Mục lục
Ứng dụng kinh tế học pháp luật trong nghiên cứu, giảng dạy Luật Cạnh tranh
- Đề thi môn Luật Cạnh tranh và giải quyết tranh chấp – TUYỂN TẬP
- Xác định thị trường liên quan trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
- Một số mô hình Cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới
- Bản chất của tập trung kinh tế và kiểm soát tập trung kinh tế
- Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng chính sách khoan hồng theo luật cạnh tranh của một số nước trên thế giới và đề xuất bổ sung cho Việt Nam
TÓM TẮT
Kinh tế học pháp luật là hướng nghiên cứu mới, trường phái lý luận pháp luật đã được chấp nhận, sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới từ hàng chục năm nay. Kinh tế học pháp luật có sự gắn kết chặt chẽ và được ứng dụng trong nghiên cứu luật cạnh tranh, đặc biệt trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh. Bài viết giới thiệu khái quát về kinh tế học pháp luật, về sự hình thành và phát triển của kinh tế học pháp luật cạnh tranh, nêu một số ứng dụng của kinh tế học pháp luật trong nghiên cứu luật cạnh tranh và đưa ra đề xuất cụ thể về ứng dụng kinh tế học pháp luật trong giảng dạy luật cạnh tranh ở bậc Cử nhân và Cao học.
TỪ KHÓA: kinh tế học pháp luật cạnh tranh, kinh tế học pháp luật,
1. Khái quát về kinh tế học pháp luật
Để hiểu có thể ứng dụng kinh tế học pháp luật như thế nào trong nghiên cứu, giảng dạy luật cạnh tranh, trước hết cần hiểu khái quát về kinh tế học pháp luật.
Kinh tế học pháp luật (Law and Economics)[1] hay phân tích kinh tế đối với pháp luật (Economic Analysis of Law) là việc áp dụng các lý thuyết kinh tế (đặc biệt là lý thuyết kinh tế vi mô) vào phân tích luật, sử dụng các khái niệm kinh tế để giải thích ảnh hưởng của pháp luật, đánh giá những quy phạm pháp luật trên tiêu chí hiệu quả kinh tế.
Kinh tế học pháp luật được định hình như một trường phái lý luận pháp luật từ khoảng giữa thế kỷ 20.[2] Có thể nói, lợi ích rõ nét nhất mà trường phái kinh tế học pháp luật mang lại cho giới nghiên cứu và thực hành pháp luật chính là việc thúc đẩy hình thành một lối tư duy phân tích pháp luật mới – thứ tư duy kết hợp cả tư duy pháp lý với tư duy kinh tế.
Có thể hiểu kinh tế học pháp luật là một phương pháp phân tích pháp luật dựa trên việc đề cao tính hiệu quả/lợi ích trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện, thực thi hệ thống chính sách, pháp luật.[3] Theo Giáo sư D. Friedman (Đại học Santa Clara, Hoa Kỳ), kinh tế học pháp luật quan tâm trả lời 3 vấn đề chính: (i) đánh giá hệ quả tác động của các quy phạm pháp luật (khi có sự thay đổi trong quy định của pháp luật, các cá nhân, tổ chức trong xã hội sẽ phản ứng như thế nào đối với sự thay đổi ấy); (ii) dự báo sự vận động của các quy phạm pháp luật (theo hướng: các quy phạm không có lợi cho sự phát triển sẽ bị bãi bỏ bởi logic tự nhiên của pháp luật là thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc cải thiện tính hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực trong xã hội); (iii) đánh giá tính hiệu quả của các quy phạm pháp luật hiện hành (lấy tiêu chí thúc đẩy tính hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực, các nhà kinh tế học pháp luật sẽ đánh giá xem các quy phạm hiện hành là hợp lý hay không hợp lý).[4]
Coi kinh tế học pháp luật là một nhánh của kinh tế học cũng là đúng nhưng coi kinh tế học pháp luật là một nhánh của luật học (hoặc khoa học pháp lý) cũng không hoàn toàn sai. Tên gọi “kinh tế học pháp luật” đã thể hiện đây là lĩnh vực nghiên cứu về pháp luật bằng cách sử dụng các công cụ tư duy (hệ thống khái niệm, mô hình…) của kinh tế học. Kinh tế học pháp luật là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, kết nối hai lĩnh vực nghiên cứu lớn và thú vị của khoa học xã hội là kinh tế học và luật học. Việc kết nối này giúp cho người nghiên cứu cả lĩnh vực luật và kinh tế học đều có những hiểu biết mới. Đặc biệt, nhờ có kinh tế học, luật học có cách nhìn mới về hệ thống pháp luật (nhất là về logic vận hành của nó), điều này thực sự hữu ích cho những người làm công tác pháp luật nhất là luật sư và những người tham gia hoạch định chính sách công.[5]
