Một số vấn đề của pháp luật về hoạt động môi giới chứng khoán
Tác giả: TS. Phan Phương Nam*
TÓM TẮT
Bài viết đề cập đến các vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động môi giới chứng khoán của công ty chứng khoán. Thông qua việc nghiên cứu các nội dung có liên quan của pháp luật hiện hành áp dụng đối với hoạt động môi giới chứng khoán, bài viết chỉ ra và phân tích những hạn chế của những quy định pháp luật trong lĩnh vực này như nội dung của hợp đồng mở tài khoản, nội dung giao dịch ký quỹ … Từ đó bài viết đề xuất một số kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật về môi giới chứng khoán của công ty chứng khoán.
Xem thêm:
- Xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động của công ty chứng khoán theo pháp luật Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
- Một số vấn đề pháp lý về hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán của công ty chứng khoán – TS. Phan Phương Nam
TỪ KHÓA: Môi giới chứng khoán
1. Đặt vấn đề
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nguyên tắc trung gian là một trong các nguyên tắc cơ bản cho quá trình hoạt động. Theo đó, các nhà đầu tư thực hiện hoạt động mua, bán chứng khoán thông qua chủ thể trung gian là các nhà môi giới chứng khoán. Do vậy, có thể xem hoạt động môi giới là một hoạt động không thể thiếu trên TTCK. Việc nghiên cứu hoạt động môi giới chứng khoán cũng như pháp luật điều chỉnh về hoạt động môi giới chứng khoán là một vấn đề cần thiết trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về TTCK nói riêng. Điều này sẽ góp phần tạo nên một TTCK ổn định, phát huy tích cực vai trò của nó trong quá trình phát triển của nền kinh tế quốc gia, trong hoạt động xây dựng và phát triển đất nước.
Dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau, hoạt động môi giới được định nghĩa theo nhiều cách thể hiện khác nhau.
Dưới góc độ kinh tế, hoạt động môi giới được xem là một hoạt động cung cấp dịch vụ. Theo đó, môi giới chứng khoán được hiểu là hoạt động của: “i) một đại lý thu một khoản phí hoặc hoa hồng để thực hiện mua và lệnh bán được gửi bởi nhà đầu tư; ii) một công ty hoạt động như một đại lý cho khách hàng, thu phí của khách hàng một khoản hoa hồng cho dịch vụ của mình”[1] .
Dưới góc độ quản lý, môi giới là một hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi những chủ thể thỏa mãn các điều kiện theo quy định. Theo đó, hoạt động môi giới là một hoạt động chuyên nghiệp được cấp phép mua và bán cổ phiếu, trái phiếu, hoặc các quỹ tương hỗ với nhà đầu tư thông qua một tài khoản môi giới[2] .
Dưới góc độ nghiên cứu pháp lý thì: “Môi giới chứng khoán là hoạt động kinh doanh chứng khoán trong đó công ty chứng khoán làm trung gian đại diện cho khách hàng, tiến hành mua hoặc bán chứng khoán cho khách hàng và được hưởng hoa hồng từ hoạt động đó”[3] .
Dưới góc độ pháp lý, theo khoản 20 Điều 6 Luật Chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 thì: “Môi giới chứng khoánlà việc làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng”.
Từ những cách hiểu trên, môi giới chứng khoán có thể được hiểu một cách khái quát là hoạt động kinh doanh chứng khoán trong đó công ty chứng khoán (CTCK) làm trung gian đại diện cho khách hàng để tiến hành việc mua hoặc bán chứng khoán và được thu hoa hồng theo tỷ lệ từ hoạt động trên. Theo đó, hoạt động môi giới chứng khoán có những đặc điểm sau:
– Chủ thể thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phải là các chủ thể được phép thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán.
– Đây là hoạt động cung ứng dịch vụ và có thu phí.
– Hoạt động môi giới chứng khoán được thiết lập dựa trên cơ sở hợp đồng mở và quản lý tài khoản chứng khoán giữa CTCK và khách hàng.
