Hành vi hạn chế cạnh tranh của các hiệp hội ngành nghề.
- Đề thi môn Luật Cạnh tranh và giải quyết tranh chấp – TUYỂN TẬP
- Thông báo tập trung kinh tế trong Pháp luật Cạnh tranh
- Ứng dụng kinh tế học pháp luật – nghiên cứu, giảng dạy Luật Cạnh tranh
- Xác định thị trường liên quan trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
- Một số mô hình Cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu khái niệm hiệp hội thương mại/ ngành nghề và những vấn đề cạnh tranh liên quan đến hoạt động của các hiệp hội. Trong đó, bài viết chủ yếu tìm hiểu những tác động tiêu cực đến cạnh tranh từ những thỏa thuận thực hiện giữa các thành viên trong khuôn khổ hiệp hội cũng như những hành vi khác dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Cuối cùng, bài viết giới thiệu quy định pháp luật của một số nước và pháp luật Việt Nam trong điều chỉnh hành vi cạnh tranh của các hiệp hội.
TỪ KHÓA: Hạn chế cạnh tranh, Hiệp hội ngành nghề,
1. Đặt vấn đề
Các hiệp hội ngành nghề/thương mại (trade/profession associations, sau đây gọi chung là hiệp hội) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ở góc độ luật cạnh tranh, các hiệp hội đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục các thành viên của hiệp hội về việc tuân thủ đúng đắn luật cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, những cuộc gặp gỡ, đối thoại, trao đổi giữa các thành viên trong hiệp hội và đồng thời cũng là những đối thủ cạnh tranh làm giảm khả năng cạnh tranh, đối đầu giữa các thành viên này. Ngoài ra, các hiệp hội còn đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những quốc gia theo đuổi chính sách phát triển dựa trên cơ sở định hướng công nghiệp như trường hợp của Hàn Quốc. Mặc dù vậy, hoạt động các hiệp hội có khả năng dẫn đến vi phạm luật cạnh tranh dưới hình thức các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhóm (cartel)mà thành viên của cartelchính là những thành viên của hiệp hội. Bản thân các hiệp hội cũng có thể đóng vai trò tổ chức, điều phối và thực hiện các vi phạm pháp luật cạnh tranh một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp hỗ trợ cho những hành vi này.
Ở Việt Nam trước khi ban hành Luật Cạnh tranh 2004 (LCT 2014), các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp thành viên của các tổng công ty nhà nước cũng như giữa các thành viên của các hiệp hội thương mại và nghề nghiệp được coi là hợp pháp do thiếu vắng các quy định điều chỉnh đối với những thỏa thuận như vậy. Hiện nay, những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thực hiện trong khuôn khổ của một hiệp hội rất đáng được quan tâm. Một trong những lý do là sự ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động của hiệp hội bởi các doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp này thường nhận được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ phía nhà nước, do đó có sức mạnh đáng kể trên thị trường cộng với mối liên hệ truyền thống với các cơ quan quản nhà nước trong các lĩnh vực chuyên ngành. Việc LCT 2004 xác định đối tượng áp dụng là các “hiệp hội ngành nghề” (Điều 2(2)) đã phần nào phản ánh thực tế này và đáp ứng nhu cầu điều chỉnh hành vi của các hiệp hội trong đời sống kinh tế ở Việt Nam. Sau khi LCT có hiệu lực, những thỏa thuận giữa các doanh nghiệp thành viên hiệp hội đặt dưới sự giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh và bị xử lý nếu được xác định là những hành vi hạn chế cạnh tranh. Mặc dù vậy, một số vấn đề liên quan như các quyết định nội bộ của hiệp hội dưới các hình thức như chỉ thị, đề xuất hoặc quy tắc điều chỉnh hành vi của thành viên… còn chưa được quy định cụ thể, những hạn chế này đã làm yếu đi khả năng can thiệp bằng luật cạnh tranh đối với hoạt động của hiệp hội ở Việt Nam.
Bài viết tìm hiểu ảnh hưởng của các hiệp hội đối với cạnh tranh, trên cơ sở đó xem xét việc điều chỉnh bằng pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động của các hiệp hội. Bài viết bao gồm ba phần. Phần thứ nhất giới thiệu những vấn đề cơ bản về hiệp hội ngành nghề và ảnh hưởng của chúng đối với cạnh tranh. Phần thứ hai tìm hiểu pháp luật của một số nước điều chỉnh hiệp hội ngành nghề cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh do các chủ thể này thực hiện. Phần cuối cùng nghiên cứu việc điều chỉnh hành vi của các hiệp hội theo LCT và một số vấn đề đặt ra.
2. Khái niệm hiệp hội ngành nghề
Hiệp hội thông thường bao gồm các cá nhân và doanh nghiệp có cùng lợi ích thương mại, chuyên môn, tự nguyện tham gia nhằm theo đuổi những lợi ích thương mại hay nghề nghiệp chung.[1] Theo Từ điển Luật Black’s Law Dictionary thì “hiệp hội thương mại (trade association) là sự liên kết của những tổ chức kinh doanh có cùng mối quan tâm giống nhau và tham gia vào cùng lĩnh vực, được thành lập nhằm bảo vệ lẫn nhau, trao đổi thông tin và số liệu thống kê, thiết lập và duy trì những tiêu chuẩn ngành. Một hiệp hội thương mại có thể bao gồm những thành viên của cùng một ngành công nghiệp hoặc những thành viên có chung lợi ích và mục tiêu. Những hành động chung của hiệp hội có thể bao gồm việc thu thập dữ liệu ngành, quảng cáo, tiếp thị, tham gia vào các quan hệ với công chúng và chính quyền”.Trong khi đó, “hiệp hội chuyên môn (professional association) là một nhóm của những nhà chuyên môn thành lập để thực hiện cùng nhau các hoạt động chuyên môn, mặc dù không cần thiết dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh”.[2]
