Mục lục
Cần luật hóa hoạt động bán khống trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Tác giả: TS. Lê Vũ Nam
Xem thêm:
- Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam nhìn từ yêu cầu phát triển bền vững thị trường chứng khoán – ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
- Thu hút doanh nghiệp nước ngoài niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam – Nhìn từ các quy định về điều kiện niêm yết – TS. Lê Vũ Nam
TỪ KHÓA: Thị trường chứng khoán, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Đặt vấn đề
Ở nhiều nước, bán khống chứng khoán, hay còn gọi là bán khống (short-selling), là một hoạt động đầu tư đã được pháp luật cho phép và trở thành một trong những nhân tố tạo nên sự sôi động của thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, hoạt động này cũng có thể gây nên những hiệu ứng tiêu cực nhất định như: tăng nguy cơ thua lỗ cho nhà đầu tư, tạo áp lực giảm giá chứng khoán… Chính vì vậy, tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhà đầu tư vẫn chưa được phép thực hiện hoạt động này. Thế nhưng, trên thực tế hoạt động bán khống chứng khoán vẫn âm thầm diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau mà cơ quan quản lý vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu để phát hiện và xử lý. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với TTCK, tính công bằng và minh bạch của thị trường.
Do vậy, đã đến lúc cần tiến hành nghiên cứu và đánh giá nghiêm túc về vai trò và bản chất pháp lý của hoạt động bán khống cũng như xem xét khả năng “luật hóa” hoạt động này trên TTCK Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện để TTCK hoạt động lành mạnh, minh bạch, công bằng và đúng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
2. Bản chất pháp lý của bán khống
Trong khoa học kinh tế – tài chính, bán khống là “bán một loại chứng khoán mà người bán không sở hữu tại thời điểm bán”[1]. Hay nói cách khác, bán khống là “một giao dịch trong đó nhà đầu tư đặt lệnh bán chứng khoán khi không có chứng khoán trong tài khoản”[2]. Nhìn từ giác độ đầu tư, bán khống là một công cụ giúp nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận từ sự giảm giá của chứng khoán. Dưới góc độ pháp lý, bán khống là một giao dịch đặc thù. Tính đặc thù của bán khống so với các loại giao dịch khác được thể hiện trên các phương diện như sau:
Một là, chủ thể tham gia giao dịch bán khống gồm ba bên. Chủ thể thứ nhất gọi là người bán khống, là tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu vay chứng khoán để bán ở giá cao hy vọng khi chứng khoán giảm giá sẽ thực hiện mua vào để kiếm lời[3]. Tại các nước, chủ thể tham gia bán khống thường là các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư rủi ro (Hedge funds) hoặc các chủ thể có chức năng tạo tính thanh khoản trên TTCK như nhà tạo lập thị trường (Market makers/Principal dealers) hoặc các nhà đầu tư ngắn hạn là cá nhân.
Chủ thể tiếp theo là người cho vay chứng khoán để bán khống. Chủ thể này có thể là các nhà đầu tư dài hạn chưa có nhu cầu bán chứng khoán của mình nhưng muốn tìm kiếm một khoản lãi suất trên số chứng khoán mình đang sở hữu.
Chủ thể cuối cùng tham gia vào quan hệ bán khống là các công ty chứng khoán (CTCK) đóng vai trò trung gian giữa người bán khống và người cho vay chứng khoán. Chủ thể này sẽ đứng ra “thu xếp” và tiến hành thực hiện lệnh bán khống để hưởng hoa hồng môi giới. Ngoài ra, CTCK còn đóng vai trò là chủ thể đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa người bán khống và người cho vay chứng khoán thông việc quản lý tài khoản ký quỹ hay còn gọi là tài khoản bảo chứng (Margin account) của chủ thể bán khống.
Hai là, đối tượng của giao dịch bán khống là những chứng khoán có chất lượng và có tính thanh khoản cao. Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với nhà đầu tư thực hiện bán khống là tính chất nhanh chóng của giao dịch này giúp nhà đầu tư kịp thời nắm bắt được cơ hội “bán ngay” hoặc “mua ngay” nên đòi hỏi chứng khoán là đối tượng của giao dịch bán khống phải là chứng khoán dễ mua, dễ bán tức là có tính thanh khoản tốt. Các yếu tố tác động đến tính thanh khoản của một loại chứng khoán bao gồm: tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khối lượng chứng khoán niêm yết, tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch bình quân trên mỗi phiên giao dịch, và tính minh bạch…[4].