Việc nghiên cứu kinh tế học pháp luật mang lại các lợi ích cơ bản sau: (i) Kinh tế học pháp luật góp phần luận giải logic vận động của hệ thống pháp luật nói chung và của từng nhóm quy phạm, các quy phạm cụ thể; qua đó góp phần cung cấp một lý thuyết chung về pháp luật, một cách tiếp cận đối với pháp luật; (ii) Kinh tế học pháp luật kế thừa các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế ứng dụng vào pháp luật, góp phần làm cho hoạt động cải cách, hoàn thiện pháp luật có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc hơn.[6]
2. Sự hình thành và phát triển của kinh tế học pháp luật cạnh tranh
Có thể nói khởi đầu của kinh tế học pháp luật chính là thông qua phân tích kinh tế về các vụ việc cạnh tranh và một phân nhánh riêng quan trọng của kinh tế học pháp luật là kinh tế học pháp luật cạnh tranh (Competition Law and Economics) hay kinh tế học pháp luật chống độc quyền (Antitrust Economics) đã được hình thành. Khi ứng dụng kinh tế học pháp luật trong nghiên cứu, giảng dạy Luật cạnh tranh không thể không biết đến sự hình thành và phát triển của kinh tế học pháp luật cạnh tranh với các trường phái như Trường phái Chicago và Trường phái Havard.
Trong hơn một thế kỷ qua, cạnh tranh và độc quyền luôn là các khái niệm nền tảng trong kinh tế vi mô. Có thể nói, ảnh hưởng của kinh tế đối với pháp luật và chính sách chống độc quyền là một hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, trên thế giới, ảnh hưởng của các lý thuyết kinh tế đối với pháp luật và chính sách cạnh tranh trở thành hiện tượng phổ biến chỉ mới gần đây.
Các lý thuyết kinh tế đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của việc thực thi pháp luật và chính sách chống độc quyền ở Hoa Kỳ và từ đó lan tỏa đi khắp thế giới.
Ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng của lý thuyết kinh tế đối với thực tiễn chống độc quyền đã diễn ra theo ba hướng chính: (i) bằng việc phát triển tư duy kinh tế – thể hiện trong sự phát triển lý thuyết và thử nghiệm thực tiễn; (ii) bằng sự tham gia trực tiếp của các nhà kinh tế vào tố tụng chống độc quyền và phát triển chính sách tương ứng tại các cơ quan thực thi pháp luật, tham gia như nguyên đơn hoặc bị đơn trong các vụ kiện chống độc quyền; (iii) bằng các công trình của các nhà kinh tế về các vụ kiện chống độc quyền, bao gồm cả những vụ việc mà họ tham gia tố tụng.
Đến cuối những năm 1930, lý thuyết “tổ chức công nghiệp” (Industrial Organization – IO) bắt đầu được định hình với ảnh hưởng của Edward Mason tại Đại học Harvard và các đồng nghiệp và học trò của ông. Vào những năm 1950, mô hình Cấu trúc – Hành vi – Kết quả (Structure – Conduct – Performance SCP) đóng vai trò trụ cột của tư duy tổ chức công nghiệp (IO), trong đó phân tích hành vi và chỉ số ngành cho thấy mức độ tập trung của người bán trên thị trường. Mô hình SCP chính là một phần cơ sở để Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (sau này kết hợp với Ủy ban Thương mại Liên bang) ban hành “Hướng dẫn phân tích sáp nhập”. Những năm 1970 chứng kiến sự tham gia ngày càng tăng của các nhà kinh tế trong các vụ kiện chống độc quyền ở Hoa Kỳ và đôi khi sự tham gia này đã làm xuất hiện các nghiên cứu xem xét các khía cạnh kinh tế của vụ việc cụ thể.[7]
Trong kinh tế học pháp luật cạnh tranh, có sự khác biệt đáng kể về quan điểm giữa Trường phái Chicago và Trường phái Havard.
