Xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động của công ty chứng khoán theo pháp luật Việt Nam
TÓM TẮT
Bài viết trình bày những vấn đề pháp lý liên quan đến xung đột lợi ích trong hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) và chỉ ra rằng xung đột lợi ích là điều không thể tránh hỏi khi CTCK cung ứng nhiều dịch vụ. Do vậy, pháp luật cần có những quy định để điều chỉnh sự xung đột lợi ích này nhằm bảo vệ nhà đầu tư và hạn chế những tiêu cực của sự xung đột lợi ích đến sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK). Bài viết cũng trình bày kinh nghiệm của các quốc gia khi giải quyết vấn đề này và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh về xung đột lợi ích trong hoạt động của CTCK.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý về hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán của công ty chứng khoán – TS. Phan Phương Nam
1. Khái niệm, đặc điểm xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động của công ty chứng khoán
Về cơ bản, công ty chứng khoáng (CTCK) là chủ thể được thành lập và hoạt động nhằm tiến hành các hoạt động kinh doanh chứng khoán trên thị trường chứng khoáng (TTCK). Thông thường, CTCK có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh như: môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và tự doanh chứng khoán. Tùy theo từng điều kiện và sự cho phép của pháp luật, CTCK có thể được phép tiến hành một, một số hoặc tất cả các hoạt động cung ứng dịch vụ nêu trên. Tuy nhiên, nếu CTCK được phép tiến hành cùng lúc nhiều hoạt động cung ứng dịch vụ chứng khoán và cả hoạt động tự doanh thì sự xung đột lợi ích xuất hiện càng nhiều.[1] Nếu CTCK chỉ tiến hành một trong các hoạt động nêu trên thì có lẽ sự phức tạp và xung đột lợi ích khó có điều kiện xuất hiện.[2]
Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định pháp luật xác định khái niệm xung đột lợi ích. Tuy nhiên, thuật ngữ này đã xuất hiện từ rất lâu trong hoạt động của TTCK. Theo Norman S. Poser thì: “xung đột lợi ích chỉ một tình trạng mà trong đó các lợi ích của một người có thể xung đột với một nhiệm vụ ủy thác mà họ phải gánh chịu, hoặc trong đó một người có khả năng mâu thuẫn nhiệm vụ ủy thác cho hai hoặc nhiều người”.[3] Nói cách khác, xung đột lợi ích là thuật ngữ để chỉ tình trạng mà ở đó lợi ích của chủ thể này sẽ xung đột với lợi ích của chủ thể khác, sự xung đột lợi ích này không đảm bảo được các sự công bằng, trung thực trong hoạt động của TTCK. Vì vậy, trong phạm vi bài viết, có thể hiểu rằng: “xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động của CTCK là sự mâu thuẫn lợi ích có thể có giữa các chủ thể trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh của CTCK”.
Với cách hiểu như trên, xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động của CTCK có những đặc điểm như sau:
– Xung đột lợi ích luôn có sự tiềm ẩn mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình hoạt động kinh doanh của CTCK.
– Xung đột lợi ích có thể xuất hiện trong mối quan hệ giữa CTCK – khách hàng nhưng cũng có thể xuất hiện bởi mối quan hệ giữa khách hàng – CTCK – khách hàng.
– Xung đột lợi ích có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ của CTCK với thực hiện quyền kinh doanh của CTCK hoặc trong quá trình CTCK thực hiện nghĩa vụ của nó với các khách hàng.
Nhìn chung, xung đột lợi ích trong hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTCK có thể tồn tại dưới các hình thức sau:
Thứ nhất, trong hoạt động môi giới của CTCK, sự xung đột lợi ích trong hoạt động này có thể xuất hiện các trường hợp như:
i. Xung đột lợi ích có thể xuất hiện khi CTCK tiến hành hai hoạt động kinh doanh chứng khoán là hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới chứng khoán. Theo đó, để đạt được lợi ích của mình trong hoạt động tự doanh, đôi khi CTCK sẽ thực hiện những hoạt động chèn lệnh, giành mua, giành bán với khách hàng[4] vì những lợi thế của nó có được.
