Mục lục
Bản chất của tập trung kinh tế và kiểm soát tập trung kinh tế.
- Đề thi môn Luật Cạnh tranh và giải quyết tranh chấp – TUYỂN TẬP
- Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng chính sách khoan hồng theo luật cạnh tranh của một số nước trên thế giới và đề xuất bổ sung cho Việt Nam
- Hành vi hạn chế cạnh tranh của các hiệp hội ngành nghề
- Thông báo tập trung kinh tế trong Pháp luật Cạnh tranh
- Ứng dụng kinh tế học pháp luật – nghiên cứu, giảng dạy Luật Cạnh tranh
TÓM TẮT
Bài viết này phân tích bản chất của tập trung kinh tế, bản chất của kiểm soát tập trung kinh tế; từ đó đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật cạnh tranh Việt Nam. Kết luận chính được đưa ra là bản chất của tập trung kinh tế chính là tập trung quyền lực thị trường; bản chất của kiểm soát tập trung kinh tế là kiểm soát việc tập trung quyền lực thị trường được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, là một hình thức kiểm soát nhà nước đối với hoạt động của các chủ thể kinh doanh.
TỪ KHÓA: Tập trung kinh tế,
Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một trong những nội dung quan trọng đã được đề cập trong Đại hội lần thứ XI của Đảng[1] , nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều đó, việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh với vai trò được coi là trụ cột của pháp luật kinh tế công, là “Hiến pháp” của thị trường như cách ví von của các nhà khoa học là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay[2] . Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh được coi là một vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) Việt Nam đã ký kết Biên bản thảo luận cho Dự án Cải thiện khuôn khổ pháp lý cho luật và chính sách cạnh tranh, trong đó có nội dung quan trọng là giúp Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện sửa đổi Luật Cạnh tranh để luật phù hợp với bối cảnh các hoạt động kinh tế như hoạt động sáp nhập và mua lại ngày càng gia tăng[3] . Trong bối cảnh trên, việc nghiên cứu những cơ sở lý luận và thực tiễn, đóng góp ý kiến để hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT) là cần thiết và cấp bách.
Trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu bản chất của tập trung kinh tế, bản chất của kiểm soát tập trung kinh tế là cơ sở để đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật cạnh tranh Việt Nam.
1. Bản chất của tập trung kinh tế
Theo Điều 16 Luật Cạnh tranh năm 2004, TTKT là hành vi của doanh nghiệp bao gồm: 1. Sáp nhập doanh nghiệp; 2. Hợp nhất doanh nghiệp; 3. Mua lại doanh nghiệp; 4. Liên doanh giữa các doanh nghiệp; 5. Các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam không đưa ra định nghĩa TTKT mà sử dụng phương pháp liệt kê 4 hành vi TTKT cơ bản của doanh nghiệp và có dự liệu đến hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật nhưng chưa đưa ra dấu hiệu cụ thể của hành vi khác này.
Theo Từ điển Thuật ngữ kinh tế công nghiệp và luật cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tập trung (concentration) là tình trạng khi một số ít công ty thực hiện một khối lượng lớn hoạt động kinh tế trên thị trường dựa trên tổng doanh thu, tài sản hoặc lao động sử dụng. Ở đây có bốn góc nhìn đối với khái niệm tập trung: (i) tập trung tổng hợp thể hiện vị trí tương đối của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế để phục vụ cho phân tích kinh tế, chính trị và thống kê; (ii) tập trung công nghiệp hay thị trường thể hiện vị trí tương đối và mức độ quyền lực thị trường của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp hoặc thương mại để phục vụ cho kiểm soát chống độc quyền; (iii) tập trung tiêu dùng thể hiện thị phần của sản phẩm có một số lượng nhất định người mua trên thị trường và (iv) tập trung tài sản thể hiện xu hướng thay đổi của dòng tư bản trên thị trường chứng khoán[4] . Trong kinh tế học và trong khoa học pháp lý Việt Nam, khái niệm TTKT được xem xét chủ yếu như tập trung công nghiệp hay thị trường. OECD cũng đưa ra những gợi ý về khuôn khổ cho việc xây dựng và thực thi luật và chính sách cạnh tranh trong tài liệu A Framework for the Design and Implementation of Competition Law and Policy[5] . Trong tài liệu này có chương cụ thể liên quan đến TTKT dưới tên gọi Mergers(Sáp nhập), qua đây cho thấy cách tiếp cận phổ biến để kiểm soát TTKT trên thế giới không được gọi trực tiếp là kiểm soát TTKT như trong pháp luật Việt Nam mà thông qua các thuật ngữ kiểm soát sáp nhập, mua lại và gắn với khái niệm kiểm soát tập trung quyền lực thị trường (market power)[6] .
Trong Luận án Tiến sĩ khoa học pháp lý của mình Kovalkova M.V đưa ra định nghĩa chung về TTKT là việc thực hiện thông qua các thủ tục tổ chức lại hoặc hợp đồng quá trình tập trung các tài nguyên vật chất và quản lý để củng cố vị trí kinh tế của chủ thể kinh doanh đã tồn tại hoặc được tổ chức lại, dẫn đến việc chủ thể có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể khác hoặc ảnh hưởng đến thị trường liên quan[7] .
Luật mẫu về cạnh tranh của UNCTAD không đưa ra khái niệm tập trung kinh tế mà sử dụng thuật ngữ “sáp nhập và mua lại” (merge and acquisition) để chỉ tình huống khi giữa hai hoặc nhiều hơn các doanh nghiệp thực hiện hoạt động hợp pháp theo đó doanh nghiệp hợp nhất quyền sở hữu đối với tài sản mà trước kia được kiểm soát riêng biệt. Tình huống này bao gồm các hoạt động thâu tóm, liên doanh và các hình thức giành quyền kiểm soát khác, bao gồm cả việc chẳng hạn như có chung các giám đốc (interlocking directorates– được hiểu là việc một cá nhân kiêm nhiệm chức vụ quản lý ở nhiều doanh nghiệp khác nhau)[8] .
Nhìn nhận TTKT từ nhiều góc độ khác nhau và diễn tả nó bằng những thuật ngữ pháp lý khác nhau, song đa số các nhà nghiên cứu thống nhất với nhau về các đặc điểm của TTKT:
Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi TTKT là các doanh nghiệp[9] hoạt động trên thị trường. Các doanh nghiệp tham gia TTKT có thể là các doanh nghiệp hoạt động trong cùng hoặc không trong cùng thị trường liên quan. Đặc điểm phải có từ hai doanh nghiệp trở lên tham gia TTKT đã giúp phân biệt TTKT dưới góc độ pháp lý với TTKT dưới góc độ kinh tế (được hiểu là sự tăng trưởng nội sinh của một doanh nghiệp trên cơ sở tự mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của mình[10] ). Dấu hiệu chủ thể thực hiện hành vi TTKT là doanh nghiệp cũng giúp phân biệt TTKT với hành vi đầu tư vào doanh nghiệp của các cá nhân. Với vai trò là nhà đầu tư, các cá nhân có thể góp vốn vào nhiều doanh nghiệp và là chủ sở hữu của nhiều cơ sở kinh doanh nhưng việc góp vốn này theo pháp luật Việt Nam không phải là hành vi TTKT.
Thứ hai, TTKT được thực hiện dưới các hình thức nhất định theo quy định của pháp luật bao gồm: sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp. Đặc điểm này giúp khoa học pháp lý phân biệt TTKT với tích tụ tư bản là tăng thêm tư bản dựa vào tích lũy giá trị thặng dư, biến một phần giá trị thặng dư thành tư bản[11] . Một doanh nghiệp có thể tích tụ tư bản để có được vị trí đáng kể trên thị trường, song để điều đó xảy ra đòi hỏi một khoảng thời gian khá dài. Trong khi đó, TTKT cũng có dấu hiệu của sự tích tụ nhưng không phải từ kết quả kinh doanh mà từ hành vi của doanh nghiệp.
Trong hành vi TTKT dưới hình thức mua lại hoặc liên doanh, các doanh nghiệp thực hiện sự liên kết về sở hữu, trong đó chủ thể thực hiện việc mua lại nhằm mục đích sở hữu toàn bộ hoặc một phần tài sản/vốn điều lệ đủ để kiểm soát doanh nghiệp khác, làm thay đổi cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này; các chủ thể thực hiện liên doanh cùng nhau góp vốn vào doanh nghiệp chung. Đây là điểm khác biệt cơ bản của TTKT so với các hành vi hạn chế cạnh tranh khác như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bởi các hành vi này không dẫn đến thay đổi cơ cấu sở hữu cũng như tổ chức quản lý của doanh nghiệp.
Thứ ba, kết quả của TTKT là việc hình thành nên doanh nghiệp có sức mạnh thị trường, có năng lực cạnh tranh tổng hợp hoặc liên kết thành nhóm doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, từ đó làm thay đổi cấu trúc thị trường và tương quan cạnh tranh hiện có trên thị trường[12] .
Thứ tư, dựa vào những tiêu chí nhất định theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Nhà nước thực hiện việc kiểm soát hành vi TTKT của các doanh nghiệp.
Tìm hiểu quy định trong pháp luật và trong nghiên cứu khoa học pháp lý ở các nước trên thế giới, có thể thấy TTKT được tiếp cận chủ yếu từ khía cạnh giành quyền kiểm soát, quyền quản lý phát sinh từ quyền sở hữu tài sản, phần vốn góp. Như vậy có thể hiểu bản chất của TTKT là tập trung quyền lực thị trường[13] và việc tập trung này được thực hiện dưới các hình thức khác nhau nhưng đều có chung dấu hiệu là làm tăng khả năng duy trì giá cả trên mức giá cạnh tranh hoặc giảm chất lượng hoặc sản lượng xuống dưới mức cạnh tranh mà vẫn thu được lợi nhuận[14] .
Việc xác định bản chất của TTKT là tập trung sức mạnh thị trường sẽ là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi TTKT của doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến hành vi TTKT theo chiều dọc, TTKT dưới hình thức liên kết thông qua đội ngũ lãnh đạo, quản lý chung[15] và TTKT được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam.

2. Bản chất của kiểm soát tập trung kinh tế
TTKT được hiểu như hành vi của doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh, tự do thay đổi cơ cấu tổ chức, cơ cấu sở hữu. Việc doanh nghiệp thực hiện hành vi TTKT dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại thông thường được coi là biện pháp tổ chức lại doanh nghiệp hoặc hình thức đầu tư và được điều chỉnh bằng pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư[16] và pháp luật khác có liên quan.
Mặt khác, TTKT có thể dẫn tới việc hình thành các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn mạnh và có thể gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể[17] , bởi vậy nên Nhà nước phải thực hiện kiểm soát TTKT. Bản chất của kiểm soát TTKT được hiểu là kiểm soát việc tập trung quyền lực thị trường được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, là một hình thức kiểm soát nhà nước đối với hoạt động của các chủ thể kinh doanh[18] .Việc kiểm soát TTKT không có mục đích cấm đoán, hạn chế các hành vi TTKT mà nhằm để bảo vệ cạnh tranh, chống các hành vi hạn chế cạnh tranh – làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường.
Để bảo đảm không xâm phạm vào quyền tự do kinh doanh và bảo vệ cạnh tranh trên thương trường, các nhà lập pháp đưa ra các tiêu chí (ngưỡng) nhất định để kiểm soát TTKT và ngưỡng này về nguyên tắc chủ yếu phải dựa trên thước đo quyền lực thị trường.
Pháp luật cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu dựa vào thị phần của các doanh nghiệp liên quan để đánh giá quyền lực thị trường[19] và thống nhất lấy mức thị phần 30% làm thước đo để suy đoán quyền lực thị trường của (các) doanh nghiệp đó[20] . Pháp luật Việt Nam quy định về việc thông báo bắt buộc đối với các vụ TTKT khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia TTKT từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan. Các vụ TTKT có thị phần kết hợp trên 50% trên thị trường liên quan sẽ bị cấm trừ phi vụ việc đó được hưởng miễn trừ theo Điều 19 của Luật Cạnh tranh hoặc doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ khi nào các doanh nghiệp tham gia TTKT đạt đến ngưỡng thị phần pháp luật cạnh tranh đã quy định thì mới bị Nhà nước kiểm soát, còn nếu chưa đạt đến ngưỡng này có quyền tự do thực hiện hợp nhất, sáp nhập, mua lại, liên doanh theo quy định của pháp luật liên quan.
Ở các nước trên thế giới, tiêu chí chủ yếu được sử dụng để xem xét các vụ TTKT là thị phần kết hợp, tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp tham gia TTKT, tổng tài sản, cơ cấu thị trường, các mức độ tập trung trên thị trường, rào cản gia nhập và vị trí cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trên thị trường liên quan… Các tiêu chí này thể hiện trong các quy định của pháp luật cạnh tranh và có sự khác nhau ở mỗi quốc gia tùy vào điều kiện kinh tế – xã hội của các nước.
Tìm hiểu bản chất của kiểm soát TTKT giúp xác định các nội hàm cụ thể của pháp luật kiểm soát TTKT – bao gồm các vấn đề như: đối tượng kiểm soát, phạm vi kiểm soát, ngưỡng kiểm soát, cơ quan thực hiện kiểm soát và thủ tục kiểm soát thông qua thông báo TTKT. Pháp luật kiểm soát TTKT thể hiện rõ tính chất của pháp luật cạnh tranh là pháp luật công, nằm trong tổng thể các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Phương pháp điều chỉnh của pháp luật kiểm soát TTKT mang tính chất mệnh lệnh hành chính, bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện TTKT khi đạt đến ngưỡng thị phần nhất định phải thông báo TTKT. Thấy rõ bản chất của kiểm soát TTKT, có thể xác định vi phạm pháp luật kiểm soát TTKT về bản chất mang tính chất của vi phạm hành chính để từ đây có cách thức xử lý phù hợp.
3. Một số đề xuất hoàn thiện quy định về TTKT và kiểm soát tập trung kinh tế
Trên cơ sở xác định bản chất TTKT và kiểm soát TTKT như đã trình bày ở trên, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện các quy định liên quan trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam.
Thứ nhất, có thể đưa vào Luật Cạnh tranh hay Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh định nghĩa thể hiện bản chất của TTKT như sau: TTKT là hành vi của doanh nghiệp thực hiện việc tập trung quyền lực thị trường thông qua các thủ tục tổ chức lại hoặc hợp đồng tập trung các tài nguyên vật chất và quản lý để củng cố vị trí kinh tế của chủ thể kinh doanh đã tồn tại hoặc được tổ chức lại, dẫn đến việc chủ thể có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể khác hoặc ảnh hưởng đến thị trường liên quan.
Thứ hai, nếu đã xác định bản chất của TTKT là tập trung quyền lực thị trường thì cần mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của kiểm soát TTKT và cần bổ sung các tiêu chí để xác định ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế; cụ thể là: (i) mở rộng hình thức và hành vi giao dịch TTKT cần điều chỉnh (cần kiểm soát cả TTKT theo chiều dọc và các giao dịch như mua lại cổ phần của cổ đông thiểu số, mua tài sản…); (ii) xem xét kiểm soát các giao dịch TTKT được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam[21] ; (iii) bổ sung vào ngưỡng thông báo TTKT (bên cạnh tiêu chí về thị phần) tiêu chí về tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia TTKT (doanh nghiệp có thể dễ dàng cung cấp số liệu về doanh thu của các bên tham gia TTKT và ngưỡng thông báo TTKT theo doanh thu là phù hợp với kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong kiểm soát TTKT)[22] .
Thứ ba, cần xác định rõ chính sách cạnh tranh nói chung và chính sách kiểm soát TTKT nói riêng, trên cơ sở đó xác định và quy định rõ vai trò của cơ quan thực hiện việc kiểm soát TTKT. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, cơ quan thực hiện việc kiểm soát TTKT nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ để bảo đảm hiệu quả hoạt động và thực thi pháp luật của cơ quan này.
CHÚ THÍCH
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 37.
[2] Xem: Lê Ngọc Thạch, “Một số bất cập của pháp luật cạnh tranh hiện hành”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật Online, http://moj.gov.vn/tcdcpl/tintuc/Lists/PhapLuatKinhTe/View_detail.aspx?ItemID=369 .
[3] Nâng cấp luật và chính sách cạnh tranh Việt Nam, http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=518.
[4] Glossary of industrial organisation economics and competition law, OECD, 1993, www.oecd.org/dataoecd/8/61/2376087.pdf,
[5] .http://www.oecd.org/regreform/sectors/aframeworkforthedesignandimplementationofcompetitionlawandpolicy.htm. Tài liệu này đã được dịch sang tiếng Việt có nhan đề là Khuôn khổ cho việc xây dựng và thực thi Luật và Chính sách cạnh tranh, Nxb Chính trị quốc gia, 2004.
[6] Quyền lực thị trường hay còn gọi là sức mạnh thị trường là khả năng chi phối, tác động tới giá cả hàng hóa trên thị trường của doanh nghiệp. Quyền lực thị trường vì thế cũng chính là khả năng chi phối, tác động tới giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường của doanh nghiệp. Việc đo lường, xác định sức mạnh thị trường là khá phức tạp, cần sự hỗ trợ của các công cụ của kinh tế lượng và toán kinh tế. Nhìn chung, quyền lực thị trường của doanh nghiệp bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố về thị phần của doanh nghiệp trên thị trường, số lượng và quy mô của đối thủ cạnh tranh, các rào cản gia nhập hoặc rút khỏi thị trường… Trích theo: Nguyễn Văn Cương, Tiêu chí đánh giá tính cạnh tranh bất hợp pháp của một số nước và một số bình luận về Luật Cạnh tranh của Việt Nam, Nxb Tư pháp, 2006, tr. 15,16.
[7] .Ковалькова М.В., Государственный антимонопольный контроль в российском и американском праве: Сравнительно-правовой аспект, Дис.канд. юрид. наук. Ставрополь, 2005. (Kovalkova M.V., Kiểm soát chống độc quyền nhà nước trong luật Nga và Hoa Kỳ: từ góc độ so sánh luật, Luận án Tiến sĩ Luật, Stavropol, 2005).
[8] Nguồn: http://unctad.org/en/Docs/tdrbpconf7L2_en.pdf.
[9] Theo cách hiểu phổ biến của pháp luật cạnh tranh xuất phát từ Điều 2 Luật Cạnh tranh năm 2004, doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân kinh doanh. Việc cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi TTKT cần được xem xét thêm.
[10] Xem: Lê Viết Thái, Chuyên đề nghiên cứu về hành vi tập trung kinh tế, Đề tài nghiên cứu khoa học “Thể chế cạnh tranh tại Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam”, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Thương mại, 2005.
[11] Xem: Từ điển Kinh tế chính trị học, Nxb Tiến bộ, 1987, tr. 403.
[12] Xem: Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn, Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, Nxb Tư pháp, 2006; Nguyễn Ngọc Sơn, “Kiểm soát TTKT theo pháp luật cạnh tranh và vấn đề của Việt Nam”, Tạp chíNghiên cứu lập pháp, Số 79, tháng 7/2006.
[13] Chúng tôi nhấn mạnh.
[14] Xem: Hướng dẫn về sáp nhập theo chiều ngangcủa Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại công bằng Hoa Kỳ 1992 và Hướng dẫn của Cục Thương mại công bằng Anh về Đánh giá sức mạnh thị trường 2004(OFT 415).Trích theo: Lưu Hương Ly, “Đánh giá sức mạnh thị trường trong Luật cạnh tranh năm 2004”, http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/ThucTienPhapLuat/View_detail.aspx?ItemID=84.
[15] Pháp luật cạnh tranh Việt Nam chưa đề cập đến việc kiểm soát hình thức liên kết thông qua đội ngũ lãnh đạo, quản lý chung. Dạng TTKT này có khả năng xảy ra trong tương lai cùng với sự đa dạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường, và có thể gây hạn chế cạnh tranh ở mức độ nhất định hoặc làm gia tăng nguy cơ thỏa thuận giữa các doanh nghiệp sau khi tiến hành TTKT.
[16] Khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư năm 2005 quy định: “Nhà đầu tư được quyền sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh. Điều kiện sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh theo quy định của Luật này, pháp luật về cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
[17] Khoản 3 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 giải thích hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường và khẳng định TTKT là hành vi hạn chế cạnh tranh. TTKT rõ ràng làm giảm số đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Theo Thông báo 1999-2 của Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc, các vụ việc sáp nhập gây hạn chế cạnh tranh đáng kể hoặc sáp nhập gây hạn chế cạnh tranh là các vụ việc sáp nhập làm suy giảm cạnh tranh trong một khu vực thương mại cụ thể nhằm tạo ra hoặc củng cố điều kiện trong đó một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp nhất định tự do gây ảnh hưởng hoặc có khả năng tự do gây ảnh hưởng tới giá cả, sản lượng, chất lượng của sản phẩm, ảnh hưởng tới điều kiện thương mại. Trích theo: Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại, Kỷ yếu Hội thảo Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh, Tp. Hồ Chí Minh, 25-26/04/2005.
[18] Chúng tôi nhấn mạnh.
[19] Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh không đưa thêm quy định nào để hướng dẫn cụ thể hơn việc xác định quyền lực thị trường ngoài việc quy định cách thức xác định doanh thu, doanh số để xác định thị phần của doanh nghiệp.
[20] Việc lấy mức thị phần 30% làm ‘ngưỡng’ để áp dụng các quy định cấm trong Luật Cạnh tranh của Việt Nam được giải thích như sau: “mức 30% là mức đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và Pháp lệnh Bưu chính viễn thông hiện nay cũng đang sử dụng để xác định một doanh nghiệp có vị trí chi phối thị trường… một doanh nghiệp có thị phần trên thị trường liên quan đạt từ 30% trở lên sẽ bị coi là có vị trí thống lĩnh thị trường và cần phải được kiểm soát”– Xem: Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Cạnh tranh, tháng 4/2004, tr. 8 – 9.
[21] Khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh năm 2004 đã xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh là áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, vấn đề chỉ là thống nhất cách hiểu thế nào là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
[22] Ở đây chúng tôi thống nhất với những khuyến nghị của nhóm nghiên cứu trong Báo cáo Tập trung kinh tế 2012, trong Báo cáo rà soát các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, 2012./.
Tác giả: TS. Phạm Trí Hùng & ThS. Hà Ngọc Anh
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2014 (84)/2014 – 2014, Trang 19-23