Trường phái Havard với mô hình Cấu trúc – Hành vi – Kết quả cho rằng cấu trúc của thị trường quyết định hành vi của công ty và hành vi quyết định kết quả trên thị trường, ví dụ như lợi nhuận, hiệu quả, tiến bộ về kỹ thuật và tăng trưởng. Mô hình đó đã tìm cách lập luận rằng cấu trúc ngành nhất định dẫn tới những dạng hành vi nhất định, và sau đó lại dẫn tới những kiểu kết quả nhất định. Đặc biệt, nhiều ngành bị tập trung cao tạo ra những hành vi dẫn đến kết quả kinh tế nghèo nàn, đặc biệt là làm giảm sản lượng và hình thành giá cả độc quyền.
Kết luận của Trường phái Havard rằng cấu trúc thị trường quyết định kết quả tạo ra một niềm tin rằng pháp luật chống độc quyền nên hướng đến các biện pháp điều chỉnh về mặt cơ cấu hơn là các biện pháp điều chỉnh mang tính hành vi. Do đó, bằng việc tập trung nghiên cứu các ngành bị tập trung, Bain đã cho rằng hầu hết các ngành công nghiệp bị tập trung hơn mức cần thiết (tính kinh tế nhờ quy mô không phải là cơ bản, thiết yếu ở hầu hết các ngành); rằng rào cản gia nhập có nhiều và rất cao làm cho các công ty mới bị ngăn cản gia nhập thị trường; việc đặt giá độc quyền gắn với các ngành độc quyền nhóm bắt đầu xảy ra ở mức tập trung tương đối thấp.
Những kết luận có tầm ảnh hưởng này trùng với một xu hướng chung của chính sách của Quốc hội Hoa Kỳ trong việc tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và e ngại việc bành trướng kinh doanh. Điều này đã dẫn đến việc ra đời các chính sách thực thi luật chống độc quyền theo hướng can thiệp mạnh mẽ trong những năm 1960.
Theo quan điểm cơ bản của trường phái Chicago, việc theo đuổi hiệu quả, tức là hiệu quả về mặt phân bổ bởi thị trường, nên là mục tiêu duy nhất của luật chống độc quyền. Trường phái này không ủng hộ trọng tâm bảo vệ các công ty nhỏ, các cửa hàng nhỏ. Trường phái này cho rằng chỉ có ít rào cản gia nhập tồn tại, rằng các ngành công nghiệp thường hưởng lợi từ tính kinh tế nhờ quy mô và các doanh nghiệp đều là những người tối đa hóa lợi nhuận. Trường phái Chicago đặt nhiều niềm tin vào khả năng của thị trường có thể sửa chữa và đạt được tính hiệu quả mà không cần có sự can thiệp từ Chính phủ hay luật chống độc quyền.[8]
Ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng của Trường phái Chicago trong suốt những năm 1970 và 1980 đã dẫn đến một thay đổi trong định hướng áp dụng luật chống độc quyền và thực sự đã hậu thuẫn cho chính sách kinh tế của chính quyền Reagan.
3. Ứng dụng kinh tế học trong nghiên cứu luật cạnh tranh
Đến nay, có thể thấy rõ rằng trong nghiên cứu luật cạnh tranh thường xuyên phải sử dụng các khái niệm của kinh tế học. Sự đồng tiến hóa của lý thuyết kinh tế về tổ chức công nghiệp (IO) và luật cạnh tranh vẫn tiếp tục. Phân tích kinh tế đã trở thành không thể thiếu trong khi thi hành luật cạnh tranh, thực hiện chính sách cạnh tranh. Theo Kết quả điều tra của UNCTAD, các cơ quan cạnh tranh ở các nước thường sử dụng kinh tế học bao gồm cả kinh tế lượng trong xác định thị trường. Các cơ quan này cũng áp dụng kinh tế học và kinh tế lượng để phân tích hiệu quả cạnh tranh của các vụ sáp nhập cũng như phân tích sự lạm dụng và các thỏa thuận theo chiều dọc.[9]
Lawrence J. White đánh giá các khía cạnh chính của việc thực thi chống độc quyền của Hoa Kỳ và đưa ra đánh giá về ba lĩnh vực của thực tiễn chống độc quyền, trong đó ảnh hưởng của lý thuyết kinh tế thể hiện rõ nhất: phân tích sáp nhập, phân tích thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, phân tích hành vi định giá lạm dụng.[10] Ngoài ra, theo chúng tôi, có thể sử dụng lý thuyết trò chơi khi phân tích hành vi của các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh.
