Mục lục
Một số mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới – kinh nghiệm cho Việt Nam
- Đề thi môn Luật Cạnh tranh và giải quyết tranh chấp – TUYỂN TẬP
- Bản chất của tập trung kinh tế và kiểm soát tập trung kinh tế
- Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng chính sách khoan hồng theo luật cạnh tranh của một số nước trên thế giới và đề xuất bổ sung cho Việt Nam
- Hành vi hạn chế cạnh tranh của các hiệp hội ngành nghề
- Thông báo tập trung kinh tế trong Pháp luật Cạnh tranh
TÓM TẮT
Sau gần 8 năm ra đời, mô hình tổ chức Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập trong việc tổ chức, hoạt động phần nào làm hạn chế hiệu quả hoạt động điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm Luật cạnh tranh. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển trên thế giới, mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh được xây dựng từ rất sớm và hoạt động rất hiệu quả. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan qua đó đề xuất phướng hướng hoàn thiện mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam.
TỪ KHÓA: Cơ quan quản lý Cạnh tranh,
Luật Cạnh tranh được xem là bản “hiến pháp kinh tế” nhằm xác lập những nguyên tắc cơ bản cho các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Với vai trò, vị trí hết sức quan trọng như vậy, ngay từ buổi đầu xây dựng, mô hình tổ chức cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh đã là một trong những vấn đề được quan tâm và gây nhiều tranh luận nhất. Cuối cùng, một mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương đã được lựa chọn và quy định cụ thể tại Mục 1 Chương IV của Luật Cạnh tranh năm 2004 và Nghị định 06/2006/NĐ-CP ngày 9/1/2006 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh.
Tính đến nay, sau hơn 08 năm ra đời, cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc duy trì hoạt động cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, theo Báo cáo rà soát Luật Cạnh tranh năm 2012 của Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam, tính đến tháng 10 năm 2012, cơ quan quản lý cạnh tranh đã thụ lí và điều tra hơn 100 vụ việc, trong đó đã xử lí 84 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thu về cho ngân sách nhà nước 256 triệu đồng và chuyển cho Hội đồng cạnh tranh xử lí 06 vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với bề dày hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh và đặc biệt so với số hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trên thực tế. Vậy, đâu là nguyên nhân của sự kém hiệu quả này? Qua tìm hiểu, tác giả cho rằng một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do các quy định của Pháp luật cạnh tranh Việt Nam về địa vị pháp lí của cơ quan cạnh tranh còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại các quy định về cơ quan quản lý cạnh tranh trên cơ sở nghiên cứu, nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này và áp dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Với mục tiêu đó, bài viết này nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan để đúc kết một số kinh nghiệm góp phần hoàn thiện mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam trong lần sửa đổi Luật Cạnh tranh tới đây.
1. Một số mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới
1.1. Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh Nhật Bản
Tại Nhật Bản, Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (Fair Trade Commission – JFTC) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh. Với địa vị pháp lý là một cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản, JFTC là một trong những cơ quan quản lý cạnh tranh có cơ cấu tổ chức chặt chẽ cũng như khả năng thực thi chính sách, pháp luật cạnh tranh hiệu quả nhất trên thế giới. Không chỉ có một đội ngũ nhân viên hùng hậu và năng động (tổng cộng 799 người với 456 điều tra viên tính đến năm 2012[1]), tính hiệu quả của JFTC được bảo đảm bởi những đặc điểm cơ bản sau:
– Về lịch sử hình thành: JFTC được thành lập năm 1947 cùng với sự ra đời của Luật Chống độc quyền Nhật Bản. Sau các lần sửa đổi luật vào năm 1991, 1992 đến năm 2003, địa vị pháp lý của JFTC được chuyển từ cơ quan trực thuộc Bộ nội vụ và Bưu chính viễn thông Nhật Bản thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ Nhật Bản[2].