Ba là, bán khống là một giao dịch bắt buộc áp dụng biện pháp ký quỹ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người bán khống. Một trong những nghĩa vụ quan trọng của người bán khống đối với người cho vay chứng khoán là hoàn trả đúng hạn số chứng khoán đã vay cùng với các khoản lãi suất đã thỏa thuận. Tuy vậy, trong thực tế nghĩa vụ này có thể bị vi phạm khi diễn biến giá trên thị trường đối với loại chứng khoán được vay để bán khống trái với xu hướng dự đoán của người bán khống. Tức là, sau khi bán khống, giá chứng khoán không giảm mà lại tăng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người cho vay, pháp luật của nhiều nước có quy định bắt buộc người bán khống phải mở một tài khoản bảo chứng tại CTCK nơi họ đặt lệnh bán khống và phải đưa một lượng tiền nhất định vào ký quỹ, đồng thời người bán khống sẽ không được rút số tiền thu được từ việc đã bán khống chứng khoán. Tỷ lệ ký quỹ được quy định khác nhau tùy theo mỗi nước.
Bốn là, bán khống là một “giao dịch kép” nên có cấu trúc phức tạp. Bán khống xác lập cùng một lúc hai nhóm quan hệ tài sản: nhóm quan hệ phát sinh từ hợp đồng vay chứng khoán có áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông qua hình thức ký quỹ giữa người bán khống và người cho vay chứng khoán và nhóm quan hệ phát sinh từ hợp đồng mua bán chứng khoán giữa người bán khống với người mua chứng khoán thông qua việc khớp lệnh giao dịch trên thị trường. Thế nên, vấn đề đặt ra là cần phải xác định ai là người sở hữu và thụ hưởng các quyền và lợi ích từ số chứng khoán đã được vay để bán khống: người cho vay chứng khoán hay người đã mua được chúng thông qua hệ thống giao dịch trên thị trường?
Theo thông lệ các nước, người sở hữu chứng khoán trong trường hợp này là người mua chứng khoán thông qua hệ thống giao dịch và được Trung tâm lưu ký đăng ký quyền sở hữu trên cơ sở kết quả giao dịch chứng khoán chuyển đến từ Sở giao dịch chứng khoán và lẽ dĩ nhiên, họ sẽ là người được nhận cổ tức hoặc lãi suất đối với cổ phiếu hoặc trái phiếu mà họ mua được từ tổ chức phát hành. Thế nhưng, người cho vay cũng là người nắm giữ cổ phiếu trên tài khoản của họ tại CTCK nên họ vẫn mong muốn nhận cổ tức hoặc lãi suất đối với số cổ phiếu hoặc trái phiếu họ đã cho vay. Do đó, người bán khống sẽ có trách nhiệm thanh toán số cổ tức hoặc lãi suất đó cho người cho vay. Cổ tức hoặc lãi suất do người bán khống trả cho người cho vay trong trường hợp này gọi là cổ tức bán khống (Short the dividend)[5] hoặc lãi suất bán khống (Short the interest). Đối với quyền biểu quyết phát sinh từ việc nắm giữ cổ phiếu bán khống thì người cho vay cổ phiếu sẽ phải có thỏa thuận trước về sự từ bỏ quyền biểu quyết trong thời kỳ bán khống[6].
3. Kinh nghiệm quản lý bán khống trên thế giới
Nghiên cứu hoạt động bán khống trên TTCK của các nước phát triển cho thấy, đây là một hình thức đầu tư khá phức tạp và mang tính “hai mặt” rõ rệt. Bên cạnh những lợi ích mà bán khống mang lại như: giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận và đa dạng hóa cơ hội kiếm lời, giúp các CTCK tăng nguồn thu từ việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến bán khống, góp phần giúp cho TTCK tự cân bằng một cách tự động và tăng tính thanh khoản cho các chứng khoán… thì hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là bán khống có thể làm cho tình trạng thua lỗ của nhà đầu tư diễn ra nhanh chóng và trầm trọng hơn, đồng thời, bán khống sẽ hình thành xu hướng đầu tư giá xuống tạo nên nguy cơ giảm giá nhanh chóng của các loại chứng khoán là nguyên nhân của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ đã diễn ra trong lịch sử…[7]
Tuy vậy, ở hầu hết các nước có TTCK phát triển, pháp luật đều công nhận bán khống là một hình thức đầu tư hợp pháp. Bởi lẽ, nhu cầu bán khống là một nhu cầu có thật và vai trò của nó đối với TTCK là không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra là cần quản lý và kiểm soát hoạt động bán khống như thế nào để hạn chế tối đa những ưu điểm và hạn chế mặt trái của nó. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, để triển khai và quản lý một cách hiệu quả hoạt động bán khống thì những vấn đề sau đây cần phải được đặt biệt lưu ý:
– Cần hình thành một khung pháp lý với những quy định chặt chẽ và đầy đủ điều chỉnh hoạt động bán khống. Như đã trình bày ở trên, bán khống bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường. Do vậy, để đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt, ổn định và tránh những biến động lớn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, pháp luật các nước đều có những quy định khá rõ ràng về những điều kiện thực hiện bán khống như: chứng khoán là đối tượng bán khống phải đạt những điều kiện về chất lượng và tính thanh khoản, nhà đầu tư bán khống phải tiến hành ký quỹ để đảm bảo thức hiện nghĩa vụ hoàn trả số chứng khoán đã vay, các vấn đề liên quan đến việc thụ hưởng và thực hiện các quyền và lợi ích phát sinh từ chứng khoán bán khống, khả năng tài chính tối thiểu của nhà đầu tư bán khống, giới hạn cho vay, lãi suất cho vay[8]…
Một trong những yêu cầu mang tính chất nguyên tắc của hoạt động bán khống là phải công khai và minh bạch. Tổ chức Quốc tế các Ủy ban chứng khoán (International Organization of Securities Commissions – IOSCO) cũng từng xem xét các quy định quản lý bán khống và cho vay chứng khoán ở một số nước và đưa ra khuyến nghị nên minh bạch thông tin bán khống hơn là cấm hẳn. Tổ chức này cũng đã xuất bản tài liệu tham khảo đưa ra các quy tắc quản lý bán khống nhằm tăng cường tính minh bạch và hạn chế lạm dụng bán khống[9]. Theo Quy định số 236/2012 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu đề ngày 14/3/2012, với hầu hết các cổ phiếu niêm yết tại sàn chứng khoán của 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) buộc phải minh bạch thông tin về thị trường niêm yết, lượng chứng khoán bán khống. Nếu lượng bán khống từ 0,2% đến 0,4% lượng cổ phiếu công ty nắm giữ, những thông tin này cần được thông báo cho cơ quan quản lý. Nếu lượng bán khống trên 0,5%, các thông tin cần được thông báo cho cả cơ quan quản lý và công khai trên thị trường.
– Việc quản lý bán khống được thực hiện một cách khá linh hoạt. Tùy thuộc những tín hiệu của thị trường mà các quy định về bán khống có thể được áp dụng hoặc sửa đổi, bổ sung hay thay thế một cách linh hoạt nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của bán khống. Ví vụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có tâm điểm xuất phát từ Hoa Kỳ, Ủy ban chứng khoán và giao dịch chứng khoán của này đã áp dụng lệnh cấm bán khống 799 cổ phiếu của ngành tài chính – ngân hàng từ ngày 19/9/2008 đến 2/10/2008 nhằm tránh sự sụp đổ của TTCK[10]. Vào tháng 7/2011, các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý cũng tạm cấm bán khống vì lí do tương tự. Đến tháng 2/2011, Hoa Kỳ lại ban hành Quy định mới về bán khống (SSR). Theo đó, nếu một chứng khoán giảm 10% so với giá đóng cửa ngày hôm trước, thì SSR sẽ bắt đầu có hiệu lực và nhà đầu tư chỉ được phép bán khống tại một mức giá cao hơn một đơn vị yết giá so với giá đặt mua tốt nhất cho thời gian còn lại trong ngày và ngày kế tiếp. Quy định này sẽ giúp tránh được các đợt bán hoảng loạn trên TTCK Hoa Kỳ[11].
– Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán khống và nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhân viên môi giới của công ty chứng khoán: Công tác quản lý, giám sát hoạt động bán khống chứng khoán ở các nước có TTCK phát triển được thực hiện ở nhiều cấp độ khác. Cấp độ đầu tiên là tại công ty chứng khoán thông qua bộ phận kiểm soát nội bộ, tiếp theo là các tổ chức tự quản như Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán và cuối cùng là Ủy ban chứng khoán. Bên cạnh đó, việc giáo dục và yêu cầu bắt buộc các nhân viên môi giới của công ty chứng khoán phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh chứng khoán cũng được đặc biệt chú trọng.
4. Bán khống tại Việt Nam: từ quy định pháp luật đến thực tiễn thị trường và những kiến nghị
Xuất phát từ nhận thức được tính chất “con dao hai lưỡi” và khả năng tác động tiêu cực đến TTCK Việt Nam còn non trẻ của bán khống mà các nhà làm luật Việt Nam đã “nói không” đối với hoạt động này. Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/07/1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán là văn bản pháp quy đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh các quan hệ phát sinh trên TTCK đã đưa bán khống vào danh sách các hành vi bị cấm. Điều 69 của Nghị định này quy định: “Cấm mọi tổ chức, cá nhân bán chứng khoán dưới mọi hình thức khi không sở hữu chứng khoán vào thời điểm giao dịch”. Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán thay thế Nghị định số 48/1998/NĐ-CP vẫn tiếp tục kế thừa quan điểm dứt khoát của các nhà làm luật đối với bán khống. Theo đó, “cấm mọi tổ chức, cá nhân bán chứng khoán mà không sở hữu chứng khoán vào thời điểm giao dịch” (Điều 106).
Luật Chứng khoán số 70/2006/QH-11 được Quốc hội thông qua ngày 29/06/2006 đã có cái nhìn thoáng hơn về bán khống khi không đưa bán khống vào danh sách các hành vi bị cấm tại Điều 9. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là bán khống mặc nhiên được phép thực hiện. Khoản 9 Điều 71 của Luật này quy định, công ty chứng khoán được “thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ tài chính”. Điều này cũng có nghĩa, các nhà làm luật đã trao quyền cho Bộ tài chính hướng dẫn hoạt động bán khống và những vấn đề liên quan đến bán khống. Đây là một cơ chế điều chỉnh pháp luật tạo ra sự linh hoạt cần thiết cho một hoạt động mang tính chất nhạy cảm và đòi hỏi có những điều chỉnh kịp thời và linh hoạt như bán khống. Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này Bộ tài chính vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này và vô hình trung đã đặt các nhà đầu tư vào tình thế mặc dù bán khống không bị cấm nhưng vẫn chưa được phép thực hiện.
Trong thời gian chờ hướng dẫn từ Bộ tài chính về hoạt động bán khống thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ quan trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước trên TTCK đã có những nỗ lực nhất định trong việc ngăn chặn bán khống. Đó là việc yêu cầu các CTCK phải tuân thủ các quy định về kiểm tra ký quỹ giao dịch đối với khách hàng tại Công văn số 557/UBCK-PTTT ngày 7/04/2008 nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của bán khống trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm kéo dài. Và mới gần đây, trước tình trạng những vụ bán khống liên tục bị phát hiện, UBCKNN đã ban hành Công văn số 3229/UBCK-QLKD ngày 07/09/2012; trong đó yêu cầu các CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ) không được thực hiện hoặc đứng ra làm trung gian cho việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán khi chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn.
Cơ sở để UBCKNN ban hành Công văn nêu trên là tình trạng “bán khống chui” vẫn diễn ra khá công khai[12] trên TTCK dưới nhiều hình thức khác nhau tác động tiêu cực đến tính minh bạch và công bằng trong giao dịch chứng khoán. Động thái kiên quyết của cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng bán khống chứng khoán trái phép thể hiện thông qua việc UBCKNN đã ra khá nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán khống của một số tổ chức, cá nhân trên thị trường[13].
Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy bán khống ở Việt Nam khác với bán khống ở các nước như đã khái quát ở phần trên. Nếu căn cứ vào dấu hiệu cơ bản của bán khống là bán chứng khoán trong tình trạng người bán không có sở hữu tại thời điểm bán, thì cơ quan quản lý gần như không thể tìm ra bằng chứng cho hoạt động bán khống, bởi lệnh bán chứng khoán bao giờ cũng xuất phát từ tài khoản thực sở hữu, vì có như vậy thì lệnh mới được khớp trên hệ thống của các Sở giao dịch chứng khoán.