ii. Sự xung đột lợi ích trong hoạt động môi giới đôi khi là sự xung đột giữa các khách hàng của CTCK và có liên quan từ lợi ích cũng như sự đối xử không công bằng giữa các khách hàng với nhau của CTCK. Trong hoạt động môi giới, lợi ích của CTCK có được xuất phát từ doanh số hoạt động mua, bán chứng khoán của khách hàng. Do vậy, đôi khi vì lợi ích của mình, CTCK đã có những ưu tiên nhất định cho các lệnh có khối lượng và doanh số giao dịch lớn để hưởng phí môi giới cao. Điều này là hoàn toàn không hợp lý và công bằng.
iii. Sự xung đột lợi ích có thể xuất hiện khi CTCK vừa thực hiện hoạt động môi giới vừa thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán. Theo đó, là chủ thể bảo lãnh phát hành chứng khoán, CTCK có thể biết những thông tin nội bộ có giá trị và ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Sau đó hoặc chính CTCK sử dụng thông tin này để thu hút sự quan tâm của khách hàng về loại chứng khoán đó hoặc sử dụng các thông tin để hưởng lợi bất chính từ mua, bán chứng khoán. Điều này gây nên sự xung đột lợi ích giữa các khách hàng với nhau và lợi ích của CTCK và khách hàng.
Thứ hai, xung đột lợi ích có thể xuất hiện trong hoạt động tư vấn đầu tư của CTCK.
Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, CTCK sẽ tư vấn cho khách hàng bằng các sản phẩm cụ thể như cung cấp các kết quả nghiên cứu về chứng khoán, đưa ra các khuyến nghị có liên quan đến TTCK để khách hàng thực hiện hoạt động mua, bán chứng khoán. Do vậy, đôi khi có những sự xung đột nhất định trong hoạt động tư vấn của CTCK.
i. Xung đột giữa hoạt động tư vấn và hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán. Khi tiến hành bảo lãnh phát hành chứng khoán, tùy theo cam kết mà CTCK có thể có nghĩa vụ mua hay không mua một lượng chứng khoán của đợt phát hành. Theo đó, nếu CTCK có nghĩa vụ phải mua lại toàn bộ hoặc một phần lượng chứng khoán phát hành khi lượng chứng khoán chào bán bán không hết thì CTCK có thể lợi dụng vị trí là người tư vấn để có những tác động, định hướng thông qua việc đưa ra những khuyến nghị theo hướng tích cực cho chứng khoán mà CTCK đang chịu trách nhiệm bảo lãnh phát hành. Đôi khi những lời tư vấn và khuyến nghị đó không đảm bảo tính khách quan và hợp lý, có thể gây bất lợi cho khách hàng.
ii. Xung đột giữa hoạt động tư vấn và hoạt động tự doanh. Cũng vì mục tiêu sinh lợi, đôi khi để tối đa hóa lợi nhuận có được hoặc thực hiện các hoạt động cắt lỗ, CTCK có thể tư vấn cho khách hàng mua, bán trái chiều trong giao dịch chứng khoán với CTCK. Rõ ràng, trong hoạt động này, CTCK là người biết rõ nhưng khách hàng sẽ không biết rõ.
Thông qua các hình thái có thể tạo nên những sự xung đột lợi ích nhất định trong hoạt động cung ứng dịch vụ của CTCK, có thể kết luận rằng xung đột lợi ích là một đặc trưng quan trọng trong hoạt động cung ứng dịch vụ của CTCK dù đó là CTCK chỉ tiến hành hoạt động môi giới hay cùng với hoạt động môi giới là các hoạt động khác như tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán. Những xung đột lợi ích trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của dịch vụ do CTCK cung cấp. Điều này làm méo mó đi những quan hệ phát sinh trong hoạt động giao dịch chứng khoán trên TTCK, làm sai lệch việc hình thành giá theo quy luật về giá. Vì vậy, các quốc gia có những biện pháp tác động vào hoạt động của CTCK nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của TTCK nói chung và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng nói riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán, các chủ thể khác tham gia vào hoạt động của TTCK.
2. Kinh nghiệm hạn chế sự xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán theo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài
Để giải quyết xung đột lợi ích trên, có nhiều biện pháp và cách thức được đưa ra. Trong đó, “bức tường Trung Hoa” (Chinese Walls) là cách thức được nhiều học giả đề cập khi đưa ra cách thức hạn chế những vấn đề tiêu cực liên quan đến xung đột lợi ích. Cách thức này phát sinh đầu tiên ở Mỹ,[5] sau đó các nước học tập và chuyển hóa vào quy định pháp luật quốc gia.
Theo đó, thuật ngữ “bức tường Trung Hoa” là một ẩn dụ để mô tả tập hợp các quy định nội bộ và thủ tục (đôi khi bao gồm cả thủ tục để giám sát những quy tắc và thủ tục) được thành lập bởi một công ty với mục đích ngăn ngừa thông tin trong việc sở hữu một phần của các hãng (hoặc của một bộ phận trực thuộc của doanh nghiệp) truyền thông tin đó đến các bộ phận khác của công ty hoặc tập đoàn.[6]
Thực chất, “bức tường Trung Hoa” được đưa ra nhằm để hạn chế hoạt động giao dịch nội gián trên TTCK. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những trường hợp các CTCK khó có thể hạn chế được toàn bộ việc trao đổi, rò rỉ thông tin giữa các bộ phận trong công ty hoặc nếu có thì chỉ là sự hạn chế hoạt động trên xảy ra trong phạm vi, mức độ nhất định. Bởi lẽ đó mới chỉ là sự tách biệt giữa các phòng, ban trong CTCK nhưng chưa thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng xung đột lợi ích khi mà vẫn có những chủ thể nắm bắt và sử dụng thông tin đó một cách “vô ý” hoặc cố ý để không đảm bảo tính công bằng của TTCK. Ví dụ: Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc CTCK hoàn toàn có quyền tiếp cận các thông tin của đợt bảo lãnh phát hành chứng khoán từ bộ phận bảo lãnh, các khuyến nghị từ phòng tư vấn đầu tư, các nhận xét về tình hình chứng khoán, các đề nghị mua, bán chứng khoán từ phòng môi giới. Đó là khiếm khuyết của “bức tường Trung Hoa”.
Để bổ sung cho khiếm khuyết trên, Ủy ban Chứng khoán và trao đổi Hoa Kỳ (U.S. Securities and Exchange Comission, SEC) và pháp luật một số quốc gia có những bổ sung quan trọng nhằm bù đắp cho khiếm khuyết trên. Đó là các CTCK cần có một “danh sách cấm” để cảnh báo cho khách hàng biết đây là chứng khoán của những tổ chức phát hành chứng khoán mà CTCK đang có thông tin nội bộ.[7] Theo đó, các nhân viên của CTCK không được đưa ra bất kỳ lời khuyến nghị, tư vấn nào liên quan đến loại chứng khoán trong danh sách nêu trên.
Trên thực tế, quan điểm của các quốc gia khác nhau trong quá trình áp dụng “bức tường Trung Hoa” cũng có sự khác nhau. Ở Mỹ, ban đầu “bức tường Trung Hoa” được thiết kế nhằm dự phòng, để hạn chế sự xung đột lợi ích liên quan đến hoạt động giao dịch nội gián. Tuy nhiên, nó chưa được xem là một chế định được pháp luật sử dụng nhằm bảo vệ nhà đầu tư trong việc chống lại hoạt động giao dịch nội gián trên TTCK. Những năm gần đây thì pháp luật Mỹ mới chính thức sử dụng “bức tường Trung Hoa” vào cả hai mục đích trên. Trong khi đó, ở Anh, cùng với Luật Dịch vụ tài chính, các quy tắc thực hiện theo “bức tường Trung Hoa” đã được sử dụng cho các mục đích hợp pháp, như một sự phòng thủ chống lại nhiều loại trách nhiệm, không giới hạn giao dịch nội gián, nhưng bao gồm nhiều khía cạnh của môi giới chứng khoán với khách hàng.[8]
Bên cạnh đó, việc sử dụng “bức tường Trung Hoa” cũng gặp sự phản đối nhất định. Theo đó, mặc dù “bức tường Trung Hoa” có thể giảm xung đột giữa các nhà phân tích về lợi ích, nhưng biện pháp này đã làm gia tăng đáng kể chi phí cho hoạt động thực hiện.[9] Trong đó, cần phải đề cao tính tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên hành nghề chứng khoán, xây dựng đội ngũ kiểm tra, kiểm soát nội bộ để kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện các quy trình trong hoạt động cung ứng dịch vụ của các CTCK. Những người theo quan điểm này cho rằng xung đột lợi ích có thể được chữa khỏi bằng cách công bố thông tin đầy đủ.[10] Họ lập luận rằng việc ra đời “bức tường Trung Hoa” là nhằm hạn chế tình trạng giao dịch nội gián. Giao dịch nội gián có tồn tại là dựa trên thông tin có giá trị mà nhà đầu tư có thể trục lợi. Do đó, để hạn chế giao dịch nội gián, những người thuộc nhóm quan điểm này cho rằng: “tiết lộ thông tin liên tục là một phương tiện quan trọng để tránh xung đột trong vấn đề chứng khoán”.[11] Việc tăng tiết lộ và thực thi các quy định công bố thông tin sẽ loại bỏ sự hiện diện của thông tin bên trong các thị trường, ngăn chặn mọi hình thức của giao dịch nội gián.[12] Vì vậy, việc đưa các quy định trên vào trong pháp luật cũng được nhà làm luật tính toán đến.