– Chức năng của JFTC: Ở Nhật Bản các hành vi phản cạnh tranh được quy định chủ yếu trong Luật Chống độc quyền, Luật Cấm cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cấm bán hàng đa cấp bất chính. Chức năng của JFTC được quy định cụ thể trong Luật Chống độc quyền.[3] Theo đó, chức năng chính của JFTC là ban hành các văn bản thi hành Luật Chống độc quyền; phối hợp với các ngành khác trong việc soạn thảo luật và chính sách ngành; hợp tác quốc tế về cạnh tranh và chống độc quyền. Chức năng tư pháp cho phép khi xử lý vụ việc vi phạm Luật chống độc quyền, JFTC có thể thi hành luật đối với vụ việc hoàn toàn dựa vào các điều khoản và cách hiểu như tòa án.
– Cơ cấu, tổ chức của JFTC: JFTC được cơ cấu dưới dạng một Ủy ban hành chính, với tổng số 05 thành viên, cụ thể là 01 chủ tịch và 04 ủy viên.[4] Những thành viên này do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm, có tuổi đời từ 35 trở lên, lấy trong số các chuyên gia về pháp luật và kinh tế, trên cơ sở sự đồng thuận của cả Thượng viện và Hạ viện, riêng bổ nhiệm chủ tịch JFTC do Nhật Hoàng thông qua[5]. Nhiệm kỳ của chủ tịch và 04 ủy viên là 5 năm, các thành viên này không bị bãi nhiệm, trừ trường hợp họ thể hiện ý chí từ chức và những trường hợp do pháp luật quy định (ví dụ: bị tuyên hình phạt tù hoặc nặng hơn). Những người đảm nhận vị trí này có thể tái nhiệm. Tuổi nghỉ hưu theo quy định là 70 tuổi.
JFTC là một cơ quan đặt dưới thẩm quyền pháp lý trực tiếp của Thủ tướng và có vị trí như một cơ quan ngoài bộ của Văn phòng Thủ tướng. Tuy nhiên, JFTC hoạt động độc lập trong quá trình thực thi nghĩa vụ như một ủy ban hành chính độc lập, không chịu bất kỳ sự chỉ đạo hay kiểm soát của các cơ quan khác[6].
Đơn vị trực thuộc tổ chức của JFTC là Văn phòng Ủy ban, chịu trách nhiệm thực hiện các công việc hành chính của JFTC có liên quan đến điều tra và giám sát các vụ việc thuộc phạm vi của Luật Chống độc quyền. Văn phòng Ủy ban có trụ sở chính ở Tokyo, ngoài ra còn có các văn phòng đại diện, chia theo khu vực: Hokkaido (thành phố Sapporo), Tohoku (thành phố Sendai), Chubu (thành phố Nagoya), Kinki (thành phố Osaka), Chugoku (thành phố Hiroshima), Shikoku (thành phố Takamatsu), và Kyushu (thành phố Fukuoka).
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu cải cách nền kinh tế, trước yêu cầu mở cửa hơn nữa thị trường nội địa, JFTC từ chỗ được đặt dưới sự quản lý của Bộ nội và Bưu chính viễn thông Nhật Bản đến tháng 04 năm 2003 đã trở thành một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo nguyên tắc quan trọng hàng đầu đối với thực thi hiệu quả luật cạnh tranh của JFTC là tính độc lập[7]. Yêu cầu này xuất phát từ quan điểm cho rằng để thực thi bình đẳng Luật Chống độc quyền thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải có một vị trí công bằng, không thiên vị và khách quan tương ứng. Điều này cũng xuất phát từ một thực tế là Luật Chống độc quyền được nhìn nhận là một đạo luật chứa đựng các nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh trong hệ thống thị trường tự do, do đó, nó không thể chịu ảnh hưởng của tính chính trị trong bất kỳ tình huống nào.[8]
1.2. Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh Hoa Kỳ
Hoa Kỳ được xem là quê hương của Luật Chống độc quyền (Anti-trust law) và là quốc gia có nhiều kinh nghiệm nhất về xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh trên thế giới. Cơ quan quản lý cạnh tranh của Hoa Kỳ bao gồm Ủy ban Thương mại liên bang Hoa kỳ (Federal Trade Commission – USFTC) và Cục Cạnh tranh thuộc Bộ tư pháp (DOJ), mỗi cơ quan chịu trách nhiệm thực thi một số mảng của Luật cạnh tranh.