Nhìn chung, hoạt động môi giới có nhiều vai trò tích cực đối với TTCK bao gồm: (i) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư; (ii) góp phần nâng cao tính thanh khoản của chứng khoán; (iii) giúp tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư và nâng cao khả năng tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư; và (iv) giúp cho hoạt động chào bán chứng khoán được thực hiện một cách nhanh chóng.
Có thể thấy, hoạt động môi giới chứng khoán là hoạt động rất quan trọng, là cơ sở, nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của TTCK. Tuy nhiên, khi tham gia vào hoạt động môi giới chứng khoán, các quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi chủ thể đều có thể bị ảnh hưởng từ các chủ thể khác. Do vậy, việc nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh vào hoạt động môi giới chứng khoán là rất cần thiết và quan trọng nhằm bảo vệ các chủ thể tham gia. Cụ thể, việc ban hành pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động môi giới chứng khoán nhằm thỏa mãn các yêu cầu sau: (i) đảm bảo an toàn trong hoạt động môi giới của CTCK; (ii) bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, và (iii) đảm bảo tính công bằng trong hoạt động giao dịch trên TTCK.
Theo đó, pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới chứng khoán của CTCK là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan trong quá trình mở và quản lý tài khoản, sử dụng tài khoản thực hiện giao dịch chứng khoán của khách hàng giữa nhà đầu tư và CTCK nhằm đảm bảo sự bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể tham gia và sự phát triển ổn định lâu dài của TTCK.
2. Những hạn chế trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới của CTCK:
Hiện nay, nội dung của pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới chứng khoán được quy định trong Luật Chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán năm 2010, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ban hành ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán và Thông tư 210/2012/TT-BTC ban hành ngày ngày 30 tháng 12 năm 2012 hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán.
Về cơ bản, những vấn đề về hoạt động môi giới chứng khoán đã được pháp luật điều chỉnh khá chi tiết như: các nguyên tắc, nội dung của hoạt động môi giới, nội dung của hợp đồng mở và quản lý tài khoản… Tuy nhiên, thông qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng pháp luật điều chỉnh về hoạt động môi giới chứng khoán của công ty chứng khoán vẫn còn có những điểm hạn chế nhất định sau:
Thứ nhất,một số nội dung trong hợp đồng mở tài khoản không phù hợp với yêu cầu của hoạt động môi giới chứng khoán.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Thông tư 210/2012/TT-BTC quy định thì: “Hợp đồng mở tài khoản phải có các nội dung tối thiểu theo quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong các nội dung của hợp đồng mở tài khoản được quy định trong phần phụ lục này quy định về“thỏa thuận về lãi suất trên số dư tiền gửi giao dịch chứng khoán” là chưa hợp lý và không phù hợp với bản chất của hoạt động môi giới. Bởi vì, việc nhà đầu tư là khách hàng của CTCK gửi tiền vào trong tài khoản chứng khoán của họ tại CTCK là nhằm mục đích ủy quyền cho CTCK sử dụng số tiền này mua, bán chứng khoán theo lệnh của khách hàng. Do vậy, về mặt nguyên tắc đây là tiền của khách hàng chứ không phải là tiền của CTCK. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, “CTCK phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán” và “không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật”[4] . CTCK không thể nào sử dụng tiền của khách hàng để kinh doanh mang lại lợi nhuận cho chính CTCK.
Như đã phân tích, bản chất hoạt động của CTCK trong việc nhận tiền của khách hàng để thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán là hoàn toàn khác so với việc tổ chức tín dụng là ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng vào tài khoản thanh toán đăng ký tại ngân hàng. Do vậy, việc yêu cầu CTCK phải trả lãi cho khách hàng là điều bất cập và không phù hợp với bản chất, nguyên lý hoạt động của việc môi giới chứng khoán. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bỏ nội dung này trong quy định về các nội dung tối thiểu mà Hợp đồng mở tài khoản phải có trong phần phụ lục XVI của Thông tư 210/2012/TT-BTC để đảm bảo tính logic, hợp lý của vấn đề.
Thứ hai, các nội dung của pháp luật quy định về hoạt động ký quỹ chứng khoán còn chưa thật sự hoàn thiện.