Ứng dụng kinh tế học trong nghiên cứu luật cạnh tranh được thể hiện qua việc đánh giá tác động cạnh tranh do cơ quan cạnh tranh thực hiện và trước hết là thông qua xác định thị trường có ý nghĩa về mặt kinh tế (thị trường liên quan).
Việc xác định thị trường liên quan có thể được thực hiện thông qua phương pháp kinh tế lượng là phép thử nhà độc quyền giả định hay còn gọi là phép thử SSNIP (Small but Significant and Non-Transitory Increase in Price).[11] Phép thử này được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, có mục đích nhằm kiểm tra xem một nhà độc quyền giả định có thể tăng giá bán sản phẩm trong một khoảng thời gian liên tục nhất định mà vẫn thu được lợi nhuận hay không.
Khi sử dụng phép thử SSNIP để xác định thị trường sản phẩm liên quan, sẽ xác định được một hoặc một nhóm sản phẩm, trong đó, nhà độc quyền giả định có thể tăng giá bán, ít nhất là ở mức SSNIP (mức tăng giá tối thiểu đủ để khách hàng chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế khác), mà vẫn thu được lợi nhuận trong điều kiện các yếu tố thị trường khác không đổi. Như vậy, phép thử này cũng là thành tố quan trọng trong xác định sức mạnh thị trường đáng kể.[12]
Tác dụng của việc xác định thị trường liên quan là nhằm xác định một khuôn khổ thị trường, trong đó, doanh nghiệp bị xem xét chịu tác động trực tiếp từ hành vi cạnh tranh của các đối thủ khác trên thị trường. Do đó, việc xác định mức độ tập trung của thị trường dù không trực tiếp phản ánh cạnh tranh trên thị trường nhưng có thể giúp đưa ra đánh giá sơ bộ xem một vụ việc tập trung kinh tế có làm nảy sinh lo ngại về mặt cạnh tranh hay không, do mức độ cạnh tranh trực tiếp từ các đối thủ cạnh tranh không đủ lớn khiến doanh nghiệp sau tập trung kinh tế có thể lạm dụng sức mạnh thị trường của mình. Nhìn chung, thị trường có mức độ tập trung càng cao thì áp lực cạnh tranh trực tiếp đối với doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế càng thấp.[13]
Có thể ứng dụng kinh tế học với phương pháp phân tích định lượng để đánh giá mức độ tập trung của thị trường thông qua các chỉ số cơ bản bao gồm: thị phần, mức độ tích tụ thị trường (chỉ số Concentration Ratio (CR) – Tỷ lệ tập trung) và chỉ số Herfindahl – Hirschmann Index (HHI).[14]
Cách thức xác định các chỉ số này như sau:
Trong đó si là thị phần của doanh nghiệp lớn thứ i trong ngành; n = 3 hoặc 5 tùy trường hợp cần xác định CR3 hay CR5.
Ví dụ, CR3 = 70% hàm ý rằng 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường đã chiếm tới 70% thị phần.
Chỉ số HHI có 2 cách tính: (1)
Trong đó N là tổng số doanh nghiệp và si là thị phần của doanh nghiệp thứ i trong ngành.
Chỉ số HHI (hoặc Chỉ số Herfindahl) được sử dụng để đo lường quy mô của doanh nghiệp trong mối tương quan với ngành và là một chỉ báo về mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành và thường được tính bằng tổng bình phương thị phần của các doanh nghiệp và có giá trị từ 0 đến 10.000.
Khi tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều có thị phần bằng nhau thì HHI = 1/N*10.000.
Chỉ số HHI có thể xác định bằng cách khác: (2)
Trong đó: n là số doanh nghiệp và V là phương sai thống kê của thị phần các doanh nghiệp, được xác định bằng công thức:
Nếu tất cả các doanh nghiệp có thị phần bằng nhau (có nghĩa là nếu cấu trúc thị trường là hoàn toàn cân xứng, tức si = 1/n đối với mọi i) thì V = 0 và H = 1/n. Nếu số lượng doanh nghiệp là không đổi, thì phương sai lớn hơn do mức độ bất đối xứng về thị phần giữa các doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị chỉ số cao hơn.