– Lịch sử hình thành và phát triển. USFTC được thành lập vào tháng 9/1914, khi tổng thống Mỹ Woodrow Wilson ký quyết định ban hành Đạo luật Ủy ban thương mại liên bang (the Federal Trade Commission Act) với chức năng chính là để bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy cạnh tranh.[9] Hoạt động của USFTC chủ yếu là điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. DOJ ra đời năm 1933 theo sau Luật Chống độc quyền Sherman có hiệu lực năm 1890 dưới thời kỳ đương nhiệm của Tổng thống Roosevelt. Từ năm 1903 đến năm 1933, chưa có cơ quan chuyên trách để thực thi mà một thứ trưởng của Bộ Tư pháp được phân công giải quyết các vấn đề liên quan đến chống độc quyền. Cho đến sau năm 1933, DOJ mới được ra đời để thực thi Luật Chống độc quyền thay cho thứ trưởng phụ trách trước đó.
– Chức năng của cơ quan quản lý cạnh tranh Hoa Kỳ
Chức năng của USFTC: cơ quan này có các chức năng ngăn chặn hành vi kinh doanh phản cạnh tranh hoặc gây bất lợi đối với người tiêu dùng; tăng cường quyền lựa chọn của người tiêu dùng và nhận thức của công chúng về cạnh tranh; hoàn thành nhiệm vụ trên nhưng không gây ra bất kỳ rào cản hay gánh nặng pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.[10]
Chức năng của DOJ: khác với USFTC, cơ quan này phụ trách việc đẩy mạnh cạnh tranh kinh tế thông qua việc thi hành và hướng dẫn thi hành Luật Chống độc quyền và các quy định liên quan.[11]
– Cơ cấu, tổ chức của cơ quan quản lý cạnh tranh Hoa Kỳ
USFTC là cơ quan thuộc ngành hành pháp nhưng có vị trí hoàn toàn độc lập với các bộ trong chính phủ, kể cả Bộ Thương mại. Theo đó, cơ cấu của USFTC bao gồm một nhóm ủy viên gồm 05 người do Tổng thống đề cử và do Thượng viện thông qua, Tổng thống sẽ chọn một trong 05 thành viên làm chủ tịch, đồng thời có nhiều nhất 03 ủy viên được phép thuộc cùng một đảng.[12]
Về tổ chức, USFTC có trụ sở được đặt tại thủ đô Washington, hoạt động rộng rãi trên 07 bang của Mỹ. USTFC chịu trách nhiệm quản lý 03 cơ quan chính: Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng, Cơ quan Cạnh tranh và Cơ quan Kinh tế. Bên cạnh đó, USFTC cũng có các phòng ban chuyên trách các vấn đề khác như Văn phòng Tư vấn chung, Văn phòng Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều tra chung… và các văn phòng đại diện ở 07 bang khác. USFTC có nhiệm vụ điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và áp dụng chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, đồng thời đảm trách thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng[13].
DOJ được giám sát bởi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ doTổng thống đề cử và Thượng viện thông qua. Thứ trưởng được hỗ trợ bởi 05 trợ lý, có thể là cán bộ chuyên tu. Mỗi bộ phận và văn phòng thông báo cho 01 trợ lý nhất định. Các Giám đốc, phó giám đốc điều hành, giám đốc bộ phận thực thi Luật Hình sự và bộ phận thực thi kinh tế có thẩm quyền giám sát đối với lĩnh vực của họ và là cán bộ chuyên tu. Bộ phận này có chi nhánh ở nhiều bang như ở Alanta, Chicago, Dallas…
Như vậy, so với JFTC, cơ quan quản lý cạnh tranh Hoa kỳ cũng có những nét tương đồng, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tính độc lập của cơ quan này trong hệ thống các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước và trong việc ra quyết định thực thi Luật cạnh tranh. Nếu như JFTC là cơ quan thuộc Chính phủ và thành viên do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm thì USFTC là cơ quan thuộc ngành hành pháp, có vị trí hoàn toàn độc lập với các bộ trong Chính phủ, kể cả Bộ Thương mại, thành viên Uỷ ban do Tổng thống đề cử và do Thượng viện thông qua.