Nghiên cứu các nội dung của pháp luật quy định về hoạt động ký quỹ chứng khoán, chúng tôi nhận thấy có một số điểm còn chưa thật sự rõ ràng và hoàn thiện như sau:
Một là, hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán có được xem là hoạt động ngân hàng không?
Vấn đề này có hai cách kiến giải. Cách kiến giải thứ nhất là xem hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán là hoạt động ngân hàng vì các lý do sau:
(i) Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 9 Qui chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 637/QĐ-UBCK thì: “Hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ đồng thời là hợp đồng tín dụng cho các khoản vay trên tài khoản giao dịch ký quỹ”. Chính việc thừa nhận được xác nhận hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ đồng thời là hợp đồng tín dụng nghĩa là pháp luật đã thừa nhận gián tiếp rằng hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán cũng được xem là hoạt động ngân hàng.
(ii) Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 quy định: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”. Theo quy định trên, có thể thấy rằng pháp luật cũng đang thừa nhận gián tiếp hoạt động giao dịch ký quỹ là hoạt động ngân hàng.
(iii) Khi thực hiện giao dịch ký quỹ chứng khoán, CTCK đã cho khách hàng vay tiền dựa trên cho cơ sở cầm cố các chứng khoán của khách hàng. Đây được coi là hoạt động thường xuyên, mang tính nghề nghiệp của CTCK.
Tuy nhiên, theo cách kiến giải thứ hai thì cho rằng hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán không phải là hoạt động ngân hàng vì các lý do sau:
(i) Việc cho rằng hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán là hoạt động ngân hàng và CTCK được phép tiến hành sẽ đi ngược lại với chủ trương của Luật các TCTD năm 2010 là hoạt động ngân hàng chỉ được phép tiến hành bởi các TCTD.
(ii) Nếu căn cứ vào phần lập luận trên để xác định rằng hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán được xem là hoạt động ngân hàng thì điều này sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật về cơ quan cấp phép cho hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật các TCTD năm 2010 thì: “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”. Theo đó, chỉ có NHNN là cơ quan duy nhất được quyền cấp phép cho các tổ chức được quyền tiến hành hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, theo quy định khoản 1 Điều 11 Thông tư 74/2011/TT-BTC thì: “công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ sau khi đã báo cáo với Ủy ban chứng khoán nhà nước” mà không cần phải được sự đồng ý của Ngân hàng nhà nước (NHNN).
Hai là, khó áp dụng quy định về lãi suất áp dụng trong hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 637/QĐ-UBCK: “Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và khách hàng và theo quy định của pháp luật liên quan”. Tuy nhiên, khi bản chất hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán có phải là hoạt động ngân hàng hay không còn chưa được làm rõ thì câu hỏi đặt ra là lãi suất áp dụng trong trường hợp này là lãi suất theo pháp luật ngân hàng hay lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự?
Trong mỗi trường hợp, hệ quả pháp lý là rất khác nhau. Nếu không xem hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán là hoạt động ngân hàng thì lãi suất trong hoạt động cho vay ký quỹ chứng khoán sẽ do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố[5] . Tuy nhiên, nếu xem hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán là hoạt động ngân hàng thì lãi suất trong hoạt động cho vay ký quỹ chứng khoán sẽ chịu sự chi phối của pháp luật ngân hàng. Theo đó, CTCK và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất… theo quy định của pháp luật[6] mà không bị khống chế bởi trần lãi suất 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Để giải quyết vấn đề trên, chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành quy định xác định rõ tính pháp lý của hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán. Theo chúng tôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên xác định hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán là hoạt động dân sự mà không là hoạt động ngân hàng xuất phát từ các lý do sau:
(i) Đảm bảo tính đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với chủ trương, tinh thần của Luật các TCTD năm 2010 là chỉ có các TCTD mới được phép tiến hành hoạt động ngân hàng.
(ii) Hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán không phải là hoạt động quá phức tạp cần sự quản lý và cấp giấy phép hoạt động của NHNN. Tự bản thân hoạt động giao dịch ký quỹ chỉ mang tích chất là một sản phẩm phụ trợ cho hoạt động chính là môi giới chứng khoán của CTCK nhằm tạo điều kiện, gia tăng khả năng tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư, tăng khả năng thu phí dịch vụ của CTCK. Vì vậy, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cũng có đủ các điều kiện để kiểm tra, giám sát hoạt động này của CTCK.