Dựa vào các mức độ tập trung, có thể phân loại thị trường thành các dạng như sau: (i) Cạnh tranh hoàn hảo, với tỷ lệ tập trung rất nhỏ; (ii) Cạnh tranh một cách tương đối, CR3 < 65%, mức độ tập trung trung bình; (iii) Độc quyền nhóm (Oligopoly) hoặc có vị trí thống lĩnh thị trường, CR3 > 65%[15], mức độ tập trung cao; (iv) Độc quyền, CR1 xấp xỉ 100%.
Cơ quan quản lý cạnh tranh của nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Sĩ, Indonesia, Latvia, Mexico[16] đang tích cực sử dụng các chỉ số trên trong phân tích đánh giá vụ việc sáp nhập/ tập trung kinh tế và thường phân loại các thị trường theo cơ sở sau: (i) HHI < 1.000: Thị trường không mang tính tập trung; (ii) 1.000 ≤ HHI ≤ 1.800: Thị trường tập trung ở mức độ vừa phải; (iii) HHI > 1.800: Thị trường tập trung ở mức độ cao.
Ưu điểm chủ yếu của chỉ số HHI so với các cách đo khác – ví dụ như tỷ lệ tập trung (CR) là đã có sự phân biệt tỷ trọng lớn hơn đối với các doanh nghiệp lớn trong cùng một thị trường. Giả sử có 2 trường hợp trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần 90% về sản lượng: (i) Trường hợp 1: Cả 6 doanh nghiệp đều có thị phần 15%; (ii) Trường hợp 2: Một doanh nghiệp chiếm 80%, và 5 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 20% thị phần.
Giả định rằng 10% sản lượng còn lại được chia đều cho 10 doanh nghiệp quy mô bằng nhau. Tỷ lệ tập trung của 6 doanh nghiệp đều là 90% đối với cả 2 trường hợp, nhưng ở trường hợp 1 cạnh tranh có thể quyết liệt hơn, còn trường hợp 2 có thể coi gần như là độc quyền. Chỉ số HHI cho thấy rõ điều này: (i) Ở trường hợp 1: HHI = 6*152 + 10*12 = 1.360; (ii) Ở trường hợp 2: HHI = 82 + 5*22 + 10*12=6.430. Trong xem xét các vụ việc tập trung kinh tế, HHI là chỉ số ban đầu để cơ quan quản lý cạnh tranh phân tích đến tác động thay đổi về cấu trúc thị trường. Ví dụ: 5 công ty có thị phần lần lượt là 15%, 15%, 20%, 20% và 30% sẽ có HHI = 2.150. Một vụ sáp nhập diễn ra giữa công ty chiếm 30% và 15% sẽ làm tăng chỉ số HHI lên 3.050.[17]
Trên đây chỉ là ví dụ cho thấy ứng dụng của kinh tế học pháp luật trong nghiên cứu luật cạnh tranh . Ngoài ra còn rất nhiều những ứng dụng, những chỉ số định lượng khác (ví dụ như ứng dụng lý thuyết trò chơi, ước tính đàn hồi (Elasticity Estimates), phương pháp kiểm tra Elzinga-Hogarty (E-H), tiêu chuẩn Kaldor-Hicks (K-H)…)[18] mà trong khuôn khổ của bài viết này tác giả không thể giới thiệu hết.
4. Ứng dụng kinh tế học pháp luật trong giảng dạy luật cạnh tranh
Ở một số nước trên thế giới, kinh tế học pháp luật đã được đưa vào chương trình giảng dạy cử nhân Luật, Kinh tế; thạc sĩ Luật, Kinh tế.[19] Bởi sự gắn kết và ứng dụng của kinh tế học trong nghiên cứu Luật cạnh tranh, thậm chí ở một số nước đã có riêng môn học Kinh tế học pháp luật cạnh tranh (Competition Law and Economics) hoặc Kinh tế học pháp luật chống độc quyền (Antitrust Economics). [20]
Trong thực tiễn giảng dạy môn Luật Cạnh tranh ở Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh ở bậc Cử nhân và Cao học, có thể gặp những vấn đề sau chưa được trình bày trong Giáo trình, chưa được nghiên cứu, giải thích cụ thể. Tác giả xin đưa ra đề xuất ứng dụng kinh tế học pháp luật trong nội dung tương ứng:
TT | Vấn đề | Câu hỏi thường gặp | Đề xuất ứng dụng kinh tế học pháp luật trong nội dung tương ứng |
---|---|---|---|
1 | Cách xác định thị trường liên quan | Xác định khả năng thay thế của sản phẩm (về đặc tính, mục đích sử dụng, giá cả)? Xác định thị trường địa lý liên quan có ý nghĩa gì? Liệu có doanh nghiệp độc quyền ở một địa bàn (tỉnh, thành phố…) | Giới thiệu phép thử SSNIP |
2 | Xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể | Tiêu chí cụ thể nào để xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể? | Giới thiệu các chỉ số cơ bản để đánh giá mức độ tập trung của thị trường bao gồm Chỉ số CR và HHI |
3 | Xác định vị trí thống lĩnh thị trường | 5 doanh nghiệp có thị phần từ 75% trở lên có thể bị coi là có vị trí thống lĩnh thị trường hay không? | Sử dụng Chỉ số CR và HHI (Có thể làm thử ví dụ theo tỷ lệ % thị phần của từng doanh nghiệp) |
4 | Xác định hành vi thỏa thuận/ lạm dụng quyền lực thị trường để tác động vào cán cân cung cầu | Thế nào là đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường? | Giới thiệu lý thuyết về giá cả để sinh viên tự nghiên cứu |
5 | Xác định hành vi thỏa thuận/ lạm dụng quyền lực thị trường để ngăn cản, kìm hãm, loại bỏ đối thủ cạnh tranh | Thế nào là mức giá đủ để ngăn cản, kìm hãm, loại bỏ đối thủ cạnh tranh? | Giới thiệu lý thuyết về giá cả và lý thuyết trò chơi để sinh viên tự nghiên cứu |
Trong nhiều trường hợp, không thể trả lời thấu đáo các câu hỏi trên nếu thiếu kiến thức kinh tế học, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Đồng thời, thời gian giảng và thảo luận trên lớp lại có hạn, không thể đủ để trình bày các vấn đề thuộc kinh tế học. Bởi vậy, giảng viên có thể giới thiệu để sinh viên có quan tâm sẽ đọc các công trình, tài liệu tham khảo tương ứng.
Theo chúng tôi, bước đầu ứng dụng kinh tế học pháp luật vào giảng dạy môn Luật Cạnh tranh ở bậc Cử nhân, có thể có các cách thức sau:
Cung cấp tài liệu để sinh viên tự đọc: Tổ Bộ môn Luật Thương mại, giảng viên môn Luật Cạnh tranh có thể tổ chức biên soạn tài liệu có liên quan.
Tổ chức sinh hoạt khoa học để sinh viên tự nghiên cứu. Để triển khai cách thức này: (i) có thể đưa nội dung của kinh tế học pháp luật cạnh tranh vào danh mục đề tài tiểu luận, khóa luận, nghiên cứu khoa học sinh viên…; (ii) có thể tổ chức buổi sinh hoạt khoa học ngoại khóa theo chủ đề để nghe thuyết trình về các nội dung liên quan.Ngoài ra, có thể tổ chức dịch thuật các công trình quan trọng của kinh tế học pháp luật nói chung và kinh tế học pháp luật cạnh tranh nói riêng như Giáo trình Phân tích kinh tế đối với pháp luật của Richard A. Posner[21], Nhập môn Kinh tế học pháp luật chống độc quyền của Ernest Gellhorn,[22] Kỹ thuật định lượng trong phân tích cạnh tranh do Lexecon Ltd. ấn hành…[23]
Ở bậc Cao học, có thể bổ sung vào Chuyên đề 1 Những vấn đề chung về pháp luật chống hạn chế cạnh tranh thuộc Chương trình môn học Pháp luật chống hạn chế cạnh tranh nội dung liên quan đến kinh tế học pháp luật cạnh tranh (cụ thể có thể là khái niệm kinh tế học pháp luật và kinh tế học pháp luật cạnh tranh, các phương pháp nghiên cứu định lượng của kinh tế học pháp luật cạnh tranh) và lồng ghép sử dụng kinh tế học pháp luật cạnh tranh khi trình bày các nội dung có liên quan để (i) hiểu sâu thêm về quy định pháp luật; (ii) cung cấp thêm tiêu chí, cách thức để đánh giá, rà soát pháp luật cạnh tranh; (iii) hiểu thêm về xu thế phát triển của pháp luật cạnh tranh. Đồng thời, có thể giao cho học viên cao học ở các lớp Cao học Luật Kinh tế các đề tài với cách tiếp cận sử dụng kinh tế học pháp luật cạnh tranh theo định hướng ứng dụng làm tiểu luận, luận văn tốt nghiệp..