Cơ chế bán khống tại Việt Nam có thể được tóm tắt như sau: người bán khống ký hợp đồng hoặc thỏa thuận miệng với tổ chức hoặc cá nhân sở hữu một hoặc một số loại chứng khoán nhưng chưa có nhu cầu bán về việc sẽ vay số chứng khoán đó trong một khoảng thời gian nhất định để bán. Người đặt lệnh bán chứng khoán là người cho vay, sau khi bán được người này mới chuyển tiền thu được từ việc bán chứng cho người vay. Đến thời hạn phải hoàn trả, người vay sẽ phải chuyển một lượng tiền tương ứng với tổng giá trị chứng khoán đã vay (kèm theo một khoản lãi suất đã thỏa thuận) theo mức giá tại thời điểm hoàn trả cho người cho vay để người này đặt lệnh mua chứng khoán trên tài khoản của chính mình. Như vậy, giao dịch bán và mua lại chứng khoán đều thực hiện trên tài khoản của người cho vay và do chính người này đặt lệnh mà không có sự chuyển giao chứng khoán từ người cho vay sang người vay như hoạt động bán khống thông thường. Như vậy, có thể thấy rằng “bán khống kiểu Việt Nam” là hết sức tinh vi và rất khó để nhà quản lý có thể phát hiện và xử lý. Các nhà đầu tư tham gia bán khống đã “lách luật” bằng các hợp đồng dân sự như vay, mượn chứng khoán.
Dưới góc độ quản lý, hoạt động “bán khống chui” đã tác động tiêu cực đến TTCK Việt Nam, nhất là trong điều kiện suy thoái kéo dài như thời gian qua. Nhưng ở góc nhìn khác, thì hoạt động “bán khống chui” đã cho thấy nhu cầu bán khống trên TTCK Việt Nam là có thật. Các nhà quản lý cần cân nhắc giữa một trong hai lựa chọn sau: hoặc là tiếp tục “nói không” với bán khống nhưng rồi hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay mà cơ quan quản lý vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và phát hiện, tạo nên những rủi ro tiềm ẩn rất lớn cho nhà đầu tư và cho cả thị trường; hoặc là cho phép bán khống để minh bạch hóa hoạt động này nhằm giúp môi trường đầu tư chứng khoán công bằng, đúng pháp luật hơn và thị trường có thêm một công cụ để tự điều tiết, tạo điều kiện để cơ quan quản lý thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát bán khống một cách hiệu quả hơn.
Nếu xét trên quan điểm phát triển TTCK Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế thì chúng tôi cho rằng, lựa chọn thứ hai là cần thiết. Tuy nhiên, bán khống là một hoạt động phức tạp mang tính “hai mặt” nên việc áp dụng bán khống trên TTCK Việt Nam cần có lộ trình hợp lý để tránh những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển TTCK vốn dễ bị tổn thương và đang còn rất non trẻ ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng bán khống tại TTCK Việt Nam cần tiến hành thông qua hai giai đoạn:
Giai đoạn trước mắt, cần tập trung hình thành các điều kiện cần thiết để tạo tiền đề cho hoạt động bán khống theo đúng thông lệ quốc tế có thể được triển khai và phát huy tác dụng như: đào tạo nghiệp vụ quản lý bán khống và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên môi giới của CTCK; tuyên truyển, phổ biến các kiến thức và kỹ năng về bán khống (bao gồm những mặt ích cực và hạn chế) cho nhà đầu tư; đa dạng hóa các loại hàng hóa cho thị TTCK, trong đó đặc biệt chú trọng hình thành các sản phẩm phái sinh như: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn[14]…; bổ sung một số loại lệnh giao dịch vốn được xem là công cụ để hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư chứng khoán nói chung và bán khống nói riêng như: lệnh dừng để mua, lệnh dừng để bán[15]…
Giai đoạn tiếp theo, khi TTCK thoát khỏi suy thoái kéo dài và bắt đầu tăng trưởng trở lại và đi vào hoạt động ổn định, Bộ tài chính cần ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động bán khống trên TTCK Việt Nam. Việc soạn thảo và ban hành thông tư này cần được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát các quy định của pháp luật một số nước có TTCK phát triển điều chỉnh hoạt động bán khống. Trên cơ sở đó, chọn lọc những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của TTCK Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, về nội dung, thông tư nói trên cần có những quy định cụ thể cho những vấn đề quan trọng như: điều kiện đối với chứng khoán được bán khống; tỷ lệ ký quỹ và quản lý tài khoản ký quỹ; các trường hợp và thời điểm không được bán khống; lãi suất và giới hạn cho vay bán khống; chế độ báo cáo và công bố thông tin trong hoạt động bán khống; trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động bán khống…