Nhóm quan điểm thứ hai cũng có những sự hạn chế nhất định như sau:
Một là, mặc dù kêu gọi tuân thủ chế độ công bố thông tin là khá hay nhưng cần phải xác định thông tin nào là thông tin cần công bố và thông tin nào là thông tin không cần công bố. Thời gian nào được xác định là hợp lý cho việc công bố thông tin cũng là một thách thức không nhỏ cho nhà lập pháp.
Hai là, cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật về công bố thông tin sẽ được thực hiện như thế nào? Thông thường, pháp luật chỉ xử lý khi các thông tin không được công bố hoặc công bố không đúng quy định. Bởi những hoạt động vi phạm này có thể đã phát sinh hậu quả nhất định trên TTCK. Một khi đã phát sinh hậu quả thì nhà nước mới tiến hành xử lý.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia áp dụng cả hai biện pháp trên nhằm thể hiện sự dung hòa, sử dụng ưu điểm của biện pháp này bù đắp vào nhược diểm của biện pháp kia. Cách làm này giúp cho việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên TTCK được thực hiện hiệu quả hơn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xung đột lợi ích trong hoạt động kinh doanh của CTCK.
3. Thực trạng pháp luật về hạn chế xung đột lợi ích trong hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán ở Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
Như đã trình bày, pháp luật Việt Nam không đưa ra bất kỳ định nghĩa pháp lý nào về xung đột lợi ích nói chung và xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động của CTCK nói riêng. Tuy không có định nghĩa về thuật ngữ này nhưng pháp luật Việt Nam vẫn xác định có sự tồn tại của vấn đề này và đã đặt ra các quy định pháp luật điều chỉnh. Theo đó, mặc dù không có sự tuyên bố rõ ràng nhưng trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã lựa chọn giải pháp là kết hợp các nội dung trong “bức tường Trung Hoa” và ban hành các quy định về công bố thông tin nhằm hạn chế sự xung đột lợi ích trong hoạt động của CTCK. Tuy nhiên, những quy định nhằm hạn chế xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động kinh doanh của CTCK không nằm tập trung tại một điều khoản cụ thể mà nằm rải rác trong các nội dung về nghĩa vụ của CTCK, trách nhiệm của CTCK, các trường hợp cấm hoặc các quy định trong hoạt động cụ thể chào bán chứng khoán. Những điều khoản này cũng được quy định dàn trải trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, Thông tư số 210/2012/TT-BTC, Thông tư số 217/2013/TT-BTC, Thông tư số 52/2015/TT-BTC…
Về cơ bản, pháp luật chứng khoán của Việt Nam đã có những thành công nhất định khi quy định về vấn đề này. Theo đó, ở góc độ chung nhất trong hoạt động kinh doanh của CTCK, pháp luật xác định CTCK có nghĩa vụ thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan.[13] CTCK phải đảm bảo tách biệt về văn phòng làm việc, nhân sự, hệ thống dữ liệu, báo cáo giữa các bộ phận nghiệp vụ để đảm bảo tránh xung đột lợi ích giữa CTCK với khách hàng hoặc giữa các khách hàng với nhau. Người hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán không được đồng thời thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán.[14]
Trong từng hoạt động nghiệp vụ, pháp luật có những quy định cụ thể như:
Một là, trong hoạt động môi giới chứng khoán, pháp luật yêu cầu CTCK phải quản lý tách biệt chứng khoán của từng nhà đầu tư, tách biệt tiền và chứng khoán của nhà đầu tư với tiền và chứng khoán của CTCK. Ngoài ra, CTCK phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước lệnh của công ty hoặc cấm CTCK thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính. CTCK không được đưa ra ý kiến về việc tăng hay giảm giá chứng khoán mà không có căn cứ để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch, thỏa thuận hoặc đưa ra lãi suất cụ thể hoặc chia sẻ lợi nhuận hoặc thua lỗ với khách hàng để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch.