CHÚ THÍCH
[1]* TS, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí MinhTrước đây đã có công trình dịch cụm từ Law and Economics thành kinh tế luật (Lê Nết, kinh tế luật, Nxb. Tri Thức, 2006). Người viết sử dụng cách dịch của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp trong cuốn sách Về trường phái kinh tế học pháp luật , Nxb. Chính trị quốc gia, 2012.
[2] Ejan Mackaay, History of Law and Economics, Encyclopedia of Law and Economics online in FindLaw’s database, http://reference.findlaw.com/lawandeconomics/0200-history-of-law-and-economics.pdf, truy cập ngày 18/4/2017.
[3] Một điểm cần lưu ý là kinh tế học pháp luật chỉ là một trong những cách tiếp cận nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu về các thiết chế chính trị – xã hội. Pháp luật, với tính đa chiều, đa diện của nó không thể chỉ được nhìn nhận từ một góc cạnh, một trường phái. Kinh tế học pháp luật là trường phái lý luận có tính mở và động. Các nghiên cứu của trường phái này không có ý định phủ định kết quả nghiên cứu của các trường phái khác mà cùng với các trường phái lý luận pháp luật khác giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, những người hành nghề luật hiểu thêm về bản chất, chức năng, vai trò và tác động của pháp luật đối với xã hội và ngược lại. Xem: Nguyễn Văn Cương, Trương Hồng Quang, “Trường phái kinh tế học pháp luật và khả năng áp dụng tại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5, tháng 3/2012.
[4] David Friedman, Class Outline: Economic Analysis of Law 1997 http://www.daviddfriedman.com/Law_and_Econ_97/L_and_E_97_LS_Outline.html#RTFToC4., , truy cập ngày 18/4/2017.
[5] Robert Cooter and Thomas Ulen, Law and economics, Scott, Foresman and Company, 1988, pp. 12-13.
[6] David Friedman, Tlđd.
[7] White, Lawrence J., “The Growing Influence of Economics and Economists on Antitrust: An Extended Discussion”, February 1, 2008. NYU Law and Economics Research Paper No. 08-07; Reg-Markets Center Working Paper No. 08-05.
[8] Nhà kinh tế học Pháp Jean Tirole (người chấm dứt thập niên thống trị giải Nobel của những nhà kinh tế học Mỹ) đã đặt vấn đề: nếu thị trường có thể tự giải quyết mọi vấn đề như trường phái Chicago khẳng định thì tại sao vẫn xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (cuộc khủng hoảng có thể so sánh ngang hàng với Đại suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế 1929-1933). Giải thưởng Nobel kinh tế trao cho Paul Krugman năm 2008 và Giải thưởng Nobel kinh tế trao cho Jean Tirole năm 2014 chính là lời khẳng định mạnh mẽ nhất mệnh đề “Thị trường cần bàn tay hữu hình của nhà nước”.
[9] UNCTAD secretariat, Trade and Development Commission, Intergovernmental Group of Experts on Competition Law and Policy, “The use of economic analysis in competition cases”, Tenth session, Geneva, 7–9 July 2009, http://unctad.org/en/Docs/ciclpd4_en.pdf, , truy cập ngày 18/4/2017.
[10] White, Lawrence J., “The Growing Influence of Economics and Economists on Antitrust: An Extended Discussion”, February 1, 2008.
[11] USDOJ, Horizontal Merger Guidelines, 1992, www.ftc.gov/bc/docs/horizmer.htm, truy cập ngày 18/4/2017; Sheffman, D. and P. Spiller () “Geographical market Definition Under the USDOJ Merger Guidelines”, Journal of Law and Economics, 1987, 30, 123 – 47; EC, Notice on the definition of the relevant market for the purposes of community competition law, OJ C372, 09/12/1997.