1.3. Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh Đài Loan
Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan được dự thảo từ những năm đầu của thập niên 80 (1980s) và sau 10 năm (5 năm hoàn thành bản dự thảo và 5 năm chỉnh sửa) Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan đã được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 04/02/1991, đến nay được chỉnh sửa 02 lần vào các năm 1999 và 2000.Theo đó, Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan quy định Ủy ban Thương mại (TFTC) là cơ quan quản lý cạnh tranh của Đài Loan với những đặc điểm sau:
– Lịch sử hình thành: TFTC là cơ quan nhà nước cấp bộ được thành lập vào ngày 27/01/1992 theo quyết định của nội các Đài Loan, là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm về thực thi Luật Thương mại lành mạnh tại Đài Loan và phát triển chính sách cạnh tranh tại Đài Loan.[14]
– Chức năng của TFTC: Theo quy định tại Điều 26 Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan, TFTC có chức năng điều tra và xử lý các vụ việc theo khiếu nại của doanh nghiệp đối với bất kỳ vi phạm nào theo quy định của luật tác động xấu đến lợi ích chung. Cụ thể, TFTC có những nhiệm vụ sau:[15] hoạch định chính sách luật và các quy định về thương mại lành mạnh; rà soát các vấn đề thương mại lành mạnh xung đột với luật này; điều tra hoạt động của các doanh nghiệp cũng như kiểm soát các hoạt động kinh tế; điều tra và đưa ra các quyết định xử lý đối với bất kì vụ vi phạm Luật Thương mại lành mạnh và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Luật Thương mại lành mạnh.
Để thực hiện tốt chức năng trên, Điều 28 Luật Thương mại lành mạnh quy định, TFTC sẽ thực thi trách nhiệm của mình một cách độc lập, tuân theo quy định của Luật Thương mại lành mạnh và có thể tùy ý xử lý các vụ việc liên quan đến thương mại lành mạnh với tư cách của mình.
– Cơ cấu, tổ chức của TFTC: Để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình, TFTC được cơ cấu bởi 09 ủy viên thường trực làm việc theo nhiệm kỳ 03 năm và có thể được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. Trong số các ủy viên sẽ có một người làm chủ tịch TFTC và được coi là cán bộ được bổ nhiệm đặc biệt, sẽ điều hành các hoạt động của TFTC, đồng thời có quyền bổ nhiệm phó chủ tịch để hỗ trợ chủ tịch trong việc điều phối TFTC. Uỷ viên của TFTC là những người kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, kế toán do Thủ tướng đề cử và được Tổng thống bổ nhiệm[16].
Theo quy định của Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan tại Điều 26, TFTC được chia làm 03 ban:
Ban I: Chịu trách nhiệm điều tra và thực thi luật liên quan đến độc quyền, sáp nhập và khiếu kiện tập thể trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp.
Ban II: Chịu trách nhiệm điều tra và thực thi liên quan đến độc quyền, sáp nhập và khiếu kiện tập thể trong lĩnh vực sản xuất.
Ban III: Chịu trách nhiệm điều tra và thực thi liên quan đến hành vi thương mại không lành mạnh.
Quy trình xử lý vụ việc được thực hiện theo một thủ tục khá gọn và ít phức tạp, theo đó, các Ban của TFTC theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân công tiến hành điều tra sơ bộ nếu vụ việc đó thuộc thẩm quyền của ban mình. Khi hoàn tất việc điều tra, các ban có liên quan soạn thảo và nộp đề xuất tại cuộc họp của các ủy viên hội đồng (commissioners) để đưa ra quyết định giải quyết vụ việc.
– Nguyên tắc hoạt động của TFTC: Khi điều tra và giải quyết vụ việc thì TFTC phải thực thi các nhiệm vụ một cách độc lập phù hợp với quy định của pháp luật và có thể tiến hành xử lý các vụ việc lên quan đến thương mại lành mạnh với tư cách là ủy ban độc lập.