(iii) Hoạt động giao dịch ký quỹ là hoạt động cho vay dựa trên cơ sở cầm cố các giấy tờ có giá (không áp dụng cho tất cả các loại chứng khoán mà chỉ áp dụng cho một số loại chứng khoán theo quy định) nên khả năng thu hồi vốn của các CTCK rất cao. Vì vậy tính chất, ảnh hưởng của nó đến TTCK cũng không phải là quá mạnh mẽ và như vậy khả năng tác động vào thị trường tiền tệ càng ít nên không cần sự quản lý trực tiếp từ NHNN.
(iv) Việc xác định hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán là hoạt động dân sự mà không là hoạt động ngân hàng cũng nhằm tạo điều kiện cho việc xác định lãi suất áp dụng trong trường hợp này phải tuân thủ theo quy định của BLDS. Quy định này nhằm xác định mức trần lãi suất cho vay nhằm đảm bảo được việc bảo vệ người đi vay trong giao dịch ký quỹ, tránh những trường hợp các CTCK cho vay với lãi suất quá cao gây khó khăn cho hoạt động này.
Với quan điểm trên, chúng tôi cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật cần phải có những điều chỉnh sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống quy phạm pháp luật, cụ thể:
(i) Sửa đổi khoản 1 Điều 9 Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 637/QĐ-UBCK như sau: “Hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ là hợp đồng dân sựnhằm cho các khoản vay trên tài khoản giao dịch ký quỹ”.
(ii) Sửa đổi khoản 1 Điều 15 Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 637/QĐ-UBCK như sau: “Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa CTCK và khách hàng và theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
Thứ ba,quy định về hoạt động bán khống chứng khoán.
Theo quy định của khoản 9 Điều 71 Luật chứng khoán, CTCK có nghĩa vụ: “thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”. Với quy định trên, Luật chứng khoán đã “mở đường”, thừa nhận cho hoạt động bán khống chứng khoán trên TTCK. Tuy nhiên, quy định trên không có nghĩa là hoạt động bán khống chứng khoán được tự do thực hiện mà hoạt động này cần phải thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo tính an toàn của hoạt động bán khống chứng khoán. Vì hoạt động bán khống cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.
Theo đó, ưu điểm của hoạt động bán khống là giúp cho hoạt động của TTCK thứ cấp trở nên sôi động, giúp nhà đầu tư ngắn hạn không có chứng khoán vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận thông qua các cơ hội kinh doanh chứng khoán bằng hành vi bán khống, nhà đầu tư dài hạn có thể kiếm lợi ích từ hoạt động cho vay chứng khoán và CTCK có lợi ích từ việc cung cấp dịch vụ này. Bên cạnh đó, hoạt động bán khống cũng tạo nên những nhược điểm nhất định tạo nên những tiêu cực nhất định cho TTCK[7] như: dễ tạo nên sự thua lỗ nhanh chóng cho nhà đầu tư thực hiện hành vi bán khống khi thị trường diễn biến không theo sự kỳ vọng, hình thành xu hướng đầu tư giá xuống tạo nên nguy cơ giảm giá nhanh chóng của các loại chứng khoán[8] ….
Tuy nhiên, trên thực tế Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào để hướng dẫn hoạt động bán khống chứng khoán. Do vậy, có thể cho rằng hiện nay pháp luật vẫn chưa chính thức cho phép tiến hành hoạt động này trên TTCK Việt Nam.