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “hiệp hội thương mại” (trade association), còn gọi là hiệp hội ngành nghề công nghiệp, hiệp hội kinh doanh hoặc hiệp hội ngành nghề, là một tổ chức được thành lập và đóng góp bởi các doanh nghiệp hoạt động trong một ngành công nghiệp cụ thể. Hiệp hội tham gia vào các hoạt động quan hệ với công chúng như quảng cáo, giáo dục, tài trợ chính trị, vận động hành lang và xuất bản, tuy nhiên mục tiêu chính của hiệp hội là sự hợp tác giữa các doanh nghiệo hoặc việc tiêu chuẩn hóa. Các hiệp hội có thể cung cấp những dịch vụ khác như tổ chức hội thảo, xây dựng mạng lưới hoặc các sự kiện từ thiện, tổ chức đào tạo hoặc cung cấp tài liệu”. Hiệp hội nghề nghiệp (professional association) thông thường là “những tổ chức phi lợi nhuận nhằm phát triển một ngành nghề chuyên môn cụ thể; lợi ích của các cá nhân tham gia trong ngành nghề đó và lợi ích công cộng”.[3] Ngoài ra, theo quan điểm của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), “hiệp hội” nhìn chung bao gồm 3 loại khác nhau: các hiệp hội thương mại (trade associations);hiệp hội nghề nghiệp (professional associations)và những tổ chức tự quản (self-regulating organizations).Trong đó, các hiệp hội thương mại là hình thức phổ biến nhất, có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế.[4]
Khái niệm “hiệp hội” do đó được hiểu tương đối rộng và bao hàm nhiều hình thức hợp tác và tương tác (interaction)giữa các cá nhân và doanh nghiệp. Về cơ bản “hiệp hội” bao gồm tất cả các tổ chức nhằm hướng đến lợi ích chung của các thành viên, không phụ thuộc vào mục đích ấy có bản chất kinh tế hay không. Với bối cảnh luật cạnh tranh, khái niệm “hiệp hội” cần đáp ứng được hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất,hiệp hội phải có cơ cấu tổ chức mang đặc điểm của một doanh nghiệp, nghĩa là có sự phân biệt giữa bản thân hiệp hội và các thành viên của nó, đồng thời, hiệp hội là một hình thức hợp tác chặt chẽ và ổn định, hơn là một hình thức liên kết của các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau (như một dạng thỏa thuận). Thứ hai,hiệp hội có khả năng gây ảnh hưởng đến một hoạt động kinh tế, tức là hoạt động của nó có khả năng gây ra ảnh hưởng nhất định đối với cạnh tranh. Trường hợp này loại trừ những tổ chức hoạt động từ thiện hoặc văn hóa, chúng không có khả năng tạo ra ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên thị trường.[5]
Trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, khái niệm “hiệp hội ngành nghề/thương mại” chưa được quy định cụ thể. Hiện tại, ở Việt Nam cũng chưa có một khung pháp luật mang tính hệ thống và hoàn chỉnh về hội. Quyền tự do lập hội được quy định tại Điều 25 Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013, theo đó “Công dân …có quyền hội họp, lập hội … theo quy định của pháp luật”. Vấn đề thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý hội vẫn thực hiện theo Sắc lệnh số 102-SL/004-L năm 1957 ban hành Luật quy định về quyền lập hội (Sắc lệnh số 102) cùng với Nghị định số 88/2003/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt độngvà quản lý hội và các văn bản hướng dẫn liên quan (Nghị định 88). Trong đó, Sắc lệnh số 102 định nghĩa hội là “một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải để chia lợi nhuận”.Sắc lệnh số 102 không nêu rõ khái niệm hội mà chỉ nhấn mạnh yêu cầu việc “lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”. Theo quy định tại Điều 2(1) Nghị định 88, khái niệm “hội” được hiểu là “tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Như vậy, khái niệm “hội” có thể được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức. Theo đó, các công dân, tổ chức Việt Nam đủ tiêu chuẩn là hội viên theo quy định tại Điều lệ hội, tự nguyện xin gia nhập hội, đều có thể trở thành hội viên. Hội là nơi tập hợp của những cá nhân, tổ chức cùng ngành nghề, cùng giới hay cùng sở thích, có mục đích tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Hoạt động của hội mang tính thường xuyên, không vụ lợi, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong lĩnh vực thương mại, ngoài Điều 2 LCT chỉ quy định đối tượng áp dụng của luật cạnh tranh là hiệp hội ngành nghề. Điều 9 của Luật Thương mại 2005 chỉ quy định“hiệp hội thương mại được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân, động viên thương nhân tham gia phát triển thương mại, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại. Hiệp hội thương mại được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội”.Khái niệm “hiệp hội ngành nghề” nói đến ở Điều 2 Luật Cạnh tranh 2004 bao gồm hiệp hội thương mại và hiệp hội ngành nghề chuyên môn (Điều 3(2)).
3. Ảnh hưởng của hoạt động của hiệp hội đến cạnh tranh
Hoạt động của các hiệp hội một mặt đem lại những tác động tích cực đối với cạnh tranh. Mặt khác, hoạt động của hiệp hội có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực. Chính vì lẽ đó mà việc các doanh nghiệp tham gia vào các hiệp hội dễ làm nảy sinh những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bên cạnh những lợi ích mà việc tham gia hiệp hội đem lại. Những vấn đề này được thể hiện qua những phân tích dưới đây.
Thứ nhất, ở khía cạnh tích cực, hoạt động của hiệp hội có vai trò thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành viên, qua đó tăng cường hiệu quả kinh tế nói chung của thị trường. Các hiệp hội tạo ra diễn đàn cho các thành viên thảo luận và trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của ngành nghề đang hoạt động, trong đó có những vấn đề liên quan đến cạnh tranh như giá cả, chi phí sản xuất, các biện pháp thúc đẩy cạnh tranh cũng như điều hòa sự cạnh tranh giữa các thành viên trong hiệp hội. Các hiệp hội có chức năng xây dựng và thống nhất những tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tổng hợp và mô hình hóa kinh nghiệm chung cho cả hiệp hội. Hoạt động của các hiệp hội còn có thể tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ hoặc mới tham gia thị trường thông qua việc hỗ trợ về kinh nghiệm, định hướng và hướng dẫn hoạt động. Bên cạnh đó, các hiệp hội có chức năng xây dựng chính sách, thông qua việc hoạch định chiến lược và phương hướng chung cho hoạt động của ngành nghề, trên cơ sở đó các thành viên trong hiệp hội phối hợp hành động nhằm hướng đến lợi ích chung của ngành nghề. Các hiệp hội cũng xây dựng và đảm bảo việc thực thi các quy tắc ứng xử (code of ethics)cho các thành viên trong hiệp hội, những quy tắc này giúp cho các doanh nghiệp thành viên có trách nhiệm thực hiện canh tranh lành mạnh và nghĩa vụ tuân thủ đúng đắn pháp luật cạnh tranh.