[12] Theo khoản 3 Điều 3 Dự thảo 2 Luật Cạnh tranh sửa đổi, sức mạnh thị trường đáng kể là khả năng của doanh nghiệp trên một thị trường sản phẩm nhất định có thể tăng, duy trì giá bán trên mức giá cạnh tranh hoặc giảm chất lượng, sản lượng dưới mức cạnh tranh mà vẫn thu được lợi nhuận. Khái niệm sức mạnh thị trường đáng kể chưa có trong Luật Cạnh tranh năm 2004.
[13] Bùi Nguyễn Anh Tuấn, “Phân tích kinh tế về tác động cạnh tranh của vụ việc tập trung kinh tế”, Website Cục Quản lý cạnh tranh, http://www.vca.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=1288&CateID=371, Truy cập: 11/4/2017.
[14] Thông tin tại http://www.investopedia.com/exam-guide/cfa-level-1/equity-investments/concentration-ratio-herfindahl-index.asp, truy cập ngày 18/4/2017.
[15] Theo Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2004, nhóm 3 doanh nghiệp (CR3) có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường.
[16] The use of economic analysis in competition cases, UNCTAD secretariat, đã dẫn
[17] Bùi Nguyễn Anh Tuấn, “Phân tích kinh tế về tác động cạnh tranh của vụ việc tập trung kinh tế”, Website Cục Quản lý cạnh tranh, http://www.vca.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=1288&CateID=371, truy cập ngày 11/4/2017.
[18] Xem thêm: Tổ chức Thống nhất và Tín thác Bảo vệ Người tiêu dùng (CUTS) Hanoi Resource Centre (HRC), Học phần về phân tích cạnh tranh
http://cuts-hrc.org/images/stories/doc/2.gioi%20thieu%20ve%20phan%20tich%20canh%20tranh.pdf, Ttruy cập ngày 18/4/2017
[19] Kinh tế học pháp luật đã được hưởng ứng nhiệt liệt ở hầu hết các trường luật Hoa Kỳ. Ở châu Âu, kinh tế học pháp luật đã được du nhập mạnh mẽ vào các trường đại học như Hamburg (Đức), London School of Economics (Anh), Leuven (Bỉ), Zurich (Thụy Sĩ) và ngày càng được các trường đại học khác trong châu lục quan tâm. Ở Đông Á, kinh tế học pháp luật đã được đưa vào giảng dạy ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Đông Nam Á đã xuất hiện nhiều học giả về kinh tế học pháp luật ở Trường Đại học Quốc gia Singapore và Trường Đại học Malaya (Malaysia). Trích theo: Lê Nết, Kinh tế luật, Nxb. Tri thức, 2006, tr.10.
[20] Xem: Chương trình Kinh tế học pháp luật cạnh tranh của Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Milan, Italia,.www.giurisprudenza.unimi.it/files/_ITA_/…/competition_law.pdf, truy cập ngày 18/4/2017; Chương trình Cao học kinh tế cho Luật Cạnh tranh (Economics for Competition Law) của King’s College London, Univerity of London, https://www.kcl.ac.uk/law/research/centres/european/programmes/68337-Economics-for-Competition-Law-edit.pdf, truy cập ngày 18/4/2017; Chương trình Kinh tế học thực thi pháp luật cạnh tranh cho nghiên cứu sinh (PhD Course) của Khoa Kinh tế và Trung tâm Kinh tế học pháp luật (Amsterdam Centre for Law and Economics), University of Amsterdam, beccle.no/files/2011/06/PhD-Course-schinkel.pdf, truy cập ngày 18/4/2017.
[21] Posner, Richard A., Economic Analysis of Law, 7th ed., New York: Aspen Publishers, 2007.
[22] Ernest Gellhorn, An Introduction to Antitrust Economics, Duke Law Journal, Volum 1975, Number 1
[23] Lexicon Ltd., An Introduction to Quantitative Techniques in Competition Analysis ecp.crai.com/publications/quantitative_techniques.pdf
Tác giả: TS. Phạm Trí Hùng
Tạp chí Khoa học pháp lý số 05(108)/2017 – 2017, Trang 73-80
Trả lời