Hai là, trong nghiệp vụ tự doanh, CTCP phải công bố cho khách hàng biết khi mình là đối tác trong giao dịch thỏa thuận với khách hàng. Trong trường hợp lệnh mua, bán chứng khoán của khách hàng có thể ảnh hưởng lớn tới giá của loại chứng khoán đó, CTCK không được mua, bán trước cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán đó… [15]
Ba là, trong hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán, pháp luật quy định CTCK không được có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ hay mời gọi khách hàng mua bán một loại chứng khoán nào đó, cung cấp thông tin sai lệch, gian lận, hoặc gây hiểu nhầm cho khách hàng…[16]
Bên cạnh đó, chế độ về công bố thông tin cũng đã được pháp luật quy định cơ bản như hoạt động công bố thông tin của CTCK, của các tổ chức phát hành, công ty đại chúng, công bố thông tin của hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng…[17]
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì pháp luật điều chỉnh vào vấn đề này cũng có một số hạn chế nhất định sau :
Thứ nhất, vấn đề liên quan đến quy tắc đạo đức nghề nghiệp
Như đã xác định, sự xung đột lợi ích trong hoạt động của CTCK là điều không thể tránh được trong quá trình cung ứng dịch vụ của CTCK. Do vậy, để góp phần hạn chế và kiểm soát sự xung đột lợi ích trên, pháp luật cần có những điều chỉnh nhất định vào quá trình cung ứng dịch vụ này. Một trong các quy định đó là sự điều chỉnh về đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề chứng khoán. Điều này cũng chính là một yêu cầu trong nguyên tắc số 23 của Bộ nguyên tắc quản lý thị trường chứng khoán của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Theo đó, các tổ chức trung gian tài chính phải thực hiện việc tuân thủ tiêu chuẩn về tổ chức nội bộ, thực hiện nghiệp vụ nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, quản lý rủi ro… Do đó, pháp luật cần phải yêu cầu CTCK xây dựng các sổ tay nghiệp vụ, ban hành quy tắc đạo đức của người hành nghề chứng khoán trong công ty.[18] Tuy nhiên, dường như những quy định này vẫn chưa phát huy được hiệu quả trên thực tế. Những sự kiện xảy ra trên TTCK Việt Nam đã minh chứng sự không tuân thủ và vi phạm các nguyên tắc đạo đức hành nghề có thể gây ra những thiệt hại không nhỏ về tài chính cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, danh tiếng của tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường. Nghiêm trọng hơn, nó có thể làm suy giảm lòng tin của công chúng đầu tư – yếu tố vốn cần rất nhiều thời gian để tạo dựng và nhiều nỗ lực để duy trì.[19] Quy định trên chưa phát huy được ý nghĩa bởi lẽ còn nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh rõ ràng. Đơn cử, pháp luật yêu cầu các CTCK phải ban hành quy tắc đạo đức hành nghề chứng khoán. Tuy nhiên, quy tắc này bao gồm những nội dung gì thì pháp luật lại không đề cập.
Với nhiệm vụ là xây dựng quy chế về đạo đức nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán chính là tổ chức thực hiện hỗ trợ và giúp đỡ các CTCK xây dựng quy tắc đạo đức hành nghề chứng khoán của công ty. Trên thực tế, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-HHKDCK ngày 22/11/2006 về việc ban hành Quy tắc ứng xử của CTCK. Tuy nhiên, những quy định trong quyết định này vẫn còn mang tính chung chung và chưa chi tiết. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc ban hành và áp dụng quy tắc trong hoạt động cụ thể và hành nghề trực tiếp của người hành nghề chứng khoán tại các CTCK.