Mặc dù pháp luật chưa có những quy định cụ thể để thực hiện hoạt động bán khống chứng khoán nhưng trên thực tế hoạt động bán khống hiện vẫn đã và đang diễn ra trên TTCK Việt Nam theo kiểu “Việt Nam”[9] . Theo đó, người có ý định bán khống sẽ thỏa thuận với người đang sở hữu chứng khoán nhưng chưa có nhu cầu bán chứng khoán về việc sẽ vay chứng khoán đó trong một khoản thời gian thích hợp với số lãi thỏa thuận trước. Người đang sở hữu chứng khoán sẽ đặt lệnh bán và chuyển toàn hộ số tiền bán được cho người bán khống. Đến khoản thời gian thỏa thuận, người bán khống sẽ chuyển trả một lượng tiền tương ứng với số chứng khoán họ đã vay để bán theo thị giá hiện tại và số tiền lãi theo thỏa thuận. Đây là một cách áp dụng pháp luật “sáng tạo” của những nhà đầu tư. Tuy nhiên, những hoạt động trên là nhằm che đậy bản chất thực của hoạt động bán khống nên đã có trường hợp bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật[10] .
Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng trong giai đoạn ngắn hạn Bộ Tài chính chưa nên ban hành văn bản quy định về hoạt động bán khống mà nên tập trung vào việc hình thành các điều kiện cần thiết để tạo tiền đề cho hoạt động bán khống theo đúng thông lệ quốc tế[11] . Tuy nhiên, theo ý kiến của chúng tôi thì việc ban hành quy định về bán khống trong giai đoạn hiện nay là cấp bách và cần thiết vì:
Một là, nhu cầu xã hội đối với hoạt động này đã xuất hiện. Hiện nay, vì pháp luật chưa có những quy định cụ thể về hoạt động bán khống nên các nhà đầu tư và CTCK mới nghĩ ra các cách thức, biện pháp “lách luật” như đã đề cập nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hai là, việc chính thức thừa nhận hoạt động bán khống sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn nữa nhà đầu tư cho vay bán khống chứng khoán. Vì rõ ràng với những chiêu “bán khống kiểu Việt Nam” như hiện nay, những chủ thể tham gia chủ yếu “lách luật” dựa các hợp đồng vay chứng khoán theo kiểu dân sự.
Ba là, cần minh bạch hóa, công khai hóa các giao dịch chứng khoán, cung cấp một công cụ đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư tham gia vào TTCK.
Theo đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính hoặc tự mình ban hành văn bản dưới dạng Thông tư hoặc Quyết định, hoặc giao cho UBCKNN ban hành quyết định về vấn đề này như đã từng thực hiện trong giao dịch ký quỹ. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, Bộ tài chính cần ban hành văn bản để đảm bảo được hai vấn đề: (i) giá trị pháp lý của văn bản do Bộ tài chính ban hành sẽ cao hơn văn bản do UBCKNN ban hành; và (ii) nội dung quy định sẽ phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 71 Luật chứng khoán.
Trong văn bản ban hành về hoạt động bán khống chứng khoán cần có những nội dung sau: điều kiện để CTCK thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ bán khống, nội dung cơ bản của hợp đồng cung ứng dịch vụ bán khống, hạn mức cho vay bán khống, lãi suất, và các biện pháp đảm bảo cho hoạt động giao dịch bán khống chứng khoán…
Tóm lại, hoạt động môi giới chứng khoán là một hoạt động dịch vụ do CTCK thực hiện nhằm thực hiện nguyên tắc trung gian trên TTCK, giúp người bán, người mua chứng khoán dễ dàng gặp nhau và thu phí môi giới. Đây là hoạt động rất quan trọng của TTCK, nhằm tạo điêu kiện cho TTCK hoạt động sôi động và nâng cao tính thanh khoản của chứng khoán. Vì vậy, việc nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về hoạt động môi giới chứng khoán của CTCK là yêu cầu cấp thiết và phải thực hiện. Thông qua việc trình bày những điểm hạn chế và các kiến nghị trên, chúng tôi mong muốn góp phần vào việc hoàn thiện các quy định về hoạt động môi giới chứng khoán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư, hoạt động cung ứng dịch vụ của CTCK được thực hiện một cách nhanh chóng, an toàn; cũng như đạt được những mục đích do nhà nước đặt ra trong việc quản lý có hiệu quả hoạt động môi giới chứng khoán nói chung.
CHÚ THÍCH
*ThS, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] “Definition of ‘Stockbroker”:
- An agent that charges a fee or commission for executing buy and sell orders submitted by an investor.