Trong nhiều trường hợp, hiệp hội có chức năng và vai trò xây dựng dự thảo chính sách và các quy tắc quản lý chuyên ngành như thảo luận, các dự án luật, quy định liên quan đến hoạt động của ngành nghề mình trong quá trình lập pháp giúp cho các cơ quan quản lý chuyên ngành thực thi hiệu quả hơn chức năng quản lý nhà nước của mình.[6] Các hiệp hội có vai trò tìm kiếm sự đồng thuận giữa các thành viên về những chủ trương chính sách có ảnh hưởng đến ngành như thuế, xuất nhập khẩu, tài chính tiền tệ… Hiệp hội cũng là nơi thảo luận, thống nhất những vấn đề chính sách liên quan giữa hiệp hội, chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Những hoạt động này cũng có tác dụng giảm thiểu sự cạnh tranh nội bộ, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của cả hiệp hội. Các hiệp hội có thể sử dụng khả năng vận động hành lang (lobby)đối với chính phủ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ hoặc tác động đến việc ban hành các luật, chính sách và quy định có lợi cho ngành nghề mình hoặc duy trì những lợi thế, ưu đãi mà hiệp hội đang được hưởng. Nhìn chung, pháp luật của các nước không coi hành vi vận động chính phủ của hiệp hội nhằm thay đổi một văn luật nhằm làm giảm sự cạnh tranh là một sự vi phạm.[7] Cuối cùng, các hiệp hội thay mặt cho các thành viên để bảo vệ quyền lợi của ngành nghề về các vấn đề pháp lý và chính sách liên quan.
Thứ hai,trên cơ sở quyết định của mình, các hiệp hội có thể đưa ra những yêu cầu các thành viên thực hiện những hành vi thống nhất trên thị trường như việc điều chỉnh giá. Chẳng hạn, năm 2008, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, 19 doanh nghiệp bảo hiểm đã thống nhất áp dụng lệ phí đối với bảo hiểm ô tô. Tương tự, cũng trong năm này, các doanh nghiệp sản xuất thép đã tham gia vào một thỏa thuận ấn định giá dưới sự bảo trợ của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).[8] Cả hai vụ việc này đều đã được Cục Quản lý cạnh tranh (VCAD) can thiệp, trong đó, VCAD đã có ý kiến và yêu cầu VSA chấm dứt thỏa thuận còn vụ việc của các doanh nghiệp bảo hiểm đã được Hội đồng Cạnh tranh xử lý vào tháng 7/2010[9] .
Đáng lưu ý là các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được những hiệp hội này lập luận trên cơ sở thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô như việc bình ổn giá, ổn định sản lượng, kiềm chế lạm phát… Chẳng hạn, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) bao gồm 50 thành viên, trong đó có 6 ngân hàng thương mại cổ phần nhà và tổ chức tín dụng nước, 4 ngân hàng trong số này chiếm 60% tổng tài sản và 40% vốn điều lệ của toàn bộ Hiệp hội (số liệu 2008).[10] Vào năm 2008, tại các cuộc họp tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các thành viên của VNBA đã thống nhất áp dụng ấn định một tỷ lệ lãi suất huy động vốn đối với tiền gửi bằng tiền Việt là 11% trên một năm. Lập luận của VNBA là thỏa thuận nói trên là cần thiết nhằm phục vụ cho chính sách bình ổn thị trường. Theo VNBA, vào thời điểm đầu 2008, nhiều ngân hàng đã đẩy cao lãi suất cho vay (23-24% trên 1 năm) và lãi suất huy động vốn (17-18% trên 1 năm). Do đó mức lãi suất trần ấn định 11% trên 1 năm của VNBA là cần thiết nhằm đưa ra một mức lãi suất hợp lý và giúp ổn định việc huy động vốn, gián tiếp đóng góp cho việc ổn định thị trường. Bên cạnh đó, thỏa thuận này, theo VNBA, là nhằm thực hiện Chỉ thị số 02/CĐ-NHNN về hạn chế các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động vốn cao. Trong khi đó, Cục quản lý cạnh tranh khi tiến hành điều tra thỏa thuận nói trên đã lập luận rằng, thỏa thuận nói trên đã hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng, gây bất lợi cho những ngân hàng nhỏ và mới thành lập.[11] Tuy nhiên, vụ điều tra kết thúc sau khi Cục quản lý cạnh tranh có cuộc họp với VNBA. Vụ việc đã cho thấy, các hiệp hội có thể sử dụng lập luận dựa vào những chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm phục vụ cho các quyết định gây hạn chế cạnh tranh của mình. Đây cũng là một khó khăn cho cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam khi đối mặt với các hiệp hội ngành nghề.
Liên quan đến hoạt động vận động hành lang, một mặt, các hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp của mình trong cuộc vận động hành lang luôn cố gắng bảo vệ lợi ích của ngành nghề mình, do đó có khả năng dẫn đến những chính sách, quy định hỗ trợ tích cực, làm đòn bẩy cho sự phát triển của ngành nghề đó, nhất là những ngành công nghiệp chiến lược, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Mặt khác, những cuộc vận động hàng lang không minh bạch, nhất là khi không có luật điều chỉnh hoạt động vận động hành lang, sẽ dẫn đến kết quả là những chính sách mà chính phủ ban hành có thể tạo ra sự không khách quan, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong và ngoài hiệp hội hoặc giữa các ngành nghề khác nhau. Vấn đề này có thể phức tạp hơn trong trường hợp những hành vi vận động hành lang của những hiệp hội, trong đó các doanh nghiệp nhà nước độc quyền có vai trò chủ đạo. Trong trường hợp này, mối liên hệ mật thiết giữa các doanh nghiệp này với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là một yếu tố để quan ngại về tính khách quan của những chính sách và quy định được tạo ra.