Một điểm khác mà chúng ta thấy rất tiến bộ khi nghiên cứu các quy định về TFTC, đó là việc TFTC là một trong số ít các ủy ban của nội các Đài Loan được điều hành bởi một hệ thống độc lập. Do Luật Thương mại lành mạnh là một đạo luật phức tạp, cơ cấu ủy viên được bổ nhiệm dựa trên mục tiêu đảm bảo xem xét ý kiến của tất cả các bộ, ngành và khi xử lý vụ việc tuân theo pháp luật của ngành đó. Số lượng ủy viên trong cùng một đảng chính trị sẽ không được quá bán so với tổng số ủy viên. Các ủy viên sẽ không đại diện cho đảng nào và sẽ hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật, không chịu áp lực từ các đảng chính trị nào. Quyết định của TFTC dựa trên tỷ lệ bỏ phiếu của các ủy viên.
Tóm lại,tương tự như Nhật Bản và Hoa Kỳ, mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh của Đài Loan ra đời từ rất sớm, là cơ quan thuộc cấp bộ, có sự độc lập với các cơ quan nhà nước khác. Bên cạnh đó, tất cả các ủy viên của TFTC đều do Thủ tướng đề cử và Tổng thống bổ nhiệm, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các vụ việc cạnh tranh có liên quan đến những cơ quan nhà nước. Đây là một trong những yếu tố quyết định mang lại tính hiệu quả cho hoạt động thực thi luật cạnh tranh thời gian qua của TFTC.
2. Bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam
Hiện nay, cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam là Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương. Mô hình này đã tạo ra một số bất cập trong quá trình quản lý và thực thi Luật Cạnh tranh: Một là, trong điều kiện nước ta hiện nay, doanh nghiệp có vốn nhà nước đang nắm giữ hầu hết các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, trong khi đó cơ quan điều tra lại thuộc Bộ Công thương nên khó có thể duy trì được tính độc lập và khách quan trong quá trình điều tra, xử lý các doanh nghiệp này. Hai là, với địa vị pháp lý là một cơ quan trực thuộc bộ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ khó có thể đảm bảo được tính tự chủ về ngân sách hoạt động, đào tạo, bổ nhiệm nguồn nhân lực, điều này ảnh hưởng đến năng lực của cơ quan quản lý cạnh tranh.
Trên cơ sở tìm hiểu mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh của một số nước tiêu biểu trên thế giới như vừa nêu trên, để khắc phục các hạn chế trên chúng tôi cho rằng mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam cần được tổ chức lại trên cơ sở học hỏi một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới như sau:
Thứ nhất, về tính độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh. Khi nghiên cứu mô hình cơ quan cạnh tranh của Nhật Bản, Hoa Kỳ và của Đài Loan, chúng tôi thấy rằng mục tiêu hàng đầu mà các nước này hướng tới khi xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh là tính độc lập của các cơ quan này. Theo đó, luật cạnh tranh của các nước này đều quy định nguyên tắc tối cao là các cơ quan cạnh tranh hoàn toàn độc lập trong các hoạt động của mình mà không bị chi phối hay can thiệp của bất kỳ cơ quan thứ ba nào. Từ kinh nghiệm quản lý cạnh tranh của các nước, chúng tôi cho rằng yêu cầu trước tiên cần đặt ra là cơ quan quản lý cạnh tranh phải độc lập với doanh nghiệp, và với cả những cơ quan có lợi ích gắn bó mật thiết doanh nghiệp.
Học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, thiết nghĩ cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam nên xây dựng theo mô hình cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ và đổi tên thành Ủy ban Quản lý cạnh tranh. Bởi lẽ, điều này mới đảm bảo được tính độc lập của cơ quan này đối với các bộ – đang là cơ quan chủ quản với nhiều doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tránh được sự phụ thuộc vào cơ quan chủ quản trong quá trình hoạt động. Hơn nữa, với địa vị pháp lý là một cơ quan ngang bộ, tiếng nói của cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ có trọng lượng hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các bộ ngành quản lý. Tuy phương án này có hạn chế là tốn kém, và phải rộng cơ cấu tổ chức chính, nhưng xét về mặt hiệu quả lâu dài thì mô hình cơ quan ngang bộ vẫn là phù hợp nhất để đảm bảo tính độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh với bất cứ hoạt động nào liên quan đến doanh nghiệp.
Thứ hai, về quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý cạnh tranh. Nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý cạnh tranh là bảo đảm thực thi luật cạnh tranh một cách công bằng và hiệu quả. Có thể nói, luật cạnh tranh được thực thi nghiêm chỉnh đến đâu là phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của chính cơ quan này. Qua nghiên cứu mô hình cơ quan cạnh tranh của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan, chúng ta có thể rút ra một số chức năng, nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý cạnh tranh tại các quốc gia này chỉ tập trung vào các hoạt động trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh trong kinh doanh và lợi ích của người tiêu dùng, gồm: (i) Điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; (ii) Chống độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; (iii) Kiểm soát quá trình sát nhập hợp nhất doanh nghiệp; (iv) Điều tra, xử lý các thoả thuận hạn chế cạnh tranh trên thị trường; (v) Thực hiện các hoạt động khác nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong khi đó, quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam hiện nay là quá rộng[1] không tương xứng với nguồn lực hạn chế (số lượng cán bộ còn ít đa số là kiêm nhiệm và ngân sách hạn hẹp). Chính sự bất tương xứng này đã dẫn đến một hệ lụy là thời gian điều tra mỗi vụ việc cạnh tranh thường kéo dài, nhiều vụ việc vi phạm luật cạnh tranh nhưng không phát hiện được hoặc khi phát hiện thì đã hết thời hiệu xử lý. Thiết nghĩ, trong lần sửa đổi Luật Cạnh tranh tới đây chúng ta nên quy định một cách trọng tâm quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của cơ quản lý cạnh tranh trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan như đã phân tích ở phần trên.
CHÚ THÍCH
* TS. Luật học, Trường ĐH Luật Huế.
** ThS. Luật học, Trường ĐH Luật Huế.
[1] Nguồn, Website của JFTC, http://www.jftc.go.jp/en/about_jftc/statistics.html.
[2] Về vấn đề này, xem thêm: Cục quản lý cạnh tranh, Luật Chống độc quyền Nhật Bản, tr. 21- 22.
[3] Xem thêm: Chương VIII Luật Chống độc quyền của Nhật Bản năm 1947, sửa đổi mới nhất vào năm 2005, có hiệu lực từ tháng 01 năm 2006.
[4] Nguồn, Website của JFTChttp://www.jftc.go.jp/en/about_jftc/index.files/JFTC_organizational_chart_201309.pdf
[5] Theo nguồn: Cục quản lý cạnh tranh, Báo cáo rà soát Luật cạnh tranh năm 2012, tr. 255.
[6] Xem: Cục quản lý cạnh tranh, Luật Chống độc quyền Nhật Bản, tr. 21.
[7] Tính độc lập của JFTC là độc lập về mặt lợi ích với các chủ thể đồng thời phải độc lập và trung lập trong quyết định của chủ tịch và các ủy viên của JFTC. Vấn đề này, xem thêm: Cục quản lý cạnh tranh, Luật Chống độc quyền Nhật Bản, tr. 21 – 22.
[8] Xem: Cục quản lý cạnh tranh, Luật Chống độc quyền Nhật Bản, tr. 23.
[9] Nguồn, Website của USFTC, http://www.ftc.gov/about-ftc/our-history
[10] Xem thêm: Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam, Báo cáo rà soát các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam năm 2012, tr. 268.
[11] Xem thêm: Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam, Báo cáo rà soát các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam năm 2012, tr. 268.
[12] Xem thêm: Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam, Báo cáo rà soát các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam năm 2012, tr. 269.
[13] Nguồn lấy từ: Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam, Báo cáo rà soát các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam năm 2012, tr. 270.
[14] Xem: Cục quản lý cạnh tranh , Báo cáo rà soát các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam năm 2012, tr. 279.
[15] Xem: Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan, Điều 25.
[16] Về vấn đề này, xem thêm: Cục quản lý cạnh tranh, Báo cáo rà soát các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam năm 2012, tr. 280.
[17] Xem chi tiết tại:Chính phủ nước CNXHCN Việt Nam, Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 của Chính phủ về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh, Điều 1, Điều 2.
Tác giả: TS. Đỗ Đức Hồng Hà – ThS. Mai Xuân Hợi
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015 (86)/2015 – 2015, Trang 37-41