- The firm that acts as an agent for a customer, charging the customer a commission for its services”
xem tại:http://www.investopedia.com/terms/s/stockbroker.asp.
[2] “A stock broker is a licensed professional that buys and sells stocks, bonds, or mutual funds for you through a brokerage account”, xem tại: http://beginnersinvest.about.com/od/stocksoptionswarrants/ig/101-Things-To-Know-About-Stock/What-Is-a-Stock-Broker.htm.
[3] Giáo trình Luật Chứng khoán, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an Nhân dân , Hà Nội – 2008, tr. 232.
[4] Xem khoản 1, khoản 3 điều 50 Thông tư 210/2012/TT-BTC ban hành ngày 30/12/2012 Hướng dẫn về thành lập CTCK.
[5] Khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự năm 2005.
[6] Xem khoản 2 Điều 91 Luật các TCTD năm 2010.
[7] Bán khống đã bị lên án gay gắt, sớm nhất là kể từ thế kỷ 18 khi Anh cấm bán khống trao tay. Nó được nhìn nhận như một hiệu ứng khuếch đại trong sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường Hà Lan trong thế kỷ 17. Một ví dụ điển hình khác, George Socos trở thành một kẻ lừa đảo khét tiếng với việc “phá tan hệ thống Ngân hàng Trung ương Anh (BOE)” vào ngày thứ Tư đen tối năm 1992 khi ông này bán khống hơn 10 tỷ USD giá trị của đồng bảng Anh.
Bán khống được cho là nguyên nhân của vụ sụp đổ phố Wall năm 1929. Các quy định quản lý bán khống đã được thực thi từ năm 1929 đến 1940 tại Mỹ. Hậu quả chính trị từ vụ sụp đổ này đã dẫn tới việc Quốc hội ban hành một luật cấm bán khống bằng việc bán cổ phiếu ra trong thời kỳ thị trường suy giảm; quy định quản lý này được biết đến là “quy tắc đánh dấu lên” và có hiệu lực cho tới tận năm 2007. Thủ tướng Herbert Hoover lên án bán khống và thậm chí J. Edgar Hoover cho rằng ông sẽ điều tra bán khống về vai trò của nó đối với việc kéo dài suy thoái. Các quy định đưa ra vào năm 1940 cấm các quỹ tương hỗ bán khống (luật này đã được dỡ bỏ năm 1997). Xem thêm http://www.ssc.gov.vn/portal/page/portal/ubck/khonoidung/1108966/32492080.
[8] Xem TS. Lê Vũ Nam, “Cần Luật hóa hoạt động bán khống trên TTCK Việt Nam”, Tạp chí khoa học pháp lý, số 01 (74)/2013, tr. 41.
[9] Xem TS. Lê Vũ Nam, Tlđd, tr. 43.
[10] Ngày 11/10/2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 805/QĐ-UBCK và 806/QĐ-UBCK về việc xử phạt vi phạm hành chính (mỗi người 85 triệu đồng) đối với ông Nguyễn Viết Xuân, người hành nghề chứng khoán và bà Phạm Thị Sương, nhân viên môi giới của Công ty cổ phần chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh do đã có hành vi cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán, vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 22 Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 85/2010/NĐ-CP). Xem tại http://www.ssc.gov.vn/portal/page/portal/ubck/1096905?p_page_id=1096905&pers_id=1108323&folder_id=&item_id=31971805&p_details=1.
Và Ngày 11/10/2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 807/QĐ-UBCK về việc xử phạt vi phạm hành chính lên đến 105.000.000 đồng đối với Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh do bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ môi giới mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán và chưa giám sát, ngăn ngừa một cách hiệu quả để xảy ra vi phạm của người hành nghề, nhân viên môi giới, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật Chứng khoán. Xem tại http://www.ssc.gov.vn/portal/page/portal/ubck/1096905?p_page_id=1096905&pers_id=1108323&folder_id=&item_id=31971811&p_details=1.
[11] Xem TS. Lê Vũ Nam, Tlđd, tr. 44.
- Tác giả: TS. Phan Phương Nam*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2014 (82)/2014 – 2014, Trang 44-50
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời