong ngay sau khi văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ được công chứng”.
Như vậy, thực tế bị cáo Phong có tài sản là hơn 01 tỷ đồng từ tiền chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chứ không phải là không có tài sản gì. Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã không xoáy vào hồ sơ để làm rõ bản chất vấn đề là bị cáo vẫn có tài sản. Tòa đã chọn cách dễ dàng nhất là: “Hội đồng xét xử xét thấy người liên quan có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản bằng một vụ án dân sự”.
Thứ ba, trách nhiệm của CCV đã công chứng hợp đồng?
Về góc độ công chứng hợp đồng, theo quy định việc CCV chứng nhận hợp đồng chuyển
nhượng giữa mẹ con bị cáo Phong là không sai. Tuy nhiên, với diễn biến như trên thì có thể đặt ra nghi vấn liên quan đến tác nghiệp của CCV. Đó là CCV có nghi ngờ việc chuyển nhượng là để nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án hình sự mà Phong đang bị cáo buộc hay không? Thậm chí, sau phiên tòa sơ thẩm, CCV có cần đề nghị tòa án xem lại tính hợp pháp của hợp đồng công chứng này hay không?
Cơ quan chức năng cần làm rõ thực tế có việc bà Mi trả số tiền hơn 01 tỷ đồng cho người bán là bị cáo Phong ngay sau khi ký công chứng hay không, bằng hình thức nào. Nếu là chuyển khoản thì các cơ quan tiến hành tố tụng có làm các biện pháp xác minh để phong tỏa tài khoản của bị cáo Phong nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án hay không. Nếu là chuyển trả tiền mặt thì lúc ấy Phong đang là bị can bị tạm giam, vậy ai đã giữ khoản tiền đó và số tiền này hiện đang ở đâu, ai quản lý?
Nếu không có việc chuyển trả tiền trên thực tế thì có thể hiểu hợp đồng chuyển nhượng giữa mẹ con bị cáo Phong là hợp đồng giả cách hay không, có bị xem xét về hiệu lực hay không?
2. Một số quy định pháp luật công chứng viên cần lưu ý khi thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo đề nghị của người đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc
2.1. Về quyền thực hiện giao dịch của nhóm chủ thể này
– Người bị tạm giữ, tạm giam.
Khoản 3 Điều 19 của Luật tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án”.
Khoản 1 Điều 20 của Luật tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và Luật này, trong trường hợp sau đây:
“a/ Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
b/ Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
c/ Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định”.
– Người đang chấp hành án phạt tù.
Điểm e Khoản 1 Điều 27 của Luật thi hành án hình sự quy định phạm nhân có quyền: “Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật”.
Khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 14/2020/TT- BCA ngày 10 tháng 02 năm 2020 của Bộ Công an quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân (sau đây gọi là Thông tư số 14/2020/TT-BCA) quy định: “Phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác mà cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị cơ sở giam giữ phạm nhân không cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc yêu cầu cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp để giám sát chế độ gặp của phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét thực hiện theo đề nghị của cơ quan đang thụ lý vụ án và giải thích rõ cho người đến gặp phạm nhân”.
Khoản 6 Điều 3 của Thông tư số 14/2020/TT- BCA quy định: “Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân phải tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết theo giờ làm việc của đơn vị”.
Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 14/2020/TT- BCA quy định: “Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đề nghị được gặp phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm”.
Khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Thông tư số 14/2020/TT-BCA quy định:
“1/ Thân nhân đến gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ gặp phạm nhân (trường hợp gặp lần đầu chưa có sổ hoặc không có tên trong sổ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân) hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập và phải có một trong những giấy tờ cá nhân sau (trừ người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
Đối với phạm nhân là người nước ngoài, thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 52 Luật thi hành án hình sự năm 2019.
2/ Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác khi đến gặp phạm nhân phải có đề nghị bằng văn bản (đối với cá nhân, văn bản đề nghị phải được cơ quan nơi đang làm việc, học tập hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận) và phải có một trong những giấy tờ cá nhân được quy định tại Khoản 1 Điều này.
3/ Trường hợp người đến gặp phạm nhân không có giấy tờ cá nhân thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh”.
2.2. Một số lưu ý về thủ tục, giấy tờ cần thiết khi thực hiện công chứng đối với các giao dịch này
Theo Văn bản số 3162/C10-P8 ngày 12 tháng 6 năm 2020 của Bộ Công an hướng dẫn:
– Đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại viên đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc:
Khi các cơ quan, đơn vị chức năng có yêu cầu tiếp xúc phải có văn bản đề nghị (kế hoạch công tác), nội dung văn bản nêu rõ: Họ tên, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, tội danh, ngày bắt, án phạt của đối tượng tiếp xúc; nội dung, thành phần, thời gian tiếp xúc, các giấy tờ khác có liên quan và cử cán bộ tiếp xúc mang theo giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận hoặc thẻ chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy giới thiệu trực tiếp gặp Giám thị trại giam, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc để giải quyết.
– Đối với phạm nhân phạm các tội quy định tại Chương XIII các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XXVI các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phạm nhân là người nước ngoài và trại viên là người có chức sắc trong các tôn giáo, dân tộc ít người, hoặc các trường hợp theo yêu cầu nghiệp vụ, yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước, cơ quan, đơn vị đề nghị tiếp xúc cử cán bộ mang theo các giấy tờ nêu tại Mục 1 đến liên hệ với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng để được cấp giấy phép tiếp xúc.
2.3. Công chứng viên cần xem xét nghĩa vụ của người phạm tội khi thực hiện công chứng
Điều 48 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1/ Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
…………………
6/ Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại”.
Do vậy, CCV cần xem xét và yêu cầu xuất trình bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành, để xác định nghĩa vụ về tài sản của người phạm tội (phạm nhân) trước khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và việc công chứng hợp đồng, giao dịch cho những chủ thể đặc biệt nêu trên cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an, để bảo đảm an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch được công chứng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch cũng như của Nhà nước và chủ thể khác liên quan./.
Trả lời