Ở những quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam và Trung Quốc, các hiệp hội thường được coi là những “cánh tay nối dài của chính phủ”, phần lớn các thành viên hiệp hội là các doanh nghiệp nhà nước lớn và có tiềm lực kinh tế.[12] Những hiệp hội do các doanh nghiệp này đứng đầu đóng vai trò như những nhóm lợi ích và có ảnh hưởng lớn đến tiến trình làm luật và quyết định chính sách, thông qua đó có vai trò quan trọng trong việc tác động đến vai trò điều tiết của chính phủ đối với thị trường. Trong những trường hợp đó, các thỏa thuận có thể dẫn đến quan ngại vì khả năng tạo ra hiệu ứng tiêu cực cho cạnh tranh. Chẳng hạn, Liên đoàn các hiệp hội cho thuê và tài chính Hungary (the Federation of the Hungarian Leasing and Financing Association (HLFA)), là một hiệp hội đại diện cho các tổ chức tài chính và có quan hệ với nhiều cơ quan chuyên trách giám sát thị trường và quản lý thị trường cho vay tài chính đối với phương tiện đi lại cá nhân tại Hungary. HLFA bày tỏ quan ngại về khuynh hướng kéo dài các hợp đồng cũng như sự cần thiết hạn chế các nguồn quỹ, nhấn mạnh nguy cơ rủi ro đối với những khoản vay có mức độ rủi ro cao đối với các phương tiện đi lại cá nhân. Từ đó, HLFA đề xuất mong muốn có những quy định pháp luật về vấn đề này. Mặc dù cơ quan quản lý cạnh tranh Hungary đã không ủng hộ đề xuất này vì cho rằng những quy định như vậy sẽ tạo ra sự hạn chế cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong khi sự cần thiết của nó chưa được minh chứng, đề xuất trên của HLFA đã cho thấy vai trò và khả năng của hiệp hội trong việc tác động đến cơ quan quản lý nhà nước nhằm tìm kiếm những ủng hộ về mặt chính sách hoặc pháp luật liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội trong lĩnh vực cụ thể.[13]
Thứ ba, hiệp hội tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh và đồng thời cũng thành viên của hiệp hội gặp gỡ, đối thoại thường xuyên nhằm tìm tiếng nói chung, dàn xếp những vấn đề giữa họ với nhau. Tuy nhiên, hoạt động này có thể tạo khuôn khổ cho những hành vi hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp như việc tạo ra sự cấu kết, thỏa hiệp nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh khác. Bên cạnh đó, những thỏa thuận trong khuôn khổ của hiệp hội có khả năng trở thành những hành vi hạn chế cạnh tranh như các thỏa thuận về ấn định giá, phân bổ khách hàng và phân chia thị trường hoặc thỏa thuận trong đấu thầu. Vấn đề này trở nên phức tạp hơn khi mà những hiệp hội có số lượng thành viên đông đảo và nắm giữ thị phần đáng kể trên thị trường.[14]
Chẳng hạn, vào tháng 3/2009 tại Trung Quốc, trên cơ sở các cuộc thảo luận giữa các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Máy móc và Vật liệu xây dựng Lianyungang, một bản Quy tắc nội bộ (Self-discipline Rules)của hiệp hội đã được thông qua. Theo Quy định này, Ủy ban hỗn hợp (Concrete Committee) đại diện cho các thành viên trong hiệp hội sẽ giải quyết về mọi đơn đặt hàng của cả hiệp hội, sau đó sẽ quyết định cho doanh nghiệp nào sẽ được tham gia vào hợp đồng với bên đối tác đặt mua. Những quyết định này được Ủy ban đưa ra dựa trên việc đánh giá những tiêu chí của các doanh nghiệp thành viên về lĩnh vực sản xuất, hệ thống trộn bê tông và các thiết bị bơm chuyên dụng. Đồng thời, trên cơ sở sự đánh giá này, từng doanh nghiệp được phân bổ độc quyền theo phân chia lãnh thổ. Ủy ban cũng có quyền phạt tiền đối với những doanh nghiệp nào không tuân thủ đúng Quy tắc nội bộ nói trên. Vào tháng 1/2011, Cơ quan quản lý Công nghiệp và Thương mại của Trung Quốc (China’s State Administration for Industry and Commerce (SAIC))có trụ sở tại tỉnh Jiangsu đã tiến hành điều tra và kết luận rằng thỏa thuận như vậy đã làm hạn chế sự tự do lựa chọn của các nhà sản xuất trong việc cung ứng sản phẩm cho các công trình xây dựng và quan trọng hơn đã làm tăng giá bán đối với sản phâm bê tong hỗn hợp tại địa phương này. Cơ quan này cũng đã kết luận bản Quy tắc nội bộ có mục đích phân chia thị trường, do đó vi phạm Điều 13(1) và (3) của Luật Chống độc quyền Trung Quốc 2007. Trên cơ sở đó, Hiệp hội nói trên đã bị cơ quan này phạt tiền.[15]
Thứ tư,trong khuôn khổ hoạt động của mình, các hiệp hội thường xây dựng những quy tắc chung áp dụng cho hiệp hội. Những quy tắc này bao gồm những quy tắc nội bộ liên quan đến tổ chức, kỷ luật nội bộ, những tiêu chuẩn về ứng xử hoặc những quy tắc thống nhất hành động (by-laws). Điều đáng nói là những quy tắc này có thể được coi là một dạng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nếu như chúng đề cập sự thống nhất về giá, các tiêu chuẩn áp dụng thống nhất cho các giao dịch hoặc liên quan đến phân chia thị trường, khách hàng hoặc các điều kiện khác ràng buộc các thành viên kèm theo các biện pháp kỷ luật nếu các thành viên không tuân thủ.[16]
Chẳng hạn, Hiệp hội Hàng không Indonesia (the Indonesian Airlines Association (INACA))bao gồm 12 hãng hàng không, trong đó hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia Airways là thành viên lớn nhất. Trước năm 1999, các thành viên của INACA đã áp dụng một cơ chế thuế hàng không (tariffs)được đưa ra với sự nhất trí của tất cả các thành viên và trên cơ sở sự tham vấn của Bộ Giao thông Vận tải và sau đó đã trở thành văn bản tham chiếu (reference) để các hãng hàng không tự ấn định biểu thuế (tariff)cho mình. Do cuộc khủng hoảng kinh tế, các hãng hàng không đã từ chối áp dụng biểu giá chung nói trên nhằm tự do đưa ra các biểu thuế riêng và tiến hành các chiến lược hạn chế cạnh tranh dưới hình thức bán giá hủy diệt (predatory pricing)tạo ra một cuộc chiến tranh giữa các hãng này về giá. Trước tình hình đó, vào năm 1999, INACA đã đưa ra một thỏa thuận về biểu phí mới, theo đó các hãng hàng không đã đồng ý áp dụng hai loại thuế hàng không bao gồm mức trần và mức sàn, trong đó giá ấn định cho loại thuế sàn là 4,000 rupiah và thuế trần là 7,500 rupiah. Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Thương mại Indonesia (the Indonesian Commission for the Supervision of Business Competition (KPPU))đã tiến hành điều tra và kết luận thỏa thuận này đã tạo ra một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhóm (cartel).
Liên quan đến vấn đề này, các hiệp hội cũng có khả năng tạo ra sự hạn chế cạnh tranh bằng việc đưa ra những điều kiện cho việc trở thành thành viên. Những quy tắc này thường liên quan đến việc kết nạp và khai trừ thành viên khỏi hiệp hội. Mục đích của những quy định này có thể nhằm ngăn chặn hoặc loại bỏ khỏi hiệp hội những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, dẫn đến việc những đối thủ cạnh tranh này không có cơ hội được hưởng những ưu thế và lợi ích của thành viên hiệp hội và do đó không có khả năng cạnh tranh một cách bình đẳng với những thành viên của hiệp hội. Hạn chế việc tham gia hiệp hội đối với những doanh nghiệp cạnh tranh mới có tác động tiêu cực đến cạnh tranh nếu hiệp hội có một vai trò quan trọng trong ngành nghề hoặc lĩnh vực cụ thể làm cho doanh nghiệp nói trên gặp bất lợi trong việc đương đầu với các thành viên hiệp hội.[17] Chẳng hạn, vào năm 2003, một hiệp hội bất động sản ở Hàn Quốc bao gồm 2000 doanh nghiệp ở tỉnh Hwamyung-dong, Busan quyết định hạn chế thành viên với lý do cho rằng sự gia tăng số lượng thành viên có thể làm giảm sút thu nhập của các thành viên hiện tại. Do đó, hiệp hội này đã quyết định tăng mức phí hội viên từ 300,000 won lên đến 3 triệu và cấm các thành viên của mình giao dịch với các doanh nghiệp không phải thành viên của hiệp hội. Kết quả là các doanh nghiệp không có khả năng gia nhập hiệp hội không có cơ hội tham gia vào những giao dịch liên kết về bất động sản, dẫn đến sự hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này.[18]
Thứ năm, các cá nhân và doanh nghiệp đều có quyền tự do tham gia vào hiệp hội cũng như các hoạt động trong khuôn khổ hiệp hội. Đây có thể xem như việc thực hiện các quyền tự do mà hiến pháp của các quốc gia đều công nhận, đó là quyền tự do lập hội (freedom of association)và tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến (freedom of expression). Chẳng hạn, Điều 9 của Hiến pháp Mexico 1917 khẳng định quyền tự do lập hội là một trong những quyền tự do cơ bản của con người, theo đó quyền tự do thành lập và tham gia các hiệp hội vì bất kỳ mục đích hợp pháp nào là không thể bị hạn chế. Kết quả là những hành vi như tham gia, trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan trong hiệp hội cũng như sự thống nhất, phối hợp hành động của các thành viên có thể biện minh là không vi phạm luật cạnh tranh dưới hình thức các thỏa thuận, cấu kết dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý cạnh tranh phải có cơ chế và biện pháp giám sát và đánh giá tính chất hạn chế cạnh tranh của những hành vi này.
4. Điều chỉnh hành vi của hiệp hội trong pháp luật cạnh tranh của một số nước và Việt Nam
Luật cạnh tranh/chống độc quyền áp dụng cho tất cả những cá nhân và pháp nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế, thương mại. Do đó, các quy định của luật cạnh tranh nhìn chung áp dụng không chỉ đối với các chủ thể quan hệ kinh doanh, thương mại, bao gồm các loại hình doanh nghiệp mà còn đối với tổ chức của các loại hình doanh nghiệp này là các hiệp hội thương mại, hiệp hội nghề nghiệp. Trên cơ sở nhận thức về vai trò và khả năng của các hiệp hội trong việc hình thành và duy trì các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh của nhiều nước có quy định về phạm vi áp dụng đối với các hiệp hội, trong đó xác định quyết định của các hiệp hội được xem là một dạng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Nhìn chung, luật cạnh tranh các nước nêu rõ việc áp dụng đối với các quyết định của hiệp hội. Chẳng hạn như Điều 101 Hiệp ước về hoạt động của Liên minh châu Âu (Treaty on the Functioning of the European Union – TFEU)quy định các quyết định của hiệp hội doanh nghiệp (decisions by associations of undertakings)sẽ bị cấm nếu như chúng làm phương hại đến thương mại giữa các quốc gia thành viên và có mục đích hoặc tác động ngăn chặn, hạn chế hoặc làm méo mó sự cạnh tranh trên thị trường liên minh. Theo quan điểm của Liên minh châu Âu, các hành vi của hiệp hội có thể dẫn đến khả năng tạo ra những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng (hardcore cartels).Về cơ bản, bất kỳ hành vi nào của hiệp hội cũng đều có thể dẫn đến sự hạn chế cạnh tranh:
Thứ nhất, việc xây dựng và thông qua các quy chế nội bộ (by-laws)của một hiệp hội có thể được coi như việc tạo ra những “thỏa thuận”, “hợp đồng” hay là sự “phối hợp” giữa các thành viên của hiệp hội có khả năng chịu sự điều chỉnh của luật cạnh tranh dưới hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang (horizontal restraint).[19]
Thứ hai, các quyết định, đề xuất hoặc những hành vi tương tự của hiệp hội có thể dẫn đến sự hạn chế cạnh tranh giữa các thành viên của hiệp hội với nhau. Theo các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ),[20] các quyết định của hiệp hội không nhất thiết phải chính thức hoặc có tính ràng buộc hoặc chúng phải được tuân thủ tuyệt đối mới được coi là vi phạm luật cạnh tranh, miễn là những quyết định đó có tác động một cách đáng kể đến cạnh tranh. Các quyết định hoặc đề xuất cũng không cần phải có sự chấp thuận một cách rõ ràng của các thành viên, thậm chí một sự hô hào hưởng ứng cũng có thể coi là vi phạm luật cạnh tranh, miễn là nó thể hiện ý định rằng thành viên này sẽ tuân chủ chúng.[21]
Ngoài ra, trách nhiệm của các hiệp hội trong trường hợp vi phạm luật cạnh tranh cũng có sự phân biệt với trách nhiệm riêng rẽ của các thành viên hiệp hội. Các hiệp hội phải gánh chịu trách nhiệm trong trường hợp có sự đề nghị, dàn xếp, hoặc thực thi một hành vi hạn chế cạnh tranh, tuy nhiên, các hiệp hội không chịu trách nhiệm này nếu như hành vi do các thành viên thực hiện một cách riêng rẽ mà hiệp hội không biết được về hành vi đó, chẳng hạn như trường hợp các thành viên lợi dụng những cuộc họp của hiệp hội để thực hiện hành vi như ấn định giá hoặc phân chia thị trường, khách hàng mà không có sự tham gia của hiệp hội. Điều này được làm rõ trong vụ Lysine Cartel và Citric Cartel. Trong hai vụ này, các thành viên hiệp hội đã lợi dụng các cuộc họp của hiệp hội để tiến hành ấn định giá và phân chia hạn ngạch (quota)trên toàn cầu.[22]
Bên cạnh những hành vi của hiệp hội có thể dẫn đến bị coi là hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang, một số hành vi của hiệp hội có thể tạo ra thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc trong trường hợp hiệp hội bao gồm các thành viên tham gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, bán lẻ, phân phối và bán sỉ, hoặc liên quan đến lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, khi hiệp hội từ chối mở rộng các lợi ích của thành viên hiệp hội cho những đối thủ cạnh tranh khác trong cùng ngành công nghiệp. Hiện tại, các cơ quan cạnh tranh châu Âu thường quan tâm đến những hành vi cấu thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của hiệp hội liên quan đến việc trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá; phân chia thị trường và khách hàng; thông thầu.[23] Những hành vi khác của hiệp hội cũng dẫn đến sự quan tâm về khả năng tạo ra sự hạn chế cạnh tranh, chẳng hạn như việc đặt ra các quy định để trở thành thành viên hoặc hạn chế sự tham gia vào hiệp hội nhằm loại trừ việc hưởng những lợi ích của thành viên hiệp hội đối với những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng hoặc những đối thủ cạnh tranh non trẻ; việc thu thập và trao đổi thông tin quan trọng về thị trường được thực hiện một cách không minh bạch và công khai dẫn đến cơ hội cho những hành vi thông đồng, cấu kết giữa các thành viên; việc đặt ra các tiêu chuẩn và chương trình chứng nhận có thể được sử dụng nhằm loại bỏ những nhà sản xuất hoặc sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh; cản trở quá trình thương mại hóa đối với các sản phẩm công nghệ chi phí thấp và hiện đại…[24]
Điều chỉnh hành vi của hiệp hội bằng luật cạnh tranh cũng được quan tâm ở nhiều nước. Chẳng hạn, Nhật Bản có các điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động của các hiệp hội. Chương III Luật về cấm độc quyền tư nhân và đảm bảo thương mại công bằng (the Japanese Act Concerning Prohibition of Private Monopolisation and Maintenance of Fair Trade)1947 sửa đổi năm 2005 có các điều khoản số 8, 8-2 và 8-3 quy định về các hiệp hội thương mại (trade associations).Theo Điều 8-(2), “hiệp hội thương mại” là bất kỳ sự liên kết hoặc liên minh của hai hoặc nhiều doanh nghiệp có mục tiêu chính là thúc đẩy các lợi ích chung. Theo đó, Điều 8 quy định nghiêm cấm các hiệp hội thương mại: tham gia vào những hoạt động làm hạn chế đáng kể cạnh tranh trong bất kỳ lĩnh vực thương mại nào; tham gia vào một thỏa thuận hoặc hợp đồng quốc tế mà trong đó có nội dung được coi là dẫn đến hạn chế thương mại hoặc bao gồm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; hạn chế đối với những doanh nghiệp hiện tại hoặc trong tương lai ở bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào; hạn chế một cách vô lý chức năng và hoạt động của các doanh nghiệp thành viên hoặc khuyến khích các doanh nghiệp thành viên thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.[25] Thêm vào đó, Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản còn ấn hành các hướng dẫn liên quan đến hoạt động của các hiệp hội thương mại. Luật Chống độc quyền Nhật Bản cấm một số hành vi cụ thể của hiệp hội ngay cả khi những hành vi đó không cấu thành yếu tố “làm hạn chế đáng kể sự cạnh tranh (substantial restraint of competition).Ngoài ra, Luật còn đưa ra những điều kiện để xem một hiệp hội là “hiệp hội thương mại” với mục đích của luật chống độc quyền.
Ở Canada, theo quan điểm của Cục Cạnh tranh (the Competition Bureau)thì do bản chất của các hiệp hội, đặc biệt là những hiệp hội có sự tham gia của những doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường tạo ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh, các hiệp hội có thể tự mình hoặc tạo cơ sở cho việc thực hiện những hành vi hạn chế cạnh tranh. Theo Luật cạnh tranh Canada 1985, các hiệp hội phải tuân thủ đầy đủ tất cả những quy định của luật này, mặc dù không có điều khoản cụ thể nào quy định giải quyết các vấn đề liên quan đến hiệp hội. Tuy nhiên luật có quy định một số điều khoản có liên hệ đến hoạt động của các hiệp hội, bao gồm điều chỉnh đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (chủ yếu là hành vi cấu kết và thông đồng); ấn định hoặc duy trì giá; những hành vi hạn chế thương mại, lợi dụng vị trí thống lĩnh hoặc hành vi gian dối. Những hành vi của các hiệp hội bị cấm bao gồm: các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng (hardcore cartel)bao gồm các dạng thỏa thuận về ấn định giá; thông thầu, ấn định quota, chia sẻ hoặc phân chia thị trường khách hàng, lãnh thổ, lĩnh vực kinh doanh; chia sẻ thông tin liên quan đến yếu tố cạnh tranh như về giá, chi phí, sản lượng hoặc doanh số…; thu thập thông tin về giá cả, thông số thị trường, năng lực và chỉ số đầu ra; các cuộc họp và lịch trình sinh hoạt thực hiện một cách không chính thức và thiếu minh bạch; các quy định liên quan đến thành viên hiệp hội như điều kiện trở thành thành viên; kết nạp và trục xuất thành viên dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp; phân biệt đối xử về lệ phí dẫn đến việc thay đổi về giá của các thành viên hiệp hội; hành vi quảng cáo có khả năng làm phương hại đến cạnh tranh lành mạnh… hoặc các quy tắc nội bộ của hiệp hội dẫn đến sự hạn chế về số lượng nhà cung cấp, hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp hoặc làm giảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Tại Hàn Quốc, trong những năm 1960s và 1980s, các hiệp hội kinh doanh (business associations)được thành lập với số lượng lớn dưới sự bảo trợ của chính sách định hướng phát triển công nghiệp của chính phủ Hàn Quốc, đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ. Các hành vi hạn chế cạnh tranh được điều chỉnh bởi Luật điều chỉnh sự độc quyền và Thương mại công bằng Hàn Quốc (Korea’s Monopoly Regulation and Fair Trade Act 1980, bổ sung gần nhất ngày 31/12/2004 (MRFTA). Luật này điều chỉnh một cách toàn diện các hành vi hạn chế cạnh tranh của hiệp hội. Điều 16(1)1 của MRFTA cấm các hiệp hội thực hiện các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh liên quan đến ấn định giá, điều kiện giao dịch, sản lượng, phân chia khu vực hoặc đối tác thương mại. Điều 26(1)3 cấm các hành vi của hiệp hội hạn chế một cách bất hợp lý các vấn đề kinh doanh hoặc hành vi của các thành viên hiệp hội lảm suy giảm cạnh tranh giữa các thành viên với nhau. Điều 26(1)2 cấm sự hạn chế về số lượng thành viên tham gia vào hiệp hội nhằm hạn chế hoạt động của những doanh nghiệp này trên thị trường.
Ở Hungary, Điều 11 Luật Cạnh tranh 1996, tương tự như Điều 101 Hiệp ước TFEU, áp dụng cho các quyết định của hiệp hội doanh nghiệp dưới hình thức các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trong trường hợp hiệp hội không tự mình tham gia vào các hoạt động kinh tế hoặc tài chính, hành vi của hiệp hội cũng có thể bị điều chỉnh bởi luật cạnh tranh nếu các thành viên là doanh nghiệp và quyết định của hiệp hội đưa ra được xác định là tạo ra sự hạn chế cạnh tranh. Trong trường hợp này, quyết định hạn chế cạnh tranh nếu như nó nhằm mục đích hoặc có khả năng thực tế làm hạn chế hoặc loại bỏ cạnh tranh giữa các đối thủ, sự tự do lựa chọn của người tiêu dùng hoặc trở thành yếu tố quyết định giá cả sẽ bị cấm mà không cần phải một quyết định là chính thức (formal).Thậm chí việc thể hiện ý chí hoặc mục tiêu một cách không chính thức, miễn là thể hiện ý định hạn chế cạnh tranh thông qua sự phối hợp hoạt động của các thành viên vẫn có thể bị xem là một vi phạm luật cạnh tranh mà không cần quan tâm đến kết quả thực tế của những hành vi đó.[26]
LCT Việt Nam xác định phạm vi áp dụng đối với hành vi của hiệp hội ngành nghề (Điều 2). Vấn đề này tiếp tục được khẳng định tại Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật cạnh tranh (Nghị định 116). Tuy nhiên, cả hai văn bản này đều không có thêm những quy định cụ thể liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh của hiệp hội. Điều này cho thấy không có sự tách bạch cụ thể nào giữa hành vi của hiệp hội với hành vi của các chủ thể khác là tổ chức, cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam). Chính vì vậy có thể hiểu các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, chủ yếu liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 8, có thể áp dụng tương tự cho hành vi của các hiệp hội.
– Những hành vi này của hiệp hội cũng đồng thời phải gánh chịu những biện pháp chế tài của luật cạnh tranh (Điều 117 LCT).
Cách quy định hiện nay của LCT cho thấy một số vấn đề đáng quan tâm sau đây:
Thứ nhất,LCT và Nghị định 116 không có quy định cụ thể về thế nào là “thỏa thuận” do đó dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khái niệm “thỏa thuận” cho trường hợp của hiệp hội. Những vấn đề cần phải quan tâm khi xác định có hay không một thỏa thuận như vậy là hình thức của thỏa thuận, hình thức thể hiện sự đồng thuận của các thành viên đối với thỏa thuận và hiệu lực pháp lý của các thỏa thuận. Trên thực tế, các thỏa thuận có thể bao gồm thỏa thuận do tất cả các thành viên hiệp hội đưa ra về một vấn đề nào đó và cũng có thể bao gồm những thỏa thuận đạt được giữa các thành viên hiệp hội trong khuôn khổ các cuộc họp của hiệp hội cũng như dưới sự bảo trợ của hiệp hội. Các thỏa thuận đó không nhất thiết phải tồn tại dưới hình thức văn bản mà có thể là không chính thức, thông qua việc bày tỏ sự tán thành, chủ động thực hiện…
Thứ hai, quy định tại hai văn bản nêu trên đều chỉ giới hạn ở phạm vi thỏa thuận, do đó không làm rõ được khả năng hạn chế cạnh tranh của các quyết định mà hiệp hội đưa ra như đã phân tích ở trên. Trong trường hợp này, việc áp dụng LCT là khó khăn trong trườnghợp hiệp hội bao gồm nhiều doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Những quyết định như vậy là một dạng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nếu mục đích của chúng là nhằm định hướng hoặc chỉ đạo các thành viên hiệp hội ấn định giá cả, phân chia thị trường/khách hàng, chỉ định hoặc thông thầu…, tạo ra khả năng hạn chế cạnh tranh. Ngoài ra, chúng còn có thể được coi là một dạng hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định tại Điều 13 LCT.
Thứ ba, hiện nay hoạt động vận động hành lang chưa được luật hóa, dẫn đến khó khăn trong việc xác định tính hợp pháp của hoạt động vận động do các hiệp hội tiến hành đối với quá trình xây dựng và thông qua chính sách và pháp luật của nhà nước cũng như cơ sở pháp lý để xử lý đối với những hành vi lợi dụng việc vận động hành lang để trục lợi cho hiệp hội hoặc tạo ra những tác động làm bóp méo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay, vai trò của hiệp hội trong việc xây dựng, thảo luận các dự án luật và chính sách là rất quan trọng, vì các hiệp hội hoạt động trong những lĩnh vực chuyên môn, đại diện cho lợi ích của các doanh nghiệp thành viên. Trong trường hợp đó, hoạt động đóng góp xây dựng dự thảo có tác động đến chính sách và pháp luật trong tương lai và về lâu dài.
Thứ tư, hiện chưa có các tiêu chuẩn và cơ chế cụ thể giúp đánh giá tác động của hành vi do hiệp hội thực hiện đối với cạnh tranh. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi lẽ các hành vi của hiệp hội ngoài khả năng đem lại hiệu ứng tiêu cực còn có thể có tác dụng tạo ra hiệu ứng tích cực đối với cạnh tranh. Vấn đề này cũng làm cho các cơ quan cạnh tranh phải xử lý nhiều khối lượng công việc hơn để đưa ra đánh giá chính xác hiệu ứng của các hành vi của hiệp hội đối với cạnh tranh.
Thứ năm,cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nayhiện còn gặp nhiều hạn chế về nhân lực và khả năng chuyên môn cộng với việc phải đảm nhiệm những công việc khác ngoài lĩnh vực cạnh tranh như chống bán phá giá, phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc về tổ chức và nhân sự với Bộ Công thương đã làm hạn chế tính độc lập và sức mạnh của cơ quan này trong việc điều tra, xác định và xử lý đối với những hành vi hạn chế cạnh tranh của hiệp hội, nhất là khi ở Việt Nam, các hiệp hội thường được lãnh đạo bởi các doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc bảo trợ từ phía cơ quan quản lý chuyên ngành.
Đây là những vấn đề đáng quan tâm và cần được nghiên cứu, bổ sung không chỉ đối với Luật Cạnh tranh 2004 mà còn đối với các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Kết luận
Nhìn chung, hoạt động của hiệp hội bao hàm cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Một trong những vai trò chính của các hiệp hội là nhằm mục vụ cho những mục tiêu hợp pháp,[27] những hoạt động của hiệp hội như việc chuẩn bị các nghiên cứu, thuyết phục chính phủ nhằm thu hút sự quan tâm đối với lợi ích riêng của ngành mình; xây dựng và phát triển các hướng dẫn nhằm tiêu chuẩn hóa sản phẩm; cung cấp các thông tin thị trường cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp trong hiệp hội có những quyết định đầu tư đúng đắn; phổ biến các thông tin liên quan đến thực tiễn hoạt động của hiệp hội… có tác dụng thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do tính chất là tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp đồng thời là những đối thủ cạnh tranh trên thị trường, hoạt động của hiệp hội có thể tạo ra những tác động tiêu cực đối với cạnh tranh. Chính vì vậy, hoạt động của hiệp hội cần phải được giám sát và điều chỉnh ở góc độ pháp luật cạnh tranh. Để làm được điều đó, pháp luật cạnh tranh nói riêng và pháp luật nói chung cần có định nghĩa cụ thể về hiệp hội, luật hóa các vấn đề về tổ chức và hoạt động cũng như có những quy định chặt chẽ về hành vi liên quan đến cạnh tranh của hiệp hội cùng với cơ quan quản lý cạnh tranh mạnh và có thực quyền. Bên cạnh đó, LCT hiện hành cần bổ sung các quy định để điều chỉnh hành vi của hiệp hội như: tổ chức, lôi kéo doanh nghiệp thuộc hiệp hội mình tham gia và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp này, ban hành các nghị quyết, quyết định nội bộ liên quan đến giá cả và sản lượng… Ngoài ra cần bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm của hiệp hội liên quan đến các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhằm cảnh báo, răn đe cũng như khuyến khích các hiệp hội tuân thủ đúng các quy định của pháp luật cạnh tranh. Đây chính là một trong những nội dung quan trọng nhằm hướng đến việc tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh ở Việt Nam hiện nay.
CHÚ THÍCH
[1] Organisation for Economic and Cooperation Development (OECD), ‘Trade Associations”, Roundtable Discussion 2007, tr. 7.
[2] Bryan A Garner, Black’s Law Dictionary, 8thed, Thompson West, tr. 133.
[3] Wikipedia, ‘Trade Association’ <http://en.wikipedia.org/wiki/Trade_association>; ‘Professional Association’ <http://en.wikipedia.org/wiki/Professional_association>.
[4] OECD, tr. 21.
[5] OCED, tr. 20-21.
[6] OECD, tr. 279-280.
[7] OECD, tr. 8.
[8] Xem Cục Quản lý Cạnh tranh “Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế 2010” tr. 129; VNEconomy, ‘Luật Cạnh tranh khoanh tay nhìn độc quyền’. <http://vneconomy.vn/20090306095723894P0C5/luat-canh-tranh-khoanh-tay-nhin-doc-quyen.htm>; Karen Ellis et al, Assessing the Economic Impact of Competition: Findings from Vietnam (2010), 3 <http://www.odi.org.uk/resources/download/4956.pdf >.
[9] Hội đồng cạnh tranh đã tuyên phạt với mức phạt tương đương 0,025% tổng doanh thu của năm tài chính 2007. Tổng số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, 19 doanh nghiệp này phải chịu phí xử lý vụ việc cạnh tranh là 100 triệu đồng. Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bản tin Cạnh tranh và người tiêu dùng, số 19-8/2010, tr. 13 <http://www.vca.gov.vn/Newsletters/BTCT_19_for_web.pdf>.
[10] .http://www.mhbs.vn/portal/mhbsfiles/others/56ca2f8d-401e-4e17-bc50-89e5b2ef75dd.pdf
[11] .http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/tinnhanhchungkhoan.vn/Dong-thuan-ha-lai-suat-ngan-hang-vi-pham-Luat-Canh-tranh/5036306.epi.
[12] Lucas Niedolistek, China’s State Administration for Industry and Commerce adopts its first cartel decision under the Anti-Monopoly Law in the concrete production sector, January 2011, e-Competitions, No34955, <www.concurrences.com>.
[13] OECD, tr. 120.
[14] Alison Jones and Brenda Sufrin, EC Competition Law – Text, Cases and Materials(Oxford University Press, 3rded, 2008) tr. 171.
[15] Lucas Niedolistek, ‘China’s State Administration for Industry and Commerce Adopts its first cartel decision under the Anti-Monopoly Law in the concrete production sector’ January 2011, e-Competitions, No34955, <www.concurrences.com>.
[16] Xem Nuovo Cegam[1984] OJ L99/29.
[17] Xem P. Watson and K. Williams, The Application of the EEC Competition Rules to Trade Associations, Yearbook of European Law 1998, tr. 121; P. M. Vaughan and B. A. Nigro Jr., ‘Membership’ (Chapter IV), trong American Bar Association, Section of Antitrust Law, Antitrust and Trade Associations: How TradeRegulation Laws Apply to Trade and Professional Associations,1996, tr. 55-66.
[18] OECD, tr. 143.
[19] Xem Quyết định của Hội đồng Châu Âu trong vụ National Sulphuric Acid Association, OJ 1980 L260/24; Visa International-Multilateral Interchange Fee, OJ 2002 L318/17.
[20] Chẳng hạn, Case C-96/82, IAZ international Belgium NV v. Commission, [1983] ECR 3369.
[21] Xem Quyết định của Hội đồng Châu Âu trong vụ Fedetab, OJ 1978 L224/29; về phúc thẩm vụ Van Landewyck SARL and Others v. Commission, [1980] ECR 3125; Xem them OECD, tr. 30.
[22] Xem P. E. Areeda, Conspiratorial Opportunity, Unexplained meetings, Furtive Behaviour, and Cover-Ups, in Antitrust Law – An Analysis of Antitrust Principles and Their Applications, Vol 7, đoạn 1417.
[23] OECD, tr. 31-33.
[24] Xem R. S. Taffet, ‘Antitrust and Product Standardization and Certification Activities’, trong American Bar Association, Section of Antitrust Law, Antitrust and Trade Associations: How Trade Regulation Laws Apply to Trade and Professional Associations, 1996, tr. 89.
[25] .http://www.apeccp.org.tw/doc/Japan/Competition/jpcom1-2009.pdf .
[26] OECD, tr. 119.
[27] OECD, A Framework for the Design and Implementation of Competition Law and Policy (WB and OECD, 2004) 35.
Tác giả: TS. Trần Thăng Long
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2014 (80)/2014 – 2014, Trang 36-47