Vì vậy, đối với hạn chế này, chúng tôi cho rằng pháp luật Việt Nam nên tiến hành từng bước cho phù hợp với sự phát triển của TTCK. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà Hiệp hội kinh doanh chứng khoán chưa có đủ điều kiện về nhân lực, vật lực thì nên chăng cơ quan nhà nước quản lý trong lĩnh vực chứng khoán (Ủy ban chứng khoán nhà nước) hay cơ quan quản lý về lĩnh vực tài chính (Bộ Tài chính) cần ban hành quy tắc mẫu để các CTCK dựa vào đó xây quy tắc cho chính công ty mình. Khi nhân lực, vật lực đầy đủ thì pháp luật mới trao quyền cho Hiệp hội kinh doanh chứng khoán ban hành quy tắc mẫu điều chỉnh hoạt động hành nghề chứng khoán.[20]
Thứ hai, quy định về việc quản lý tiền của nhà đầu tư trong hoạt động môi giới chứng khoán
Pháp luật hiện hành cho phép CTCK được quyền xây dựng hai phương án để thỏa thuận cung cấp dịch vụ quản lý tiền của khách hàng: (i) CTCK sẽ liên kết với một ngân hàng thương mại để nhà đầu tư có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán và (ii) CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Trong đó, phương án một là phương án bảo vệ nhà đầu tư khỏi sự lạm dụng tiền của nhà đầu tư từ CTCK. Phương án hai mặc dù tạo thuận lợi cho CTCK trong quá trình thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán nhưng phương thức này khó đảm bảo được việc không lạm dụng tiền của khách hàng từ các CTCK.
Vì vậy, pháp luật cần thay đổi quan điểm về việc quản lý tiền của khách hàng trong hoạt động môi giới chứng khoán của CTCK theo hướng buộc các CTCK phải quản lý tài khoản tiền của khách hàng thông qua tài khoản đặc biệt tại ngân hàng thương mại. Việc buộc các CTCK phải thực hiện theo phương thức quản lý tiền khách hàng thông qua mối quan hệ ba bên: khách hàng, CTCK, ngân hàng thương mại là sự lựa chọn tối ưu, đảm bảo việc bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư, hạn chế những hoạt động tiêu cực của CTCK khi “lạm dụng tiền của khách hàng” và giải quyết được những hạn chế liên quan.
Thứ ba, quy định về xử phạt liên quan việc bảo vệ nhà đầu tư trong các xung đột lợi ích còn nhiều bất cập.
Pháp luật hiện hành có các quy định cấm, các nghĩa vụ của CTCK nhằm hạn chế xung đột lợi ích, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư trong hoạt động của CTCK nhưng lại thiếu quy định về chế tài. Khoản 3 điều 45 Thông tư số 210/2012/TT-BTC ghi nhận về nguyên tắc hoạt động của CTCK là phải công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK, người hành nghề chứng khoán và khách hàng. Tuy nhiên, nếu CTCK vi phạm quy định này thì lại không chịu bất kỳ chế tài nào từ pháp luật. Điều này là bất hợp lý bởi lẽ mọi hành vi vi phạm điều cấm sẽ bị coi là hành vi vi phạm và chủ thể thực hiện hành vi này sẽ phải gánh chế tài.
Theo chúng tôi, cần bổ sung chế tài đối với hành vi “không công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK người hành nghề chứng khoán và khách hàng” hoặc “không công bố lợi ích của mình về chứng khoán mà mình đang sở hữu cho khách hàng đang được tư vấn về chứng khoán đó”. Bổ sung này nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong quy định của pháp luật và nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư khi sử dụng dịch vụ của CTCK..
CHÚ THÍCH
[1] Norman S. Poser, “Chinese Wall or Emperor’s New clothes – Regulation conficts in Interest of securities firms in the US and the UK”, Michigan Yearbook of International Legal Studies, Vol. 9, 1998, tr. 92.
[2] Norman S. Poser, Tlđd (2), Vol. 9, 1998,p. 97.
[3] Norman S. Poser, Tlđd (2), Vol. 9, 1998, tr. 94; Gorman, Christopher M (2004), “Are Chinese Walls the Best Solution to the Problems of Insider Trading and Conflicts of Interest in Broker-Dealers”, Fordham Journal of Corporate & Financial Law, Vol. 9, Issue 2 (2004),p. 480.
[4] Randall W. Quinn, Deja vu all over again: The SEC’s return to the agency theory in the regulating broker-dealers, 1990, p. 66.