Thiết nghĩ, nếu việc áp dụng hoạt động bán khống được triển khai theo đúng lộ trình đề xuất trên sẽ giúp cho TTCK Việt Nam sẽ có thêm một công cụ để nhà đầu tư có thể sử dụng một cách linh hoạt để tìm kiếm lợi nhuận ngay cả trong giai đoạn giảm giá của thị trường. Và, vì vậy, TTCK Việt Nam sẽ có cơ hội tăng thêm sự hấp dẫn và tính thanh khoản trong khi cơ quan quản lý cũng có thể kiểm tra, giám sát hoạt động này một cách hữu hiệu nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của hoạt động bán khống. Ngoài ra, việc áp dụng bán khống sẽ đánh dấu một bước phát triển quan trọng của TTCK Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, thu hút ngày càng đông các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Trường ĐH Kinh tế – Luật ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Bùi Nguyên Hoàn (1999), Thị trường chứng khoán và công ty cổ phần, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 157.
[2] Đào Lê Minh (2002), Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 225.
[3] Bùi Thị Hanh Hương (2009), Giáo trình Môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán (Dành cho các Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 115-116.
[4] Chi tiết về các yếu tố tác động đến tính thanh khoản của chứng khoán xem: Lê Vũ Nam, Phan Thị Tường Tâm (2005), Nâng cao tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 06, tr. 25-28.
[5] Xem tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Short_(finance).
[6] Xem: “What happens to the voting rights on shares when the shares are used in a short sale transaction?” . Investopedia. Retrieved 4 December 2008.
[7] Lê Vũ Nam (2008), Khủng hoảng tài chính toàn cầu và những tác động đến Việt Nam: nhìn từ góc độ ngân hàng và chứng khoán, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam” do Khoa Kinh tế, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tổ chức tháng 12/2008, Nxb ĐHQG TP. Hồ ChíMinh – 2008, tr. 173-1983.
[8] Đào Lê Minh (2002), Giáo trình Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 227-228.
[9] Xem: IOSCO ủng hộ nỗ lực của các nước G-20 tăng cường tính minh bạch và toàn vẹn thị trường, tại: http://www.ssc.gov.vn/portal/page/portal/ubck/1096905?p_page_id=1096905&pers_id=1095341&folder_id=&item_id=11519256&p_details=1.
[10] Xem tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Short_(finance).
[11] Bán khống – nhìn từ thế giới, tại: http://www.inteves.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=29025.
[12] Để cạnh tranh thu hút nhà đầu tư tham gia bán khống, nhiều CTCK đã quảng cáo công khai dịch vụ này, xem: Cạnh tranh thu hút khách, CTCK quảng cáo cho nhà đầu tư bán khống, tại: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CFGIEF/canh-tranh-hut-khach-ctck-quang-cao-cho-ndt-ban-khong.html
[13] Ví dụ: Ngày 11/9, UBCK đã ký quyết định xử phạt Công ty chứng khoán Đại Nam với mức phạt 250 triệu đồng cho hai lỗi vi phạm: hoạt động tự doanh trái phép thông qua tài khoản nhân viên và cho khách hàng vay chứng khoán để bán, Xem tại: http://datxanh.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/2254-6-hieu-dung-ve-ban-khong.aspx.
[14] Về hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn và các lọai chứng khoán phái sinh khác, xem: Bùi Lê Hà, Nguyễn Văn Sơn, Ngô Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Hồng Thu (2000), Giới thiệu về thị trường future và option, Nxb Thống Kê, Hà Nội.
[15] Về bản chất và cách thức sử dụng các lọai lệnh này, xem: Bùi Nguyên Hoàn (1999), tlđd, tr.153-157.
- Tác giả: TS. Lê Vũ Nam
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2013 (74)/ 2013 – 2013, Trang 39-44
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời