Tại Việt Nam, nhà ở là một trong những tài sản có giá trị lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống con người. Trong thực tế của giao dịch dân sự, cũng như trong hoạt động công chứng các giao dịch về nhà ở rất phổ biến và được mọi người đặc biệt quan tâm. Luật nhà ở năm 2014 có đưa ra quy định về điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch tại Điều 118, theo quy định này điều kiện để nhà ở được tham gia giao dịch dân sự gồm bốn điều kiện cơ bản là: điều kiện về giấy chứng nhận; điều kiện về tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại; điều kiện về kê biên; điều kiện về thu hồi, giải toả và phá dỡ. Tuy nhiên, khi công chứng viên xem xét đánh giá các điều kiện này để xác định nhà ở có đủ điều kiện được tham gia giao dịch trong hoạt động công chứng hay không thì gặp không ít khó khăn bởi những quy định của pháp luật còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng nên thiếu cơ sở pháp lý cho công chứng viên giải quyết một số yêu cầu công chứng giao dịch về nhà ở trên thực tế. Từ đó không bảo đảm thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu công chứng.
Công chứng
Chính sách phát triển nghề công chứng
Sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, trong đó đáng lưu ý là bãi bỏ các quy định về “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng” đã dẫn đến tình trạng việc thành lập mới, chuyển địa điểm trụ sở Văn phòng công chứng một cách tự do và có xu hướng tập trung tại khu vực thành thị. Điều đó làm mất cân đối trong việc phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng, ảnh hưởng tới việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa; tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng và thanh danh của nghề công chứng, đi ngược lại với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Đây là vấn đề không chỉ những người hành nghề công chứng đặc biệt quan tâm mà còn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng, giới nghiên cứu, những người đang theo học tại các khóa đào tạo nghề công chứng. Trong bài viết này, tác giả làm rõ khái niệm về chính sách phát triển nghề công chứng, phân tích những bất cập của thực trạng pháp luật và thực trạng thực thi chính sách phát triển nghề công chứng từ khi Luật công chứng năm 2006 có hiệu lực cho đến nay. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những giải pháp để hoàn thiện pháp luật về chính sách phát triển nghề công chứng trong thời gian tới.
Những yêu cầu đảm bảo giá trị pháp lý và thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng
Văn bản công chứng (VBCC) là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của luật công chứng. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan và có giá trị chứng cứ. Bài viết phân tích những yêu cầu nhằm đảm bảo giá trị pháp lý, hiệu lực của văn bản công chứng và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về giá trị pháp lý và thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng là giao dịch dân sự.
Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Người chưa thành niên là một trong những chủ thể được quyền tham gia vào giao dịch dân sự. Tùy từng giao dịch dân sự, pháp luật có những quy định khác nhau về điều kiện tham gia giao dịch dân sự của người chưa thành niên. Trong đó, người đại diện theo pháp luật giữ vai trò quan trọng, trở thành điều kiện bắt buộc trong một số giao dịch. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay vẫn chưa rõ ràng trong việc nhận diện người chưa thành niên, xác định đúng vai trò của người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, điều kiện xác lập giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người chưa thành niên, đặc biệt trong hoạt động công chứng. Bài viết đề cập đến những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến chế định đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật.
Định hướng đào tạo nghề công chứng chất lượng cao tại Học viện Tư pháp
Hoạt động đào tạo nghề công chứng tại Học viện Tư pháp nhiều năm qua đã đóng góp thành tựu quan trọng tạo dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi bức thiết của xã hội đối với hoạt động nghề nghiệp, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động của nghề, Học viện Tư pháp cần phải có sự đổi mới trong đào tạo nghề công chứng. Đào tạo nghề công chứng chất lượng cao là giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới đó. Từ đặc thù nghề nghiệp, thực trạng đào tạo hiện nay và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của Đảng, Nhà nước thời gian tới, bài viết đề xuất mô hình, phương thức tuyển sinh, sửa đổi bổ sung chương trình đào tạo, phương thức đào tạo nghề công chứng chất lượng cao của Học viện Tư pháp trong thời gian tới.
Một số bất cập trong quy định về quyền thừa kế thế vị liên quan đến hoạt động công chứng
Thừa kế thế vị là quyền thừa kế phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, pháp luật dân sự hiện hành vẫn còn nhiều bất cập trong việc chứng minh điều kiện hưởng thừa kế thế vị khi áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn hoạt động công chứng. Bài viết dưới đây khái quát quy định chung của pháp luật Việt Nam liên quan đến xác định điều kiện phát sinh quyền thừa kế thế vị, đưa ra một số bất cập trong việc chứng minh quyền thừa kế thế vị trong thực tiễn hoạt động công chứng và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật.
Thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng
Yêu cầu thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng khi đáp ứng những điều kiện nhất định là một trong những quyền cơ bản của người yêu cầu công chứng được ghi nhận trong Luật công chứng năm 2014. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu này của người yêu cầu công chứng, công chứng viên cần nghiên cứu các quy định pháp luật cũng như những vấn đề thực tế liên quan nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho việc công chứng hợp đồng, giao dịch của mình. Bài viết dưới đây, thông qua một việc giải quyết yêu cầu công chứng đối với giao dịch liên quan đến tài sản của người bị tạm giam gây sự chú ý và nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau trong thời gian qua, nhóm tác giả phân tích, làm rõ các yếu tố liên quan đến việc công chứng ngoài trụ sở trong trường hợp này, từ đó đưa ra những vấn đề công chứng viên cần lưu ý, cân nhắc khi chấp nhận đề nghị thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.