[5] Bức tường Trung Hoa xuất hiện đầu tiên vào năm 1968 như là một phần của việc giải quyết vấn đề phát sinh trong vụ Merrill Lynch. Theo đó, Merrill Lynch là bảo lãnh phát hành chính cho một đợt chào bán trái phiếu ra công chúng của Công ty hàng không Douglas. Merrill Lynch biết rằng công ty đã sửa đổi phần ước tính thu nhập của công ty thấp hơn đáng kể so với số liệu trước đó. Merrill Lynch đã đưa thông tin này đến bộ phận phụ trách bán hàng, người này nói với một số quỹ tương hỗ và một số khách hàng lớn khác. Trong thời gian ba ngày trước khi Douglas công bố công khai thông tin này, Merrill Lynch và các khách hàng bán chứng khoán để tránh giá trái phiếu trên giảm đáng kể. Vì vậy, để tránh xảy ra những lần sau, như một phần của việc giải quyết vụ việc Merrill Lynch, SEC tuyên bố rằng: “không cho phép tiết lộ bất kỳ thông tin nào của Phòng Bảo lãnh phát hành thu được từ một công ty (phát hành) cho bất kỳ các bộ phận nào trong công ty và không được tiết lộ thông tin trên cho công chúng đầu tư”. Đây được coi là quy định đầu tiên của bức tường Trung Hoa. Xem thêm Gorman, Christopher M, Tlđd (4), Vol. 9, 2004, p. 482 – 483.
[6] Roman Tomasic, “Chinese Walls, Legal Principle and Commercial Reality in Multi-Service Professional Firms”, University of New South Wales Law Journal, Vol. 14, Issue 1, 1991, tr. 48. Xem thêm McVea, Harry, “Financial Conglomerates and Conflicts of Interest: Resolving a Regulatory Dilemma”, Northern Ireland Legal Quarterly, Vol. 47, Issue 3 (Autumn 1996), p. 239.
[7] Roman Tomasic, Tlđd (7), Vol. 14, Issue 1, 1991, p. 53. Tham khảo thêm Poser, Norman S, Tlđd (1), p. 108.
[8] Norman S Poser, Tlđd (2), Vol. 9, p. 93.
[9] Gorman, Christopher M., Tlđd (4), Vol. 9, 2004, p. 482 – 483.
[10] Norman S Poser, Tlđd (2), Vol. 9, p. 100. Xem thêm Norman S Poser, “Conflicts of Interest within Securities Firms”, Brooklyn Journal of International Law, Vol. 16, 1990, p.121.
[11] Roman Tomasic, “Chinese Walls, Legal Principle and Commercial Reality in Multi-Service Professional Firms”, University of New South Wales Law Journal, Vol. 14, Issue 1 (1991), p. 72.
[12] Gorman, Christopher M, Tlđd (2), Vol. 9, 2004, p. 483.
[13] Khoản 1, 2 Điều 71 Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
[14] Khoản 3, 4 Điều 45 Thông tư số 210/2012/TT-BTC.
[15] Điều 53 Thông tư số 210/2012/TT-BTC.
[16] Điều 57 Thông tư số 210/2012/TT-BTC.
[17] Xem thêm Chương VIII Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Thông tư số 155/2015 Hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.
[18] Điều 3 Thông tư số 210/2012/TT-BTC ban hành ngày 30/12/2012.
[19] Trung tâm NCKH&ĐTCK, UBCKNN và CISI phối hợp tổ chức Hội thảo Liêm chính và đạo đức hành nghề trong ngành dịch vụ tài chính, bài viết được đăng trên http://www.ssc.gov.vn/ubck/faces/vi/vilinks/videtail/vichitiettintuc/vidstincongbo/vichitiet102?dDocName=APPSSCGOVVN162095806&_afrLoop=10039842653971812&_afrWindowMode=0&_afrWindowId=7acz6s4ry_83#%40%3F_afrWindowId%3D7acz6s4ry_83%26_afrLoop%3D10039842653971812%26dDocName%3DAPPSSCGOVVN162095806%26_afrWindowMode%3D0%26_adf.ctrl-state%3D7acz6s4ry_99, truy cập ngày 22/04/2016. Ngoài ra, còn nhiều vụ việc vi phạm pháp luật từ người hành nghề chứng khoán khác đã được báo chí và nhiều phương tiện thông tin đại chúng đề cập.
[20] Vấn đề này đã từng được pháp luật Việt Nam quy định trong hành nghề luật sư. Theo đó, thời ban đầu, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 356b/2002/QĐ-BTP ngày 05/08/2002 ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Sau đó, ngày 20/7/2011, Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ. Tương tự, ngày 30/10/2012, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP về quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
- Tác giả: TS. Phan Phương Nam
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 01(113)/2018 – 2018, Trang 39-46
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời